Thử bàn về tên gọi của cuộc đấu tranh hiện nay!


 

Ánh Liên

Cuộc đấu tranh của những người bất đồng chính kiến hiện nay được gọi là cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền. Nhưng liệu tên gọi này có thực sự phản ánh đúng vị trí và vai trò của cuộc đấu tranh hiện tại?

Chưa có tư cách quốc dân độc lập thì làm sao bàn tới 'dân chủ'?

Bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều nhà đấu tranh dân chủ - nhân quyền bị nhập kho, khi mà sự ủng hộ họ bằng biểu ngữ còn rời rạc, yếu ớt thì vấn đề tư cách quốc dân độc lập lại tiếp tục phải được đặt ra để mổ xẻ thì hiện tại - tương lai của tính 'dân chủ' tại Việt nam. Và khi bàn về điều này, cũng đồng thời định hình được tên gọi của đấu tranh hiện nay.

Vào những ngày cuối tháng Tư, báo chí chính thống đưa tin ở Ninh Thuận, với cái lò than nhỏ bé nhưng nhiều thanh niên nhấc không lên được do bị dính chặt giữa nền nhà. Và sau 3 ngày như vậy, gia chủ 'rất sợ' nên đã mua bông hoa, trái cây về khấn vái. 

Lập bàn thờ khấn vái lò than, lập mộ cho cá chết,... chưa bao giờ xã hội Việt nam lại trở thành một hình mẫu chuẩn mực của một quốc gia thời sơ cổ đại, khi tri thức con người vẫn bị bó hẹp trong các hiện tượng thiên nhiên, bái vật giáo (thờ tất cả những vật cho là thờ được) xuất hiện, tồn tại và chi phối đời sống con người. Con người sống trong sợ hãi, con người bái vọng, và con người nhốt mình vào sự u mê.

Lập bàn thờ khấn vái,... nồi đất - chuyện thật như đùa ở Việt Nam!

Mới đây nhất, 'Hội Thánh Đức Chúa Trời (mẹ)' hoành hoành tại Việt nam, thu kéo không chỉ người già, trung niên, mà cả giới trẻ - sinh viên. Mặc dù, đạo này nâng một người phụ nữ Hàn Quốc (còn sống) lên thành Đức chúa trời Mẹ; đi ngược lại với phong tục - tập quán dân tộc (xóa bỏ bàn thờ tổ tiên), tính văn minh (sống bầy đàn, hạn chế tắm rửa,...).

Vì sao sự ngu muội nêu trên lại dính dáng đến 'dân chủ'? Fukuzawa Yukichi (người có công khai sáng phong trào canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại) trong cuốn Khuyến học đã diễn giải về một khái niệm mang tên 'tính cách độc lập', theo đó, đây là tính cách mà người có nó sẽ không bị chi phối hoặc chịu ảnh hưởng của người khác, tự mình biết phân biệt sự thể đúng sai, phải trái, không phạm sai lầm trong hành động.

Sở dĩ tính này quan trọng, vì khi cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh còn lúng túng con đường tìm kiếm độc lập cho quốc gia trong thời kỳ thuộc Pháp, nhân sĩ Lương Khải Siêu (nhà tư tưởng, chính trị gia) đã đưa ra lời khuyên: 'Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập.' Và thực tế, chính những lời khuyên này đã thúc đẩy hai cụ Phan tiến hành công cuộc Canh tân quốc gia - tiếc rằng nó đã không thành.

Khi 'tính cách độc lập' hay 'tư cách độc lập' không có, thì tính sai - đúng không thể phân biệt, biết bất công mà cứ nhẫn nhịn, chỉ cậy dựa vào tôn giáo hoặc tâm linh bái vật để củng cố sức sống, sự tồn tại của chính mình. Thành ra dẫu cho công cuộc đấu tranh có thành công, thì suy cho cùng, khi quốc dân chưa có tư cách quốc dân độc lập, vẫn chỉ là 'đổi chủ để làm đầy tớ lần thứ hai' như cụ Phan Châu Trinh chỉ ra. Thậm chí, nếu 'quốc dân không có tính cách độc lập thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm'.

Trong hoàn cảnh hiện nay, quốc dân Việt nam hoàn toàn chưa có cái gọi là tư cách độc lập, và vì thế họ có xứng đáng được hưởng tính dân chủ hay không? Chưa, họ chưa xứng đáng được hưởng. Mà muốn thế phải bước qua một giai đoạn trung gian là 'tập dân chủ', giai đoạn chính sẽ hấp thụ những yếu tố liên quan đến tư cách độc lập, trong đó bao gồm tiếp cận giá trị nhân quyền, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, biết đòi hỏi các giá trị nhân quyền và gi ám sát thực thi Hiến pháp hơn là cam chịu và nhốt mình vào đời sống tinh thần có phần hủ hóa hiện nay.

Tập dân chủ và tập xác định tư cách quốc dân


Tập dân chủ sẽ xác định được thời điểm dân chủ của Việt nam sẽ diễn ra bao xa, thông qua mức độ người dân tiếp cận dân chủ. Mức độ đó được định lượng như thế nào! Đó là dựa vào số lượng người lên tiếng trong nước.

Dân chủ cần phải kinh qua giai đoạn xác định tư cách quốc dân - vốn gây mất mát nhiều xương máu và thời gian.

TNLT Phạm Thanh Nghiên trong Hồi ký của mình bày tỏ: “Một trong những điều đáng sợ nhất là nhận được tin anh em của mình bị bắt. Trong suốt thời gian bốn năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do tôn giáo. Không ít người trong số đó là người tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp mặt. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm (...)'. Tuy nhiên, theo cô, khi Luật sư Lê Quốc Quân hay bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt, cô đã xuống tinh thần, nhưng một người bạn tù khác buồng nói với cô 'phải nghĩ tích cực lên chứ. Em chả bảo chị là nhiều người trong số những người bị bắt, em còn chưa từng nghe đến tên của họ là gì. Chứng tỏ đang có thêm nhiều người cùng đấu tranh như em.'.

Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW), ở Việt Nam, hiện có hơn 100 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình, và con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Như vậy, tập dận chủ sẽ còn một tiến trình dài, và con số tù nhân chính trị sẽ gấp nhiều lần như vậy. Tuy nhiên, điều này là cần thiết, bởi đây là bước buộc phải tiến hành để xác lập tính cách độc lập trong quốc dân để họ biết về quyền làm người hơn và xì sụp lạy một cách điên loạn, và khi đó, những nhà đấu tranh sẽ không còn đơn lẻ nữa.

Cuộc đấu tranh hiện nay không khác gì cuộc vận động của cụ Phan Chu Trinh, và đây xứng đáng với tên gọi cuộc vận động tinh thần quốc dân độc lập hay tiến trình tập dân chủ.

A.L.
VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn