NGUYỄN VĂN VĨNH - NHÀ BÁO hay DỊCH GIẢ?!




(Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 82 của Nguyễn Văn Vĩnh - 12 tháng Ba Âm lịch)

Nguyễn Lân Bình



Quá khứ lịch sử chỉ có thể trở nên trung thực khi không bị chi phối, cản trở của ý thức hệ tư tưởng chính trị dù ở bất cứ thời đại nào. Điều này, nhiều người quan tâm đến nền lịch sử văn hóa xã hội đều biết.

Như đã được nhấn mạnh từ những bài trình bày trước đây về Nguyễn Văn Vĩnh, việc các chế độ chính trị luôn tỏ ra “ái ngại” khi bàn về Nguyễn Văn Vĩnh, là nguyên nhân đầu tiên dẫn hậu thế đến sự nhận thức mơ hồ về một nhân vật lịch sử có sự nghiệp đồ sộ, khác thường như ông. Từ nhận thức mơ hồ đến ngờ vực, cách nhau đúng một sợi tóc!

Tôi làm công việc sưu tập tư liệu về sự nghiệp, con người và gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, đã phải chứng kiến không ít những quan điểm, lời lẽ và cả thái độ vô văn hóa của chính những kẻ nhân danh văn hóa nói về Nguyễn Văn Vĩnh. Có thể xác định được, những chuyện đó ‘không khó hiểu’, bởi vì họ cố ý như vậy.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực, đó là động cơ đẩy những người thực sự có ý thức đối với công việc mình theo đuổi, tiếp tục lao động, tìm kiếm cứ liệu và chứng minh cho những kẻ có hiểu biết thiển cận về Nguyễn Văn Vĩnh, rằng họ mang trong đầu một loại tư tưởng bệnh hoạn, bị chi phối bởi lợi ích tư tưởng “phe phái” cực đoan!

Với chúng tôi, sự phản biện của dư luận xã hội, là gương soi, giúp tôi và chúng tôi nhìn rõ những vết nhọ (nếu có) trên mặt mình, để qua đó, hoặc lau rửa, hoặc biết rõ tâm địa của những kẻ nêu ý kiến ngược chiều. Cho nên, vẫn nhìn ở góc tích cực, dù gì chúng tôi vẫn cảm ơn họ, những kẻ tìm cách ‘hạ thấp’ những giá trị mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại, cũng như những gì chúng tôi đã làm.

Nguyên tố Uranium (U) tạo thành Plutonium (P) khi được làm giàu, rồi trở thành thành phần chính của năng lượng hạt nhân nguyên tử.

Qua những cuộc ‘va đập’ về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, sự đồng cảm và thiện chí của những người quan tâm. Họ đã cung cấp, gửi tặng, kể cả vô tình “cho” chúng tôi rất nhiều những tư liệu cực kỳ có giá trị về Nguyễn Văn Vĩnh, về văn hóa lịch sử, về quá khứ.

Họ không chỉ an ủi, động viên chúng tôi, mà họ còn muốn góp mặt chứng minh sự dối trá dại dột của những kẻ muốn lấy tay che khuất Mặt Trời, chà đạp sự thật và bóp méo quá khứ của Nguyễn Văn Vĩnh.

Khi nắm bắt được tư liệu cụ thể, nguồn gốc rõ ràng và chính xác, chúng tôi đối chiếu, so sánh với những gì mình có, và xin trình bày, chia sẻ với các quý vị và các bạn, hi vọng chúng ta cùng mở rộng thêm hiểu biết, thông qua những tư liệu mà chúng tôi chắt lọc từ các nguồn khác nhau, với những ý định khác nhau, của những người khác nhau quan tâm đến đề tài Nguyễn Văn Vĩnh, nhân ngày giỗ thiêng liêng lần thứ 82 của ông:



Tác phẩm KHẾ ƯỚC XÃ HỘI của Jean Jacques Rousseau (Giăng Giăắc Rutxô) được xuất bản lần đầu tiên năm 1762 bằng tiếng Pháp. Nội dung là một loại sách triết học, nói về trật tự xã hội chính trị phương Tây

Nguyễn Văn Vĩnh là nhà dịch thuật, trước khi trở thành nhà báo!

Nguyễn Văn Vĩnh quyết trở thành một nhà báo chân chính của dân tộc mình, của nền văn hóa chữ Quốc ngữ non trẻ đầu thế kỷ 20, nên ông ‘vô tình’ trở thành nhà ngôn ngữ. Mục tiêu phấn đấu của ông, là đưa chữ viết của dân tộc Việt được La tinh hóa, trở thành chữ viết phổ thông, chứng minh tính độc lập, không lệ thuộc về văn hóa với các nước lớn luôn tìm cách đồng hóa đất nước và người dân An Nam.

Đây, lời tâm sự của Nguyễn Văn Vĩnh khi nhìn lại cuộc đời lao động của mình vào cái năm cuối cùng của kiếp người với một đồng nghiệp, là chủ một tờ báo ở Hà Nội năm 1935(1):

“…Nhưng từ trước đến giờ, ông Vĩnh vẫn một lòng tin-cạy ở sự tiến-bộ của quốc-văn. Hỏi ông về sự vun-đắp cho quốc-văn thành một thứ văn minh-bạch và chính-xác như pháp-văn, ông đáp:

Có thể được lắm…

Miễn là…?

Miễn là người ta dùng nó. Phải làm thế nào cho rất nhiều người biết chữ quốc-ngữ, dùng quốc-ngữ, đọc báo và sách quốc-ngữ mới được”.

Trong phần tâm sự của người đồng nghiệp với Nguyễn Văn Vĩnh về nguồn cơn của việc dịch những tác phẩm kinh điển của nền văn minh nhân loại ra chữ Quốc ngữ, có hẳn một đoạn bộc bạch vừa chân thành, vừa ngộ nghĩnh của ông:

Chiều ý cụ(2), tôi liền dịch một quyển Pháp-sử ra quốc-ngữ để đọc cho cụ nghe. Cái ý-kiến dịch sách tây của tôi nảy ra từ đó, nhất là từ năm 1899 và 1900, khi mới có 17, 18 tuổi tôi cả gan dịch Contrat social của J.J. Rousseau (Khế ước xã hội-Còn được gọi là Dân ước. B/t) và Esprit dé lois của Montesquieu (Tinh thần Pháp luật. B/t), được ông Nguyễn dực Văn, ký-lục, bạn đồng tòa của tôi ở Bắc-Ninh khuyến-khích. Ông Văn đọc những sách ấy ở các sách Dân-ước và Vạn-pháp tinh-lý hay Pháp-ý của Tàu dịch ở sách tây ra, rồi đem so-sánh hai bản dịch thì thấy bản dịch của tôi cũng đúng. Tuy vậy, thấy chỗ nào đáng ngờ, hai chúng tôi lại đem ra bàn-bạc với nhau, cái trí phê-bình của tôi phát ra từ độ ấy. Tôi lại dịch cả tập thứ nhất cuốn Traité de l’Esprit (Hiệp ước Thánh linh. B/t) của Helvétius nữa. Hồi ấy nhằm vào năm 1905”.




Cuốn sách TINH THẦN PHÁP LUẬT của Montesquieu (Môngteskiơ) xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1748 và ẩn danh. Năm 1750 cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh và bị nhà thờ công giáo liệt vào loại sách cấm. Cuốn sách Tinh thần pháp luật được ví von là 1 trong những cuốn sách gối đầu giường của dân luật.

Như vậy, với một đoạn tâm sự được ghi chép lại, chúng ta tin rằng, Nguyễn Văn Vĩnh đã can dự với việc dịch thuật từ khi còn rất trẻ. Nhận định của chúng tôi như đã từng nói, rằng chính nhờ việc nắm bắt được tiếng Pháp một cách triệt để, ông hiểu được những nội dung chứa đầy tính uyên bác của các tác phẩm rơi vào tay mình. Vì nhận thức được, cộng với sự khích lệ của những người đàn anh có tri thức, đã dẫn ông đến con đường vận chuyển những kiến thức tiến bộ đó, đầu tiên dành cho những người gần gũi, rồi sau đó mới là dành cho cộng đồng.

Nguyễn Văn Vĩnh bị ám ảnh sâu sắc, rằng làm sao để có thể chuyển tải những tư tưởng tiến bộ trong các tác phẩm mà ông đọc đó, đến được với xã hội, khi những người đồng bào của ông còn chưa có một loại chữ viết phổ thông?! Vậy là thiếu phương tiện vận chuyển.

Mường tượng ra một loại phương tiện cần thiết cho mục đích của mình, thông qua những phản ứng xã hội mà Nguyễn Văn Vĩnh nhận được sau khi can dự vào việc viết bài, và được báo chí của kẻ cai trị mình chú ý, ông đã nhận ra tính tích cực của báo chí truyền thông, một thứ sản phẩm hoàn toàn tiến bộ của nhân loại, nhưng với người dân của ông, đó là sự xa lạ.

Để xác định chắc chắn, rằng Nguyễn Văn Vĩnh đã được biết thế nào là nghề báo, mời các quý vị và các bạn đọc tiếp một đoạn tâm sự của ông:

Bài báo tây thứ nhất của tôi, viết vào năm 1905, đăng trong báo “Courrier d’Haiphong” (Tin tức Hải Phòng. B/t). Bài ấy để đáp lại một bài của ông De Monpezat bàn về cái chánh-sách biệt-hóa mà hiệp-lực (politique d’association). Nhân bài ấy mà dư-luận người Pháp chú-ý đến tôi(3)”.

Thực tế cho thấy, cứ liệu lịch sử, chứng cứ lịch sử, văn bản ghi chép của những người cùng thời với nhân vật lịch sử, không phải hoàn toàn lúc nào cũng là đúng tuyệt đối (thiết nghĩ, điều này cũng không nằm ngoài thuyết Tương đối của Anhxtanh), xong về căn bản, nếu trong chuỗi bằng chứng để chứng minh một việc quan trọng, mà có đôi ba chi tiết phụ, không thực đúng với quá khứ, cũng không có nghĩa là chuỗi bằng chứng đó không có giá trị.

Chúng ta đã từng được đọc cái tâm sự của Nguyễn Văn Vĩnh khi được chứng kiến lần đầu tiên, ông được biết thế nào là công nghệ in báo, lúc ông mới 24 tuổi. Ngày 5/6/1906, ông đã say xưa viết thư từ Đấu xảo Marseille về cho người em trai là Nguyễn Văn Thọ, và người bạn thân là Phạm Duy Tốn ở Hà Nội, để qua đó thấy những điểm nhấn quan trọng liên quan đến ước vọng làm báo của ông. Việc chứng kiến này của Nguyễn Văn Vĩnh như một cú sét, đánh vào tâm khảm của ông, và trùng với ý đồ ông đang lần mò tìm kiếm cái phương tiện để ‘vận chuyển’ kiến thức qua con chữ đến đồng bào của mình, điều mà ông đã trung thành theo đuổi cả cuộc đời:

Cuộc đi thăm lý thú nhất của tôi trong Đấu xảo là cuộc đi thăm gian báo “Petit Marseillais”. Tòa báo có những tài liệu xác thực nhất, lý thú nhất về nghề in từ khi nghề đó bắt đầu phát triển - hay nói cho đúng từ khi nghề đó được nhập cảng vào châu Âu. Một cái makets về Guttenberg đứng trong cái nhà in thứ nhất của ông ta…”

Nguyễn Văn Vĩnh còn tường thuật những điều tai nghe mắt thấy trong bức thư ông viết cho hai người, mà theo ông là thân thiết nhất lúc bấy giờ, về thế nào là công nghệ in ấn, cơ sở để xuất bản một tờ báo, và ông tả lại:

Trong một buồng riêng, có bày những máy móc tối tân nói cho ta cái quan niệm của sự cố gắng khổng lồ trong ba thế kỷ. Ai đã từng trông thấy một người thợ xếp chữ, tìm từng chữ một xếp với nhau, buộc thành bát rồi cho vào khuôn, ai đã từng thấy thế mà cho nhìn vào chỗ này thì sẽ phải ngạc nhiên vô cùng. Không cần xếp chữ, không cần buộc, không cần lên khuôn gì cả. Một người chỉ cần điều khiển một cái cần như kiểu đánh máy chữ, trong vài tiếng đồng hồ là có một tờ báo in xong”

Ở đoạn thư tiếp theo, Nguyễn Văn Vĩnh còn ‘tường thuật’ chi tiết hơn. Nhưng câu kết mà Nguyễn Văn Vĩnh dành cho đoạn thư này, mới thấy cái sự ngạc nhiên ngộ nghĩ của một người ‘nhà quê’ khi đứng trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, điều mà hôm nay, những người công nhân trong các xưởng in không thể thấy lạ khi máy in xong, đương nhiên là phải được tự động gấp lại theo khuôn khổ của kích thước một tờ báo:

Tôi còn có dịp nói với anh về cái in báo xong lại gấp luôn lại như tờ “Petit Marseillais”…

29 năm sau, vẫn trong bài tâm sự với người đồng nghiệp nói ở phần đầu, ông đã không quên những gì đã diễn ra trong quá khứ, mà ông còn chi tiết hơn, tổng hợp hơn về cái dấu ấn đã diễn ra như thế nào, cái nhân duyên đã đưa ông đến việc nhận lấy cái sứ mạng của một kẻ làm báo, viết báo và in báo ra sao:

Năm 1906, tôi được cử vào phái-bộ sang dự cuộc Đấu-xảo (Hội chợ triển lãm. B/t) Marseille. Dan hàng của Bắc-kỳ dựng ở liền dan-hàng của báo Le Petit Marseillais. Ông chủ tờ báo ấy hiện giờ còn sống, muốn làm quảng-cáo cho báo mình, đã khuân cả cái tòa báo vào trong trường Đấu-xảo; xưởng máy, tòa soạn, tòa trị-sự, đủ cả. Hàng ngày, tôi thấy cái cảnh hoạt-động trong tòa báo ấy mà thèm: máy chạy ầm-ầm, phóng viên đi lấy tin tới-tấp. Tôi thấy như tôi đâm mê về cái nghề làm báo. Cả ngày tôi sang lân-la hỏi hết cái này đến cái nọ. Ông chủ báo ôn-tồn giảng giải cho tôi rất tử-tế. Tháng Février (tháng Hai. B/t) năm 1907, tôi về nước, đem chuyện làm báo nói với ông Đỗ-Thận ông này khi ấy đang làm cho ông Schneider, chủ nhà in”… 



Chúng ta đã hình dung phần nào những diễn biến về con đường lập nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh theo thứ tự thời gian, do chính ông hệ thống lại và được thông qua những di cảo không phải chỉ do ông viết ra, mà còn được các đồng nghiệp cùng thời nhắc lại bằng giấy trắng mực đen.




Ngày 6/4/2018, nhân ngày giỗ lần thứ 82 của ông nội, bốn người cháu nội đã đến chân cầu Sê Băng Hiêng (sông Sê Pôn), nơi người dân địa phương tìm thấy xác Nguyễn Văn Vĩnh lênh đênh trên một con thuyền độc mộc, một thân một mình, một tay vẫn cầm bút, và tay kia là quyển sổ. Bốn người cháu nội đến nơi linh thiêng này để kính báo với vong hồn ông nội việc Nhà Xuất bản Phụ nữ vừa cho ra mắt cuốn NHỜI ĐÀN BÀ. (Từ phải sang trái: Nguyễn Lân Ngọc, Nguyễn Lân Khôi, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Lân Bình và một người bạn).

Việc bàn luận của hậu thế hẳn sẽ còn dài, xong dài hay ngắn không quan trọng, mà quan trọng là sự thật lịch sử. Nguyễn Văn Vĩnh chưa bao giờ mong đợi bất kỳ một sự vinh danh nào, đúng như ông từng bộc bạch khi vua Khải Định muốn ban tặng ông Kim khánh (1919), ông đã từ chối mà rằng: “Tôi xin giữ cho cái ngực tôi được trinh!”.

Để rồi, chẳng vô cớ, khi ông nằm xuống mãi mãi, nhà yêu nước nổi danh của lịch sử Việt Nam Phan Bội Châu, đã phải thốt lên trong bài điếu của mình viết bằng cả Quốc ngữ, cả Hán văn gửi đến đám tang Nguyễn Văn Vĩnh. Trong phần Hán văn có câu:

“…Kim khánh bất tằng huyền, khởi hữu như kim sơn, năng đoạt ngã tài nhân dĩ khứ…”
Kim khánh chửa từng đeo, há có như núi vàng mà cướp người tài mang đi mất(4).
N.L.B.
__________

Ghi chú:

(1) Tuần báo TIN VĂN, Giám đốc Nguyễn Đức Phong, Chủ nhiệm Thái Phỉ. Số đầu tiên ra ngày 28/7/1935, số cuối cùng 28/11/1936 tại Hà Nội.
(2) ‘Cụ’ là thầy đồ chữ Hán Phan Hữu Đại, người Nguyễn Văn Vĩnh sùng kính.
(3) Bài báo này, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh dùng bút danh Tân Nam Tử.
(4) Người dịch: Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh.
Nguồn: http://www.tannamtu.com/?p=3640

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn