Chính quyền Việt Nam có thể đối phó Công đoàn độc lập trong EVFTA như thế nào?



Thiền Lâm

Ảnh: VTC News
Vietnam – Cali Today News – Một cựu cán bộ công đoàn nhà nước nhưng mang quan điểm cấp tiến cho biết rằng từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016, các cơ quan về lao động như Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã không nhận được chỉ thị nào của Chính phủ và đảng về triển khai Công đoàn độc lập, mà chỉ có những động tác nâng cao vai trò công đoàn nhà nước” như một cách đối phó thuần túy với quốc tế.
Năm 2018 đang trở về bầu không khí “Việt Nam sắp vào TPP” của năm 2015. Một lần nữa, công đoàn độc lập lại được giới chóp bu Việt Nam mang ra hứa hẹn như một “món quà” để Liên minh châu Âu (EU) sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU).
Lời hứa hẹn mới nhất là “đến tháng 10 năm 2020 thì Công ước về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập (Công ước số 87 của ILO) sẽ được hoàn tất”, do Đại sứ Vương Thừa Phong – Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU – đưa ra.
Nhưng trước khi EVFTA được Quốc hội châu Âu thông qua, chính thể độc đảng ở Việt Nam phải làm một số động tác triển khai Công đoàn độc lập.
Dấu hỏi rất lớn xoáy vào “lòng thành tâm” của chính quyền Việt Nam: liệu trong vài ba năm tới họ sẽ có được một chút thành thật để ban hành quy định về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập cho công nhân, hay chỉ là những động tác mị dân, tuyên truyền nửa vời về công đoàn độc lập trong khi không làm bất kỳ điều gì để thúc đẩy tính thực tiễn của định chế này?
Hãy nhìn lại “lòng thành tâm” của chính quyền Việt Nam trong thời gian chuẩn bị vào TPP và do đó bắt buộc phải làm một số bước để triển khai công đoàn độc lập như cam kết của họ với người Mỹ.
Vào năm 2017 khi chóp bu Việt Nam đang cố gắng vận động EU phê chuẩn EVFTA, Hoàng Bình – Phó chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt (người bên phải), đã bị công an Nghệ An bắt giam, để vào đầu năm 2018 bị xử án nặng nề đến 14 năm tù giam.
Vào cuối năm 2015, đã xuất hiện những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy chính quyền Việt Nam muốn “đi tắt đón đầu” cơ chế Công đoàn độc lập bằng một phương châm duy nhất: Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập. Tức tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội”, như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội”.
Đến năm 2016, khoảng hơn hai tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, sau một thời gian cố tình trì hoãn, đã phải thúc đẩy việc “thí điểm” định chế Công đoàn độc lập – một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được vào TPP.
Trong lúc giới dư luận viên – mà có thể hiểu phía sau giới này là các cơ quan tuyên giáo và công an – dần chuyển giọng theo cách “Sự xuất hiện của công đoàn độc lập sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các công đoàn độc lập đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy”, dấu hiệu hiện lên rõ nhất đến từ cuộc làm việc của Đinh La Thăng – khi đó còn Bí thư Thành ủy TP HCM – với Liên đoàn Lao Động TP HCM vào ngày 23/8/2016. Tại đây, nhân vật có tần suất lên báo dày đặc nhất trong các chính khách Việt bất ngờ cho rằng yêu cầu đình công của công nhân là chính đáng và còn đặt câu hỏi: “Sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”. Thậm chí ông Thăng còn phát ra đánh giá “chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn làm việc đó”, và yêu cầu Liên đoàn Lao động TP HCM nếu chưa tổ chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công.
Hiện tượng chưa từng có nói trên là trái ngược hoàn toàn với toàn bộ những gì mà đảng đã quyết liệt bài bác, chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công của công nhân Việt Nam đúng theo lối trả lời thật thà “Chưa bao giờ!” của Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM Trần Kim Yến trước câu hỏi “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” của Bí thư Thăng.
Cũng vào năm 2016, một chiến dịch tuyên truyền cho việc Việt Nam sắp vào TPP với đủ thứ lợi ích đã một lần nữa được tung lên mặt báo chí nhà nước, kèm theo vài ẩn ý về việc “sẽ sửa luật Lao động, đặc biệt là chương về Công đoàn và những cam kết về lao động quốc tế”.
Như vậy, phải suýt soát một năm kể từ khi Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương về TPP, chế độ mới nhúc nhích “sửa luật”.
Thế còn số phận của các nhà hoạt động công đoàn độc lập thì ra sao?
Vào tháng 12/2015, mọi chuyện trở lại không khí “qua cầu rút ván” như sau khi Việt Nam được vào WTO năm 2007: hai nhà hoạt động công đoàn là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức của Phong trào Lao Động Việt – một tổ chức xã hội dân sự độc lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA, đã bị công an Đồng Nai câu lưu và đánh đập khi họ cùng với luật sư tư vấn đến công ty Yupoong Vietnam ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, để bảo vệ quyền lợi cho các công nhân tại đây.
Tình trạng đánh đập và bắt giữ vô lối trên xứng đáng là một cái tát đối với những hứa hẹn bất tận của giới lãnh đạo Việt Nam trước quốc tế. Trong thực tế, chính quyền Việt Nam đã vi phạm cam kết về Công đoàn độc lập ngay từ khi TPP còn chưa ráo mực.
Còn vào năm 2017 khi chóp bu Việt Nam đang cố gắng vận động EU phê chuẩn EVFTA, hai nhà hoạt động Trương Minh Đức và Hoàng Bình – đều là Phó chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, đã bị công an bắt giam. Riêng Hoàng Bình đã bị đưa ra xét xử sớm vào đầu năm 2018 với mức án nặng nề đến 14 năm tù giam.
Trong khi đó, kịch bản “Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đi nước ngoài để trao đổi và hợp tác với bạn” lại tái hiện. Nhưng thay cho đi Mỹ trước đây, cơ quan này đang đi châu Âu, dĩ nhiên cũng bằng tiền đóng thuế của dân Việt, được hiểu như một cách quảng bá cho phương châm “quốc doanh hóa công đoàn độc lập” trong một chế độ quá ít quan tâm đến lợi ích người lao động và không có chỗ tồn tại cho Xã hội dân sự.
T.L.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn