Tiền đâu tăng lương nuôi đảng?

Thiền Lâm

Rất tương đồng với động tác ‘Quốc hội ra nghị quyết để xử lý nợ xấu’ vào năm 2017 nhưng cho tới nay nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại vẫn gần nguyên trạng bế tắc, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp – được Tổng Bí thư Trọng ký ban hành vào ngày 21/5/2018 – đang vấp phải một bế tắc cực lớn: tiền đâu?

Với bản nghị quyết trên, chính thể độc đảng ở Việt Nam đang tiến vào lần thứ 5 cải cách chính sách tiền lương, sau 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.

Bản nghị quyết trên mang một tham vọng lớn lao: Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Giải pháp chủ yếu của bản nghị quyết trên là hàng năm dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Và tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hàng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Tuy nhiên, ngân sách có cho phép có dư địa (tích lũy) để tăng lương hay không lại là một câu chuyện khác hoàn toàn.

Bởi hiện trạng, ngân sách lại đang ‘tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc’ vào thai kỳ kết thúc trước khi xuất ra một quái thai cuối cùng.

Vào năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia - nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, tức chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.

Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa và cay đắng về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền, khiến cho tăng giá và thuế má trở thành một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt ở Việt Nam.

Nhưng đè đầu dân thu thuế là một biện pháp rất dễ dẫn tới phản kháng xã hội trên diện rộng, không chỉ ở tầng lớp dân nghèo mà cả tầng lớp cán bộ hưu trí. Trong năm 2017, âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của ‘Bộ Bóp cổ’ (một cách gọi của dân về Bộ Tài chính) đã bị dư luận và báo chí phản ứng dữ dội. Sức dân đã cạn, chẳng còn gì để ‘khoan’ nữa.

Lẽ dĩ nhiên trong hoàn cảnh khốn quẫn ấy, đảng cầm quyền có thể ngầm chỉ đạo cho Ngân hàng nhà nước – cơ quan có chức năng in tiền – để in tiền ồ ạt và lấy tiền đó để trả lương cho đội ngũ công chức viên chức mà có ít nhất 30% trong đó ‘không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương’.

Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500,000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây?

Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.

Nhưng cơ chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới: “kiến tạo lạm phát”, dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.

Trong khi đó, bài toán ‘tinh gọn bộ máy’ và ‘tinh giản biên chế’ vẫn còn lâu mới được giải quyết, hoặc chẳng bao giờ được giải quyết.

Từ sau Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 khi đảng ra nghị quyết về giảm 10% biên chế, cho tới nay bộ máy của đảng và các cơ quan Chính phủ vẫn tiếp tục phình to mà chẳng hề giảm đi chút nào.

Cùng lúc, phần chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương cho công chức viên chức) vẫn chiếm đến hơn 70% trong tổng chi ngân sách.

Có nghĩa là trong lúc chỉ hô khẩu hiệu về giảm biên chế, đảng và Chính phủ lại chăm chăm tìm mọi các để ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, hoàn toàn không quan tâm gì đến số người nghèo đang tăng phi mã ở rất nhiều địa phương. Và cũng không hề biết là đến một lúc nào đó, có lẽ không còn xa nữa, hàng triệu người dân và cả công chức hưu trí sẽ phải ồ ạt xuống đường để phản kháng chính sách thu cùng diệt tận giai đoạn cuối của chính thể ‘chỉ biết ăn không biết làm’ này.

T.L.

Nguồn: https://www.baocalitoday.com/viet-nam/tien-dau-tang-luong-nuoi-dang.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn