Putin chẳng khó gì để tái cử nhưng tương lai dân tộc Nga vẫn bất định


Trần Huỳnh Duy Thức
(Thư gửi Lê Thăng Long - Thư 102C, phần 9)

Mấy hôm rồi truyền thông rình rang về việc Putin tuyên bố tranh cử tiếp một nhiệm kỳ Tổng thống Nga. Hy vọng là ông ấy đã nghiên cứu kỹ các bài học lịch sử và đương đại trước khi ra quyết định này, nhất là câu chuyện còn nóng hổi của Mugabe.

Tôi rất thích nước Nga, người Nga. Họ thành thật và tốt bụng, nhưng đất nước họ hàng trăm năm rồi chưa bao giờ thoát được sự chuyên chế. Tuần rồi tôi đọc tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần số 45 (19/11/2017). Viết về sự qua đời của nhà văn nổi tiếng Mikhail Zadornov của Nga hôm 10/11/2017. Bài báo có trích dẫn một câu nổi tiếng của ông ấy về nước Nga và người Nga: "Chúng ta là những người kỳ lạ. Chúng ta muốn sống như mọi người, nhưng cùng lúc lại cố không giống những người còn lại. Tất cả các dân tộc sử dụng các phương pháp dân chủ để đấu tranh cho tương lai của mình, chỉ có chúng ta chiến đấu với quá khứ của mình. Và điều đáng kinh ngạc là chúng ta luôn chiến thắng" (trang 34). Đã từ lâu, tôi cho rằng dân tộc Nga vẫn ở trong một sự ngộ nhận vĩ đại.

Dân tộc Nga vĩ đại nên không muốn mình phải giống ai khác dù hay ho và thành công đến đâu. Có thành công thì cũng phải là cách của họ, không chấp nhận sự thành công theo cách của dân tộc khác. Tính cách này làm cho chủ nghĩa dân tộc rất dễ bám rễ chắc và trở thành bệ đỡ cho những kẻ làm chính trị chuyên chế. Và để lấy được sự ủng hộ của dân chúng, những kẻ này luôn nêu cao tinh thần phủ định và đối đầu với những sự vĩ đại khác, đến mức phủ nhận luôn những quy luật tự nhiên của Tạo hoá mà những dân tộc khác phát hiện và công bố cho nhân loại sử dụng. Ông còn nhớ câu chuyện nhà bác học Nga Mendelev được cả thế giới ngưỡng mộ và chào đón vì phát hiện ra những quy luật tuần hoàn của các nguyên tố hoá học, nhưng lại bị ngờ vực, ghẻ lạnh và đề phòng bởi chính Sa hoàng ở ngay trong nước của mình không? Chẳng qua tại cha hoàng đế vĩ đại này (Nicolas gì đó quên mất rồi 🙂) cho rằng nhà bác học đang đi theo xu hướng của phương Tây. Vì vậy mà nền khoa học công nghệ Nga tụt hậu vào thời kỳ này dù đầy những nhà khoa học giỏi giang. Đến thời Xô viết thì nhận ra được giá trị của khoa học công nghệ nhưng lại cự tuyệt kinh tế thị trường vì cho rằng đây là cách thức tư bản chủ nghĩa. Thực ra kinh tế thị trường là quy luật tự nhiên, chẳng thuộc về ai cả, dù là con người, dân tộc hay phương này hướng nọ. Rồi đến thời Putin, nhận ra là không thể không kinh tế thị trường nhưng lại cự tuyệt bảo vệ trên hết QCN (Quyền Con Người) để xã hội vận động tự do – là điều kiện tiên quyết để kinh tế thị trường vận hành. QCN và vận động tự do cũng là quy luật tự nhiên – là bản chất của một nền dân chủ thực chất chứ chẳng phải dân chủ phương Tây phương Đông gì. Nhưng chỉ cần quy cho quy luật đó là một cái gì đó không phải của mình thì người Nga sẵn sàng ủng hộ cho sự ngộ nhận chết người đó. Putin chẳng khó gì để tái cử nhưng tương lai dân tộc Nga vẫn bất định. 

(Hết phần 9 thư 102C, còn tiếp)

T.H.D.T.



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn