Trung tâm Minh triết lên mười (2007-2017)

Nguyễn Khắc Mai

Trung tâm Minh triết từ khi thành lập đến nay là tròn 10 năm. Lên mười là một chặng đường quan trọng nó khẳng định sự tồn tại đã trải thời gian tính đủ một  “thập can”. Lên mười, nó đã trải 10 lần cái quy trình xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm(*), đông tàng, một quy trình làm lụng thu thập, tàng chứa, như văn minh nông nghiệp chỉ rõ. Lên mười, Trung tâm đã liên tục cố gắng với nhiều hoạt động đa dạng của mình. Báo cáo này sẽ không theo lối biên niên, liệt kê thành tích, hoạt động trong mười năm qua mà sẽ trình bày bốn vấn đề được coi như hiệu ứng xã hội mà Trung tâm đã đóng góp. Trước khi đi vào chi tiết, chúng tôi xin trích lại đây phần đầu của Báo cáo đã trình bày tại Hội nghị ở Liên hiệp Hội bàn về Phương hướng thành lập và Hoạt động của Trung tâm Minh triết vào năm 2007.

I.ý tưởng tìm học Minh triết

Cách đây đã hơn 20 năm, trong mấy bài viết: “Ngàn năm Viên Chiếu một ánh Thiền” (Văn nghệ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học), “Tư tưởng hòa bình của Nguyễn Trãi” (Giác ngộ), tôi ngày càng càng chú ý tới những tư tưởng rất cô đọng của tiền nhân và nghiệm thấy đó là những chân lý có tính phổ quát. Như trong Tham đồ hiển quyết có một mệnh đề: “Người dột (lậu nhân) thì (mình) biết trú đâu”, đó là triết lý nền tảng về nhân quyền. Hay như câu của Nguyễn Trãi bàn về nhạc: “…Làm sao cho trong thôn cùng, xóm vắng không còn lời hờn giận, oán sầu”, Nguyễn Trãi nói ý tưởng về nhạc, mà cũng là lý tưởng về một cuộc sống hài hòa với mình, với xã hội và với thiên nhiên. Khi nghiên cứu những bài học của Đông Kinh Nghĩa Thục, cái ý nghĩ rằng xã hội chưa áp đặt lên não trạng của nhà cầm quyền đương đại cái hồn mạch của Chân-Thiện-Mỹ, để những minh triết của ông cha, được tiếp nhận nghiêm túc, chân thành, khiến một triết lý của Đông Kinh Nghĩa Thục:

Á Âu chung lại một lò,
Đúc nên nhân cách mới cho là người.
chỉ như là một tiếng trống thoảng ngoài tai!

Nhiều lần tôi từng nghĩ cái trọng lực Việt Nam không rơi đúng chân đế, thành ra “chân xiêu, chân vẹo”, như thể người mắc chứng tâm thần đi, đứng vậy. Khi thiên hạ nhấn vào bản sắc văn hóa Việt như ẩm thực, tà áo dài và vô vàn thứ khác nữa, mà không cùng nhau đi tìm cái “bản lai diện mục” của mình trong cái cốt tủy chiều sâu hơn như là chuỗi gen Việt, chúng ta chỉ phác họa đươc cái diện mạo, cái profil bên ngoài.
Hay như khi nhìn vào cái thiết chế chính trị xã hội của ta hôm nay, tôi thường có ba điều băn khoăn, trăn trở.

Một là cái tư tưởng “Vô vi cư điện các”. Đây là tư tưởng lớn, một thách đố lớn của [không chỉ](**) hôm nay, mà còn của cả ngàn năm tới. Tư tưởng ấy xuất hiện khi quốc gia Đại Cồ Việt ra đời với một ý chí Đại Hành. Con cháu trong cả ngàn năm đã thi hành cái đạo vô vi ấy thế nào và vi phạm như thế nào. Cái vô vi hiện đại phải là gì? Phải chăng chúng ta đang bất chấp cái “vô vi” để đối xử với con người, với dân và với xã hội.

Hai là trong cái thể chế hiện nay của chúng ta, có thật thấm đượm tinh thần Thiền học thân dân của đời Trần”. Bậc nhân chủ (ngày nay là người cầm quyền được bầu cử dân chủ) phải lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình, lấy ý của thiên hạ làm ý của mình”. Cách nào để không được đem cái ý riêng của một nhóm áp đặt vào cộng đồng, vào xã hội?

Ba là tư duy của Ngô Thì Sĩ đã được Phan Huy Chú tâm đắc dẫn lại (trong Lịch triều hiến chương loại chí): “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”. Nhớ lại khi đọc bài của tôi trên Tuổi trẻ, Ivo Vasiljev (Tiệp Khắc) nhân sang dự 100 năm sinh nhật Hồ Chí Minh, hỏi: “Đạo thánh hiền thì tôi hiểu, còn đạo đời thường nghĩa là gì?”. Tôi bảo “Người nông dân cần có ruộng cày phải trả lại ruộng cho nông dân, người thợ thủ công cần xưởng thợ phải trả xưởng cho họ, nhà buôn cần cửa hàng, nhà trí thức cần tự do tư tưởng… Phải xử lý những vấn đề ấy theo đạo Đời thường”. Ivo gật gật bảo “Tôi hiểu, tôi hiểu!”.

Câu hỏi khôn nguôi của tôi là: Tại sao trong xã hội ta hiện nay, người ta thích làm trái khoáy? Tôi nghĩ rằng cái “lũ làng” Á Đông, đồng văn với ta theo “Bắc đạo”, như Nhật, Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, chúng đi vào hiện đại không trái khoáy như ta. Cả cái bọn đồng chủng “Nam Đạo” như Malaysia cũng khá thuận chiều, không bị gãy khúc như ta. Phải chăng có một Đạo (quy luật) của các dân tộc châu Á khi đi lên hiện đại là phải tổng hợp và tích hợp cho đặng cái Văn hóa Á Âu trong cái lò hiện đại ấy, mà đúc nên cái nhân cách hiện đại của mình. Có ai dám bảo Ta đã làm xong cái đúc kết ấy, cả nhóm “Quốc” chưa làm xong, mà cả nhóm “Cộng” cũng chưa làm được. Có phải đây là cái gánh mà lũ “thất phu” phải “hữu trách” chăng? Rồi chúng tôi nhớ tới một cái “chức”, một cái phận mà Tao Đàn thời Lê Thánh Tông đặt ra là chức Sái phu. “Sái” là quét dọn, hầu hạ, “phu” là người đàn ông lớn tuổi, là phu phen, (như sĩ phu). Chúng tôi tự nguyện làm những sái phu để hầu hạ điếu đóm, liên lạc giúp các bậc thức giả trong một công cuộc chỉ có thể là công quả của một tập thể mới nên, như công việc nghiên cứu và truyền bá Minh triết Việt này.

Còn có vô vàn lý do khác nữa, đều đúng đắn, chí lý, chí tình để tìm tới công chuyện nghiên cứu Minh triết Việt. Chúng tôi nghiệm thấy rằng triết lý hoặc triết học của Việt Nam không dày như của thiên hạ. Nhưng một dân tộc lập quốc cả ngàn năm, đang đi vào hiện đại, chắc chắn nền minh triết là sâu thẳm. Bởi không có tủy làm sao có hệ thần kinh cao cấp, để duy trì làm cho con người là con người. Việt Nam là một quốc gia-dân tộc Á Đông, Đông phương. Việt Nam và Đông phương không triển khai tư tưởng theo hướng từ Sophia đến duy lý, mà trước sau, phổ biến đều khẳng định hướng minh triết. Có phải vì thế mà nhà Đạo học Cao Xuân Huy sáng tạo ra thuât ngữ Chủ toàn và Chủ biệt để nói lên cái đặc biệt ấy?

Tôi có điều ngờ rằng, một thời gian dài, những trí thức duy vật khuynh tả của chúng ta đã làm chủ dư luận, ban đầu thì chịu ảnh hưởng của khuyng hướng choáng ngợp trước văn minh Phương Tây và về sau thì bị một triết thuyết duy lý hớp hồn, khiến đã quay ra gieo rắc một thái độ coi thường Minh triết Việt, như thể là một cụ già, quê mùa lẩm cẩm…

Báo cáo ấy còn nêu vấn đề: “Minh triết từ thuật ngữ đến khái niệm. Thử bàn nội hàm Minh triết Việt và đề xuất góp vào nghiên cứu minh triết”, với hai nhận định.

1) Tại sao khi bắt đầu Thời kỳ Độc lập, quy tụ các sứ quân thành quốc gia, nước được đặt tên vừa Đại, vừa Cồ; vua được tôn hiệu là Đại Hành. Chủ thuyết trị nước là “Vô vi cư điện các”. Cái nước Việt phải “lớn”, phải “đại hành”. Qua cả ngàn năm, cái minh triết ấy vẫn còn giá trị. Ý nguyện và năng lực Cồ, ngày nay lại càng bức bách, để đua tranh để tồn tại, để phát triển trong thế toàn cầu hóa, mà xu thế “chư hầu hóa” vẫn còn diễn ra. Lũ con cháu hiện đại đã không hành xử “đại hành”, mà nhỏ nhen, đã không vô vi cho thuận lòng người, thuận quy luật, thuận thời thế, nên đã dẫn đến ly tán, bất an.

2) Có một quy luật đã được nhận ra là, một Dân tộc chậm tiến, muốn phát triển lên trong thời hiện đại phải thực hiện cho bằng được một quá trình mà chúng tôi xin gọi là “Trạng thái văn hóa Phục hưng”. Các dân tộc đi sau không thể lặp lại “Thời Phục hưng”, nhưng phải thưc hiện cho bằng được trạng thái văn hóa phục hưng. Có ba quá trình đồng thời: a/ Tổng kết các giá trị văn hiến cổ truyền của Tổ tiên để tiếp nhận; b/ Thâu thái văn hóa, văn minh nhân loại; c/ Tích hợp vào Dân tộc để có tố chất và năng lực hiện đại. Vì thế cái cảm quan của Đông Kinh Nghĩa Thục “Á Âu chung lại một lò / Đúc nên tư cách mới cho rằng người” thật là minh triết. Thiên hạ, nhiều dân tộc đã thực hiện được cả ba quá trình đó trong thế kỷ XX. Chúng ta phải nỗ lực làm trong mấy chục năm đầu của thế kỷ XXI này.

Trong Văn minh tân học sách có một khẩu hiệu: “Chỉ phải đi nhanh lên mà thôi!”. Đó là sự sống gấp của các bậc trí giả đương đại. Chúng tôi nhắc lại mấy ý tưởng lúc mới khởi xướng Minh triết để thấy rằng niềm vui lên mười thật đáng giá.

II. Bốn hiệu ứng, Trung tâm Minh triết đã góp phần:

A. Phạm trù minh triết đã có ngôi vị

Ngày nay phạm trù minh triết đã được sử dụng trong phổ ý nghĩa rất phong phú đa dạng. Thuật ngữ minh triết đã được sử dụng nhiều trên sách báo. Từ cái nghĩa chỉ một phẩm trí tuệ cao, cho đến nghĩa của một nhân cách đạo đức của con người, minh triết còn được nhận thức như một phạm trù của triết học. Minh triết Đông phương, minh triết Tây phương (Tác phẩm triết học của Bertrand Russel), minh triết ứng dụng, kinh tế minh triết… Khi đề cập đến những phẩm chất triết mỹ trong một lĩnh vực nào đấy đã thấy xuất hiện khái niệm minh triết. Như Thiền minh triết Trần Nhân Tông, hoặc Minh triết ẩm thực Việt. Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều nhà trí thức còn chất vấn minh triết là cái quái gì, hoặc sao không dịch hai tiếng wisdom và sagesse là thông tuệ v.v. Có một trí thức ở nước ngoài về bảo nói minh triết, tôi không hiểu, nhưng nói sagesse thì tôi biết ngay!

Trung tâm Minh triết góp vào hiệu ứng ấy bằng một số hoạt động có ý nghĩa học thuật. Trung tâm đã mời gọi nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở Hà nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh. Đã xuất bản hai đầu sách tập hợp những bài nghiên cứu của nhiều tác giả về lĩnh vực này.

B. Đưa việc nghiên cứu những giá trị minh triết của tiền nhân vào chiều sâu

Trung tâm coi việc nghiên cứu và truyền bá những giá trị minh triết của tiền nhân là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản.

1. Nâng cao giá trị Kê minh thập sách, một giá trị văn hóa lớn về 10 chính sách trị nước an dân của Bà Bích Châu, một vị nhân thần, ngày nay đang được thờ ở Kỳ Anh Hà Tĩnh. Trung tâm đã vận động dựng bia Kê Minh ở Đền; đã tổ chức nhiều hội thảo để nghiên cứu, vinh danh Bà tại Hà Nội và Hà tĩnh; đã phối hợp với NXB Phụ nữ phát hành sách Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và ngôi đền thiêng bên cửa biển. Hoạt động này của Trung tâm góp phần quảng bá một giá trị văn hóa rất giàu tính nhân văn và tinh thần thân dân của tổ tiên. Hơn nữa đã giúp vào việc đề cao một cơ sở tâm linh và văn hóa địa phương. Nhiều nhà nghiên cứu coi Kê minh thập sách như một áng “hùng văn”. Lịch sử văn học đã từng có Chiếu dời đô, thơ Nam quốc, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô, Sớ thất trảm, nay có thêm Sách Kê minh. Chiếu thơ hịch cáo, sớ, sách, một hệ thống những giá trị minh triết giữ nước và dựng nước!

2. Trung tâm có sang kiến khởi xướng và liên tục thực hiện nghiên cứu và truyền bá những giá trị của Đông Kinh Nghĩa Thục. Càng đi sâu càng thấy giá trị to lớn và rất cập nhật của một chiến lược cứu nước của tiền nhân hơn 100 năm. Kỷ niệm [Đông Kinh Nghĩa Thục] 100 năm, rồi 105, rồi 110 năm (1907-2017). Đây là vấn đề lớn ở tầm quốc gia, mà chúng ta phải tiếp tục cổ vũ nghiên cứu học hỏi.

3. Tổ chức nghiên cứu và kỷ niệm đối với triết gia Lương Kim Định. Nhà triết học Trần văn Đoàn đánh giá ông có một cái đầu cao hơn hẳn về triết học cũng như tinh thần dân tộc. Ông xứng đáng được tôn vinh như người tiên phong mở đầu nghiên cứu Minh triết Việt, người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tìm tòi khám phá lâu đài Minh triết Việt.

4. Tổ chức nghiên cứu nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa và được dư luận hoan nghênh.
- Đưa tư tưởng “Biển Đông” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Biển Đông vạn dặm giang tay giữ,
Đất Việt muôn năm vững trị bình.

vào phổ thang giá trị minh triết về một tư tưởng địa chiến lược rất thời sự của Việt Nam hôm nay. Trên cơ sở đó hình thành Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông với nhiều hoạt động. Tổ chức Tôn vinh những tác giả có công trình xuất bản về chủ quyền biển đảo của VN. Mở đầu việc nghiên cứu và kỷ niệm cuộc chiến vinh danh chiến sĩ Hải quân VNCH trong trận bảo vệ Hoàng Sa trước cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nghiên cứu và vinh danh chiến sĩ Gạc Ma. Trao phù điêu ghi lời của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho Cảnh sát Biển trong chiến dịch chống Giàn khoan HD981 của Trung Hoa gây hấn và cho nhiều ngư dân cũng như các nhà khoa học có hành động tiêu biểu về biển đảo.

- Tổ chức nhiều sinh hoạt học thuật nghiên cứu và tìm học về cổ văn hóa, cội nguồn văn hóa Việt, cội nguồn Kinh Dịch, về chữ Việt cổ…

- Tổ chức biên tập và xuất bản Nhà Triệu - mấy vấn đề lịch sử, được dư luận xã hội và giới học thuật hoan nghênh. Đã góp phần phê phán và đính chính những ngộ nhận về Kỷ Nhà Triệu cũng như vai trò Triệu Vũ đế trong lịch sử Việt Nam.

- Tổ chức nghiên cứu đề tài văn hóa trong Dự thảo Hiến pháp. Đây là một công trình đáng để giới học thuật tham khảo, sẽ biên tập để cho xuất bản.

5. Tổ chức trang mạng Thôn Minh triết (http://thonminhtriet.com) làm nhiệm vụ thông tin và liên lạc học thuật. Thôn Minh triết cần được cũng cố nâng cao đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Chúng tôi dùng chữ cũ kỹ, cổ kính, như trong Thôn có giáp Văn bàn tư tưởng, triết học; có giáp Chính bàn vấn đề Đạo trị nước cổ truyền liên hệ đến hiện đại; có giáp Kinh bàn về những tư tưởng kinh tế của tiền nhân, nhất là những giá trị vẫn còn kim nhật kim thì; Có Thôn dân giới thiệu những hành vi minh triết trong xã hội. Tuy nhiên do nhiều yếu kém và hạn chế, nên ý tưởng ấy chưa được thực hiện có kết quả mong ước.

C. Đoàn kết, tập hợp cộng tác viên, củng cố và phát triển Trung tâm

Trong mười năm qua, Trung tâm đã có những hoạt động có kết quả đáng mừng, điều quan trọng nhất là nhờ Trung tâm đã đoàn kết và tập hợp đông đảo cộng tác viên, những người hợp tác và giúp đỡ một cách thiện nguyện với Trung tâm, vừa cả trí lực, tâm lực và cả tài lực. Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng cảm tạ sự đóng góp nhiều cho Trung tâm của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, KS tin học Ngô Sĩ Thuyết, bà Phạm Thị Loan Tập đoàn Việt Á. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Trung tâm Lý học Đông phương, Viện SENA, Viện VIDS, Trung tâm Khoa học Tư duy. Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân tới Đoàn Chủ tịch UBTW Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Nhân dịp này Trung tâm quyết định tôn vinh 04 tác giả và dịch giả những công trình có ý nghĩa tiêu biểu về Minh triết:

- PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng với Công trình Công nghệ nuôi biển.
- Nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy với cụm tác phẩm về Văn hóa Cổ Việt.
- Dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng với công trình Minh triết Phương Tây, tác phẩm triết học của Bertrand Russel.
- Nhà nghiên cứu Bùi Hữu Giao với tác phẩm Hành trang đời người (đã phát hành 49.000 bản trong mấy năm vừa qua.

Hoan hô và cảm tạ những người bạn đồng hành cùng Minh triết!

III. Những nhiệm vụ trước mắt

Vào năm 2018, và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tập trung vào ba chủ đề như đã trình bày:
- Tiếp tục nghiên cứu học hỏi và truyền bá giá trị Minh triết Đạo trị nước Việt Nam;
- Phối hợp với Trung tâm Khoa học Tư duy nghiên cứu có bài bản về Tư duy Minh triết;
- Nghiên cứu và thông tin về Kinh tế Minh triết;
- Tiến hành tổ chức nghiên cứu Văn hóa Cổ Việt;
-Nâng cao chất lượng của trang http://thonminhtriet.com;
- Kiếm tìm những giải pháp tích cực củng cố và nâng cao chât lượng và hieụ quả hoat động của Trung tâm.

N.K.M.
__________
(*) BBT BVN xin sử dụng từ “thu liễm” thay vì “thu thập”.
(**) Trong quá trình biên tập chính tả, BBT BVN bổ sung cụm từ “không chỉ”.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn