Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc

Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)

Không rõ “hậu quả” mà Mỹ hứa hẹn là gì

Cách đây chưa đầy ba năm, Tập Cận Bình đứng bên cạnh Barack Obama trong Vườn Hoa Hồng ở Nhà Trắng và đã nói dối một cách trơ tráo và trắng trợn. Nhắm đối phó với những lo ngại đang gia tăng về những nỗ lực xây dựng các đảo nhận tạo của Trung Quốc trên Biển Đông - hình ảnh vệ tinh cho thấy bảy hòn đảo nhân tạo đang mọc lên trên những địa điểm khác nhau - Chủ tịch nước này đã sử dụng những lời lẽ đường mật. Trung Quốc hoàn toàn không, Tập nói, “có ý định tiến hành quân sự hóa” trên các hòn đảo của mình. Hoạt động xây dựng của họ trên biển không “nhắm tới hoặc gây ảnh hưởng lên” bất kỳ quốc gia nào.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiE3j8V89eryr0iReetNzIKzybpmSQ-G2IakQ9IXLUokxkaBZbBOKq86YGcqNnVF_n3068MHUY0ZgpYYYwEJ-ELfbPkGroV1BXxuswaUWHpHxqJE467GD_355qFVCd_BpUnZ8kc8rSy59o/s640/20180623_ASD000_0.jpg

Như Steven Stashwick đã chỉ ra trên The Diplomat, tạp chí chuyên viết về các vấn đề của châu Á, những lời phủ nhận này luôn luôn tạo ra nghi ngờ, với bằng chứng ngày càng tăng về việc lắp đặt các giàn radar và công sự to bằng những chiếc máy bay, bằng bê tông cốt thép. Tháng trước người ta phát hiện ra rằng Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không trên ba hòn đảo ở Quần đảo Trường Sa phía tây Philippines - cách rất xa bờ biển của Trung Quốc (Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam là những nước tuyên bố có chủ quyền trên một số hoặc toàn bộ Quần đảo Trường Sa). Chuyện đó xảy ra sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến nay trên Biển Đông, vào tháng 4 năm nay. Cuối tháng 5, Trung Quốc tuyên bố rằng một số máy bay ném bom đã hạ cánh xuống Quần đảo Hoàng Sa, đang nằm trong vòng tranh chấp với Việt Nam. Bill Hayton thuộc tổ chức Chatham House, một think-tank, nói rằng bước cuối cùng trong việc quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc là triển khai máy bay tấn công ở Quần đảo Trường Sa, dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong khi các bên tranh chấp đang tiếp tục nạo vét, mở rộng và củng cố các đảo nhỏ mà họ chiếm giữ, quy mô của việc cải tạo của Trung Quốc - đã chậm lại, nhưng riêng trong Quần đảo Trường Sa đã là 3.200 mẫu Anh (1.300 ha) - hơn hẳn so với cố gắng của tất cả các nước khác cộng lại. Trung Quốc tuyên bố là đang phục vụ lợi ích chung: xây dựng các ngọn hải đang, làm cho việc đi lại an toàn hơn, ví dụ thế. Hoàn toàn không phải như thế. Một trong những lý do là, cải tạo đảo là thảm họa sinh thái. Rạn san hô là cơ sở sinh sản quan trọng cho nghề đánh bắt hải sản trong vùng biển đang suy giảm quá nhanh, chiếm 12% sản lượng khai thác toàn cầu. Những hành động gần đây của Trung Quốc tiếp tục phá hoại ngầm những lời thề nguyền của nước này về lòng vị tha và đang vẽ lại bản đồ chiến lược. Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng “Hiện nay Trung Quốc có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, trừ trường hợp xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ”.

Câu hỏi đặt ra là các nước khác sẽ làm gì. Cho đến nay, phần lớn chiến thuật bành trướng của Trung Quốc là từng bước một: những bước đi chậm rãi, không khiêu khích phản ứng. Một trong những mánh lới là không phải lúc nào cũng triển khai hải quân, mà chỉ triển khai lực lượng tuần duyên và “dân quân trên biển”, khi cần đe dọa các lân bang. Cách làm như thế, như Andrew Erickson, thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (America’s Naval War College), khẳng định, tạo điều kiện cho Trung Quốc làm được việc của mình mà không gây nhiều tai tiếng. Có lẽ Trung Quốc nghĩ rằng bây giờ họ lại có thể một lần nữa làm như thế.

Có thể đúng. Hai năm trước, trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng, một tòa án của Liên Hiệp Quốc ở The Hague đã ra phán quyết chống lại các tuyên bố về lãnh thổ trên biển của Trung Quốc. Nhưng Rodrigo Duterte, trở thành Tổng thống Philippines ngay sau đó, nói rõ rằng ông ta dẹp vụ này sang một bên. Từ đó ông ngả hẳn về phía Tập [Cận Bình], trong khi thường xuyên chỉ trích Mỹ, đồng minh lịch sử của nước này. Philippines cần các khoản đầu tư của Trung Quốc. Duterte thậm chí sẽ xem xét khà năng khai thác khí đốt với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Các mỏ khí hiện có của Philippines có thể cạn kiệt vào giữa những năm 2020.

So với Philippines, Việt Nam có lực lượng vũ trang mạnh hơn hẳn. Và là nhà nước cộng sản, tương tự như Trung Quốc, với lịch sử chiến tranh nhân dân của mình, nước này có thể đương đầu với lực lượng dân quân của Trung Quốc chỉ với lực lượng dân quân của mình, bao gồm ngư dân và những người đi biển khác. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cuối cùng đã buộc được giàn khoan phải rút lui. Trong chỗ công khai, Việt Nam có quan điểm cứng rắn hơn trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó che dấu cuộc thảo luận đằng sau hậu trường, trong đó có phát triển chung. Trung Quốc là đất nước khổng lồ. Các lân bang chẳng có mấy lựa chọn ngoài việc tìm cách sống chung với họ. Nhưng, rủi ro chính trị là có. Các cuộc biểu tình đẫm máu nổ ra ở Việt Nam trong giai đoạn đối đầu năm 2014 (có sự nhầm lẫn, phải là năm 2015 - ND), sự tức giận không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn nhắm vào nhà cầm quyền của Việt Nam. Đầu tháng này cũng đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình bài Trung Quốc. Và, ngày 12 tháng 6, ngày độc lập của Philippines, ông Duterte đã mất cảnh giác trước các cuộc biểu tình chống lại việc Trung Quốc cướp cá từ các tàu Philippines gần Bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal). Năm 2012, Trung Quốc đã phản bội lại lời hứa là sẽ rút khỏi rạn san hô này. Bãi cạn này nằm trên thềm lục địa Philippines, khoảng cách từ Trung Quốc tới đó dài gấp hơn bốn lần so với khoảng cách tới Philippines. Duterte nghĩ ông ta đã giải quyết được vấn đề cho phép ngư dân Philippines quay trở lại khu vực này. Trung Quốc nói rằng vụ cướp cá là do nhầm lẫn. Nhưng, Jay Batongbacal, thuộc Đại học Philippines, nói rằng nếu Duterte không chứng tỏ được thành quả của chính sách ngả về Trung Quốc của ông ta thì giá phải trả về mặt chính trị sẽ gia tăng.

Giả dối và không có tác dụng gì

Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như đang thực hiện chiến lược gây áp lực với Trung Quốc trên một số mặt trận, trong đó có thương mại và ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn. Họ đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân hàng năm ở ngoài khơi Hawaii, trong khi lại mời Việt Nam thế chỗ. Nước này cũng gia tăng “tự do hoạt động hàng hải” ở Biển Đông (đưa tàu tới gần những hòn đảo mới của Trung Quốc) và thuyết phục Pháp và Anh cùng tiến hành những hoạt động như thế. Có lẽ là vạch đỏ do Obama đưa ra - không có công trình xây dựng nào của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough - vẫn còn hiệu lực.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhRpTR7J9YgyWcvIv4lYJaT43zD0VrLwA3Zpq1oFqE6KxlCaJV_CYbgGQsluNPr72bvOHsnMAOw0tivn9tKQQdrjLPcjXFRi8xjuZ_IMwQb2XSYCEcpOWkvOX9CMxDjSbLgNLd9X2k7Xrs/s640/20180623_ASM934.png

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, hứa sẽ có “hậu quả lớn hơn” nếu Trung Quốc không thay đổi cách hành xử. Tuy nhiên, hiện nay Tập [Cận Bình], trong khi lên án “việc quân sự hóa” của Mỹ là nguồn gốc của căng thẳng, phải cảm thấy rằng ông ta đã làm được nhiều việc. Ông ta đang chẹn họng một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới và thực hiện được những đòi hỏi của Trung Quốc về dầu, khí và cá biển trên vùng biển này. Ông ta đã nắm vững chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Đài Loan. Và, bằng cách chiếm giữ các hòn đảo, ông đã củng cố được những lời tuyên bố lịch sử láo khoét của Trung Quốc về Biển Đông. Về phần dân chúng Trung Quốc, Tập [Cận Bình] có thể tô vẽ tất cả những chuyện đó như là một sự trở về với trật tự đúng đắn. Ngay lúc này, không rõ hậu quả lớn hơn của việc làm đó có thể là gì.

Nguồn: Economist

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn