Vì các vị độc tài, chúng tôi mới phải đi vận động quốc tế cho nhân quyền [1]

(Trích Chương 2- Phần 1, sách CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN của Phạm Đoan Trang)

Phạm Đoan Trang
Ngày 7/8/2013, 5 blogger Nghiêm Việt Anh, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong (nick Lê Thiện Nhân), Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Văn Viên (nick Cụ Già Vào Mạng), đã thành công trong việc vượt qua nhiều vòng công quyền thù địch (đúng ra từ “thù địch” phải dành cho cơ quan công quyền mới phải, vì lâu nay công an, dân phòng, dư luận viên chính là lực lượng công khai thể hiện sự thù địch và căm ghét với những người ủng hộ dân chủ), vào được bên trong Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam để trao bản Tuyên bố 258.
Trước đó, Chiến dịch 258 đã bắt đầu từ trong nước với việc một nhóm blogger đến gặp Đại sứ quán Mỹ (chiều 24/7 tại Hà Nội), nhưng cuộc gặp này không được thông báo rộng rãi từ trước. Có lẽ vì thế nên các blogger tiếp xúc với tùy viên báo chí của phía Mỹ không mấy khó khăn. Họ không bị an ninh cản trở nhiều như nhóm viếng thăm Đại sứ quán Thụỵ Điển.
Hàng tốp công an đã đứng vây lấy cổng Sứ quán Thụy Điển từ 7h30 sáng - điều này làm cho chính người chủ nhà và là người tổ chức cuộc gặp, bà Elenore Kanter, cũng phải “choáng”. Khi các blogger chuẩn bị tới nơi, công an ra sức đuổi tất cả các taxi chạy ngang qua khu vực, không cho họ dừng lại. Thậm chí một phụ nữ nước ngoài muốn vẫy taxi cũng không được, đành phải đi bộ ra phía ngoài đường Kim Mã.
Khi cuộc gặp kết thúc, các blogger định ra về, thì lại thấy an ninh đã chờ sẵn ở cổng với ánh mắt gườm gườm, đầy thù địch. Bên trong Sứ quán lúc đó, chủ nhà (toàn là phụ nữ) lo lắng đến mức cuối cùng họ phải bố trí cho nhóm blogger tạm lánh vào tư gia của bà Elenore Kanter trong khuôn viên khu nhà, chờ cho “các anh” ở ngoài bớt nóng rồi họ sẽ đi tay chân không ra, gửi đồ đạc lại.
Phó Đại sứ Thụy Điển Elenore Kanter (người mặc váy xanh) phải đưa các blogger ra tận cổng để đảm bảo họ được an toàn khi trở về.
***
Tuyên bố 258 là tiếng nói độc lập từ các blogger yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc lợi dụng Điều 258 Bộ luật Hình sự để bắt giữ, đàn áp những người có “góc nhìn khác”.
Chiến dịch 258 có thể được coi như nỗ lực chung đầu tiên của các blogger chính trị ở Việt Nam nhằm vận động cho nhân quyền và dân chủ. Đó cũng là lần đầu tiên những người hoạt động dân chủ-nhân quyền Việt Nam công khai tiếp xúc với các cơ quan đại diện ngoại giao (Mỹ, Thụy Điển, Úc, Đức, Phái đoàn EU) và tổ chức nhân quyền quốc tế và khu vực (HRW [2], Freedom House, SEAPA [3])... để kêu gọi họ quan tâm đến tình hình nhân quyền và cuộc đấu tranh của các blogger vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam.
Cũng kể từ đó, “cuộc chiến diệt rận” của đám dư luận viên, mà thực chất là chống lại các giá trị dân chủ-nhân quyền, bắt đầu leo thang.
***
Ngay cả những người không phải là dư luận viên thì sau này, cũng có không ít ý kiến hỏi (hoặc chỉ trích) rằng việc đưa Tuyên bố 258 ra cộng đồng quốc tế có phải là hành động gián điệp, vọng ngoại, “cõng rắn cắn gà nhà”, đem chuyện trong nhà ra nước ngoài tố cáo, trong khi lẽ ra việc của Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết.
Là người tham gia Chiến dịch 258 từ đầu và trực tiếp đưa Tuyên bố 258 tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tôi xin trả lời những ý kiến trên như sau:
1. Tôi không biết có ai cảm thấy tự hào khi phải phản ánh tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ra thế giới; tôi thì không.
Việc này cũng tương tự như chuyện có thể có một số rất ít nhà báo mong có tai nạn giao thông thảm khốc, cháy, nổ, thiên tai, vụ án giết người... để đưa tin, viết bài, câu view, bán báo... nhưng đại đa số nhà báo không mong muốn phải tác nghiệp về những chuyện như thế.
Là một nhà báo và là một blogger, tôi cũng chỉ ước mình có thể viết, có thể nói những điều tốt đẹp về Việt Nam mà thôi, rằng Việt Nam đẹp lắm, con người Việt Nam dễ thương lắm, chính quyền Việt Nam dân chủ và tiến bộ lắm. (Riêng ý thứ ba này thì hơi khó, vì trên cả thế giới, nói chung các bạn dư luận viên sẽ không tìm ra người dân nước nào ca ngợi chính quyền của mình cả - trừ phi các bạn đến Bắc Triều Tiên hay một vài xứ độc tài tương tự).
Khi đã phải nói những sự thật chẳng hay ho gì về nước mình, là khi người ta đau lòng và khổ sở, và cũng đã cảm thấy tuyệt vọng vì không có khả năng thay đổi tình hình.
2. Không ai không hiểu rằng việc của người Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết. Nhưng nếu vậy thì là công dân Việt Nam, chúng ta phải làm gì để thay đổi chính sách?
Hãy chỉ cho tôi cách làm thế nào để vận động chính sách ở Việt Nam mà không phải hối lộ, đút lót, không cần phải là đảng viên cộng sản, không cần có chức quyền, không cần nhờ “Anh Hai, Anh Ba, Anh Tư” nào đó tác động, không phải gửi hàng chục cân kiến nghị/ đề đạt và mòn mỏi chờ đợi phản hồi, để rồi nhận những phản hồi (nếu có) kiểu “chúng tôi đã nhận được thư của ông/bà và đã chuyển tới cơ quan chức năng xem xét giải quyết” v.v.?
Hãy chỉ ra xem nào.
3. Việc tiếp xúc và phản ánh thông tin đến cộng đồng quốc tế cũng chỉ là một hành động chính trị như vô số hành động chính trị khác (làm truyền thông, tuần hành, biểu tình, khiếu kiện, v.v).
Và, có vẻ như nó là hành động chính trị đặc thù của người dân ở những xứ sở độc tài. Nếu Việt Nam là một thể chế dân chủ, nơi các quyền dân sự và chính trị (như quyền biểu đạt ý kiến, quyền tham gia chính trị) của người dân được đảm bảo, thì các blogger cần gì phải đi vận động quốc tế cho những việc trong nước?
Nói vậy, nhưng tôi không tin đầu óc của dư luận viên hay quan chức Việt Nam có thể hiểu. Những cái đầu ấy không bao giờ đủ trí tuệ và sự tinh tế để hiểu nỗi đau khổ của những người đi vận động nhân quyền cho Việt Nam.
P.Đ.T.
__________

Chú thích:

[1] Bài đã đăng trên blog cá nhân của tác giả vào ngày 07/08/2015.
[2] HRW: Human Rights Watch, tổ chức Giám sát Nhân quyền.
[3] SEAPA: Southeast Asian Press Alliance, Liên minh Báo chí Đông Nam Á.
__________
Luật Khoa: Cuốn Chính trị bình dân được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).
Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:
Nguyễn Quang A
Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội
Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com.
Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.
Bạn đọc ở các nước khác Việt Nam có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon (https://www.amazon.com/Chinh-Tri-Binh-Dan-Vie…/…/ref=sr_1_1…) hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook (https://www.facebook.com/viethong.mac).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn