Từ Địa Trung Hải đến Hoàng Sa



Lê Văn Chương
29/04/2018

Từ tháng 3 đến nay, tại tỉnh Hérault ở miền Nam nước Pháp xa xôi đã tổ chức chiếu phim “Hiệp sĩ Cát Vàng”, do ông Hồ Cương Quyết thực hiện trực tiếp tại quần đảo Hoàng Sa. 
Chuyến đi của ông Quyết ra vùng biển này gặp sóng to gió lớn và có lúc các ngư dân nhỏ bé phải nín thở khi nghe tiếng cánh quạt máy bay u…u như con thú vật muốn nuốt chửng con tàu trong đêm tối.  
Ô, ông Tây trên tàu!
Lúc 8 giờ 30 phút, ngày 21/3/2017, chiếc tàu cá vỏ gỗ dài 19 mét của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) rời bờ biển giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi đi Hoàng Sa. Vài ngư dân trên tàu sửa soạn để nấu bữa cơm trưa thì thình lình có một ông Tây xuất hiện ngay trên boong tàu.

Hồ Cương Quyết và các ngư dân ở Hoàng Sa - ảnh nhân vật cung cấp
Ê, có ông người nước ngoài ở đâu chui lên tàu của mình?” - vài ngư dân hốt hoảng la to, vì chuyện này giống như trên trời rơi xuống. Vài người thoáng lo lắng vì tàu sẽ mất thời gian quay vào bờ để đẩy ông Tây vào đất liền. Nhưng rồi lạ quá! Ông Tây này lại biết nói tiếng Việt. “Bác là Hồ Cương Quyết và sẽ đi Hoàng Sa với các cháu” - ông Tây nói.
Ngư dân vẫn tiếp tục thắc mắc chuyện “ông Tây có say sóng hay không, nếu ra Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đuổi thì có chịu nổi không, tàu QNg 90559 TS Trương Văn Đức là người cùng quê mới bị Trung Quốc đâm chìm, nên đi Hoàng Sa rất nguy hiểm?”. Ông Nguyễn Tuấn, thuyền trưởng nhận xét: “Ông Quyết là người chân thành và muốn đi Hoàng Sa vì bà con ngư dân chứ không phải mục đích chính trị, nên có thể chấp nhận được”.
Đêm đầu tiên trên con tàu, ông Quyết phải quen với cảm giác chật chội, rung lắc không ngừng. Trước mũi tàu là màn đêm đen kịt. Con tàu hiện ra trên mặt biển là những đốm đèn chớp đỏ được gắn trên nóc tàu để phát tín hiệu, tránh đâm va với tàu vận tải đang hành trình tấp nập suốt ngày đêm. Sau này, cảm giác rung lắc trên tàu càng trở nên kinh khủng khi Hồ Cương Quyết bị ngã gãy xương vai, cảm giác đau nhức khắp người. Vậy nhưng ông vẫn bông đùa “chuyến này bác Hai sẽ được cấp thẻ thương binh Hoàng Sa”.
Chiều hôm sau thì tàu đến Hoàng Sa và đêm xuống, ông Quyết đã quay những thước phim đầu tiên về những ngư dân làm nghề lặn. Mỗi ngư dân ngậm dây hơi, đeo gương, cầm vợt cá, đèn pin lặn xuống nước ở độ sâu khoảng 20 mét. Chiếc thuyền cứ bám theo luồng sáng ngư dân di chuyển dưới đáy biển. Sau ca lặn khoảng 40 phút, các ngư dân ngoi lên với giỏ cá trên tay. Trong lúc các ngư dân lặn thì thuyền trưởng phải luôn quan sát để cảnh giới. Nếu tàu tuần tra Trung Quốc lao tới thì phải nhanh chóng rút ngư dân lên và bắt đầu một cuộc đua.  
Anh nên ủng hộ Việt Nam
Hồ Cương Quyết đến từ xã Sauvian, quận Béziers, tỉnh Hérault, thuộc miền Nam nước Pháp. Trên bản đồ, Hérault trông giống như một chú hà mã dễ thương đang rảo bước bên cạnh bờ biển Địa Trung Hải, còn Quảng Ngãi trông giống như một chú thỏ nằm phủ phục bên bờ biển Đông.

Tờ Midi Libre đăng kín trang về chuyến đi Hoàng Sa của Hồ Cương Quyết - ảnh tư liệu
Mười năm trước, ông Tây mang quốc tịch Việt - Pháp này đã từng đề nghị nhà chức trách Việt Nam cho ra Hoàng Sa với bà con ngư dân Quảng Ngãi. Và lần này, ông bay từ Pháp sang thăm quê hương thứ 2 của mình và bí mật lên một chiếc tàu rời đất liền.
Có 2 người phụ nữ mà ông Quyết chia sẻ trước chuyến đi, đó là mẹ và vợ. Gần 40 năm trước, vào ngày 25/7/1970, Menras André (Hồ Cương Quyết) cùng một người bạn của mình đã tổ chức phản chiến, leo lên tượng thủy quân lục chiến trước Hạ viện Sài Gòn treo cờ giải phóng. Ông bị chính quyền Sài Gòn kết án 3 năm tù. Lá thư André gửi từ Việt Nam về Pháp cho mẹ và phải luôn nói dối để mẹ vui: “Con khỏe, không sao, Việt Nam rất ổn”. Còn bây giờ, mẹ ông - bà Paulette đã 94 tuổi nên không còn hiểu việc làm của đứa con trai hết sức nguy hiểm.
Còn vợ ông, bà Menras Annie (phụ nữ Pháp lấy theo họ của chồng) cũng từng là một nhà báo, nên ông không bao giờ giấu việc mình sẽ làm. Annie là người mà ông Quyết cho rằng, không phải là hậu phương, mà là người bạn để ông chia sẻ mọi công việc.
Ông Quyết cho biết: “Vợ lo quá, sợ chồng bị mất tích. Tôi hỏi là nếu em thấy không được thì anh không thể làm”. Nhưng cuối cùng thì Annie chuẩn bị ba lô cho chồng và nói: “Việt Nam là một nước mà mình có trách nhiệm ủng hộ từ xưa đến nay. Anh quyết định và có cơ hội đi thì em đồng ý”.
Hồ Cương Quyết từng là một vận động viên bóng bầu dục nên vẫn giữ được phong độ, dù đã 72 tuổi. Chế độ luyện tập hàng ngày của ông được tăng lên để chuẩn bị cho chuyến đi - mỗi buổi sáng chạy bộ 7 km trên bờ biển và bơi sải vài km dưới làn nước Địa Trung Hải để chuẩn bị đối mặt với một thách thức mới.  
"Thương binh" Hoàng Sa
Tàu ngư dân đi Hoàng Sa, nếu lặn ở tọa độ 16 độ 14 phút B - 111 độ 40 phút E thì đó là vùng biển đầy nguy hiểm. Tàu tuần tiễu của Trung Quốc xuất hiện suốt ngày đêm và ngư dân luôn để sẵn máy Icom kể cả giấc ngủ. Thuyền trưởng phải mặc định trong đầu 3 chữ “tàu chìm rồi!”. Có nghĩa là nếu tàu bị đâm chìm bất thần thì thuyền trưởng phải gào to trên máy Icom để cộng đồng ngư dân ngoài biển nghe rõ, sau đó thông báo tiếp tọa độ bị đâm chìm để các ngư dân biết chỗ đi vớt người.
Thuyền trưởng Tuấn đưa con tàu lần lượt băng qua các bãi ngầm, ra tới đảo Bom Bay ở tọa độ 16 độ 02 phút N - 112 độ 32 phút E. Đây là mạn ngoài cùng về phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Thiếu nước ngọt, hơi nóng từ máy phả lên chỗ ngủ, khoảng 60 độ, chỗ nằm chật hẹp… Hồ Cương Quyết tính từng ngày chậm chạp trôi qua và luôn thầm động viên bản thân: “Ở Hoàng Sa phải làm cái gì, phải có tài liệu để giúp đỡ ngư dân, nếu đầu hàng thì không được”.
Ông Quyết cho biết, “vùng này cũng không an toàn, tàu Trung Quốc lởn vởn phía đằng xa và không biết khi nào thì nó đâm mình”. Trong đêm 21/3, khi các ngư dân đang ngụp lặn thì máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời và âm thanh đó mỗi ngày một gần. Con tàu nhỏ chòng chành trên sóng và trở nên nhỏ bé trước con diều hâu đang dòm ngó trên trên bầu trời ở khoảng cách rất gần. Đêm kinh hoàng đó rồi cũng trôi qua, nhưng điều đó ám ảnh các ngư dân trong chuyến hải trình.


Hồ Cương Quyết trên đường đi phỏng vấn ngư dân để có kiến nghị với chính quyền New Caledonia (thuộc địa hải ngoại của Pháp) xử lý nhẹ các tàu VN sang đánh cá trái phép
Thử thách với chuyến đi càng tăng lên khi con tàu rướn ra tọa độ 15 độ 45 phút N - 114 độ 20 phút E. Đây là vùng biển bão tố và nhiều tàu cá ngư dân thường gặp nạn. Và Hồ Cương Quyết đã cảm thấy bồn chồn khi thông tin gió cấp 8 được thông báo trên máy Icom. Con tàu trở thành chiếc lá giữa đại dương và luôn nằm thấp hơn sóng, vì bị bủa vây giữa muôn trùng sóng lớn ập vào. Việc đi lại trên tàu trở nên khó khăn và chuyến đi càng dài hơn, vì ông Quyết đã bị ngã xuống sàn tàu 2 lần, vai sưng vù, cánh tay cử động rất khó khăn.
Những ngày ở giữa biển, thỉnh thoảng ông Quyết nhờ ngư dân nối máy qua Đài Duyên hải miền Trung và điện vào đất liền, nhờ chuyển thông tin cho người bạn ở Đà Nẵng để gửi sang Pháp. Ông bảo, “thông tin đó bí mật như thời bác đánh móc-xơ trong nhà lao Chí Hòa gửi cho cách mạng”. Thông tin gửi qua Pháp chỉ vỏn vẹn mỗi câu “Anh vẫn khỏe!”.
Sự gian nan không thể nào kể hết. Sau gần 1 tháng, con tàu quay trở về đất liền và chở theo “thương binh Hoàng Sa”. 15 ngư dân trên tàu thì phần lớn là ngư dân Quảng Ngãi và một số ngư dân tỉnh Khánh Hòa ra đi bạn. Khi trở về, các ngư dân luôn gọi ông Quyết bằng cái tên thân mật: “bác Hai”.

Sau phim “Hoàng Sa - Việt Nam, nỗi đau mất mát”, ông Quyết lại được phóng viên ở Hérault săn đón để phỏng vấn về bộ phim “Những hiệp sĩ Cát Vàng”. Ông Quyết khẳng định, ngư dân làm nghề lặn đêm là những binh phu Hoàng Sa thời hiện đại.

L.V.C.
(Kiến thức gia đình số 17)


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn