Cần thay đổi gì để chấm dứt việc thu hồi đất vô tội vạ?

Thảo Vy

Quốc hội Việt Nam khóa 14 đã bước vào kì họp thứ 5. Nhiều tháng trước đây, trên rất nhiều báo “lề Nhà nước” (không kể báo lề Dân) đã đăng tải không biết bao nhiêu bài viết nóng bỏng về các thứ quy hoạch, nhất là quy hoạch về đất đai đã gây bao thảm họa cho nhân dân (và cũng làm tanh bành đất nước). Chẳng biết vừa qua, có được bao nhiêu đại biểu của dân ghé mắt trông coi đến những bài báo đó? Có hi vọng gì với cái thông báo của Quốc hội, rằng kì họp này sẽ thông qua 8 dự án Luật, trong đó có “sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch”? Có hi vọng gì không? Thấy trước là mong manh lắm. Vì, trước khi Quốc hội họp, “người ta” – chắc chắn là người có quyền to lắm của Đảng và Chính phủ – đã kịp thời ra chỉ thị bịt miệng hết các báo của lề nhà, không cho hó hé đến các loại thảm trạng quy hoạch, thảm cảnh đời sống muôn dân, chỉ vì các loại “quy hoạch” này đều là ngón cướp bóc trắng trợn, hung hiểm của các quan tham khắp từ Nam đến Bắc, báo mà thi nhau nói hết ra thì dân vốn đã căm quan đến tận xương, sẽ chỉ vào mặt quan mà đòi quan cút xéo (như việc dân Thủ Thiêm vừa gào khóc vừa mắng xơi xơi vào mụ Quyết Tâm đấy), thế thì quan còn lỗ nào mà chui xuống được nữa... Nay Quốc hội sẽ sửa đổi thế nào đây cho phù hợp lợi ích đất nước và nhân dân? Khó lắm thay. Đảng chưa cho sửa hỏi Quốc hội đời nào dám và sửa cái gì? Quốc hội ta xưa nay vẫn chỉ chuyên giơ tay theo hướng chỉ tay của Đảng mà!

Bauxite Việt Nam

Hôm 19-5, một bản kiến nghị - tạm gọi là Tuyên bố Thủ Thiêm, đã được một số nhóm nhân sĩ kêu gọi với các yêu cầu: Trả lại cho dân, Chùa Liên Trì, Nhà Thờ và Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm… phần đất không có trong Quy hoạch ban đầu theo văn bản lập quy của Thủ tướng, và đền bù thoả đáng cho những nạn nhân đã bị cưỡng chế oan ức.

Tuyên bố Thủ Thiêm

Tuyên bố Thủ Thiêm còn yêu cầu nghiêm trị các tổ chức và cá nhân vô trách nhiệm, lộng quyền, chà đạp đời sống của dân, luật pháp và đạo lý dân tộc; Chấm dứt ngay việc cưỡng bức thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân mà chính quyền ở các địa phương đang thực hiện; Lập ban thanh tra có sự tham gia của cộng đồng xã hội (đại diện những người có quyền sử dụng đất), rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên cả nước; Công nhận và hiến định chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên cả nước; Công nhận và cho đăng ký các Hội đồng đại diện quyền lợi và ý nguyện của người sử dụng đất trên khắp cả nước, và trả lại cho toàn dân quyền tự do lập hội.

Những nội dung của Tuyên bố Thủ Thiêm khá trùng lắp với nội dung ở hội thảo “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức. “Tại sao ở nước ta, đất đô thị không được coi là một loại đất? Hiện nay trong phân loại đất quốc gia, chúng ta mới chỉ có hai loại là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Vậy phải chăng chúng ta không phải công nghiệp hóa mà là nông nghiệp hóa?”. Vấn đề này được nêu ra để phần nào lý giải thực trạng các chính quyền địa phương đang thu hồi đất vô tội vạ.

Sau khi viện dẫn việc nhiều địa phương còn rất hào phóng, cứ đâu có đất trống, ít giải phóng mặt bằng là giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án mà ít để ý tới quy hoạch chung, ông Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, đây là căn nguyên hình thành nhiều dự án ảo, còn các dự án được triển khai dường như luôn thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

“Nói đơn giản là đi “chệch” khỏi mục tiêu, nội dung ban đầu của quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã duyệt. Đó là chưa kể đến sự biến tướng của các dự án phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn… so với ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị” – ông Quảng nhận xét. Thực tế biến tướng quy hoạch từ câu chuyện “mất bản đồ gốc” ở Thủ Thiêm là một dẫn chứng.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgJhAaE9pXL-xxoV1JLCL0haIqlIjWQlN6mDARe_NLY-C3mzcMrbtuVvf9gE3ABURm-0CSKyc-Xa99bZiGk4R6j6PL8Ngmvtx4gbYxJqX880Uwx_Mmk5FZXJEC6YfkfwhSN_0ODRj0pruk/s640/unnamed.jpg

Đồ họa về Thủ thiêm.

Tuyên bố Thủ Thiêm viết: “Việc bạch hóa thông tin về tình hình giải tỏa đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm suốt 20 năm qua đã khiến toàn xã hội choáng váng. Giữa thành phố lớn nhất nước, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân là quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Chính quyền ở một thành phố trực thuộc trung ương ngang nhiên bác bỏ hiệu lực của một văn bản lập quy của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó không chỉ bộc lộ rõ nạn vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị của nhà nước đương quyền, mà còn một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ của vấn đề là chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Theo đó, những dự án đầu tư phát triển đô thị trở thành cơ hội cho quan chức hối mại quyền thế, làm giàu bằng tước đoạt đất đai của người dân với giá đền bù rẻ mạt.

Sự tước đoạt hoang dã không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm. Khắp nơi trong cả nước hàng vạn dân oan đã đội đơn và giăng biểu ngữ đòi quyền sống và đòi công lý trước trụ sở Quốc hội, văn phòng các cơ quan hành pháp trong hơn hai chục năm qua. Thế nhưng, tiếng dân oan không được lắng nghe và nạn vô pháp vẫn ngang nhiên bất trị” (trích).

Hãy trả lại cho dân quyền tư hữu

Trước kiến nghị “trả lại cho dân, Chùa Liên Trì, Nhà Thờ và Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm…  phần đất không có trong Quy hoạch ban đầu theo văn bản lập quy của Thủ tướng, và đền bù thoả đáng cho những nạn nhân đã bị cưỡng chế oan ức” của Tuyên bố Thủ Thiêm, theo TS Phạm Sỹ Liên (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam), không riêng Thủ Thiêm, mà nhiều nơi khác ở Việt Nam đang thu hồi đất “vô tội vạ” từ lập luận là Luật đất đai cho phép thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Chế độ thu hồi đất như vậy là “vô tội vạ” và việc thu hồi đất không để ý đến bảo vệ tài sản ở trên đất của người dân, dẫn đến lạm dụng trong thu hồi đất, dễ xảy ra tiêu cực mà vụ “mất bản đồ” ở bán đảo Thủ Thiêm là ví dụ dễ thấy nhất. Trong vụ biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm, rõ ràng là phạm vi áp dụng phương thức thu hồi đất đã mở ra quá rộng, nhiều dự án khó chứng minh vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. và cũng chẳng ai thẩm định mục đích thu hồi đất có thực sự vì lợi ích chung hay không?.

Từ câu chuyện của Thủ Thiêm cho thấy việc quy hoạch sử dụng đất tuy trên lý thuyết thuộc về Nhà nước, nhưng trên thực tế các quan chức địa chính địa phương toàn quyền quyết định, nên tình trạng lạm dụng quyền hành, bồi thường di dời không thỏa đáng để trục lợi, nhận hối lộ để phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong những dự án kinh doanh bất động sản đã và sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng, tạo nên bất mãn xã hội ngày càng sâu rộng. Điều này là nguyên nhân chính của nạn khiếu kiện đông người tại những thành phố lớn.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjCKYA110JRhF9F7x-MJ0oq-p7BlYMn6CivukbOuG8dVzk9FGkQ47ne4TzlyAOTjzSXpHVAURuVmxx1Vfl5uUFXMfjjd7tqpv0Ofd4TPaGpnVb-9shTcC6ABZZ9N15TZ6aXL0HMKbEqWG8/s640/photo1525920746283-1525920746284303994272.jpg

Luật đất đai phải công nhận quyền sở hữu tư nhân

Cốt lõi của tất cả những trở ngại nêu trên bắt nguồn từ sự kết hợp khiên cưỡng của hai khái niệm vốn dĩ khác biệt nhau để tạo nên định chế quyền sử dụng đất, đó là khái niệm “quyền sở hữu tài sản” theo tư duy pháp lý, và khái niệm “sở hữu toàn dân” theo tư duy chính trị - ý thức hệ của nền kinh tế được hoạch định theo kế hoạch tập trung, và mọi bất đồng có thể giải tỏa bằng mệnh lệnh hành chính từ Nhà nước.

Hiện nay thì một khi chính sách cải cách kinh tế theo hướng thị trường được áp dụng, yếu tố thị trường sẽ ngày càng chi phối sự phát triển, tư duy pháp lý tất yếu trở nên thắng thế và đòi hỏi phải xem xét lại tính phù hợp của khái niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai. Cưỡng lại yêu cầu này sẽ khiến động lực phát triển kinh tế bị triệt tiêu và ổn định xã hội bị đe dọa.

Xem ra đã đến lúc Quốc hội Việt Nam cần bàn đến việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó chấp nhận quyền sở hữu đất đai của cụ thể từng người dân, chứ không phải khái niệm chung chung “toàn dân” nữa.

Nói một cách khác, lâu nay phía Quốc hội vẫn biện minh rằng quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất đã là một điều được ghi vào Điều 115 trong Bộ Luật Dân sự rồi (“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”). Thế nhưng lại chưa có những hướng dẫn cụ thể. Vậy thì bảo đảm quyền tài sản nghĩa là gì, và cái người có tài sản và cái quyền sử dụng đất đó sẽ được bảo đảm ra sao?

“Tuyên bố Thủ Thiêm cũng đã căn cứ vào Điều 115, Bộ Luật Dân sự để yêu cầu chính quyền TP.HCM cần phải trả lại những diện tích đất đã thu hồi trái quy hoạch. Thế nhưng liệu ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, có đồng ý sửa sai cho những vị tiền nhiệm của mình hay không thì dường như pháp luật còn bỏ lửng!”. Luật sư Trần Thành, nhận xét.

T.V.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn