Vẫn xung quanh chuyện xây dựng “nghĩa trang cao cấp” cho những kẻ đang trở thành xác chết





Phạm Sỹ Liêm chắc đang hy vọng trở thành xác chết dự bị cho khu nghĩa địa mậu dich tương lai nên đấu tranh cho cái nghĩa địa này một cách hung hăng bằng những lý lẽ hết sức thấp tầm”


Không phải chỉ một Phạm Sĩ Liêm đâu bạn Đỗ Minh Tuấn ơi. Anh ta là một trong số xác chết hẳn chỉ mới được cấp trên tính đến ở vòng ngoài, vì thế mà phải hăng hái mở miệng. Mở miệng một cách có tính toán, bởi những kẻ biết rằng mình thuộc hàng “công thần” ung dung nằm vòng giữa nghĩa trang, khi nghe được lời bảo vệ “hùng hồn” của anh ta – nói như lời đàm tiếu là “nịnh một cách trung kiến” – như vậy thì tất sẽ mủi lòng thương hại (hữu ái giai cấp mà). Và từ vòng ngoài anh ta rất dễ được chấm... lọt vào danh sách “bén gót các cụ”, dù vẫn chỉ là chầu rìa chứ chưa phải lọt hẳn vào vòng trong. Không chỉ có thế. Rồi đây, làm con ma dưới Âm ty, cái bọn “vòng giữa” kia vẫn có thể sai khiến anh ta hầu hạ mình đời đời kiếp kiếp, bất kể việc gì mà chúng muốn – vì anh ta chịu ơn chúng cả lúc sống đến lúc chết kia mà.

Nhưng bạn Đỗ Minh Tuấn đừng có tưởng anh ta là một trường hợp cá biệt mà nhầm đấy nhé. Nếu cho giơ tay xếp hàng thì chắc chắn sẽ có đến hàng chục ngàn kẻ như anh ta xin giơ cả hai tay và đứng xếp dài dăng dặc thâu đêm suốt sáng để làm cái việc cất tiếng hùng hồn “bảo vệ cách mạng” theo kiểu mà anh ta đã làm, chỉ cốt cũng được vĩnh viễn nằm chầu rìa và được hầu hạ “lũ ma cao cấp” dưới địa phủ. Vì sao ư? Vì đó là một thứ “phẩm chất” đã thấm sâu vào máu mà xưa đến nay trong đảng thường gọi bằng một danh từ nghe có vẻ rất “thơm”: tính đảng. Nhưng giờ đây thì nên nói thẳng ra đó là căn cốt người cộng sản được hình thành và bồi đắp kể từ khi Lenin, Stalin và Mao dựng nên cái chủ nghĩa gọi là “tập thể” nhưng thực chất lại thèm khát làm vua, gọi là “vô thần” nhưng thực chất lại muốn người dân phụng thờ đến cả xác chết đã nát rữa.

Bauxite Việt Nam


1. Ngài Phạm Sỹ Liêm, tốt nhất hãy im lặng


Ngài hùng hồn lên tiếng bảo vệ cái nghĩa địa quan 1.400 tỷ trong khi Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, việc xây nghĩa địa này lúc này là thiếu sáng suốt.

Và đặc biệt nếu ngài, một Tiến sĩ ngành xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đương kim Phó chủ tịch Hội Xây dựng có chút tri thức thì có chơi facebook, đọc thế giới mạng Dân, ngài hẳn biết Dân chửi thế nào cái việc đem 1.400 tỷ của Dân xây nghĩa địa cho quan, trong đó có ngài.

Lẽ gì nhể ngài lại mở miệng bênh chằm chặp rằng đây là Nghĩa trang quốc gia, đến Trung Quốc cũng xây nghĩa trang quốc gia. Ô hay, Trung Quốc là thước đo cho nước ta à? Ô hay, cái gì Trung Quốc làm là đều cần học theo à? Rõ nhá, cái tư duy nô lệ của ngài.

Ngài bảo, đây là nghĩa trang dành cho các anh hùng, các danh nhân có công với đất nước không chỉ dành cho các lãnh đạo, ngài nhấn là lãnh đạo có công với nước được bình chọn, và lãnh đạo được an táng theo nghi lễ cấp nhà nước (Xin xem: Xây nghĩa trang quốc gia 1.400 tỷ đồng: Không phải chỉ dành cho cán bộ cao cấp).

Chả lẽ ngài không biết rằng ai sẽ bình chọn ai là có công à?

Làm sao Dân – cốt lõi của quốc gia có thể tin rằng bình chọn vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa tâng công lợi ích nhóm ấy sẽ đúng người, đúng danh được?
Theo quy định về tang lễ cấp nhà nước thì các vị trong tứ trụ, các vị uỷ viên BCT... sẽ được tổ chức tang lễ cấp nhà nước. He, ngài tưởng tượng đi, nghĩa địa quốc gia kia nơi trang trọng, trung tâm chắc chắn chả phải anh hùng cỡ Lê Mã Lương, Vũ Khiêu, chả phải danh nhân như nhà khoa học, nhà thơ, nghệ sĩ nào sất mà là nấm mả to đùng của các ngài như các loại các đồng chí M, các loại các đồng chí H rồi đồng chí A, đồng chí X mà tên tuổi khi nhắc đến chính nhiều đảng viên thấy buồn nôn vì cái thành tích phá nước hại dân, thì nghĩa trang ấy có xứng là nghĩa trang quốc gia không?

Gã đọc vị ngay cho nhé. Lúc đầu những bọn lập dự án này xuất phát từ đón ý đa số các vị lãnh đạo lo lắng Mai Dịch hết chỗ rồi nên cần có Mai Dịch mới để khi chết mình được vinh danh và... không tốn xèng.

Thế là bưng bô.

Hợp ý quan quá, các quan có trách nhiệm thông qua liền. Ngài Lê Hồng Anh vội vàng thay mặt Đảng ký cái rẹc. Ngài Nguyễn Tấn Dũng chính thức thay mặt kẻ cầm tiền, xuất tiền, ký cái rẹc. Gã nghe nói ngài Nguyễn Xuân Phúc lúc đó là phó cho ngài Dũng phản ứng, không tán thành việc này nên viện cớ đất nước đang khó khăn, thiếu tiền làm, nên dự án này bị ngâm lại.
Chả hiểu sao, bây giờ lại lôi ra.

Thưa ngài Phúc, chả lẽ bây giờ dân giàu rồi, nhà nước đẫy tiền rồi ư?

Khi lôi ra bị phản ứng đồng loạt thế là nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp được ngài Phạm Sỹ Liêm đại diện nhấn mạnh: không phải dành cho cán bộ cao cấp mà cho các lãng đạo có công với đất nước được chọn lựa.

Ngài Sỹ Liêm khi nói cái điều có vẻ đung đúng ấy lại hở thêm câu cho cả lãnh đạo được an táng nghi thức nhà nước. Ôi giời, lòi đuôi con nòng nọc. Vì đến trẻ trâu cũng biết bao vị được an táng theo nghĩ lễ nhà nước chỉ vì tiêu chuẩn chức vụ chứ có phải vì đóng góp cho đất nước đâu.

Gã nghĩ hơi lăn tăn thì nếu ngài Đinh La Thăng không bị ngài giáo Trọng lôi ra toà mà còn nguyên chức uỷ viên BCT và có thể khoá sau vào hàng tứ trụ, đến tuổi già qua đời thì đương nhiên trong cái nghĩa trang mà ngài Phạm Sỹ Liêm to mồm bảo vệ kia thể nào cũng có một gò đầy hoa thơm.

Thôi, tốt nhất hãy theo ý của nhà thơ lính Nguyễn Việt Chiến biến nghĩa địa quan đảng này thành nghĩa trang Quốc gia các anh hùng liệt sỹ hy sinh chống Trung Quốc xâm lược.

Toàn dân góp tiền. Gã xin góp tiền. Không cần 1.400 tỉ kia làm gì. Và gã bảo đảm nghĩa trang quốc gia như thế chắc chắn bên Trung Quốc không thể có. Dù sao cũng tạo được sự khác biệt.

L.T.V.

2. Tham nhũng tâm linh hay cơi nới thêm tầng cho sự lợi dụng quyền lực của một lũ thất đức


"Chiến tranh tâm linh" mà Phạm Lưu Vũ nói thì Tàu làm từ nửa thế kỷ nay với VN rồi. Còn vụ quy hoạch mồ mả các quan bằng tư duy nhiệm kỳ trong đó không ít người mua ghế hay trộm cắp phá hoại thì chỉ là "tham nhũng tâm linh", hay cơi nới thêm tầng cho sự lạm dụng quyền lực mà thôi! Thấy Ba Vì là đất thiêng, quy hoạch luôn thành tài sản tâm linh của đám người đa số là thất đức. Không biết những người đề xuất Dự án có mùi "lợi ích nhóm tâm linh" này có nghĩ rằng khi xác họ ám khí vào long mạch của giống nòi có làm cho giống nòi sẽ bị khinh bỉ và căm ghét như nhiều người trong số họ hiện nay không? Và các lãnh tụ của dân tộc được nhân dân kính nể và biết ơn xưa nay có được di dời hài cốt lên đó để bình đẳng về "tem phiếu ưu đãi tâm linh" với những lãnh đạo hôm nay, trong đó đa số quan chức bị nhân dân căm ghét và khinh bỉ cả về tư cách trình độ và sự trộm cắp, phá hoại hay không?

Hãy nhớ người Việt có phương châm "Nhìn nhau mà sống". Các vị lăm le mần cái dự án nặng mùi tham nhũng Tâm linh có thể dán nhãn "Siêu Củi" kia hãy nhìn vào mồ mả của các vị lãnh đạo tiền bối: Họ chỉ chọn Mai Dịch là nơi tập trung trang trọng nằm gọn trong hệ thống địa lý quyền lực, chứ không phải nhòm ngó vào Long mạch của dân tộc để mong rằng tiền của trộm cắp hay con cháu bổ nhiệm lấy được trong cuộc đời quyền lực của mình sẽ thoát khỏi lưỡi rìu đốn củi của những bậc Đại Tiều phu. Nên nhớ rằng, dân có câu: "Thương dân dân lập đền thờ - Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương". Đừng nghĩ Ba Vì là nơi dân không thể kéo nhau lên đái vào những nấm mồ tham nhũng tâm linh, những "Công ty quyền lực Ma Quỷ" chiếm đoạt đất thiêng của dân tộc và bổ nhiệm những hồn ma vía quỷ ngự trị nguồn mạch tâm linh của giống nòi, trái ngược hoàn toàn với "quy trình" của văn hoá tâm linh mà tổ tiên truyền lại. Nói một cách hình tượng thì Dự án tham nhũng tâm linh này giống hệt như các dự án Thuỷ điện của Trung Quốc chiếm lĩnh thượng nguồn sông Mekong để xả lũ xuống hạ nguồn. Bọn trộm cắp tham nhũng ức hiếp nhân dân trong số những người được chôn ở nghĩa trang này cũng sẽ xả Nghiệp Ác của chúng vào Long Mạch để hại các thế hệ con cháu đời sau. Hãy dẹp ngay đi!

Đ.M.T.

3. Xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng: Lãng phí, chưa cần thiết!


Hoàng Thạch Sơn/ Người lao động

Mới đây, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỉ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Theo tôi, việc này chưa cần thiết.

Dân còn nghèo, nợ công cao

Thứ nhất, 2017 là năm mà Việt Nam phải chịu rất nhiều tổn thất từ thiên tai, với 386 người chết và mất tích, hàng ngàn người dân mất nhà cửa, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng, sản xuất đình trệ. Cuộc sống của nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân dân các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như: Sơn La, Yên Bái, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chi một phần ngân sách trong dự án xây dựng nghĩa trang ngàn tỉ để giúp nhân dân ở các vùng này khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống để phát triển là việc làm ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết.

Thứ hai, các đại án tham nhũng gần đây dù đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý nghiêm nhưng việc truy thu tài sản tham nhũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà nước thiếu vốn trong đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực; nhiều dự án đầu tư dở dang, ngưng trệ kéo dài, thậm chí "đắp chiếu" vì thiếu vốn.

Thứ ba, hiện cả nước có 64 huyện nghèo và hơn 1,9 triệu hộ nghèo. Nhân dân ở các huyện này đang rất cần sự hỗ trợ về tài chính để ổn định cuộc sống; chính quyền các huyện này cũng rất cần ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phát triển địa phương. Rất nhiều trường học không điện, không nước, không nhà vệ sinh; bệnh viện quá tải, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường; nhiều con đường, cây cầu xuống cấp trầm trọng…

Thứ tư, chúng ta đang phải đối mặt với nợ công. Đành rằng muốn xây dựng để phát triển thì phải có vốn, không có vốn thì phải vay nhưng vay thì phải trả. Hiện nay, nợ công của Việt Nam ở mức cao, khoảng 3,1 triệu tỉ đồng. Tính ra mỗi người dân phải "gánh" khoảng 30 triệu đồng. Năm 2018, cùng với việc xác định bội chi ngân sách ở mức 3,7% trên GDP, nợ công theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ ở đỉnh mới là 63,9% GDP. Nợ công dù trong ngưỡng an toàn thì cũng là nỗi lo của người dân.


Các anh hùng liệt sĩ được đặt nằm bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Long

Sống gần dân, chết cũng gần dân

Thứ năm, mai táng bằng hình thức địa táng là phong tục của ông cha ta, khi chết ai cũng như nhau, mỗi người có 2 m2 đất. Trong các nghĩa trang liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã anh dũng hy sinh được đặt nằm bên nhau, mỗi người chỉ 1 m2 đất. Tuy vậy, họ vẫn luôn sống mãi trong ký ức của nhân dân. Ngày nay, do dân cư đông đúc, quỹ đất có hạn và giải quyết vấn đề ô nhiễm về nguồn nước, không khí nên chúng ta đang vận động mai táng bằng hình thức hỏa táng. Nhiều tỉnh, thành hiện đã có đài hỏa táng, việc thực hiện hỏa táng không còn xa lạ. Vì vậy, lấy tiền ngân sách để xây mộ cho cán bộ cấp cao, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25 - 35 m2 thì đúng là… rất lạ.

Thứ sáu, nhân dân là lực lượng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Mối quan hệ của Đảng với nhân dân vô cùng mật thiết, máu thịt. Bác Hồ đã khẳng định: "Đảng với dân như cá với nước". Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc không còn lợi ích nào khác. Chúng ta đang ra sức thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta đang tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên phải sống gương mẫu, giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm, trọng dân, gần dân, hiểu dân; chống quan liêu, tham ô, lãng phí, vô cảm… Sống gần dân thì chết cũng gần dân. Đó là lẽ thường tình, những anh hùng, danh nhân cho đến thường dân từ xưa đến nay chưa ai làm khác.

Thứ bảy, dân tộc ta là một dân tộc yêu hòa bình; trọng tình nghĩa; sống gắn bó thủy chung từ trong gia đình, họ hàng, làng xã. Cho nên ở đâu, làm gì thì hình bóng người thân, quê nhà vẫn luôn hiển hiện trong trái tim chúng ta. Chẳng ai muốn tha hương, bất đắc dĩ mà đi thì già cũng tìm về. Kể cả khi phải chết nơi đất khách, con cháu cũng tìm cách đưa về. Điều này đã ăn sâu vào tâm thức người dân như một lẽ tự nhiên mang đậm nét tâm linh. Có ai muốn mình sau khi chết lại nằm xa người thân, xa đất mẹ? 

Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha
Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía Tây. Phía Bắc và phía Tây giáp Vườn Quốc gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư. Tổng diện tích nghĩa trang 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Có 2.200-2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35 m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người. Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng.
H.T.S.


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn