Biển, sân golf và nước mắt

Bài và ảnh: Lê Xuân Thọ

Giữa những ngày cuối tháng Tư vắt sang tháng Năm, tôi lang thang khắp vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Khi tỉnh này có công văn hỏa tốc để “huy động cả hệ thống chính trị” để phục vụ “siêu dự án” Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn có quy mô lên đến 3 890 ha của Tập đoàn FLC.

Sẽ chẳng có gì đáng quan ngại, nếu vùng biển này không nắm giữ vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng mà tỉnh Quảng Ngãi đòi dời cả đồn biên phòng; sẽ chẳng có gì đáng quan ngại, nếu vùng biển này không chất chứa trầm tích văn hóa Sa Huỳnh và đang được trình UNESCO để xây dựng công viên địa chất toàn cầu; sẽ chẳng có gì đáng quan ngại, nếu vùng biển này không là nơi ra đi của đội Hùng binh Hoàng Sa hàng trăm năm trước; và sẽ chẳng có gì đáng quan ngại, nếu như đời sống của người dân ở vùng biển này không đang dầm dề trong khó khăn.

1- Buổi chiều xuống Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) rất nhẹ, như thể sợ làm tổn thương công viên địa chất toàn cầu trong tương lai. Những đứa trẻ làng chài kéo nhau ra biển tắm. Một người đàn ông vừa từ gành biển trở về, sau chuyến lặn bắt ốc. “Anh có nghe gì về dự án du lịch ở đây không?” – tôi hỏi. Anh lắc đầu. Nhiều người khác, khi được hỏi câu ấy, hoặc trả lời không hoặc “có nghe nói”. Nhưng là từ những kênh khác nhau, chứ không phải thông qua các cuộc họp dân, như cái cách mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nói rằng đã hỏi ý kiến dân và được dân ủng hộ! Trong giai đoạn một của dự án, có 790 hộ cần được di dời và không biết trong tổng số ấy, có bao nhiêu hộ dân được thông báo về điều này. Có chi tiết này nên nhớ, tổng thể dự án này sẽ trải dài ven biển các xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa và Bình Hải của huyện Lý Sơn; cùng với 20 ha diện tích thuộc địa phận xã đảo Bé (đảo An Bình) và đảo Lớn (hay còn gọi là đảo Lý Sơn) của huyện đảo Lý Sơn.

Từ dưới Gành Yến trở ngược lên, tôi gặp vợ chồng ông Tống Xuân Nghĩa, 54 tuổi (thôn Thanh Thủy) đang bỏ phân cho mấy rẫy hành vừa hơn 20 ngày tuổi của mình. Cũng câu hỏi cũ: “Chú có nghe gì về dự án du lịch nghỉ dưỡng sắp làm ở đây không?”. Ông Nghĩa gật đầu xác nhận: “Nhưng chỉ là từ báo chí, hay người dân xôn xao mà thôi. Chúng tôi chưa được họp để nghe thông báo ấy”. Vợ chồng ông Nghĩa có gần tám sào đất rẫy. Với diện tích đất nông nghiệp ấy, mỗi năm vợ chồng ông trồng ba vụ hành, một vụ ngò vào mùa gió bấc là từ tháng 8 đến tháng 10, với thêm một vụ đậu phộng để cải tạo đất. “Với cách làm như thế, bình quân mỗi năm chúng tôi kiếm được khoảng 100 triệu đồng mỗi sào” – ông Nghĩa cho biết thêm.

Ông Nghĩa cho rằng cuộc sống người dân ở đây đang rất ổn định và không muốn nhường đất cho dự án của FLC

Ở Thanh Thủy, vợ chồng ông Nghĩa không phải là cá biệt. Chiều hôm ấy, tôi còn gặp nhiều người như thế nữa. Cái hay của họ, là họ không trồng hành theo cách tận diệt nguồn tài nguyên đất vốn đang ngày càng cạn kiệt như ở đảo Lý Sơn. “Thường thì năm đến bảy năm, thậm chí là 10 năm, chúng tôi mới thay đất một lần” – ông Nghĩa nói. Còn ở Lý Sơn, tầm hai đến ba năm là họ đã phải thay đất, bao gồm cả đất thịt (đất đỏ bazan) và cát trắng. Cách làm ấy, đương nhiên là rất tốn kém, bên cạnh đe dọa tài nguyên. “Ở đây không nhiều đất để thay như vậy” – ông Nghĩa giải thích. Thực tế, đất Lý Sơn không nhiều để thay thế với tần suất nhiều như thế.

2- Trước khi Tập đoàn FLC được tỉnh Quảng Ngãi có “chủ trương khảo sát” để làm dự án, thì thôn Thanh Thủy được quy hoạch cho một dự án sân golf. Trong kế hoạch làm “siêu dự án” của mình, Tập đoàn FLC cũng dự định làm một sân golf ở đây. Nghĩa là dự án này chồng lên dự án trước. Mở rộng ra, theo thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh này, dự án của FLC chồng lên đến 9 dự án khác! Câu chuyện ấy thuộc về vấn đề quy hoạch của những người làm công tác liên quan. Nhưng họ đã bỏ qua những chi tiết cần nên biết, ấy là cuộc sống ổn định và được làm chủ chính mình của người dân ở đây. “Chúng tôi sẽ không đi đâu cả, dù tiền đền bù có nhiều hay ít. Hai, hay ba tỷ, thì trước sau gì ăn cũng hết” – ông Nghĩa bày tỏ.

Tôi nhớ không nhầm hôm ấy là ngày 27-4. Buổi sáng hôm ấy, ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi – đi tiếp xúc cử tri tại các xã Bình Châu, Bình Phú và Bình Hòa. Khi được chất vấn về dự án của FLC, ông Chữ có động thái trấn an rằng sẽ đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Chiều hôm ấy, khi nói chuyện với tôi, ông Nghĩa không hề biết được điều ông bí thư tỉnh mình nói trên báo chí. Mà chỉ quả quyết với tôi rằng, cuộc sống của ông, hay nhiều người khác ở đây, đang rất ổn! Ướm chừng liệu rằng mình có chịu rời đi để nhường đất cho dự án của FLC không, những người được hỏi đều lắc đầu!

Họ nói rằng, tiền đền bù có nhiều đến mấy, hai, hay ba, hay bốn tỷ rồi cũng tiêu hết. Rồi khi tiêu hết số tiền ấy, họ không có gì để lại cho con cháu sau này. Cái họ muốn để lại cho con cháu, là đất đai, là điều kiện để con cháu họ mưu sinh. Chứ không phải là bám víu vào tiền đền bù. Rồi khi hết, phải trở lại chính nơi mình ra đi để xin vào làm thuê, làm mướn. “Mà liệu rằng xin vào có được hay không? Đó là chưa nói, một khi bước chân ra đi, chúng tôi coi như mất quyền tự chủ của cuộc đời mình” – một người đàn bà nơi mép biển bày tỏ với tôi như vậy.

3- Lang thang những nơi khác, khi lặp lại câu hỏi có nhường đất cho dự án này không, những người được hỏi đều lắc đầu. Họ nói rằng không phải họ muốn đi ngược lại chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhưng đặt trên cán cân, họ thấy rằng mình mất nhiều hơn được. Cũng buổi chiều, nơi mép phải ở làng biển An Cường (xã Bình Hải), tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Truyền (57 tuổi) khi họ đang đan những chiếc lồng để bẫy mực. “Mực ống và mực lá. Bao nhiêu chục năm qua, chúng tôi sống bằng nghề này. Ngoài ra, theo mùa, chúng tôi còn đánh lưới các loại cá khác nữa” – ông Truyền đáp lời thắc mắc của tôi. “Thu nhập của mình như thế nào?” – tôi hỏi tiếp. “Không giàu, nhưng dư sống thong thả” – ông Truyền đáp, trong khi vẫn đang cặm cụi với công việc của mình.

Nhà ông Truyền gần ngay biển. Với ông, hay những hàng xóm của mình, biển là hơi thở, là cuộc sống của chính mình. “Không đi đâu. Dân biển mà giải tỏa, đưa đi đâu tút lút xa biển, thì làm gì mà sống?”. Câu khẳng định và hỏi ngược lại ấy, là của rất nhiều người dân ở đây dành cho chúng tôi. Câu chuyện người dân lân cận di dời nhường đất cho Khu công nghiệp Dung Quất cách đây non già 10 năm, đủ để cho họ thấy một bài học của kẻ không còn đất mưu sinh. “Cùng lắm thì có miếng đất, làm cái nhà, dư mấy đồng. Ăn mấy năm, không có việc làm cũng hết, cũng sẽ cù bơ cù bất như họ mà thôi” – người làng chài An Cường lo ngại.

Với biển, trong bối cảnh nóng về vấn đề chủ quyền như thế này, thì không chỉ đơn thuần là câu chuyện mưu sinh. Đó còn là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống bảo vệ chủ quyền nữa. Vậy mà không hiểu sao, lãnh đạo tỉnh này có công văn hỏa tốc đòi di dời đồn biên phòng và “mỗi 8 km chiều dài, có một lối đi xuống biển”. Như thế thì chẳng khác gì làm khó ngư dân. Họ vốn đang đối diện với muôn vàn khó khăn và hiểm nguy khi bám biển mưu sinh rồi, nay lại đối mặt với gian nan mới nơi bờ biển. Nếu điều ấy xảy ra, sẽ chẳng có gì để đảm bảo rằng ngư dân sẽ không bỏ biển. Nếu ngư dân bỏ biển, thì vấn đề chủ quyền biển đảo đang rất mong manh, sẽ càng thêm nguy cấp. Nói gì thì nói, việc có sự hiện diện của anh, mới chính là điều rõ ràng nhất về chủ quyền căn nhà mà anh sở hữu.

Đến đây, tôi chợt nhớ hình ảnh đầy nước mắt của thân nhân và ngư dân tàu cá QNg 90332 TS trở về trong hoảng loạn sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa vào sáng 20-4 vừa rồi. Tàu cá ấy, là của ngư dân xã Bình Châu, nơi cũng nằm trong vùng dự án của FLC. Nơi ấy, bao thế hệ ngư dân vẫn đang tiếp nối truyền thống giữ gìn biển đảo. Chỉ có ước mơ nhỏ nhoi, là nước mắt của họ không phải rơi thêm nữa, cả ngoài khơi lẫn trên bờ…

L.X.T.

Nguồn:

https://www.triviet.news/amp/bien-san-golf-va-nuoc-mat/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn