CPTPP sắp trở thành hiện thực

Ls Nguyễn Văn Thân


Việc ký kết CPTPP gửi một thông điệp đến cả Mỹ lẫn Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Đó là chủ nghĩa bảo hộ đã lỗi thời và tự do giao thương cũng như mở cửa thị trường là chìa khoá dẫn đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng trong thời đại ngày nay.

8/3/2018 là Ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng đánh dấu 2 sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến tương lai kinh tế và an ninh của thế giới nhất là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ nhất là tại Thủ đô Santiago Chile, đại diện 11 quốc gia trong Vành đai Thái Bình Dương họp mặt và chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vực dậy TPP mà Tổng thống Trump ngay khi nhậm chức đã chôn sống. Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, cũng chính Tổng thống Trump ký sắc lệnh ban hành thuế quan 25% cho thép và 10% cho nhôm. Hai sự kiện hoàn toàn trái nghịch và tượng trưng cho 2 triết lý đối đầu trong lịch sử cận đại. Một bên là bảo hộ thị trường và bên kia là tự do mậu dịch.

Hiệp định TPP nguyên thủy đã được ký kết bởi 12 thành viên gồm có Mỹ tại Tân Tây Lan vào ngày 4/2/2016. Văn bản này có 30 chương và hơn 600 điều khoản. Trong khi đó, văn bản CPTPP chỉ có 9 trang. Nội dung chính của CPTPP là xác nhận lại thỏa thuận TPP trừ 22 điều khoản sẽ bị đình chỉ. Nói chung, các điều khoản này là do Hoa Kỳ đòi hỏi liên quan tới thời hạn sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi cho các công ty dược phẩm và công nghệ của Mỹ, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia và doanh nghiệp nhà nước. Vì muốn xâm nhập thị trường to lớn của Mỹ nên 11 thành viên miễn cưỡng chấp nhận các điều kiện này. Mục đích của việc đình chỉ là để ngỏ cửa cho Hoa Kỳ trở lại theo đúng ý định ban đầu của TPP.

So với TPP có Mỹ chiếm gần 40% GDP toàn cầu thì CPTPP bao gồm thị trường khoảng 500 triệu dân với gần 14% GDP thế giới đứng thứ ba sau NAFTA (20%) và Liên Âu (19%). Theo Viện nghiên cứu Peterson, TPP sẽ tăng lợi tức cho các thành viên lên tới 465 tỷ Mỹ kim trước năm 2030. Trong khi đó, CPTPP chỉ tăng lợi tức cho 11 thành viên lên tới 157 tỷ, tức khoảng 1/3 so với TPP. Tuy nhiên, nếu 5 quốc gia châu Á gồm có Nam Dương, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đài Loan gia nhập thì sẽ thay thế được Mỹ và đưa số lợi tức lên tới 449 tỷ Mỹ kim. Theo Moody, Mã Lai sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với GDP gia tăng hơn 3%. GDP của Singapore, Brunei và Việt Nam sẽ tăng thêm hơn 2%. Úc, Tân Tây Lan, Canada, Nhật, Mexico và Chile sẽ tăng từ 1% tới 2%. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết là dưới CPTPP, GDP của Việt Nam sẽ tăng ít nhất từ 1.1% trước năm 2030 nhưng có tiềm năng tăng thêm tới 3.5% nếu Việt Nam cải cách thể chế để gia tăng năng suất. Dĩ nhiên là lợi ích kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên khác sẽ gia tăng nhiều hơn nữa nếu cả Mỹ trở lại cộng với 5 quốc gia trong khu vực cùng gia nhập.

Khác với TPP khi điều lệ phê chuẩn đòi hỏi 85% GDP toàn khối, CPTPP chỉ cần 6/11 thành viên phê chuẩn là sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trước đây, Nhật và Tân Tây Lan đã phê chuẩn xong TPP. Việc phê chuẩn CPTPP chắc không có gì trở ngại đối với Nhật vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang nắm đa số tại cả hai viện Quốc hội. Với Tân Tây Lan thì cả hai đảng cầm quyền và đối lập đều ủng hộ TPP và CPTPP. Trường hợp của Canada cũng tương tự như vậy. Việt Nam thì chỉ có một đảng cai trị và Quốc hội chỉ là hình thức đóng dấu những gì Đảng Cộng sản quyết định. Brunei vẫn còn thuộc chế độ phong kiến nên CPTPP sẽ được thông qua chớp nhoáng. Mã Lai và Singapore cũng sẽ không gặp trở ngại nào. Chỉ có Úc là không rõ ràng vì Liên đảng Tự Do-Quốc gia cầm quyền chỉ hơn 1 ghế tại Hạ viện và là thiểu số ở Thượng viện. Nếu Đảng Lao động Đối lập phản đối thì chính quyền chưa chắc thông qua được Thượng viện trừ khi có sự ủng hộ của các đảng nhỏ. Tóm lại, tiến trình phê chuẩn CPTPP sẽ không có gì bấp bênh so với TPP và dự kiến là sẽ hoàn tất trong đầu năm 2019.

Một khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực, các thành viên mới có thể xin gia nhập. Đài Loan đã giơ tay lên trước nhưng không biết thái độ của Bắc Kinh sẽ như thế nào. Bốn quốc gia kia đã từng bày tỏ ý định muốn gia nhập. Ngay cả Anh Quốc cũng có thể là một thành viên sau khi hoàn tất thủ tục “ly dị” với Liên Âu.

Việc ký kết CPTPP gửi một thông điệp đến cả Mỹ lẫn Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Đó là chủ nghĩa bảo hộ đã lỗi thời và tự do giao thương cũng như mở cửa thị trường là chìa khoá dẫn đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng trong thời đại ngày nay. Mỹ là quốc gia và nền kinh tế quan trọng nhất. Nhưng nếu Hoa Thịnh Đốn hoặc Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng thì các quốc gia khác vẫn có thể tiến tới phía trước mà không cần có sự lãnh đạo hoặc hiện diện của Mỹ. Và chính Mỹ sẽ lỡ chuyến đò. Trong mấy ngày qua, Tổng trưởng Kinh tế Mỹ Steve Mnuchin tiết lộ là ông đang thảo luận với các đồng nhiệm ở cấp cao nhất về việc Mỹ quay trở lại. Vào giữa tháng 2, một nhóm 25 Thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã ký thư ngỏ yêu cầu Tổng thống Trump quay trở lại TPP vì quyền lợi quốc gia. Chính Tổng thống Trump cũng ngỏ lời mở cửa trở lại TPP với điều kiện là phải thương thuyết lại một số điều kiện có lợi cho Mỹ. Tình huống này chắc khó xảy ra vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 11 thành viên. Trong thời gian sắp tới, cơ hội Mỹ quay lại tương đối thấp vì Tổng thống Trump chỉ muốn tiến hành thương lượng song phương với từng quốc gia một để lấy thịt đè người.

Thông điệp thứ hai là gửi đến Bắc Kinh. Đó là phải tôn trọng luật chơi. Mậu dịch không chỉ tự do mà còn phải công bằng. CPTPP nhắm tới cả hai. Đó là loại bỏ thuế quan và cân bằng sân chơi đối với các loại rào cản phi thuế quan khác. Hệ thống kinh tế của Trung Quốc mang tính chơi gian theo kiểu nhà nước tư bản. Có nghĩa là nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp để cạnh tranh bất công. Một ví dụ điển hình là thị trường thép. Bắc Kinh tài trợ cho các công ty quốc doanh sản xuất quá mức rồi “xả rác” (dumping) phá giá thép trên thị trường quốc tế. Các công ty của Mỹ không cạnh tranh nỗi nên lần lượt đóng cửa. Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, mức độ xuất siêu của Trung Quốc qua Mỹ đã tăng từ 350 tỷ lên tới 400 tỷ. Có nghĩa là hàng hóa từ Trung Quốc thì nhập vào Mỹ thoải mái. Trong khi đó, công ty Mỹ không thể dễ dàng đưa sản phẩm vào Trung Quốc vì những điều lệ chẳng hạn như phải tiết lộ công thức khoa học và công nghệ bí mật mà họ phải tốn rất nhiều tiền để sáng chế ra.

CPTPP là một dấu hiệu đột phá liên quan tới vai trò lãnh đạo bất đắc dĩ nhưng xuất sắc của Nhật dưới tài cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Từ sau Đệ nhị Thế chiến, Tokyo luôn theo đuổi chính sách để Mỹ lãnh đạo và núp bóng tùng quân để cột chặt Mỹ với vận mệnh an ninh của Nhật. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Tokyo có ý định thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á nhưng gặp phải sự chống đối của Mỹ và Trung Quốc. Nhưng lần này thì Tổng thống Trump quyết định rời bỏ sân chơi. Abe bước tới và phất cờ. Vào tháng 12 năm ngoái, Abe hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với Liên Âu mà sau khi phê chuẩn sẽ là Hiệp định Thương mại Tự do lớn nhất thế giới với 30% GDP và 40% giá trị thương mại toàn cầu. Cũng như CPTPP, Hiệp định với Liên Âu có tiêu chuẩn cao bao gồm các điều khoản liên quan tới kỹ thuật điện số, thể chế minh bạch, bảo vệ quyền lao động và môi trường.

Thoả thuận giao thương còn lại chờ Abe xử lý là RCEP. Trái với nhận định của nhiều người, RCEP không phải là do Trung Quốc chủ động mà ASEAN đóng vai trò trọng tâm cùng với 6 đối tác là Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Tân Tây Lan. Trong ASEAN thì Nam Dương là quốc gia có thực lực nhất với 40% GDP toàn khối với 933 tỷ Mỹ kim. Nhưng cũng chưa bằng 1/5 GDP của Nhật. Thật ra, RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) bắt nguồn từ đề nghị của Nhật có tên gọi là Comprehensive Economic Partnership in East Asia (CEPEA) từ năm 2009. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng đề xuất Hiệp định Tự do Thương mại Đông Á (East Asia Free Trade Agreement (EAFTA). EAFTA của Bắc Kinh chỉ nhắm tới mục tiêu loại bỏ thuế quan có lợi cho thị trường xuất cảng đồ tiêu thụ của Trung Quốc. Trong khi đó, CEPEA của Nhật có tiêu chuẩn cao hơn và bao gồm các lãnh vực như dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và cạnh tranh công bằng. ASEAN không muốn làm mất mặt Trung Quốc nên đổi tên thành RCEP.

Hiện nay, RCEP còn gặp nhiều cản trở từ Ấn Độ. New Delhi lo ngại là hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nội địa tiêu diệt doanh nghiệp Ấn. Điểm chính vẫn là hình thức cạnh tranh bất công của Trung Quốc cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc nhận sự tài trợ qua hình thức cấp vốn với lãi suất thấp. Một mối lo ngại khác là Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng giao thương để theo đuổi mục tiêu an ninh và chiến lược như họ đã từng làm với Nhật qua vụ đất hiếm trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku và với Hàn Quốc liên quan tới hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD.

Đúng như Tổng thống Trump nhận định, đối thủ kinh tế lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc. Với những thủ đoạn gian manh, Trung Quốc bán hàng hóa cho Mỹ trị giá tới gần 500 tỷ Mỹ kim mỗi năm mà chỉ mua lại hơn 100 tỷ, tức là lời gần 400 tỷ. Vì vậy mà các vị tổng thống tiền nhiệm như Bush và Obama đã viết ra TPP để loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi. Có nghĩa là hàng hóa từ các quốc gia thành viên TPP sẽ được hưởng lợi cho vào thị trường vì tuân thủ điều kiện của Mỹ nhưng hàng từ Trung Quốc thì sẽ bị đánh thuế quan vì không theo luật chơi công bằng. Đáng tiếc là Tổng thống Trump không chia sẻ nhận định này. Lý tưởng nhất là Mỹ quay trở lại cùng với sự gia nhập của 5 quốc gia châu Á là Hàn Quốc, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đài Loan. Chừng đó thì có 10 Tập Cận Bình Đại đế hoặc Tần Thủy Hoàng có đội mồ sống lại cũng khó có mà thực hành được mưu đồ thâu tóm thiên hạ làm bá chủ thế giới.

Riêng đối với Việt Nam, CPTPP giữ nguyên 30 chương TPP. Chương 19 bảo đảm quyền lao động theo đúng tiểu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gồm có quyền được thành lập công đoàn độc lập và thương lượng tập thể.

Chương 20 ràng buộc thành viên cam kết bảo vệ môi trường và chương 26 yêu cầu thành viên tôn trọng quyền tự do thông tin và áp dụng các tiêu chuẩn minh bạch để phòng chống tham nhũng. Có điều là dưới TPP, ngoài các chương này thì Mỹ cũng ký với Việt Nam hàng loạt thoả thuận song phương hầu áp dụng biện pháp răn đe nếu Việt Nam không thật sự tuân thủ. Vì CPTPP không có Mỹ nên các cộng đồng người Việt tại Úc và Canada phải càng tích cực hơn trong việc vận động với chính quyền Úc và Canada có biện pháp bảo đảm nhà nước Việt Nam tôn trọng luật chơi và tuân thủ cam kết bảo vệ nhân quyền gồm có quyền lao động và môi trường trong sạch trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu khốc liệt của thế kỷ 21.

N.V.T.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn