Những nội dung cần lưu ý trong Dự luật về ba đặc khu

Vĩnh Long

Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (tạm gọi là Dự luật về 3 đặc khu) bắt đầu được Quốc hội thảo luận vào ngày 23/5, dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp.

ac khu

Vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc. (Đồ họa: vnexpress.net)

Được đánh giá là một dự án luật quan trọng, ảnh hưởng lớn tới địa chính trị, kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam, tuy nhiên, dự luật còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong đó bao gồm nhiều quy định ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược và phân quyền về hoạt động tư pháp ở đặc khu.

Về thời hạn sử dụng đất, Điều 32, Chủ tịch UBND đặc khu được quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa 70 năm. Đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài tới 99 năm, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Quy định này vượt Luật Đất đai, cũng cho phép Thủ tướng có quyền vượt trên Luật Đất đai.

Điều 126 Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất sử dụng tối đa là 50 năm. Trong trường hợp đặc biệt, “dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn”, thời hạn giao đất, cho thuê đất được kéo dài 70 năm.

Về đầu tư ngân sách nhà nước, Điều 33, Nhà nước chi ngân sách nhà nước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Trường hợp ngân sách nhà nước không bố trí được kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được ứng kinh phí để thực hiện. Khoản tiền ứng trước sẽ trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án đầu tư.

Nhà nước cũng chi ngân sách đầu tư các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác để thực hiện quy hoạch đặc khu. Trường hợp NN không bố trí được ngân sách, nhà đầu tư sẽ ứng kinh phí cho NN để thực hiện. Khoản ứng trước sẽ trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án, hoặc NN thanh toán bằng quỹ đất trong khu vực đặc khu.

Tuy nhiên, Điều 43 quy định nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tại đặc khu: áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm kể từ khi có doanh thu, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Chỉ doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại đặc khu (trừ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội) mới áp thuế suất 17% trong 5 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế nhưng không quá năm 2030.

Ngoài ra, còn hàng loạt các khoản miễn thuế khác, như miễn thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư (Điều 41); miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó (Điều 40); miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế tại Phú Quốc.

Vậy ngân sách nhà nước lấy đâu ra tiền?

Về ngân sách đặc khu. Điều 39, “Ngân sách đặc khu được bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác“. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào?

Mức dư nợ vay (hạn mức vay để bội chi ngân sách) của ngân sách đặc khu không vượt quá 70% ngân sách thu. Tức nếu ngân sách thu 10 đồng, các đặc khu có hạn mức vay 7 đồng để chi tới 17 đồng. Nếu vỡ nợ ngân sách, ai chịu trách nhiệm?

Hiện, mức dư nợ vay lớn nhất do Luật Ngân sách nhà nước quy định là 60% ngân sách thu (đối với của Hà Nội và TP.HCM), các tỉnh địa phương từ 20-30%.

Chủ tịch UBND đặc khu được trao rất nhiều quyền, quyền lựa chọn nhà thầu (Điều 37), quyền miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm (Điều 45), được ký hợp đồng lao động, tuyển công chức, ra quy định về hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương ở đặc khu (Điều 47).

Cũng Điều 47, cán bộ, công chức làm việc trong chính quyền địa phương ở đặc khu cam kết làm việc ít nhất 10 năm được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chủ tịch UBND đặc khu. Công chức qua tuyển dụng làm việc 5 năm liên tục trở lên khi chuyển công tác sang các cơ quan, tổ chức khác của NN, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển.

Cơ chế nào để hạn chế tình trạng chạy thầu, miễn thuế, chạy chức, lách luật hưởng đặc quyền? Làm cách nào để vùng đặc khu không trở thành “rốn” tham nhũng chính sách?

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền giới thiệu nhân sự Chủ tịch UBND đặc khu cho HĐND đặc khu bầu, cũng như đề nghị để HĐND đặc khu xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND đặc khu (Điều 83).

Việc phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch UBND đặc khu do Thủ tướng quyết định (Điều 80).

Về nhân sự lao động, quy định cư trú:

Điều 46, người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành được làm việc dưới 90 ngày và cộng dồn 180 ngày một năm không cần giấy phép lao động.

Người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật được thời gian làm việc dưới 30 ngày và cộng dồn 90 ngày trong 1 năm không cần cấp giấy phép lao động.

Ngoài các quy định chung, Điều 54, 55, 56 quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt khác tại lần lượt đặc khu Vân Đồn, đặc khu Bắc Vân Phong, đặc khu Phú Quốc.

Đáng chú ý, Điều 54, người nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa tại đặc khu Vân Đồn có thể được cấp thị thực có giá trị nhiều lần với thời hạn 12 tháng; trường hợp có giấy phép lao động thì thời hạn thị thực phù hợp thời hạn của giấy phép lao động.

Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực (visa) với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam.

Điều 55, Chủ tịch UBND đặc khu Bắc Vân Phong được quyền quyết định thành lập cơ quan quản lý cảng biển. Hàng hóa được phép trung chuyển qua cảng biển được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu qua cửa khẩu khác hoặc xuất khẩu trực tiếp.

Điều 56, cá nhân có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên tại đặc khu Phú Quốc được cấp thẻ tạm trú 10 năm.

Theo Điều 38, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thẻ tạm trú có thời hạn lâu nhất là 5 năm.

V.L.

Nguồn: https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/nhung-noi-dung-bat-cap-trong-du-luat-ve-ba-dac-khu-van-don-bac-van-phong-phu-quoc.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn