Hoạt động chính trị



(Trích Chương 2- Phần 1, sách CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN của Phạm Đoan Trang)

Phạm Đoan Trang

Có rất nhiều hoạt động mà bạn – người dân – có thể tiến hành để tác động tới nhà nước và các chính sách, hay nói cách khác, có rất nhiều hình thức hoạt động chính trị. Dưới đây là một số hoạt động phổ biến nhất trên thế giới [1].

Vận động hành lang

Vận động hành lang, gọi tắt là vận động, là việc tác động lên quá trình hoạch định chính sách bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc, cung cấp thông tin, thuyết phục. Đối tượng của công việc này (trả lời câu hỏi “vận động ai?) là các quan chức hành pháp (như thủ tướng, bộ trưởng), các nghị sĩ, dân biểu – tức người của cơ quan lập pháp. Chủ thể của công việc này (trả lời câu hỏi “ai vận động?”) là các cá nhân, các tổ chức, đảng phái, tức các nhóm lợi ích.

Có thể vận động qua các kênh nào? Câu trả lời là: ông qua tất cả các kênh tiếp xúc họ với chính quyền:
  • Các cơ quan hành chính y Quốc hội
  • Tòa án
  • Các đảng
  • Các kênh truyền thông
  • Các cơ quan, tổ chức quốc tế
  • v.v.
Vài năm gần đây, trong ngôn ngữ chính trị của Việt Nam xuất hiện một số từ mới như “vận động hành lang”, “vận động chính sách”, dịch từ tiếng Anh “lobby” và “policy advocacy”, gọi chung là “vận động”. Đó là việc một cá nhân, hoặc một nhóm lợi ích có tổ chức, tác động lên quá trình hoạch định chính sách để chính sách được ban hành theo ý họ, bằng cách gặp gỡ trao đổi, thuyết phục, hối lộ người làm chính sách. Ví dụ bạn mời sếp đi nhậu, hoặc đến nhà sếp biếu vợ sếp mảnh khăn kết hợp với cái phong bì, để nhờ sếp hạ thấp tiêu chuẩn cho chức vụ trưởng/phó phòng... đều là vận động cả.

Trên bình diện quốc gia, người làm chính sách có thể là quan chức chính phủ, nghị sĩ, dân biểu (ở ta gọi là “đại biểu Quốc hội”), và cả tòa án. Riêng ở Việt Nam, đối tượng làm chính sách bao gồm một lực lượng tối quan trọng là lãnh đạo các cơ quan Đảng – tức các cơ quan của đảng Cộng sản Việt Nam – từ Trung ương đến địa phương.

Tại sao lại gọi là “vận động hành lang”?

Từ “lobby” tiếng Anh có nghĩa là “hành lang”. Theo một giả thuyết phổ biến, khái niệm vận động hành lang bắt nguồn từ cái hành lang khách sạn Willard ở Washington D.C., nơi mà Tổng thống Mỹ Ulysees S. Grant (1822- 1885, tại vị từ 1869 đến 1877) thường đứng hút xì gà và uống brandy. Biết được thói quen đó của ông nên nhiều người thường tìm đến nơi này để tiếp cận, mời ông “trà thuốc” và tranh thủ thuyết phục, vận động Tổng thống. Nhưng cũng có những ý kiến phản bác giả thuyết này, cho rằng từ “vận động hành lang” đã xuất hiện rất lâu trước khi Grant làm Tổng thống Mỹ.

Vận động là một hoạt động chính đáng, hợp pháp và cần thiết

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để nó chính đáng, hợp pháp, là vận động phải đảm bảo công khai, minh bạch. Và công khai, minh bạch những nội dung gì, hình thức vận động cụ thể phải như thế nào, đến ngưỡng nào thì vận động trở thành hối lộ, tham nhũng và bị coi là bất hợp pháp, v.v. là do luật pháp của quốc gia quy định.

Vận động hành lang, nếu không có luật, không có sự công khai minh bạch, thì sẽ trở thành “đi đêm”, “hối lộ”, “móc ngoặc”, “tham nhũng chính sách” như ở Việt Nam.

Về phần mình, nếu bạn (hoặc nhóm lợi ích của bạn, nếu có) muốn vận động thành công thì điều kiện tiên quyết là bạn phải có khả năng “tiếp cận đối tượng hoạch định chính sách” hoặc phải biết sử dụng người có khả năng làm việc đó. Tóm lại là biết “đi đúng cửa, dùng đúng người” – chuyện này thì ở nước nào cũng vậy.

Vận động quốc tế

Từ tháng 7/2013, với sự ra đời của một tổ chức nhân quyền có tên Mạng Lưới Blogger Việt Nam [2], trong các hoạt động chính trị của người dân Việt Nam xuất hiện một hình thức mới, về bản chất cũng là vận động hành lang nhưng là vận động quốc tế. Đó là khi các blogger Việt Nam đến đại sứ quán của một số nước để đưa bản Tuyên bố 258, với nội dung yêu cầu Nhà nước Việt Nam xóa bỏ hoặc sửa đổi Điều 258 Bộ luật Hình sự, quy định về tội “lạm dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Những năm trước đó, kể từ sau năm 1975 khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam thống nhất, cũng đã có nhiều cá nhân và tổ chức tiến hành vận động quốc tế cho nhân quyền ở Việt Nam, như nhà thơ, nhà báo Võ Văn Ái, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Khối 8406... Tuy nhiên, hoạt động của họ chủ yếu diễn ra ở nước ngoài, về sau này là trên mạng Internet, nếu ở Việt Nam thì cũng nhỏ lẻ, không có tổ chức. Có thể coi Mạng Lưới Blogger Việt Nam và phong trào “Tuyên bố 258” chống Điều 258 Bộ luật Hình sự là nỗ lực có tổ chức đầu tiên của các nhà hoạt động ở trong nước nhằm vận động cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam, mà đối tượng họ hướng tới là cộng đồng quốc tế, cho nên đây là vận động quốc tế.

Tiếp nối phong trào chống Điều 258 mà Mạng Lưới Blogger Việt Nam lập nên, các tổ chức xã hội dân sự độc lập khác trong lĩnh vực nhân quyền, như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Anh Em Dân chủ, cũng bắt đầu tìm đến đại sứ quán của các nước phương Tây ở Việt Nam để vận động quốc tế.

Vận động cụ thể nội dung gì? Các cá nhân và tổ chức nhân quyền ở Việt Nam, khi đi vận động quốc tế, đều có những mục đích và nội dung riêng. Tuy nhiên, tinh thần chung của họ là thông qua các đại sứ quán, đề nghị chính phủ các nước phương Tây gây sức ép qua con đường ngoại giao để buộc Chính phủ CHXHCN Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền của người dân.


Ảnh: Thân nhân tử tù Lê Văn Mạnh, luật sư Trần Vũ Hải, và các nhà hoạt động Mai Phương Thảo, Phạm Lê Vương Các, Trịnh Anh Tuấn tại cuộc họp với Phái đoàn Liên minh châu Âu và một loạt đại sứ quán phương Tây ở Hà Nội về vụ án Lê Văn Mạnh, ngày 10/11/2015. Ảnh: Hoàng Thành

Cũng có trường hợp mục đích và nội dung hết sức cụ thể và mang tính cá nhân cao: cứu người. Đó là trường hợp thân nhân các tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh tìm đến các đại sứ quán để kêu oan cho người bị kết án tử hình oan, thậm chí có lần phải vận động xin sứ quán liên hệ gấp với phía Việt Nam để kịp ngăn chặn việc hành quyết.

Tháng 1/2014, lần đầu tiên, một phái đoàn gồm đại diện của sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Mỹ và châu Âu. Phái đoàn gồm đại diện các tổ chức No-U Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Con Đường Việt Nam, và VOICE. Đây chính là đợt vận động quốc tế đầu tiên, ở bên ngoài Việt Nam, có tổ chức và quy mô lớn, của các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền Việt Nam kể từ sau năm 1975.

Xin nhấn mạnh để bạn không nhầm lẫn, rằng phần trên đây đang kể về những nỗ lực vận động quốc tế cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, của các cá nhân và tổ chức hoạt động xã hội dân sự độc lập.

Còn nếu nói về vận động quốc tế nói chung thì đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện từ rất lâu rồi. Việc Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1969), hay Liên Hợp Quốc công nhận tư cách thành viên của Việt Nam (1977) chẳng hạn, đều phải là kết quả của những nỗ lực vận động quốc tế ráo riết, mà tài liệu của tuyên giáo hay gọi là “tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và dư luận tiến bộ trên thế giới”.

Hoạt động đảng phái

Vận động là hình thức hoạt động chính trị mà một cá nhân – như bạn – cũng có thể làm. Nhưng tất nhiên, nó sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có tổ chức. Một tiếng nói đơn lẻ khó mà có sức mạnh như nhiều tiếng nói cùng kết hợp một cách có tổ chức.

Cho nên hoạt động chính trị gắn với tổ chức, đảng phái là vì thế. Hoạt động đảng phái là ít nhất một trong các hoạt động sau:

- Thành lập đảng/ tổ chức chính trị mới;
- Gia nhập đảng/ tổ chức chính trị hiện hành;
- Các hoạt động nhằm mở rộng và phát triển đảng/ tổ chức chính trị, ví dụ tìm kiếm và thu hút thêm thành viên mới, đào tạo để nâng cao chất lượng nhân sự;
- Tranh cử với tư cách người của đảng/ tổ chức chính trị;
- Đưa người của đảng/ tổ chức chính trị vào các chức vụ trong chính quyền;
- Có các hoạt động để đảng của mình giành và giữ được chức vụ trong chính quyền, đồng thời thực thi quyền lực có được từ chức vụ đó.

Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về đảng phái và tổ chức chính trị ở Phần V, “Tương tác chính trị”. Còn ở đây, bạn chỉ cần nhớ rằng đảng phái là các tổ chức làm chính trị một cách chuyên nghiệp, và sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn làm chính trị thông qua hoạt động đảng phái, thay vì độc lập hay là lẻ loi, một mình.

Làm truyền thông

Truyền thông được hiểu đơn giản là “truyền tải thông tin”, nghĩa là việc một cá nhân/tổ chức truyền tải thông tin (dưới các hình thức ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu) cho một/các cá nhân/tổ chức khác biết. Nó cũng có thể được phân loại thành truyền thông cá nhân – thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người như trò chuyện hoặc sử dụng thư tín, điện thoại; và truyền thông đại chúng – truyền tải thông tin đến một lượng lớn khán/thính/độc giả nhưng không tiếp xúc trực tiếp với họ. Báo chí, xuất bản, truyền hình-phát thanh, điện ảnh, Internet đều là các phương tiện truyền thông đại chúng.

Với cách hiểu theo nghĩa rộng – hoạt động chính trị là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm gây ảnh hưởng, thuyết phục, khiến họ hành động như ý bạn muốn – bạn có thể thấy là làm truyền thông đương nhiên cũng là một hình thức hoạt động chính trị.

Các tổ chức, nhóm, hội, đảng phái đều có thể hoặc lập đội ngũ truyền thông riêng của mình (ví dụ báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam); có thể gây tác động lên giới truyền thông, thông qua truyền thông để thuyết phục dư luận theo ý mình muốn. Dư luận ở đây bao gồm toàn bộ phần còn lại của xã hội: người dân, quan chức, nhà hoạch định chính sách, v.v.

Năm 2012, khi các blogger, facebooker đến những điểm nóng về đất đai như Tiên Lãng, Văn Giang, để viết bài, phỏng vấn, chụp ảnh tung lên mạng, họ gọi hành động đó đơn giản là “làm truyền thông”. Nhưng khi đó, chính là họ đang tác động để dư luận hiểu các khía cạnh khác của sự việc – nhất là những phần mà hệ thống báo chí quốc doanh không, chưa hoặc ngại đề cập. Công việc ấy của họ thực chất là một hình thức “hoạt động chính trị”.

Có rất nhiều hoạt động để làm truyền thông, mà viết blog chỉ là một trong số đó. Ví dụ:

  • Ra báo, mở đài
  • Viết báo, viết sách
  • Tổ chức hội nghị, hội thảo - Diễn thuyết
  • Quảng cáo
  • v.v.

Khiếu kiện

Khiếu kiện là sử dụng con đường pháp lý để buộc một cá nhân/ tổ chức nào đó phải làm hoặc chấm dứt làm một việc gì đó. Cụ thể, khiếu kiện (khiếu nại và kiện) là việc một cá nhân/ tổ chức yêu cầu cơ quan hành chính (trong trường hợp khiếu nại) hoặc tòa án (trong trường hợp khởi kiện) buộc một cá nhân/ tổ chức khác phải làm, hoặc ngừng làm, điều gì đó. Đối chiếu với cách hiểu về chính trị theo nghĩa rộng, ta sẽ thấy khiếu kiện cũng là hành động chính trị.

Quốc gia vô địch về việc người dân tham gia chính trị bằng cách kiện có lẽ là Mỹ. Tại đây, chuyện một công dân đâm đơn kiện quan chức chính quyền hoặc công dân khác xâm hại quyền lợi của mình là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hàng xóm không chăm sóc vườn, để cây leo mọc tràn lan sang vườn nhà mình: kiện. Đi xin việc, công ty tuyển dụng ưu tiên người ngoại hình đẹp và mình trượt: kiện. Uống cốc café nóng bị bỏng: kiện.

Để tăng khả năng thắng kiện thì phải thuê luật sư, kết quả là nước Mỹ có mật độ luật sư trên đầu người cao nhất thế giới. Điều này đã khơi nguồn cho nhiều chuyện cười ở Mỹ và về Mỹ, như là quốc gia đầy một bọn ăn không ngồi rồi, rảnh rỗi sinh ra đâm bị thóc chọc bị gạo v.v. Nhưng nhìn từ góc độ chính trị, quản lý xã hội, thì sẽ thấy đó là biểu hiện của việc người Mỹ tin vào luật pháp, luôn có ý thức sử dụng luật pháp làm công cụ giải quyết mâu thuẫn và bảo vệ quyền lợi của mình. Trong văn hóa chính trị Mỹ, không có khái niệm “vô phúc đáo tụng đình” – nghĩa là vô phúc thì mới phải đến chỗ xử kiện, ra tòa, tóm lại là “đến cửa quan” – như ở nước ta.

Biểu tình

Biểu tình hiểu nôm na là “biểu hiện tình cảm” (tiếng Anh, biểu tình là “demonstrate”, cũng có nghĩa là thể hiện, bày tỏ, hoặc chứng minh). Cụ thể hơn, biểu tình là một hành động chính trị trong đó nhiều người tham gia cùng nhau thể hiện một chính kiến, ví dụ bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản đối một cá nhân/ tổ chức/ sự việc nào đó.

Hành động tập thể của họ có thể được thực hiện bằng việc tuần hành (đi bộ), đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông khác. Có thể kết hợp với gây tiếng động: gọi loa, gõ trống, khua chiêng, thổi kèn, kéo đàn, hô khẩu hiệu, hát, diễn kịch hay là hoạt cảnh. Trong nhiều cuộc biểu tình ở nước ngoài, người ta còn đốt cả ảnh, hình nộm của quan chức. Biểu tình thường bắt đầu và/ hoặc kết thúc bằng một cuộc tụ tập tại một địa điểm nhất định, tại đây người ta cùng đọc và nghe diễn văn, tuyên cáo, tuyên bố, v.v.

Biểu tình không nhất thiết phải tuần hành và chỉ tuần hành, nói cách khác, người biểu tình không nhất thiết phải di chuyển mà có thể ở yên một chỗ – đứng, ngồi hoặc thậm chí nằm. Phong tỏa đường đi lối lại, chiếm trụ sở, và ngồi bệt (tọa kháng) cũng được coi là biểu tình; trường hợp sau được gọi là “biểu tình ngồi”.

Ví dụ: Để phản đối chính quyền Trung Quốc tham lam, ưa gây hấn và bắt nạt các quốc gia nhỏ yếu, hoặc để phản đối chính sách đối ngoại thiếu minh bạch và thiếu nhất quán của Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, một nhóm công dân ở Hà Nội có thể tuần hành đến Đại sứ quán Trung Quốc hoặc Bộ Ngoại giao, tụ tập trước cổng các cơ quan này, tổ chức mít-tinh, ra thông cáo, đọc diễn văn, v.v.

Biểu tình có thể là phi bạo lực hoặc bạo lực, hoặc lúc đầu thì ôn hòa nhưng về sau lại nảy sinh bạo lực – giữa công an, cảnh sát với những người tuần hành, hoặc giữa chính những người tham gia với nhau, ví dụ nhóm ủng hộ mâu thuẫn, đánh nhau với nhóm phản đối. Cho nên, luật pháp ở các quốc gia đa phần đều loại bỏ bạo lực, chỉ chấp nhận biểu tình ôn hòa; và sự hiện diện của lực lượng công an, cảnh sát chỉ là để ngăn chặn bạo lực xảy ra.

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, sáng chủ nhật 9/12/2012. Ảnh: Catherine Burton/ AFP

Với những hành động được chấp nhận (tuần hành, hô khẩu hiệu, hát, v.v.), các bạn có thể thấy ngay là không cuộc biểu tình nào lại không mang tính chất “gây rối trật tự công cộng” ở một mức độ nào đó. Nói cách khác, đã là biểu tình thì phải tạo chú ý, mà đã tạo chú ý thì những người biểu tình không thể không làm ồn; chưa nói đã là một cuộc tụ tập nơi công cộng thì đương nhiên phải có tổ chức. Lấy lý do “gây rối trật tự công cộng” để giải tán biểu tình chỉ là một chiêu bài để đàn áp quyền tự do tụ tập ôn hòa và tự do thể hiện chính kiến ôn hòa (còn được gọi là “tự do biểu đạt”) của người dân.

Đình công

Đình công là việc người lao động trong một doanh nghiệp hay một ngành nghề nào đấy đồng loạt ngừng làm việc để gây sức ép lên giới chủ hoặc lên chính quyền.

Theo nghĩa nguyên thủy của nó, đình công chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, khi những người làm công tổ chức ngừng làm việc trên quy mô tập thể để phản đối hoặc ra yêu sách nào đó với giới chủ: tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, v.v. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có khi đình công vươn ra ngoài quan hệ giữa người lao động và giới chủ và dẫn đến thay đổi trong chính sách của nhà nước, thậm chí thay đổi chính thể. Ví dụ đáng nhớ nhất là những cuộc đình công của phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan những năm 1980.

Tẩy chay

Tẩy chay là việc một số người/ nhóm (tức là cá nhân hoặc tổ chức) từ chối giao thiệp, giao dịch với một đối tượng nào đó, hoặc từ chối mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mà họ cho là xấu, phi đạo đức, có sai phạm... như bán hàng giả hàng rởm, gây ô nhiễm môi trường, bóc lột lao động, đối xử thô lỗ và từng lăng mạ khách hàng, v.v. Mục đích của tẩy chay là để trừng phạt hoặc để gây sức ép lên cá nhân, tổ chức nào đó, buộc họ phải thay đổi.

Năm 1955, người Mỹ gốc Phi tẩy chay toàn bộ xe buýt ở Montegomery (bang Alabama). Cuộc tẩy chay bắt đầu vào ngày 5/12/1955, đúng vào ngày mà Rosa Parks, một phụ nữ da đen, phải ra tòa vì đã từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho hành khách da trắng theo sự sắp xếp của tài xế. Trong phiên tòa đó, Rosa Parks bị xử thua và bị phạt 20 đôla, cùng với án phí 4 đôla. Tuy nhiên, bà kháng án, trong khi đó, người Mỹ gốc Phi tổ chức tẩy chay xe buýt để phản đối chính sách phân biệt chủng tộc trên phương tiện giao thông công cộng.

Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày. Nó chỉ chính thức chấm dứt vào ngày 20/12/1956, hơn một tháng sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết rằng phân biệt đối xử trên xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác là vi hiến. Đây là một thắng lợi rực rỡ của phong trào đấu tranh vì quyền dân sự của người Mỹ gốc Phi.

Chuyện tẩy chay giờ đây không còn là mới mẻ trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Ví dụ, ở Hàn Quốc từng có phong trào tẩy chay thịt bò Mỹ (năm 2008), còn tại Trung Quốc, khi tranh chấp biển đảo với Nhật Bản leo thang, nhiều hiệu sách Bắc Kinh đã ngừng bán các ấn phẩm của Nhật. Tương tự, doanh nghiệp xuất khẩu chuối Philippines khốn đốn khi đối tác Trung Quốc đồng loạt từ chối nhập khẩu để trả đũa Philippines trong tranh chấp chủ quyền. Ngay sau sự cố này, cơ quan xúc tiến thương mại của Philippines đã phải tính đến khả năng tìm kiếm, mở rộng thị trường hoa quả ở các nước khác, như châu Âu.

Tại Việt Nam, vào năm 1919, từng có phong trào “tẩy chay các chú”, tức là tẩy chay các chú khách (doanh nhân Hoa kiều). Tinh thần chung là “người Việt Nam buôn bán với nhau, không mua hàng của Hoa kiều”. Có tài liệu nói rằng phong trào được sự hưởng ứng của cả giới doanh thương lẫn sinh viên, viên chức tại Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định... 89 năm sau, vào năm 2008, với sự cố Vedan xả nước “giết” sông Thị Vải, một chiến dịch tẩy chay đã nổi lên, khởi đầu từ những lời kêu gọi trên mạng Internet. Nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt ngừng phân phối sản phẩm bột ngọt Vedan. Cuối cùng, doanh nghiệp này đã chấp nhận thương lượng bồi thường cho nông dân địa phương.

***
Vào ngày 27/1/2015, ông Võ Văn Minh, 35 tuổi, một chủ quán bún tại Tiền Giang, bị công an bắt trong vụ “con ruồi Tân Hiệp Phát”. Theo cáo trạng, trước đó ông Minh đã phát hiện một chai nước Number One của Tân Hiệp Phát có con ruồi bên trong, ông gọi cho Tân Hiệp Phát yêu cầu họ trả tiền (1 tỉ đồng) để đổi lấy sự im lặng. Tân Hiệp Phát đồng ý giao tiền, đồng thời bí mật báo công an. Khi ông Võ Văn Minh đến lấy tiền thì bị bắt tại chỗ, ông bị giam từ đó và đối diện mức án 20 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Ngày 1/2/2015, ra đời trang facebook Tẩy chay Tân Hiệp Phát, thu hút 26.000 thành viên chỉ trong một tuần, kịch liệt lên án cách xử lý khủng hoảng yếu kém và đạo đức kinh doanh tồi tệ của Tân Hiệp Phát: Gài bẫy, đẩy người tiêu dùng - khách hàng của mình - vào tù ngục. Trước khi bị đánh sập hoàn toàn vào ngày 8/8/2015 (nhiều khả năng do phản công từ Tân Hiệp Phát), trong vòng sáu tháng tồn tại, nó đã có hàng chục nghìn độc giả; nhiều bài đăng đạt tới 20.000 like. “Tẩy chay Tân Hiệp Phát” trở thành một mẫu mực của việc người tiêu dùng trong thời đại Internet, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, sử dụng quyền lực vốn bị lãng quên của mình đối với doanh nghiệp và thể hiện sức mạnh khủng khiếp.

Ngày 18/12/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm vụ “con ruồi trong chai Dr. anh của Tân Hiệp Phát”, tuyên phạt ông Võ Văn Minh 7 năm tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản”. Ngày 08/9/2016, Tòa án Nhân dân cấp cao xử phúc thẩm, tuyên y án.

***
Tuy nhiên, nói chung, tẩy chay rất hiếm xảy ra ở Việt Nam dưới thời cộng sản. Có lẽ do những người tiêu dùng xuất thân từ thời bao cấp đói khổ, hàng hóa khan hiếm, có xu hướng dễ dàng chịu đựng và chấp nhận doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ chất lượng tồi, với tâm lý “có mà dùng là tốt rồi”. Các hàng “phở quát, cháo chửi” khét tiếng ở thủ đô Hà Nội chẳng hạn, chưa bao giờ họ nghĩ đến khả năng bị tẩy chay.

Bất tuân dân sự

Là việc cố ý không chấp hành một đạo luật hay quy định nào đó của chính quyền, chấp nhận bị xử lý, đàn áp, nhằm gây tác động lên chính quyền.

Vào những năm đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ, nhà hoạt động nổi tiếng, người mà toàn dân Ấn Độ tôn xưng là “Thánh” – Mahatma Gandhi (1869-1948) – đã phát triển một phương pháp đấu tranh mà ông gọi là “bất tuân dân sự phi bạo lực” (tiếng Anh: nonviolent civil disobedience, tiếng Ấn: satyagraha). Đây là một hình thức hoạt động chính trị theo đó, người dân từ chối tuân thủ luật pháp của nhà cầm quyền để tỏ thái độ phản kháng và buộc chính quyền phải thay đổi chính sách hay một đạo luật cụ thể nào đó; sự bất tuân này hoàn toàn ôn hòa, không sử dụng vũ lực.

Các biểu hiện của bất tuân dân sự khá đa dạng, tùy sự sáng tạo của người tiến hành. Như các bạn có thể đã thấy, nó bao gồm cả đình công, tẩy chay, biểu tình. Còn có việc bất hợp tác với cơ quan chính quyền, chẳng hạn, bằng cách nhất định không tuân theo đạo luật hoặc chính sách mà mình phản đối. Ở phần trên bạn đã nghe nói đến Rosa Parks (1913-2005), người phụ nữ nổi tiếng của phong trào đòi quyền cho người da đen ở Mỹ. Bà đã thể hiện sự bất tuân của mình đối với chính sách phân biệt chủng tộc bằng cách từ chối đứng dậy nhường ghế cho một người da trắng trên xe buýt. Theo luật pháp Mỹ lúc đó thì xe buýt quy định chỗ ngồi riêng cho dân da đen và dân da trắng.

Bản chất của bất tuân dân sự là chống lại những đạo luật, chính sách mà ta cho là bất hợp lý, bất công. Nói cách khác, đã thực hiện bất tuân dân sự, nghĩa là phải có hành vi vi phạm pháp luật. Như ở Việt Nam, gần như chắc chắn nó sẽ đi ngược với đường lối, chủ trương của đảng Cộng sản, và người bất tuân sẽ bị coi là phản động.

Tại Ấn Độ trong những năm tháng giành độc lập, phong trào đấu tranh bất bạo động do Gandhi khởi xướng được hưởng ứng nhiệt liệt: Hàng nghìn người tuần hành, biểu tình ngồi, từ chối đóng thuế (để phản đối luật muối của chính quyền thực dân)... Khi bị cảnh sát đàn áp, họ vẫn nhất quyết giữ tinh thần phi bạo lực: Không chống cự, chấp nhận vào tù càng đông càng tốt. Mục đích của họ là thu hút chú ý và giành sự ủng hộ của cộng đồng. Cảnh sát càng hành xử tàn bạo thì sự ủng hộ dành cho phong trào bất bạo động càng có khả năng cao hơn.

Tương tự, sự đàn áp của cảnh sát đối với những người phụ nữ đòi quyền bỏ phiếu đầu thế kỷ 20, với những người da đen chống phân biệt chủng tộc thập niên 1960, đã khiến cho ngày càng có thêm dư luận cảm thông và ủng hộ sự nghiệp của những nhà đấu tranh nhân quyền. Làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam hẳn là đã dâng cao ở Mỹ, khi các kênh truyền hình phát đi hình ảnh cảnh sát Mỹ cầm roi vụt tóe máu một người biểu tình.

Thế nhưng, nếu so với Việt Nam, thì ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là vai trò của hệ thống truyền thông (báo chí - truyền hình có được tùy ý lựa chọn thông tin, hình ảnh mà họ muốn sử dụng không?); thứ hai là văn hóa chính trị (tâm lý xã hội có ủng hộ hoặc ít nhất là tôn trọng những người quan tâm đến chính trị không?).

Bạn hãy thử nghĩ về một ví dụ giả tưởng: Nếu Mahatma Gandhi sống ở Việt Nam thời cộng sản và tham gia biểu tình ngồi trước cổng Quốc hội hay Tòa án Nhân dân Tối cao, liệu hình ảnh ông có được phản ánh một cách đẹp đẽ trên truyền hình? Và liệu ông có được đông đảo người dân ủng hộ? Câu trả lời nhiều khả năng sẽ là KHÔNG.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, có nhiều chính sách và đạo luật bất hợp lý hoặc gây tranh cãi, mà nếu ở trong một không gian văn hóa chính trị khác, rất có thể bất tuân dân sự đã xảy ra. Ví dụ như chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy”, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 19/6/2007 của Chính phủ. Đây là một chính sách gây tranh cãi. Ở trong một nền văn hóa chính trị khác, bất tuân dân sự hoàn toàn có thể xảy ra khi một nhóm người (ví dụ: những người kinh doanh mũ lưỡi trai, nón lá...) nhất định không đội mũ bảo hiểm khi ra đường, nếu bị công an bắt thì nhất định không nộp phạt, và viết bài, xuất hiện trên báo chí-truyền hình để tỏ thái độ phản đối. Ở Việt Nam thì không. Kể từ ngày 15/12/2007, toàn dân đều chấp nhận đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, không một ai dám bất tuân.

Như vậy, có thể thấy bất tuân dân sự chỉ đạt kết quả nếu những người tham gia thu hút được sự chú ý và ủng hộ từ dư luận, mà muốn như thế thì lại cần hai điều kiện:

1. Hệ thống truyền thông (tương đối) độc lập;
2. Văn hóa chính trị chấp nhận sự phản biện, phản kháng đối với chính quyền.

Tất nhiên, cá nhân tác giả tin rằng văn hóa chính trị là cái có thể thay đổi, và cân nhắc đến yếu tố văn hóa chính trị không hề đồng nghĩa với chấp nhận thỏa hiệp và phụ thuộc vào nó. Suy cho cùng, làm chính trị là thực hành khả năng thuyết phục và vận động người khác, khả năng thu phục số đông để thách thức trật tự cũ mà văn hóa chính trị hiện hành là một phần trong đó.
Khi tiến hành đấu tranh bất bạo động, Gandhi có bao giờ bị “một bộ phận dư luận” phản ứng miệt thị không? Chắc là có chứ, nhưng bạn hãy nhớ câu này của ông: “Đầu tiên họ phớt lờ bạn, sau đó họ cười nhạo bạn, sau nữa họ đánh bạn, và rồi bạn chiến thắng”.

Sử dụng bạo lực

Đây cũng là một nhóm hình thức hoạt động chính trị. Nó bao gồm các hành động như: khủng bố; bắt cóc làm con tin; ám sát; nổi loạn, nổi dậy cướp chính quyền; đảo chính; phá hoại cơ sở vật chất (ví dụ: đốt phá nhà xưởng và các công trình công cộng, cướp máy bay); gây chiến tranh, kể cả nội chiến... Những hoạt động này, cho dù có thể bất hợp pháp, vô nhân đạo, nhưng chúng vẫn được tính là hoạt động chính trị, bởi chúng vẫn nhằm mục đích gây ảnh hưởng. Rõ ràng, kể cả gây sợ hãi trên diện rộng, tức là khủng bố, thì cũng là gây ảnh hưởng.

Thế giới ngày nay không ưa bạo lực; dư luận tiến bộ luôn phản đối bạo lực và chỉ khuyến khích những nỗ lực thay đổi một cách ôn hòa thông qua đối thoại, thuyết phục, xem đó như chỉ dấu của một xã hội văn minh. Bạo lực bị lên án gay gắt.

Điều đó tất nhiên là đúng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trong việc đấu tranh chống độc tài, khi lên án bạo lực, chúng ta cũng chớ nên quên rằng ngay cả Nelson Mandela – người anh hùng đấu tranh cho nhân quyền và bình đẳng – cũng từng có lúc phải theo đuổi con đường bạo lực.

Nelson Mandela không phải tù nhân lương tâm*

Năm 1961, Nelson Mandela đồng sáng lập và trở thành lãnh đạo đầu tiên của Umkhonto we Sizwe (“Ngọn giáo của dân tộc”), còn được gọi là MK, nhánh vũ trang của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

Dưới sự lãnh đạo của Mandela, MK tổ chức một chiến dịch phá hoại nhằm vào chính quyền – khi ấy chính quyền đã vừa tuyên bố Nam Phi là một nước cộng hòa, và rút khỏi Khối Thịnh vượng Chung thuộc Anh. Tháng 1/1962, Mandela trốn ra nước ngoài để dự một hội nghị của các nhà lãnh đạo dân tộc Phi ở Ethiopia và theo học một khóa huấn luyện về chiến tranh du kích ở Algeria. Ngày 5/8, gần như ngay sau khi trở về, ông bị bắt giam và sau đó bị kết án 5 năm tù vì tội trốn khỏi đất nước bất hợp pháp và tội kích động một cuộc đình công của công nhân vào năm 1961. Tháng 7 năm sau đó, cảnh sát bố ráp một nơi trú ẩn của ANC ở Rivonia, ngoại ô Johannesburg, bắt giữ một nhóm lãnh đạo MK gồm cả người da đen và da trắng, đang họp đánh giá kế hoạch tổ chức một cuộc chiến tranh du kích. Bằng chứng tìm được đã chống lại Mandela và các nhà hoạt động khác – tất cả đều bị đưa ra tòa vì tội phá hoại, tội phản quốc và âm mưu kích động bạo lực.

Trước tòa, Nelson Mandela trình bày lý do phải có một sự ly khai dứt khoát khỏi giáo lý ban đầu của đảng ANC: “Sẽ là sai lầm và hão huyền nếu các nhà lãnh đạo châu Phi tiếp tục rao giảng về hòa bình và phi bạo lực vào thời điểm mà chính quyền chỉ đáp trả những yêu cầu ôn hòa của chúng tôi bằng vũ lực. Chỉ khi nào tất cả các cố gắng khác đều đã thất bại hết, khi tất cả các kênh phản đối ôn hòa đều đã bị cấm đoán, thì mới phải quyết định bắt đầu các hình thức bạo lực của đấu tranh chính trị”.

... Điều ít người biết là: Cho đến tận tháng 7/2008, Mandela và các đảng viên ANC vẫn bị hạn chế xuất cảnh đến Hoa Kỳ – ngoại trừ đến trụ sở Liên Hiệp Quốc (ở New York) và nếu được Ngoại trưởng Mỹ cấp giấy phép đặc biệt – vì họ bị quy là khủng bố trong thời kỳ đấu tranh chống chính quyền apartheid (a-pác-thai). Bản thân Nelson Mandela, mặc dù chịu án chung thân và cuối cùng phải ngồi tù tới 27 năm, cũng không được coi là tù nhân lương tâm. ( Theo định nghĩa của tổ chức Ân xá Quốc tế, tù nhân lương tâm là những người bị tù chỉ vì đã thực thi một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, và là người không sử dụng bạo lực hay cổ súy bạo lực, hận thù).

* Trích từ bài “Nelson Mandela – vị luật sư thắp lửa tự do” – Hoàng Kim Phượng, đăng trên Luật Khoa tạp chí ngày 5/11/2014.
-----
Chú thích:
1. “Governing: An Introduction to Political Science”, Austin Ranney, 8th edition, Prentice Hall.
2. Mạng Lưới Blogger Việt Nam được tuyên bố thành lập chính thức vào Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12) năm 2013. Tuyên bố 258 được công bố trên Internet vào 8h tối giờ Hà Nội, ngày 18/7/2013, và đã được Mạng Lưới Blogger Việt Nam đưa đến các đại sứ quán Mỹ, Thụy Điển, Đức, Phái đoàn EU, Úc tại Hà Nội, văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bangkok (Thái Lan).

P.Đ.T.

—————–
Luật KhoaCuốn Chính trị bình dân được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).
Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:
Nguyễn Quang A
Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội
Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com.
Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.

Bạn đọc ở các nước khác Việt Nam có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon (https://www.amazon.com/Chinh-Tri-Binh-Dan-Vie…/…/ref=sr_1_1…) hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook (https://www.facebook.com/viethong.mac).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn