‘EVFTA sẽ thông qua trong năm 2018’ hay… vô định?






Phạm Chí Dũng/VOA


Ai chứ cụ Tổng thì hình như cụ chẳng hề lo EVFTA có được thông qua hay không, bởi nếu lo thì cụ đã không hạ lệnh bằng mọi cách... bắt Trịnh Xuân Thanh phải “tự nguyện về đầu thú” bằng được, vì điều quan trọng bậc nhất dối với cụ là phải nhóm cho được cái lò. Không ký được EVFTA Chính phủ sẽ gặp khó khăn do xuất cảng bị đình trệ đấy, nhưng cụ thì bình chân như vại, bởi cụ chỉ xuất cảng lý thuyết Mác Lênin, mà lý thuyết này thì đâu phải là hàng hóa, cụ còn mong biếu không lý thuyết của cụ cho thế giới nữa cơ, chỉ tiếc không ai chịu nhận thôi. Cho nên trong đầu cụ EVFTA chắc gì đã là quan trọng. Cụ đi vào Hà Tĩnh thấy cá chết trắng cả một dải biển từ Kỳ Anh vào đến Huế, chẳng lẽ cụ không suy luận được rằng dân Việt một vùng rộng lớn sẽ nguy khốn và nguy khốn lâu dài, cá không có mà xuất cảng nữa, vậy mà cụ có hé mồm nói gì đâu. Thế thì Hiệp định EVFTA không ký kết được cũng đã là cái thớ gì mà phải làm rộn đến đầu óc thông thái của cụ nhỉ? Còn như nhà nước không còn tiền ư? Thì cụ bay vài chuyến sang ông anh, chịu khó khấu đầu một chút là đủ ăn xài rồi. Nên nhớ nhà nước chúng ta là thực thi nền kinh tế thị trường nhưng có định hướng XHCN. Hiểu được thế thì dân nhiều vùng có đói cũng chẳng sao, vì XHCN còn bao hàm cá cái nghĩa “Xếp hàng cả ngày” kia mà. Mà xếp hàng đến cuối thế kỷ 21 cũng chưa chắc đã hết, cụ đã nói trước cả chứ có lú lẫn đến quên đi đâu. Chớ có coi thường bản DI CHÚC của bậc lão trượng đứng đầu đất nước mà câu nói nổi tiếng ấy chính là gói ghém toàn bộ tinh thần mà cụ định để lại cho toàn đảng toàn dân tâm niệm.


Bauxite Việt Nam




Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.


Một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cũng thêm một lần nữa sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt với nguồn cơn khởi phát từ vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy chính thể độc đảng ở Việt Nam mở một chiến dịch mới, nhưng chẳng mấy có hy vọng, nhằm vận động Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Truyền thống nuốt lời

Vào đầu năm 2018, một quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại tiến hành một chuyến vận động EVFTA tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2018 diễn ra tại Thuỵ Sĩ. Vào lần này, ông Huệ chỉ gặp được một quan chức bậc trung là Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johann Ammann. Kết quả cuộc vận động này vẫn chỉ là vài lời hứa hẹn chung chung.

Vào năm 2017, ông Vương Đình Huệ cũng đã có một chuyến “dân vận” ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.

Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung: không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “mất cả chì lẫn chài”.

Lẽ tất nhiên, chính thể độc đảng ở Việt Nam đang hết sức muốn rằng EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua ngay trong năm 2018, chứ chẳng bị kéo dài và cuối cùng chẳng đi đến đâu như số phận của Hiệp định TPP trước đây.

Vào tháng 11 năm 2017, giới quan chức ngoại giao Tây Âu những người vốn đã từng tỏ ra dĩ hòa vi quý với Việt Nam trong không khí xã giao bất tận vô nghĩa và những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam chỉ nghe hứa không thấy làm dường như một lần nữa “chiều” Việt Nam bằng những chuyến thăm nước này. Những gương mặt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström và Thứ trưởng ngoại giao Bỉ Dirk Achten đã đến Việt Nam.

Nhưng ngay trước ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào đầu tháng 12/2017, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Đại sứ Bruno Angelet Trưởng phái đoàn của EU tại Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đã chứng tỏ một bài học nuốt lời từ giới chóp bu Việt Nam khi đưa ra yêu cầu “không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA”. Thêm một lần nữa, những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết đã phải nhận một bài học “đời đổi - não không đổi” từ phía giới quan chức Việt Nam.

Vào năm 2017, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “tiến bộ” đến mức tống giam đến ít nhất 25 nhà hoạt động nhân quyền và xử tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu “Người phụ nữ can đảm quốc tế” đến 10 năm tù giam, chỉ vì Quỳnh viết bài phản đối và tố cáo nạn xả thải gây ra thảm họa ô nhiễm của Nhà máy Formosa cùng sự bao che quá trắng trợn của giới quan chức cao cấp Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động của Phong trào Lao động Việt một tổ chức xã hội dân sự độc lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA vẫn bị chính quyền và công an cấm đoán nghiệt ngã. Trong năm 2017, Hoàng Bình Phó chủ tịch của tổ chức này, đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử tù nặng nề vào đầu năm 2018.

Trong bối cảnh không những không có bất kỳ cải thiện nào về nhân quyền mà còn khiến tình trạng này tồi tệ kinh khủng, chính quyền Việt Nam quả là khó mong đợi EVFTA sẽ được thông qua, hoặc được thông qua vào năm 2018 này.

2019 hay vô định?

Vào thời gian này, đang diễn ra hai quan điểm khá trái ngược về kết cục của EVFTA trong năm 2018.

Trong buổi họp báo với Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu ngày 10/1/2018, Đại sứ Bruno Angelet Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam xác nhận việc Việt Nam bị EU cảnh cáo "thẻ vàng" về hoạt động đánh bắt cá trái phép là một thách thức. Tuy nhiên ông cho rằng "Việc có ký hay không ký hiệp định tự do thương mại không phụ thuộc vấn đề này có được giải quyết và thẻ vàng có được gỡ hay không. Nó có thể được ký dù thẻ vàng chưa được gỡ".

EU đã có một lộ trình trong năm 2018 để EVFTA được ký kết và phê chuẩn”, và “Đại sứ Bruno Angelet bày tỏ hy vọng đến đầu mùa hè năm nay, việc ký kết sẽ được thực thi để hiệp định được chuyển cho Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn” theo tường thuật của báo chí nhà nước Việt Nam, nhưng lại rất cần xem xet tính khách quan của lối tường thuật này bởi không ít lần báo đảng đã “nhét chữ vào miệng” giới quan chức quốc tế.

Trong khi đó, “Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể không được thông qua” là tựa đề của Bike, Europe, ngày 23/01/2018, dẫn nguồn từ EU-Vietnam Free Trade Agreement Threatened (người dịch: Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam Thời Báo). Theo đó, việc phê chuẩn EVFTA đang gặp khó khăn khi Quốc hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước cộng sản độc đảng đang đối xử công nhân của mình. Đặc biệt khi Việt Nam có với 93 triệu dân, được coi là một trong những con hổ châu Á mà Nghị sĩ Bernd Lange nói rằng "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".

Ngay cả Đại sứ Bruno Angelet, nếu quả thật ông dự đoán rằng Nghị viện châu Âu sẽ thông qua EVFTA vào mùa hè năm nay, cũng nói rằng ông chỉ là đại diện cho Chính phủ EU chứ không phải cho Nghị viện EU, và vì thế không thể chắc chắn được điều gì.

Sau tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2017 ồn ào lẫn khoa trương với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng cùng một chiến dịch tuyên truyền “EVFTA sẽ thông qua vào đầu năm 2018”, đến nay cả Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lẫn hệ thống báo đảng đã im bặt.

Và sau một chuyến làm việc của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ở Bỉ vào cuối năm 2017 mà chẳng nghe hứa hẹn gì cụ thể, giới chóp bu Việt Nam đành phác ra một dự báo mới: tương lai thông qua EVFTA là vào năm… 2019.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.

P.C.D.

Tác giả gửi BVN




Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn