Trí thức làm gì với thời cuộc?



Nguyễn Viện
Viết từ Sài Gòn


Đảng Cộng sản nhấn mạnh phòng, chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ảnh: GETTY IMAGES

Có lẽ, phải hỏi rõ ràng hơn, hiện nay, trong nước đã thật sự có một tầng lớp đáng gọi là trí thức chưa? Và, phải hiểu thế nào là trí thức?

Điều này, nhìn chung có vẻ đơn giản, nếu người ta hiểu trí thức là những người có học với một trình độ hiểu biết nào đó được xã hội nhìn nhận như giới bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, chuyên viên các loại hoặc văn nghệ sĩ v.v.

Nhưng nếu hiểu trí thức như những người có ý thức về vai trò của mình trong xã hội đối với sự hưng vong của một dân tộc thì dường như trong suốt một thời gian dài, Việt Nam đã thiếu vắng hẳn những con người đạt đến chuẩn mực về khả năng dẫn dắt quần chúng, hay phản biện xã hội, biểu tượng cho lương tâm dân tộc.
Trong suốt quá trình cai trị của Đảng Cộng sản VN, từ 1945, không phải chúng ta không từng chứng kiến sự đàn áp của chế độ đối với những tiếng nói ngay thẳng, nhưng sự bất tuân dân sự hay sự phản biện chính trị có hệ thống thì dường như chưa hề xảy ra.

Đảng Cộng sản đã thành công tuyệt đối trong tuyên truyền và đàn áp bạo lực.
Những năm tháng gọi là bao cấp, quốc gia đứng trước ngưỡng sụp đổ vì ngân sách cạn kiệt, dân chúng đói khát lầm than cùng cực… chúng ta cũng không thấy một tiếng nói trí thức nào đủ mạnh để phản kháng hay báo động cho một thảm họa của dân tộc, cho dù trong miền Nam không thiếu những tổ chức chống đối chế độ.
Chỉ đến khi Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa bao trùm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam năm 2007, trí thức mới bừng tỉnh… với cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra cả ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng một "Tuyên cáo của người Việt yêu nước" do nhóm nghệ sĩ Sài Gòn khởi xướng.

Tuy nhiên, phải đến năm 2013, với bản Kiến nghị 72 (do 72 nhân sĩ trí thức cả nước đứng tên ban đầu) đòi thay đổi hiến pháp, trí thức mới thực sự vào cuộc và tạm gọi là đóng đúng vai trò của mình: phản biện xã hội.

Trí thức có thể làm gì?

Cho đến nay, không biết bao nhiêu kiến nghị đã được gởi tới chính quyền, từ chuyện quốc gia đại sự đến những yêu cầu cho một cá nhân nào đó, tôi không thể nhớ hết, nhưng họ đã nhận được gì? Hay đã mang lại điều gì?

Điều ai cũng biết, không những chính quyền im lặng mà thậm chí còn thực hiện những biện pháp đối phó với những người tham gia ký tên ủng hộ các kiến nghị đó, đôi khi thô bạo.

Tại sao chính quyền im lặng?

Câu trả lời chỉ có thể là chính quyền không thể đáp ứng những đòi hỏi do các bản kiến nghị đưa ra.

Tuy nhiên, tôi tin rằng chính quyền cũng không thể không biết đến cái áp lực của những kiến nghị cũng như các hành động khác của giới bất đồng chính kiến lên các chính sách của mình.

Đảng Cộng sản có sợ không?

Tôi tin rằng có, vì thế họ không ngừng kêu gọi chống lại cái gọi là "tự diễn biến, tự chuyển hóa", đồng thời gia tăng bắt bớ, đàn áp với toàn bộ những "nhen nhóm" phản kháng, từ Bắc vào Nam.

Trong lúc cái nguy cơ mất nước hay lệ thuộc Trung Quốc càng ngày càng rõ… Và xã hội càng ngày càng suy đồi, ngoài việc "xóa bàn làm lại", thì liệu những kiến nghị suông có thể giải quyết được gì?

Nhiều người cổ võ lại cái ý tưởng do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng hàng trăm năm trước: "Khai dân trí" như một giải pháp khả thi nhất.

Tất nhiên, khai dân trí bao giờ cũng tốt và không bao giờ cũ. Nhưng với tình thế cấp bách hiện nay, chắc chắn, chỉ khai dân trí là không đủ.

Tôi có một số bạn được gọi là lão thành cách mạng và những người lo lắng cho tương lai quốc gia, thỉnh thoảng gặp nhau, lại hỏi: "Phải làm gì bây giờ?"
Làm gì bây giờ? Một câu hỏi khó.

Trong ít năm gần đây, một loạt các tổ chức xã hội dân sự đã hình thành bất chấp sự đàn áp của chính quyền, như Hội Nhà báo Độc lập, Ban vận động Văn đoàn Độc lập, Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Lao Động Việt, Phụ Nữ Nhân Quyền... bên cạnh những cá nhân nổi bật trong cuộc đấu tranh cho công bằng và dân chủ.



Phiên tòa xử các ông Nguyễn Văn Đài và năm người hôm 5/4. 
Ảnh: GETTY IMAGES

Trong lúc chưa có luật về Hội cũng như quyền tự do phát biểu chính kiến, sự có mặt này cho phép tin vào sự thức tỉnh cũng như ý chí đấu tranh của người dân và tầng lớp trí thức cho một Việt Nam tươi sáng hơn.

Bên cạnh đó, cũng thấy một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, sự xuất hiện của các nhà báo công dân.

Thông qua internet và các trang mạng xã hội, một phong trào quần chúng, mà hầu hết cũng là người có học và "có lý luận", đã mạnh mẽ cất tiếng nói bất bình của mình đối với đảng Cộng sản cầm quyền và các chính sách của họ.
Đối phó với một hiện tượng đáng mừng như thế, đảng và nhà cầm quyền đã thành lập một lực lượng đáp trả được gọi là dư luận viên, cũng hùng hậu không kém.
Tuy nhiên, nhìn chung, phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ đến nay vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ.

Người trí thức chưa tập hợp được quần chúng sau lưng mình, thậm chí ngược lại, họ theo đuôi quần chúng trong những việc như tham gia biểu tình chống Trung Quốc, hoặc các dân oan bị cướp đất…

Dù vậy, tôi tin rằng, một cách lạc quan, đảng và nhà cầm quyền không thể không suy nghĩ để có những bước đi thích hợp cho một xu hướng tất yếu, tự do hơn, dân chủ hơn, lành mạnh hơn trước khi quá muộn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn