Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chủ trương: “xã hội hóa việc nâng cấp, tu bổ, quy tập các liệt sĩ về nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên”?




Hồi ức rất thực dưới đây của nhà văn Phạm Viết Đào hẳn làm chúng ta ai nấy đều thương tâm, không cầm được nước mắt. Nhưng... không khéo mà câu chuyện lại trở thành phản tác dụng. Chúng tôi nói thật đấy. Vì, nếu như cái lũ mà dư luận từ mấy hôm nay gọi là “những kẻ đang trở thành xác chết” mà biết rõ đầu đuôi tin này, nắm được tinh thần của dân chúng khắp từ Nam chí Bắc muốn cấp bách xã hội hóa để mau chóng xây dựng Nghĩa trang Vị Xuyên thành Nghĩa trang liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược thì lòng dạ chúng sẽ phớn phở còn gì cho bằng. Vừa không phải xuất công quỹ ra một đồng nào lại vừa có lý do để tiếp tục biến cái nghĩa địa ở Yên Trung mà chúng đã lo toan vun vén và ban lệnh hẳn hòi thành ngôi mộ chung to đẹp đàng hoàng cho cả bầu đoàn thê tử của chúng (có quy định chồng hay vợ là cấp cao mà ngoẻo thì kẻ đối ngẫu cũng được chôn theo). Quan trọng hơn thế, nếu như rồi đây việc xây Nghĩa trang Vị Xuyên khiến “ông anh” họ Tập nổi trận lôi đình, tư công văn sang ra lệnh phết cho mỗi chú dăm roi vì dám xây nghĩa trang cho những kẻ ngang nhiên đối đầu với quân đội “thiên triều”, thì đã có chứng cớ rành rành là thằng dân bất trị chúng tự xây chứ lũ thần đâu có dám trái lệnh.


Rồi mà xem, cụ Tổng sẽ gật ngay tắp lự việc xã hội hóa này chứ không ngậm hạt thị như khi đi vào úy lạo Formosa thấy dân Hà Tĩnh than trời vì cá chết trắng bãi đâu nhé.

Bauxite Việt Nam


Nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã lên Hà Giang, nhưng chỉ thấy mỗi ông Trương Tấn Sang đến thắp hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên Hà Giang; các ông TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng và gần đây là TT Nguyễn Xuân Phúc đã vi hành Hà Giang nhưng không đến viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên... Chắc sợ Trung Quốc không cho vay tiền?

Trong chuyến công tác, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang 9/9/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra chủ trương xã hội hóa việc tôn tạo, tu bổ và quy tập các liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên từ 1979-1990:

Trong chuyến công tác tại tỉnh và viếng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã cho chủ trương: Nâng cấp, tu bổ, tôn tạo, tiếp tục quy tập các liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Đề nghị Hà Giang tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa khi triển khai thực hiện nâng cấp, tu bổ, tôn tạo, tiếp tục quy tập các liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên…” (Xem ở đây).

Bộ Trưởng Bộ LĐTB&XH và lãnh đạo tỉnh thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Đình Anh - Hồng Duyên


“Đồng thời, tỉnh Hà Giang triển khai xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên theo hướng kết hợp và công tác xã hội hóa. Các Cục, Vụ trực thuộc Bộ cần thực hiện tốt công tác phối hợp với tỉnh để triển khai công tác tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên đạt hiệu quả” (
Xem ở đây).

Liên hệ những thông tin do báo chí đưa về chủ trương của Bộ LĐ-TB phát chính thức với lãnh đạo tỉnh Hà Giang 9/9/2016 với thông tin: “Sáng 1.2, UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội), rộng 120 ha, đã được Thủ tướng phê duyệt, để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước…”, người viết nói riêng, các CCB và đồng bào Hà Giang nói chung không khỏi ngậm ngùi, se thắt về 2 dòng thông tin nghịch lý này…

Là người đã vài chục lần lên Vị Xuyên Hà Giang, lần đầu tiên quãng tháng 3/1985, sau khi nhận được thông tin của đồng đội báo, tôi đã đánh đường lên tận thị xã Hà Giang để tìm kiếm thông tin về sự hy sinh của chú em liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh trong trận 12/7/1984.

Hồi đó do tôi đang công tác tại Fafilm Việt Nam, nên tôi đã tìm đến rạp chiếu bóng Hạ Long ở trung tâm thị xã Hà Giang, ở và nhờ anh em tìm đường đưa tới đơn vị của chú em là C2, D1, E 876 và F 356…

Đơn vị chú em hồi đó đang đóng quân ở dốc Mã Tin, cách trung tâm thị xã Hà Giang quãng 2 km. Hai ngày lưu trú tại Hà Giang tôi đã được chứng kiến sự khốc liệt của mặt trận này qua lời kể của anh chị em ở rạp Hạ Long và đồng đội của chú em tôi, cả tiểu đoàn D1 chỉ còn lại 2-3 người có biết về trận 12/7/1984… Cả tiều đoàn 1 gần như bị xóa sổ…

Riêng E 876, F 356 hiện thông tin chính thức cho biết trên 600 liệt sĩ hy sinh trong trận 12/7/1984, thiệt hại nặng nề nhất là D1 của chú em tôi. Tôi lên nơi Tiểu đoàn 1 trú quân, đa phần là lính mới, chỉ kịp ăn bữa cơm trưa, hỏi chuyện anh em được hơn 1 tiếng đồng hồ rồi tìm cách chạy về thị xã Hà Giang vì vừa hỏi chuyện, vừa ngồi ăn vừa nghe pháo Trung Quốc bắn ầm ầm…

Cách đó vài hôm theo anh em kể lại: trong bữa ăn trưa, pháo Trung Quốc câu trúng 1 mâm cơm khiến 4 chiến sĩ ta hy sinh. Anh em sau đó thu thập hài cốt được đúng một bát thịt đem chia đều cho 4 ngôi mộ. Câu chuyện do mấy đồng đội của chú em tôi kể khiến cho tôi gai hết cả người không nuốt nổi bát cơm và ám ảnh tôi suốt mấy chục năm nay…

Theo đồng đội thì: chú em tôi cũng đã “ăn” đúng 1 quả DK của Trung Quốc dài 1,2 m; khói súng tan đồng đội chỉ nhìn thấy một cái hố sâu hoắm, một cái thắt lưng và chiếc mũ cối và khẩu AK quăn nòng… nơi chú ẩn nấp.

Anh em ở rạp chiếu bóng Hạ Long cho biết: Sau ngày 12/7/1984, suốt năm đêm liền xe chở thi hài bộ đội ta từ cửa khẩu Thanh Thủy, cách thị xã Hà Giang quãng 20 km, về nghĩa trang xã Đạo Đức, nơi trở thành Nghĩa trang Quốc gia bây giờ để chôn cất…

Thế nhưng gần đây, tôi đã kiểm đếm 1700 ngôi mộ tại Nghĩa trang Đạo Đức Vị Xuyên, tôi chỉ thấy có gần 100 tấm bia ghi tên và không tên các liệt sĩ hy sinh trận 12/7/1984. Trận này theo nhiều nguồn tư liệu, trong đó có nhà thơ Ngọc Bái, quê Yên Bái, thời gian đó anh là cán bộ tuyên huấn của Quân khu 2 cho biết: Trận 12/7/1984, bốn Trung đoàn xuất trận đã hy sinh quãng 2000 bộ đội?!

Trong buổi làm việc với người đứng đầu ngành thương binh xã hội, bàn về việc nghiên cứu, triển khai tu bổ, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, kiêm Trưởng Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh, cho biết: “Nghĩa trang sẽ được mở rộng từ hơn 2 ha hiện nay lên 10 ha với nhiều hạng mục công trình xây dựng đảm bảo khang trang, có thể đón hơn 4.000 liệt sỹ về an nghỉ vĩnh hằng…” (con số mới công bố trên báo chí: trên 5000 liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang…).

Trao đổi về hiện trạng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên địa bàn, Đại tá Dương Hồng Vinh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: “Hài cốt các liệt sỹ đang nằm chủ yếu ở các thung khe, bìa rừng, hẻm núi với phạm vi khá rộng lên tới hơn 80.000ha, địa hình phức tạp và còn quá nhiều vật cản là các bãi bom mìn, vật liệu nổ. Cũng theo Đại tá Vinh, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới giai đoạn 1979 - 1985 có trên 4.000 liệt sỹ của 32 tỉnh, thành phố đã hy sinh. Đến nay mới có hơn 2.000 hài cốt được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 1.734 liệt sỹ được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.

Từ năm 2012 đến nay, các đội tìm kiếm quy tập đã tìm được 41 bộ hài cốt, hiện vẫn còn khoảng 3.000 hài cốt liệt sỹ chưa quy tập được (con số mới nhất là trên 4000 hài cốt). “Với cách làm như hiện nay, mỗi năm chỉ làm sạch được khoảng 200 ha đất ô nhiễm bom, mìn, diện tích còn lại rất lớn, ước phải vài chục năm mới có thể hoàn thành…” (
Xem ở đây).

Suối Thanh Thủy dưới chân cao điểm 772, 685 và 468. Ảnh Phạm Viết Đào chụp 1996


Việc trên 4000 hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm rải rác trên các khe suối, chưa được quy tập của khu vực Vị Xuyên Hà Giang đã được Tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quâng khu 2 phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đầu tháng 11/2017: “Vị đại biểu Hà Giang đề nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước quan tâm trong phân bổ ngân sách năm 2018 để đưa hài cốt các liệt sỹ trở về với gia đình…” (
Nhìn lên đỉnh núi biết rằng hàng nghìn đồng chí vẫn nằm đó...)…

Trong một lần tìm đường leo lên cao điểm 772 bằng xe máy, nơi chú em tôi hy sinh tôi đã gặp vợ chồng Trưởng bản Trương Thị Bìu, hiện có 50 hộ vào định cư men cao điểm 772 cho biết: Thỉnh thoảng vẫn thấy hài cốt, xương cốt của bộ đội trong nương rẫy, súng, đạn… Đã có 5 người dân bị cụt chân tay vì vương phải mìn, đạn sót lại…

Hiện nay, tại điểm cao 468, các CCB của Sư 356 do xót xa trước sự hy sinh của đồng đội minh suốt mấy chục năm qua tại các trận đánh ở đây, nhiều liệt sĩ không được hương khói đến nơi đến chốn, linh hồn vất vưởng trên các triền núi, khe suối, vì không có chỗ hương khói. Anh em đã tự bỏ tiền ra để xây dựng Đài tưởng niệm này để đón tụ các linh hồn liệt sĩ. Nhiều đồng đội của chú em tôi gặp tôi họ đã khóc khi nói về cảnh ngộ bị bỏ nơi hoang lạnh của các liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Đài tưởng niệm liệt sĩ do đồng đội bỏ tiền ra xây dựng


Tôi tin rằng, cái chủ trương phê duyệt dự án lấy 120 ha đất để xây dựng Nghĩa trang Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) phải thông qua Bộ Chính trị, có nghĩa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải biết và phải chịu trách nhiệm.

Nhiều lần lên Hà Giang, theo các CCB kể thì chỉ thấy mỗi ông Trương Tấn Sang đến thắp hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên Hà Giang; Còn 2 ông TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng và gần đây là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã vi hành Hà Giang nhưng không đến viếng các liệt sĩ tại nghĩa tran Vị Xuyên.

Nguyên Chủ tịch nước Trương tấn Sang viếng các liệt sĩ chống TQ hy sinh tại Hà Giang.


Có thể do đón được ý cấp trên không muốn để ý tới chuyện liệt sĩ nên khi làm việc với cấp trên, lãnh đạo Hà Giang đã không dám hé răng nói về tình cảnh về khoảng 4 ngàn liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược linh hồn vất vưởng đang lay lắt, vất vưởng trên các dãy đá vôi hoang lạnh. Sợ khách mất vui…

TT Nguyễn Tấn Dũng thăm Hà Giang. Ảnh: chinhphu.vn


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại khu công ghiệp Bình Vàng Vị Xuyên. Ảnh Trí Dũng, TTXVN


Vì do “bộ nhớ” của các vị như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc này không nạp các dữ liệu về sự hy sinh của các liệt sĩ trong cuộc chiến biên giới là quan trọng, là đáng quan tâm nên đẩy sang cho xã hội hóa tự lo liệu, những CCB từng bỏ xương máu ra đi mà lo lấy cho đồng đội của mình…
Kết quả hình ảnh cho Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc làm việc với Hà Giang
Còn Đảng Chính phủ bây giờ phải lo cái chỗ an nghỉ cuối cùng thiết thân cho mình và đồng đội cùng phe nhóm… Việc bỏ ra 1400 tỷ đồng tiền ngân sách và thu 120 ha đất của dân để xây dựng cái nghĩa trang dành cho quan chức tại Hà Nội chỉ có thể được lý giải, được hiểu bới các lý do trên.

P.V.Đ.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn