Muốn thêm mấy mạng người nữa ư?

Mai Quốc Ấn

Đó là tiêu đề một status trên FB của Mai Quốc Ấn về vụ nổ súng ở Đak Nông, BVN mượn luôn làm tiêu đề chung cho loạt status, bài viết của nhà báo trẻ này và chuyển tới bạn đọc, đặng góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người nông dân ở Việt Nam hiện nay, đồng thời lôi cổ những kẻ khinh dân, phản dân, hại dân ra trước một "tòa án nhân dân" thực sự.

Bauxite Việt Nam

Nếu thêm một án tử thì…

Tôi đã xóa khá nhiều comment kiểu "Đầu thú mà vẫn bị xử tử. Đằng nào cũng chết thì bắn thêm nhiều người nữa" do đó là lối suy nghĩ tiêu cực và nguy hiểm. Nhưng vì sao có suy nghĩ đó thì có lẽ phải viết ra cho rõ trong trường hợp cụ thể vụ nổ súng Đak Nông.

Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng nổ súng vào đoàn cưỡng chế nhà nước vì bảo vệ đất mà ông ấy và gia đình khai khẩn.

Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình vào tận trụ sở ủy ban, phòng cán bộ địa chính bắn chết người cũng vì cho rằng thu hồi đất không đúng.

Trước khi Đặng Văn Hiến nổ súng, có 2 người dân đã chết vì Công ty Long Sơn đánh. Có một người bị chém "vạt đầu", thương tật 90%. Vô số người khác bị đánh nhưng không được chính quyền bảo vệ dù đã thông báo. Thậm chí, có cán bộ công an biến chất đánh dân vì dám tố cáo Công ty Long Sơn. Tôi viết cảnh báo 9 tháng trước khi nổ súng rằng dân trên ấy có nhiều người thắp hương ông bà trước khi đi rẫy vì xác định chuyến nào cũng là "chuyến cuối".

Xét đến cùng cũng vì bảo vệ đất, như 2 trường hợp trước đó!

Năm 2008, Công ty Long Sơn mới được tỉnh giao đất bằng cách chấm tọa độ trên bản đồ mà không đo đạc thực địa, nghĩa là trái quy định. Lịch sử vùng đất xảy ra nổ súng là vùng đồng bào Stiêng (có nghĩa trang cũ của người Stiêng) và dân nơi khác đến mua đất giấy tay từ giai đoạn 1998. Đến năm 2004, Đak Nông mới lập tỉnh. Dù được giao đất trái quy định song Công ty Long Sơn vẫn dùng lực lượng cưỡng chế trái phép bằng bạo lực với các bảo vệ không hợp đồng, có trường hợp dưới tuổi lao động (16 tuổi).

Một bạn đọc đã nhận xét: "Khi tác động một lực vào một đối tượng nào đó nó sẽ sinh ra một phản lực. Phản lực trong trường hợp này gây ra cái chết cho 3 người và bị thương nhiều người khác. Những người tạo ra phản lực trong trường hợp này rơi vào thế bị bức xúc quá mức chứ không phải họ chủ tâm làm điều xấu. Để răn đe và triệt tận gốc tình trạng như thế này cần phải diệt tận gốc mọi nguy cơ tạo ra lực để từ đó phát sinh ra phản lực. Tức là phải xử thật nặng Công ty Long Sơn và chính quyền địa phương. Có như thế mới hợp đạo lí và hợp lòng dân."

Hiểu gọn hơn, chính quyền địa phương vô trách nhiệm như thế, các hành động côn đồ của Công ty Long Sơn như thế thì tất yếu có phản kháng và bản án chỉ nặng đối với người phản kháng.

Nhưng xét đến cùng, những kẽ hở của luật đất đai còn bảo vệ những kẻ cướp đất bằng bạo lực hay bằng giấy tờ thì phản kháng sẽ còn diễn ra. "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!" - Maxx đã nói thế.

Hãy nhớ một điều, đất đai khi bị cướp có thể là nguyên nhân của "vạn cổ chi thù". Đã có 5 người chết: 2 người dân do bị bảo vệ Long Sơn đánh và 3 bảo vệ Long Sơn bị Hiến bắn. Thêm một án tử cho Đặng Văn Hiến chỉ là thêm một mũi tiêm thuốc độc về nghĩa đen. Nhưng cũng có thể đó là mũi tiêm thuốc độc theo nghĩa bóng vào suy nghĩ những người đã, đang và sẽ còn bị cướp đất trái pháp luật rằng "đằng nào cũng chết thì...".
Nhìn rộng hơn, có một điều cốt lõi mà chính thể cần nhận thấy: Vụ Đoàn Văn Vươn chỉ có một số bị thương. Vụ Đặng Ngọc Viết có một người bị chết. Vụ Đặng Văn Hiến có 3 người bị chết, 13 người bị thương. Nghĩa là thương vong tăng lên do mẫu thuẫn tăng lên.

Thể chế nói chung và chính sách đất đất đai nói riêng cần thay đổi để chấm dứt điều ấy chứ không phải chỉ để xử tử một kẻ giết người vì uất ức tích tụ, đã ra đầu thú, đã thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả, đã được gia đình nạn nhân xin giảm án.

Xử tử Đặng Văn Hiến sẽ có nhiều "Đặng Văn Hiến khác" nếu không thấy được cái gốc của vấn đề. Và theo nguyên lí này, xử nhẹ những kẻ cầm đầu Công ty Long Sơn sẽ còn những kẻ cầm đầu "công ty Long Sơn khác" . Và sẽ còn những "nạn nhân dự bị" như những người dân bị bảo vệ Công ty Long Sơn đánh, như 3 bảo vệ công ty này bị bắn chết.

Nói thẳng là tôi chưa thấy sự công chính, công minh trong phiên tòa sơ thẩm vụ nổ súng Đak Nông. Ví dụ án chung thân cho Ninh Viết Bình là cực nặng bởi Bình không trực tiếp giết người (tôi sẽ phân tích trong một bài viết khác) trong khi đó người cao nhất Công ty Long Sơn là giám đốc thì không có mặt trong vụ án, khác nào bỏ lọt tội phạm? Riêng 30 bảo vệ cùng tham gia tấn công trước cũng không được xét xử thích đáng…
Nhưng chưa thấy không có nghĩa tôi tin sự công chính, công minh sẽ mất đi! Công chính, công minh hay không thì trong lòng mỗi người tự thân đã có!

Chú thích ảnh: FB tôi có khá nhiều người làm trong hệ thống công quyền. Tôi hi vọng các anh chị nhìn người phụ nữ đang quỳ xuống, ràn rụa nước mắt và khản giọng: "Nhà báo nói với cán bộ cứu chúng tôi với!". Hàng chục người đã quỳ trước tôi như vậy và cùng đồng thanh như vậy. Tôi vừa chụp ảnh vừa đỡ họ dậy và khóc cùng họ nên tôi mong các anh chị khi thực hiện một quyết định công thì hãy hết sức công chính, công minh.

Để dân không phải khóc nữa!

Để không có những kết cục đau lòng nữa...

6-1-2018

Mạng người nào không quý?

Tòa sơ thẩm tuyên Đặng Văn Hiến án tử vì Hiến bắn chết 3 bảo vệ Công ty Long Sơn. Trước khi 3 bảo vệ này chết, đã có người chết vì bị Công ty Long Sơn cướp đất, đánh người. Có những người may mắn không chết nhưng thương tật suốt đời. Với tôi, mạng người nào cũng quý, miễn là họ không vi phạm pháp luật đến mức phải chết!

Tôi dĩ nhiên không chấp nhận hành vi tước đoạt 3 mạng người của Hiến dù đưa Hiến ra đầu thú. Nhưng tôi cũng không thể chấp nhận việc xâm hại tài sản, sức khỏe và tính mạng người khác mà các bảo vệ Công ty Long Sơn do Nghiêm Xuân Thiên Sửu cầm đầu gây ra. Càng không chấp nhận được cách chính quyền địa phương tại huyện Tuy Đức - tỉnh Đak Nông vô cảm: giao đất sai quy định (theo bản đồ, chưa đo đạc thực tế), được gọi điện báo tin "có đánh nhau to" trước đó nhưng không can thiệp kịp thời, thậm chí có cán bộ biến chất đã đánh dân khi dân lên tố cáo tội phạm…
Đơn thư lên xã, lên huyện, lên tỉnh đều rơi vào im lặng. Ngay cả Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình xuống tận nơi thị sát và ra chỉ đạo ngừng cưỡng chế mà sự việc đau lòng vẫn xảy ra. Nghĩa là địa phương có những cán bộ không coi quốc pháp ra gì.

Sự vô pháp ấy bị chỉ thẳng mặt trong cuộc họp an dân với đầy đủ ban bệ của ủy ban, mặt trận, công an, quân đội... Dân đã hỏi: "Nếu vợ ông mang thai và bị bảo vệ Công ty Long Sơn đánh tới chết thì ông có để yên không?". Vị Phó chủ tịch UBND huyện cúi đầu. Và đó chỉ là một trong rất nhiều vụ đã diễn ra trước ngày nổ súng.

Gặp nhiều người, nghe nhiều câu chuyện uất ức, nhìn từng vết sẹo lồi lên hay cái đầu bị "vạt" gần phân nửa vì rựa bén đã khiến tôi ám ảnh. Ngoài ám ảnh về nỗi đau của họ, tôi còn ám ảnh với câu hỏi của dân: "Nếu nhà báo rơi vào tình cảnh chúng tôi thì sao?".

"Nếu là mình, thì sao?" - tôi tự hỏi.

Nếu chính tôi bị vây bởi 30 người ném đá vào nhà làm tôi không thể xông ra cứu tài sản gia đình mình đổ mồ hôi tạo dựng, khiến chúng mất đi, tương lai vợ con mịt mờ... thì tôi có chống lại đám cướp ấy không?
Nếu ông già 94 tuổi bị 2 bảo vệ to khỏe lôi vào gốc cây để trở gậy đập vào ngực phun máu, giờ vẫn ho dốc vì đòn đau ấy là ông nội tôi thì tôi sẽ phản ứng ra sao?

Nếu người đàn bà mang thai 7 tháng đã "chết vì cưỡng chế của công ty" kia là vợ mình và những cú đạp thẳng vào cái bụng ấy diễn ra trước mặt mình thì tôi còn giữ bình tĩnh không?

Nếu một thời gian dài bị đánh đập và chứng kiến người thân bị đánh đập, nếu một thời gian dài bị cướp bóc và chứng kiến người thân bị cướp bóc, có súng trong tay và bắn giỏi, tôi sẽ làm gì?

Hôm qua có rất nhiều comment kiểu "ra đầu thú chi để giờ bị tuyên tử hình. Thà cầm súng bắn được thằng nào hay thằng ấy" - một lối suy nghĩ tàn nhẫn và ngu muội. Hãy đặt mình vào người thân của những người bị tước đi sinh mạng hay sức khỏe. Họ đâu có tội tình gì!

Trong phiên tòa sơ thẩm, có gia đình nạn nhân đã xin giảm án cho Đặng Văn Hiến. Nhà họ rất nghèo và cũng đau đớn vì mất con nhưng họ đã cư xử nhân văn hơn rất nhiều người kêu gọi công lí bằng máu người khác.
Khoa học chứng minh con người nào có suy nghĩ cũng từng nghĩ đến việc mình chết như thế nào và có ý định giết chết người khác ra sao ít nhất một lần trong đời. Nhưng rõ ràng những hung thủ giết người vẫn luôn là số rất rất ít.
Khi nảy sinh ý định tước đoạt mạng sống một ai đó, hãy nhớ cho, mạng người nào cũng quý. Kể cả là tước đoạt mạng sống bằng một phán quyết của tòa...

Muốn thêm mấy mạng người nữa ư?

"Nếu chính quyền vẫn bao che cho Công ty Long Sơn, súng sẽ còn nổ tiếp!" - nguyên văn trích lời người dân là câu mở đầu trong báo cáo gửi đến một chính trị gia rất lớn sau vụ nổ súng Đak Nông. Tôi nghĩ người đó cần biết chuyện gì xảy ra thay vì chỉ đọc báo cáo nội bộ.

9 tháng trước vụ nổ súng, tôi có viết bài về vụ bảo vệ Long Sơn tấn công một gia đình và chém "vạt đầu" ông Nguyễn Văn Thanh (xem ảnh, bài ở comment). Tôi có cảnh báo với một số nhà báo là sẽ có những điều kinh khủng hơn vì giữa rừng sâu ấy, làm một khẩu hoa cải từ ống nước chỉ 15 phút. Những tòa soạn tôi gõ cửa không đăng vì "chưa có gì xảy ra".

Hơn một năm trôi qua, hôm qua, tòa tuyên bị cáo Đặng Văn Hiến tội tử hình, Ninh Viết Bình bị chung thân. Đây là 2 hung thủ trong vụ án bắn chết 3 người, làm bị thương 13 người (số liệu ban đầu của các báo là 19 người) mà tôi góp phần vận động ra đầu thú.

Có thể tóm tắt sự việc như sau:

- Sau khi tách tỉnh từ Bình Phước và Đak Lak năm 2004, Đak Nông là một điểm nóng về tranh chấp đất đai. Riêng khu vực giáp Bình Phước - Đak Nông là siêu tranh chấp vì hồ sơ mà tôi có tính được ngót một tạ. Đây cũng là điểm nóng về tội phạm truy nã.

- Trước khi tách tỉnh, khu vực xảy ra nổ súng là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán đất khai hoang từ 1998 bằng giấy tay. Không thể trách người dân khi địa phương họ sống và canh tác có 10 không: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không địa chỉ, không bảo hiểm xã hội, không khai sinh, không khai tử, không CMND, không đăng kí kết hôn. Và không thứ 11 là không pháp luật, ở đây tôi nói mức độ từ tiểu khu đến xã, đến huyện, đến tỉnh. Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình là 2 trong số nhiều người dân tại huyện Tuy Đức - tỉnh Đak Nông bị bảo vệ Công ty Long Sơn tấn công hội đồng để phá điều, lấy đất. Các trường hợp nặng nhất gồm: một phụ nữ có thai bị đánh sảy thai, một người đàn ông bị chém "vạt nửa đầu", thương tật 90% , cụ già 94 tuổi bị đánh vào ngực phun máu tại chỗ... Hàng chục vụ xô xát lớn diễn ra còn những "vụ lẻ" như vụ nổ súng thì không đếm xuể.

- Người dân giáp Bình Phước, Đak Nông đã có đơn tố cáo Công ty Long Sơn (và một số công ty khác) hành hung song không được xử lí hoặc xử lí không nghiêm. Cá biệt, có ít nhất một trường hợp dân đã tố cáo một điều tra viên huyện Tuy Đức đánh mình vì dám tố cáo Công ty Long Sơn. CA xã, CA huyện đánh đập xong và bắt làm giấy cam kết không khiếu kiện. Người dân được mời lên làm chứng nếu nói do lỗi Công ty Long Sơn cũng bị đánh như vậy. Dân đã gửi đơn tố cáo lên CA tỉnh nhưng CA tỉnh không trả lời.

- Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã vào Tuy Đức, Đak Nông và chỉ đạo dừng hết mọi hoạt động cưỡng chế đất để xác minh nguồn gốc đất đai, đền bù. Tuy nhiên, Công ty Long Sơn do Nghiêm Xuân Thiên Sửu cầm đầu vẫn tấn công dân mà phớt lờ chỉ đạo này. Là công ty tư nhân nhưng Nghiêm Xuân Thiên Sửu và đồng bọn thực hiện cưỡng chế "thay" Nhà nước rất bài bản. Có giáp bảo hộ, gậy gộc và xe đá (để ném, khu vực này không có đá).

- Công ty Long Sơn sử dụng đa phần bảo vệ người dân tộc bản địa. Những người bị trấn áp là người dân tộc xứ khác đến (đa phần miền núi Bắc bộ). Nhà báo Hữu Danh vào đây tìm hiểu và tổng kết: Công ty Long Sơn dùng dân tộc trị dân tộc. Thực chất là dùng người Việt trị người Việt và đằng sau họ Nghiêm (một họ không thuần Việt) của kẻ chủ mưu là điều gì chưa rõ.

- Hiến và Bình nổ súng là quả. Những gì tôi vừa nêu trên đây là nhân.

- Tôi xin chỉ đạo của tòa soạn Dân Việt để báo liên hệ C45 đưa Hiến và Bình ra đầu thú. Không có chỉ đạo nào! Có người tốt đã nhắn tôi số tướng Hồ Sỹ Tiến. Tôi gọi ông Tiến và nói ý định đầu thú của Hiến và Bình lẫn lời nhắn của dân: "Đầu thú ở huyện Tuy Đức hay tỉnh Đak Nông thì (Hiến và Bình) chết chắc!". Sự việc sau đó tôi đã viết trên báo Công an nhân dân.

- Có một chi tiết rất hay là trước khi đưa Hiến về C45 phía Nam thì phải ghé lại trụ sở CA huyện Gia Nghĩa để làm một số thủ tục. Hiến sợ bị giao cho CA tỉnh Đak Nông nên nói sẽ cắn lưỡi tự tử, trinh sát C45 phải trấn an. Nếu hung thủ chết, vụ án sẽ khép lại! Và câu của dân về việc đầu thú tại CA huyện hay CA tỉnh sẽ "chết chắc" khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

- Khi trong rừng để đưa Hiến ra đầu thú, tôi nhận được chỉ đạo phải về ngay. Tôi đáp không thể về vì đang giữa rừng. Toàn bộ bài viết của tôi cũng được chỉ đạo không để tên tôi một cách khó hiểu. Trên mạng xuất hiện bài viết "Phóng viên Báo Dân Việt cổ xúy giết người". Bài thứ hai thậm chí vu khống tôi là Việt Tân đào tạo ở Thái 2 lần. Dư luận viên vào FB tôi chửi tôi lẫn gia đình tôi. Về họp, tôi bị đấu tố bởi 3 đảng viên của báo trong một cuộc họp không biên bản, một trong các nội dung đấu tố là "cổ xúy giết người" bởi bài viết ấy. Một đảng viên lớn tuổi gọi tôi là phản động và tôi đề nghị anh ta tố cáo tôi với công an để tôi có cơ sở kiện ra tòa tội vu khống.

- Tôi gửi nhiều báo cáo những công việc tôi làm qua mail lẫn thắc mắc việc tôi làm việc trên nguyên tắc quyền lợi của báo nhưng không có ai trả lời. Cuộc họp thứ hai tôi chứng minh hoàn toàn không có chỉ đạo bằng văn bản nào của Ban Tuyên giáo trung ương lẫn Bộ Thông tin truyển thông để cấm tôi viết như một sếp trong báo nêu ra. Riêng bộ thì hoàn toàn không có chỉ đạo miệng nào còn ban thì tôi không rõ.

- Đứa con nhỏ của Hiến thời điểm ấy 22 tháng, con của Bình khoảng 14 tháng và cần sữa. Tôi vận động được sữa và 200 triệu từ một tập đoàn để làm một cây cầu cho dân khu vực bị nổ súng nhưng rốt cuộc không ai thông qua vì "nhạy cảm" (Xin lỗi khi để cảm xúc chen vào, chỉ còn 2 người phụ nữ "mất chồng" và những đứa trẻ đỏ hỏn cần 2 hộp sữa/tháng mà "nhạy cảm" ư? Nhạy ccc ấy!).

- Tôi rời Dân Việt "êm thấm" bằng việc chấm dứt hợp đồng. Lời mời về ngày xưa như gió thoảng còn tình cảm của tôi dành cho một số người làm báo tử tế tại đây vẫn vẹn nguyên. Tới giờ tôi vẫn đùa rằng Bộ Công an "nợ" tôi một tấm bằng khen và cái phong bì khen thưởng vận động đầu thú. Làm điều đó (đưa Hiến ra đầu thú) vì mong cầu cái gì ngoài tình người thì không phải tôi rồi!

Tối qua, sau khi tòa tuyên tử hình Hiến, nước mắt tôi tự nhiên chảy ra như hôm tôi khóc với bà con ở bến đò Đak Ngo, như lúc Hiến ôm con lần cuối trước khi lên xe C45 về bộ.

Viện kiểm sát Đak Nông luận tội các bị cáo thật đanh thép, lời tuyên tử hình cũng rõ ràng trong phiên sơ thẩm. Nhưng cái cách tuyên án ấy nhanh đến đáng sợ (xem phân tích của luật sư ở comment). Nó trái ngược với việc trả hồ sơ vụ bảo vệ Công ty Long Sơn chém "vạt đầu" đến chục lần để điều tra lại.

Không lên Đak Nông dự phiên tòa xử Hiến không phải vì tôi sợ ai, ngại gì mà thực sự là tôi bận và không còn đủ tiền vì phải mua một số thứ cho mấy trại cô nhi theo kế hoạch từ trước. Nếu thời gian có quay lại, tôi vẫn sẽ vận động Hiến, Bình ra đầu thú. Chỉ khác là tôi sẽ nói thêm: "Chưa chắc sẽ không có án tử nhé!".

Tôi là một người viết không có phe nào ngoài Nhân dân, Tổ quốc. Tôi ghi chép lại những chứng cứ tôi có. Tôi chống Đảng, tôi bảo vệ Đảng, tôi không nên đưa Hiến ra đầu thú, tôi có trách nhiệm về việc đưa Hiến ra đầu thú, tôi nên để mặc Hiến bắn thêm vài người nữa... là những ý kiến đám đông comment, bao gồm cả DLV lẫn "dân chủ giả cầy" áp vào tôi trong hơn một năm nay. Tôi không chịu trách nhiệm về những ý kiến ấy.

Tôi tin sẽ có một buổi xét xử đủ thời gian và chi tiết hơn lẫn bản án công minh hơn vào phiên phúc thẩm vụ nổ súng Đak Nông. Và tôi cũng tin chỉ làm tròn trách nhiệm nhà báo, trách nhiệm công dân và trên hết là trách nhiệm một con người thôi đã rất rất khó. Chỉ có Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và những người dân đã khóc trong ngày Hiến ra đầu thú mới có quyền nói tôi đã cố hết sức chưa.

"Muốn thêm mấy mạng người nữa ư?" là câu trả lời tôi lặp đi lặp lại suốt hơn một năm nay với nhiều người yêu cầu tôi phải thế này, thế kia. Nay chỉ xin nói lại với status toàn cảnh vụ việc này.

P/s: Ngay cả cái báo cáo nói trên tôi cũng chẳng có xu nào từ Đảng và Chính phủ nên mấy bạn "dân chủ giả cầy" đừng chụp mũ tôi là an ninh, lính của thượng tướng công an Bùi Văn Nam nữa nhé. DLV thì bảo Việt Tân, "dân chủ giả cầy" lại nói an ninh. Cuối cùng chỉ thấy "phe" Nhân dân với đầy đủ nghĩa viết hoa là sáng suốt và độ lượng thôi.

4-1-2018
Nguồn: https://www.facebook.com/quocan.mai

Cuộc đầu thú kì lạ và đẫm nước mắt

Bị can Đặng Văn Hiến và bị can Ninh Viết Bình trong vụ án nổ súng tại Đak Nông làm 3 người chết vào ngày 23-10-2016 đã ra đầu thú. Đó là một cuộc đầu thú rất kì lạ và đầy nước mắt. Ban đầu dân rất nghi ngờ nhà báo. Sau khi tiếp xúc và tạo được lòng tin, họ bắt đầu kể....

Máu đổ nơi đất đỏ

Người dân xã Đak Ngo, xã Quảng Tín - huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông và xã Đak Nhau, xã Đường 10 - huyện Bù Đăng - tỉnh Bình Phước đa phần biết nhau. Lí do là khi lập tỉnh mới, tên Đak Nông nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đak Lak vào năm 2004 về mặt hành chính còn thực tế dân cư đã đến đây từ trước đó. Trước khi nổ súng, Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình cũng được bà con ở các xã này biết đến.

Ngày 25-10, hai ngày sau vụ nổ súng, tôi vào Đak Ngo một mình. Từ TP HCM đến hiện trường vụ án phải đi 180 km. Trong đó có khoảng 20 km đường băng qua rẫy điều, qua sông Bé chảy xiết, vượt những con dốc đứng và sương mù. Riêng muỗi ở đây thì nhiều vô kể. Dù giữa trưa nhưng vào bóng râm thì tôi vẫn gửi lại vài giọt máu cho bọn chúng mỗi ngày. Nhờ có một người dân địa phương dẫn đường và giới thiệu rằng "anh này không phải người của Công ty Long Sơn" nên dân ở đây bớt sự cảnh giác.

Họ kể cho tôi nghe rất nhiều. Và khi tôi hỏi đến các cái tên liên quan vụ án, người dân im lặng. Tôi thuyết phục họ rằng nếu đầu thú thì sẽ hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Một người dân nói bâng quơ: "Đầu thú ở huyện Tuy Đức với tỉnh Đak Nông thì chẳng ai dám đâu...".

Tôi biết "cơ hội" đã đến nên nói ngay: "Nếu bà con tin tôi, tôi sẽ báo cáo cơ quan để liên hệ Bộ Công an cho các đối tượng đầu thú. Tôi cũng sẽ liên hệ với luật sư vì người nghèo để hỗ trợ pháp lí cho họ". Người dân nhìn tôi rồi nhìn nhau. Tôi để lại số điện thoại và nói: "Nếu bà con liên hệ được với các đối tượng thì hãy nhắn lời của tôi. Tôi hứa sẽ giúp họ hết sức".

Tôi đến nhà Đặng Văn Hiến. Ngôi nhà tồi tàn nằm chơ vơ giữa rẫy. Hai con chó nằm im vì đói. Bà Nguyễn Thị Khải (56 tuổi, dân địa phương) cho biết Hiến là một người "hiền như đất", chỉ biết làm và làm để nuôi vợ và hai con. Hiến không hút thuốc và cũng chẳng uống rượu bao giờ. Ngôi nhà có rất nhiều vết đá ném, một tấm vách gỗ trên gác nằm dưới đất vì Hiến đạp văng ra và nổ súng. Bà Khải nói nhiều tờ báo viết sai vì khoảng 5 giờ sáng công ty đã bắt đầu san ủi, trời mưa rất to và Hiến bị 34 người bao vây căn nhà chứ không phải 28 người.

Tôi rời Đak Ngo trên chiếc thuyền sắt nhỏ có gắn dây ròng rọc do người kéo. Chủ thuyền tên Dũng cũng là một người dân từng bị đánh, bị bắn. Vết sẹo trên thân anh, nơi chân anh khiến tôi không dám nhìn lâu. Trước đó, vợ anh kể về chiếc cầu qua sông bị "người của công ty đốt", về trận đòn khiến chị văng cả đứa con 4 tháng tuổi xuống đất...

Kế hoạch đón bị can

Khoảng 11 giờ trưa ngày 26 -10, một người phụ nữ (xin giấu tên) gọi cho tôi. Chị nói về Đặng Văn Hiến, chị cứ nhắc đi nhắc lại câu "con giun xéo mãi cũng oằn" khi nói về lí do nổ súng của Hiến. Tôi trấn an chị và hứa sẽ gọi lại cho chị sau khi báo cáo cơ quan và liên hệ Bộ Công an. Khi ấy tôi đang trên xe khách về TP HCM.

Sau khi báo cáo xong, tôi gọi điện cho thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an. Tướng Tiến nói nếu đối tượng ra đầu thú là rất tốt và có 2 phương án: "Nếu đối tượng đã rời địa phương thì đến Bộ Công an khu vực phía Nam đầu thú. Nếu đối tượng vẫn còn tại địa phương thì C45 sẽ cử trinh sát lên đón".

Chiều tối cùng ngày, tôi làm việc với thượng tá Lại Quang Huấn, Phó phòng Trinh sát C45 và trình bày những điều mình biết. Tuy nhiên, khi anh Huấn đề nghị tôi cung cấp số điện thoại của người phụ nữ đã gọi điện báo tin thì tôi từ chối: "Dạ thưa anh, báo chí tụi em có một nguyên tắc là bảo vệ nguồn tin. Em sẽ hỏi ý kiến của họ rồi báo lại anh". Anh Huấn có vẻ bực trước sự "bướng" của tôi. Bất ngờ điện thoại đổ chuông. Nguồn tin gọi.

Tôi nghe điện thoại và cho biết mình đang ở Bộ Công an và báo cho chị ấy biết kế hoạch đón Hiến ra đầu thú. Tôi cũng nói với chị tôi đã thuyết phục luật sư Nguyễn Kiều Hưng của Hãng luật Giải Phóng sẽ hỗ trợ cho Hiến về pháp lí. Hai lần tôi đề nghị chuyển máy cho chị gặp thượng tá Huấn nhưng chị từ chối vì "chỉ muốn nhờ nhà báo chuyển lời thôi". Tôi nói: "Công an có nghiệp vụ của họ và việc chị nói chuyện với anh Huấn cũng là giúp Hiến đấy". Anh Huấn nói chuyện với nguồn tin của tôi nhẹ nhàng và cho chị ấy cả 2 số điện thoại của anh.

Đêm đó, nguồn tin của tôi báo cho anh Huấn vào giữa khuya rằng Đặng Văn Hiến quyết định ra đầu thú. Trong đêm, tôi và đồng nghiệp Hữu Danh cùng luật sư Kiều Hưng xuất phát trước, lúc 20h30 và đến ngã tư Bom Bo lúc 0h30. Một đồng nghiệp khác tên Hứa Phương xuất phát cùng thượng tá Huấn lúc 3h sáng. Đêm đó tôi không ngủ vì ho đến gập cả người vì trận mưa rừng quái ác hôm trước. Dân địa phương gọi là "ngã nước" (một dạng trúng phong hàn). Nhiều người đã ra đi vĩnh viễn vì ô yên chướng khí khi khẩn hoang ở nơi có tiếng súng nổ...

Đầu thú trong nước mắt

Tôi cùng hai đồng nghiệp Hữu Danh, Hứa Phương và các trinh sát hẹn gặp lúc 5h sáng ngày 28-10-2016. Ăn sáng qua loa xong chúng tôi chạy đến điểm hẹn với nguồn tin. Tại đây, những chiếc xe máy được quấn xích để chở chúng tôi đến nơi đón Hiến.

Vượt qua những con dốc đứng và trời mờ sương, chúng tôi đến bến thuyền kéo bằng dây ròng rọc. Qua đò xong thì người dân đã chờ sẵn. Chúng tôi đi bộ chừng 2 km vào rẫy điều. Chỉ cho các trinh sát những thân điều bị chặt, bị đốt, người dân khẳng định: "Đây là hậu quả của Công ty Long Sơn gây ra!". Chúng tôi lại đi tiếp đến một khu đất khác cỏ cây um tùm và có một ngôi nhà hoang. Hiến tự bước ra khi chúng tôi đến.

Không có cảnh trấn áp, không có cảnh còng tay. Một số trinh sát đứng lại, chỉ có hai cảnh sát bước đến nói: "Hiến cứ bình tĩnh ngồi nghỉ đã!". Một trinh sát hỏi Hiến có muốn hút thuốc cho bình tĩnh không thì Hiến từ chối vì "em không biết hút đâu!". Nhiều người dân hôm đó cũng nói Hiến không hút thuốc, uống rượu.

Và Hiến bật khóc ngon lành khi được cán bộ vỗ vai hỏi: "Hiến có đói không?". Hiến không đói mà chỉ muốn nói. Nói trong nước mắt. Hiến vừa nói vừa khóc. Bà con đi cùng để dẫn đường cũng khóc. Câu chuyện của Hiến cũng là nỗi lòng của họ. Bị lấy đất, không đền bù hoặc đền bù không thỏa đáng, cây cối đến kì thu hoạch bị ủi ngã, nhà cửa bị đập phá, bản thân và gia đình bị đánh đập. Rạng sáng đó Hiến muốn xông ra cứu vợ nhưng "người ta" không cho. Hiến quyết định liều mạng...

Hai cán bộ trinh sát ngồi cạnh Hiến cũng mắt đỏ hoe. Tôi tin họ tìm thấy "điều gì đó" trong câu chuyện của Hiến.

Hiến được đề nghị bịt mặt bằng khẩu trang và lên đường. Trên đường đi, qua những con dốc đứng mà xe máy chở ba không thể chạy nổi, Hiến cùng người áp giải mình phụ đẩy xe lên dốc. Nhìn họ, tôi nghĩ đến những nông dân giúp nhau đẩy xe trên đường vào rẫy mà tôi gặp vài ngày trước khi đến hiện trường...

Đến nơi có người họ hàng ôm con chờ Hiến, tiếng khóc dậy lên xung quanh tôi. Khi Hiến ôm hôn con, đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi và hỏi: "Sao con không nói gì với bố? Sao con không nói gì với bố vậy?". Những người phụ nữ đen nhẻm vì lao động khóc nức nở, những người đàn ông tay chân to bè mắt đỏ hoe. Và tôi thấy một chiến sĩ trinh sát quay mặt lau nhanh giọt nước mắt...

Khi mẹ nuôi của Hiến ôm con trai ở bến đò xã Đak Ngo - huyện Tuy Đức - tỉnh Đak Nông, Hiến nói: "Đáng lẽ hôm nay là ngày chở vợ con về nhà các cụ chơi. Vậy mà...". Tiếng khóc lại vang lên. Đầy ám ảnh!
Ra đến xã Đak Nhau - huyện Bù Đăng - tỉnh Bình Phước thì người dân nơi này lại ra ôm Hiến. Dân cả hai nơi hứa sẽ lo cho vợ và hai con của Hiến.

Cũng trong ngày Hiến đầu thú, đã thấy nhiều cái ôm, nhiều bàn tay nắm lấy tay Hiến. Có nhiều người nghe Hiến đầu thú đã lội rừng cả chục km để tiễn Hiến. Tôi hỏi: Hiến có muốn nói lời gì trước khi đi đến cơ quan điều tra không? Hiến nói bằng giọng dân tộc lơ lớ: "Không biết nói gì đâu. Chỉ mong vợ nuôi 2 con nên người tử tế. Mong bà con giúp đỡ vợ".

Khi Hiến hôn con trước khi các trinh sát C45 lái xe đưa đi, nước mắt tôi tự nhiên lại chảy ra...

Mai Quốc Ấn
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/Cuoc-dau-thu-ky-la-416599/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn