Ưu đãi cho đặc khu đã lỗi thời & Việt Nam cần công nghệ cao chứ không phải sòng bạc

Ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

1. ƯU ĐÃI CHO ĐẶC KHU ĐÃ LỖI THỜI

Nam Anh

(NDH) Quan điểm lấy ưu đãi thuế và thời hạn cho thuê đất dài để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn đã lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi vòng đời sản phẩm ngắn lại.

"Cho thuê đất tối đa 99 chỉ có lợi cho đại gia bất động sản", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện trong buổi hội thảo "Chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị".

Theo bà Lan, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vòng đời của một sản phẩm rất nhanh. "Không nhà đầu tư nào đảm bảo sẽ làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm, kể cả 70. Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần hai thế hệ người Việt", bà Lan phân tích.

Vị chuyên gia cho rằng trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, vòng đời và tuổi thọ của các ngành còn chưa rõ, việc Việt Nam mở ra ưu đãi lớn và thời gian thuê đất dài là thừa thãi. Bà Lan đặt vấn đề với thời hạn thuê đất đến 99 năm, khi doanh nghiệp phá sản hoặc chuyển mục đích sử dụng, cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào?

"Thời hạn cho thuê đất ở các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng", bà Lan khẳng định.

Bà cho rằng cơ quan soạn thảo lấy ưu đãi thuế để làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể "yên tâm" làm ăn là một quan điểm lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp này.

Tương tự như việc thu hút FDI những năm qua, chính sách ưu đãi thuế phí đã dồn gánh nặng lên các khu vực kinh tế khác như tư nhân, liên doanh.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Các nhà đầu tư quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo ông Hồ, nhà đầu tư không cần ưu đãi dễ dãi, họ quan tâm đến công bằng, thuận lợi hơn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cũng cho rằng các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa.

Theo ông, dự thảo Luật Đặc khu cần được xem xét lại cẩn trọng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ các ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế tiêu thụ đặc biêt. Thay vào đó, các nước chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường.

Sáng 23/5, trong cuộc thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, các đại biểu cũng tranh luận gay gắt về các vấn đề liên quan đến ưu đãi và thể chế tại đặc khu. Cuộc thảo luận có hai luồng ý kiến chính, một là, tạm dừng để bàn lại về những thách thức, rủi ro có thể gặp phải. Hai là thông qua luôn và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, các đại biểu đặt nhiều lo ngại về cơ chế ưu đãi thuê đất lên 99 năm và vị trí "nhạy cảm" của Vân Đồn có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh quốc gia.

N.A.

Nguồn: http://ndh.vn/ba-pham-chi-lan-uu-dai-cho-dac-khu-da-loi-thoi-201805240706134p145c151.news

*

2. VIỆT NAM CẦN CÔNG NGHỆ CAO CHỨ KHÔNG PHẢI SÒNG BẠC

“Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thứ mà Việt Nam cần là công nghệ cao chứ không phải là các casino, do đó trong quy hoạch các đặc khu kinh tế cần phải hướng đến điều này.

"Tôi cho rằng dù ưu đãi tương tự như nhau, nhưng casino không phù hợp để đi cùng với khu công nghệ cao, vì mấy lẽ.

Trước hết, đối tượng phục vụ của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Casino phục vụ vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm tiền bằng đỏ đen. Khách hàng của casino đa dạng, phần lớn là nhàn rỗi, thích vui vẻ, náo nhiệt, ưa thử vận mạng bằng may rủi, ít nhất là trong thời gian họ vào chơi ở đó.

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/dackhu-0955252-1527732178.jpg

Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 1,5 triệu tỷ đồng để đầu tư cho ba đặc khu kinh tế. Ảnh: minh họa.

Công nghệ cao là việc của những người làm trong kinh tế trí thức, có trình độ, kỹ năng cao, đam mê nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong các lĩnh vực khác nhau. Khách hàng của công nghệ cao quan tâm đến phát triển, trí tuệ, chất lượng công việc và cuộc sống, những giá trị tốt đẹp và cao hơn cho con người. Phần lớn thời gian người ta làm việc trong yên tĩnh, tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tranh luận chuyên môn; tất nhiên cũng có những lúc nghỉ ngơi vui chơi nhưng không như khách casino.

Hai loại khách hàng như vậy rất khó có thể sống và làm việc cùng chỗ với nhau 24/24 được.

Hai là, không gian và môi trường hoạt động của hai lĩnh vực này rất khác nhau.

Casino có nhu cầu đặt ở nơi có rất nhiều các dịch vụ vui chơi giải trí khác đi cùng với nó, tạo không gian cho các dịch vụ này cùng nhau làm ăn và moi tiền của những khách hàng muốn được thỏa mãn nhiều thứ thú vui. Cũng có những nguy cơ về tệ nạn, tội phạm, rủi ro cho người làm và người chơi, nên các nước thường đặt casino trong khu vực riêng, có hàng rào bảo vệ tách với “người thường” không tham gia vào đó.

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/photo1527056279877-15270562798792044881074-5-2328511-1527732183.jpg

Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng.

Các lĩnh vực công nghệ cao lại cần những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường tri thức hỗ trợ nhau phát triển. Công nghệ cao cũng cần phải kết nối được với những vùng có các ngành phụ trợ, có các lĩnh vực kinh tế mà nó hướng tới phục vụ như công nghiệp, nông nghiệp…

Do vậy công nghệ cao ở các nước thường được đặt ở trong hoặc sát bên các thành phố, đô thị lớn, nơi tập trung trí thức và lực lượng lao động được đào tạo có kỹ năng. Những trung tâm đó có nhiều các viện nghiên cứu, các trường đại học, tức là có môi trường làm việc giúp công nghệ cao có điều kiện để phát triển.

Hai loại không gian, môi trường đó thật khó tạo lập ở cùng một vùng đất không phải rộng lớn lắm. Thuận cho cái này có thể không thuận, thậm chí bất lợi cho cái kia.

Ba là, yêu cầu đầu tư và khả năng sinh lời của hai lĩnh vực này cũng khác nhau.

Casino có khả năng sinh lời cao nhờ máu đỏ đen của con người và tài kinh doanh của các ông chủ sòng bạc. Thậm chí bây giờ chẳng cần đầu tư mở casino hoành tráng, mà bằng công nghệ và nhờ bảo kê, các ông trùm đã có thể có hàng chục triệu người đánh bạc qua mạng, như vụ xảy ra ở nước ta vừa phát hiện vài tháng trước.

Trong khi đó, công nghệ cao đòi hỏi đầu tư tốn kém, rủi ro cao, suất sinh lời có thể là số không trong thời gian dài trước khi có sản phẩm thương mại hóa được. Vì vậy mới cần đến các quỹ đầu tư mạo hiểm, các hãng lớn, các chương trình quốc gia do chính phủ bảo trợ cho công nghệ cao, cho R & D ở hầu khắp các nước.

Với sự khác nhau như vậy thì khi cùng được ưu đãi, thậm chí với mức thấp hơn, casino vẫn rất dễ “đuổi cổ” công nghệ cao ra khỏi vùng lãnh thổ mà nó muốn chiếm. “Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.

Bốn là, kinh nghiệm các nước khác.

Nhìn sang các nước đi trước, ta dễ dàng thấy họ tách hai việc phát triển casino và phát triển công nghệ cao với nhau như thế nào.

Ở Mỹ, có Las Vegas dành cho đánh bạc, còn thủ phủ của công nghệ cao ở thung lũng Silicon hoàn toàn tách biệt, chứ không có nhà đầu tư nào bỏ Silicon để đi làm công nghệ cao ở Las Vegas cả.

Singapore thì đã phát triển các ngành công nghệ khá lâu rồi, và bây giờ đang tiến mạnh vào một số lĩnh vực công nghệ cao thời 4.0 một cách chọn lọc. Khi đã đạt trình độ quản lý rất cao, Singapore mới mở sòng bạc đầu tiên và duy nhất, được xây dựng biệt lập và kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Vì bản thân quốc gia này chỉ có quy mô diện tích hạn chế và đã là một “đặc khu kinh tế” rất mở, nên họ có thể có công nghệ cao và casino trong cùng “đặc khu Singapore”, nhưng chớ nên nghĩ ta có thể làm như họ ở 3 đặc khu của mình. Những nước phát triển cao cũng phải kính nể Singapore về tầm nhìn, về trình độ quản trị, về tính khoa học, quy củ trong tổ chức sự phát triển các hoạt động khác nhau trên đất nước này.

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/daophuquoc27xcfo-6-2330594-1527732211.jpg

Casino được ưu tiên phát triển ở Phú Quốc.

Hiện nay, tất cả các nước phát triển cao cũng như hầu hết các nước phát triển thấp hơn trên thế giới đều tập trung cao độ mọi cố gắng và nguồn lực cho thúc đẩy phát triển công nghệ để có thể tận dụng những gì cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như khắc phục các thách thức từ cuộc cách mạng này. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên số 1 trong chiến lược và chính sách phát triển của gần như mọi quốc gia. Với các nước đang phát triển, đây là cơ hội hiếm hoi để hóa rồng, mà cũng là thách thức khắc nghiệt do có thể rơi vào cực chậm phát triển nếu không theo được cách mạng công nghiệp 4.0.

Ở nước ta cũng đã có các nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ cao được khẳng định là ưu tiên trong phát triển cũng như trong thu hút FDI và hợp tác quốc tế.

Không lẽ luật đặc khu lần này, với những ưu tiên vượt trội để góp phần tạo đột phá phát triển, lại không cân nhắc cẩn trọng để rồi công nghệ cao có thể bị casino đẩy ra, và rồi đất nước mình sẽ tạo sự khác biệt trong cạnh tranh với các nước khác bằng cách lấy casino, chứ không phải công nghệ cao, làm lĩnh vực đột phá?!"

Tác giả: Lưu Thúy

Nguồn tin: Báo VTC News

http://vinh24h.vn/chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-viet-nam-can-cong-nghe-cao-chu-khong-phai-song-bac-a110691.html

*

3. ĐẶC KHU KINH TẾ: CHO THUÊ ĐẤT 99 NĂM BẰNG 2 THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT

Nguyễn Tuyền

Dân trí "Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, lĩnh vực đó trong 99 năm bằng gần 2 thế hệ người Việt, 3 - 4 vòng đời sản phẩm".

Tại một hội thảo về các đặc khu kinh tế chiều nay (23/5), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện mạnh mẽ về vấn đề cho thuê đất thời hạn tối đa 99 năm tại Dự thảo Luật Đặc khu (Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt) do Bộ KH&ĐT soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

huyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ưu đãi thuế và cho thuê đất được xem là "chiếc đũa thần"

Theo bà Lan, dưới góc nhìn và tính toán, người ta thấy Dự thảo Luật đặc khu đang vướng 2 vấn đề là: lấy ưu đãi thuế để làm tiền để thu hút nhà đầu tư; lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể "yên tâm" làm ăn. Tuy nhiên, quan điểm này được xem là lỗi thời, không có tính kế thừa kinh nghiệm và bài học sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam.

Bà Lan cho hay: Cơ quan soạn thảo Luật đặc khu nói xây dựng đặc khu để là nơi cải thiện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, nếu phải xây dựng cả 3 đặc khu, với số vốn ước khoảng 70 tỷ USD để chỉ là nơi thử nghiệm cải cách thể chế kinh tế thì nguồn lực ở đâu?

"Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam được coi là thành công nhưng chúng ta còn hệ quả chưa đánh giá hết như ưu đãi chính sách khiến chuyển giá, trốn thuế, phân mảnh đầu tư, một quốc gia hai nền kinh tế (FDI và DN trong nước)...", chuyên gia kinh tế này nói.

Theo bà Chi Lan, Việt Nam là nước có kinh tế FDI vô địch trong xuất khẩu,vượt hẳn so với các nước khác về tỷ trọng đóng góp GDP, như Malaysia, Indonesia hay Trung Quốc. Tuy nhiên, FDI đóng thuế lại ngày càng giảm đi, thậm chí chúng ta không thu được thuế.

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi cho FDI quá nhiều, trong khi đó ưu đãi chính sách cho khu vực trong nước lại giảm, thậm chí thắt chặt, khiến quy mô các DN trong nước bị giảm đi đáng kể, không cạnh tranh được.

Ưu đãi chính sách, thuế cho FDI nhiều do đó gánh nặng thuế, phí dồn cả lên vai các khu vực doanh nghiệp khác vốn nhỏ bé như liên doanh, tư nhân.

"Bên cạnh đó, FDI thời gian qua phát sinh chuyển giá, hơn 5 - 6 năm trước ngành thuế báo cáo có 70% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhưng họ vẫn xin mở rộng đầu tư, mở rộng phát triển. Sau này khi Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế vào cuộc thì mới kiểm soát lại được, mỗi năm truy thu hàng nghìn tỷ đồng đồng từ chuyển giá. Nếu tiếp tục lấy thuế làm ưu đãi, chúng ta quản lý được hay không?", chuyên gia này nêu câu hỏi.

Thuê đất 99 năm bằng gần 2 thế hệ, hơn 3 - 4 vòng đời sản phẩm

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Các ưu đãi có nhiều nhưng không kiểm soát được tốt, chính sách thuế là điều tiết các ngành kinh tế, ngành nào cần phát triển thì ưu đãi nhiều hơn cho phát triển, đến khi phát triển rồi thì nâng thu dần lên.

Bà Lan nói: "Tôi không hiểu, Dự thảo Luật đặc khu xây dựng các ngành nghề ưu đãi thuế nhiều đến vậy, lúc ban đầu ưu đãi đến 134 ngành, sau đó rút xuống còn 120 ngành và hiện nay là hơn 100 ngành. Ưu đãi này quá dàn trải cho các ngành, liệu chúng ta có quản lý được không và có thu hút được không? và nước ngoài đánh giá ra sao?

Hơn nữa, ưu đãi thuế rất bất cập, các nước không làm như chúng ta. Nếu ưu đãi thuế hiện nay thì ngành cần khuyến khích bậc nhất phải là: Công nghệ cao, giáo dục.

"Cách mạng công nghệ (Cách mạng 4.0) sẽ khiến các vòng đời sản phẩm ngắn lại, và xoay tua nhanh chóng nên tầm nhìn phải đi trước rất nhiều năm. Khi tham gia vào TPP, các chuyên gia nói là lợi nhất của Việt Nam là ngành may mặc khi xuất sang Mỹ, các nước phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu của quốc tế chỉ ra ngành dệt may của Việt Nam không còn tương lai như vậy đâu. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ rõ có thể may mặc VN mất 86% giá trị khi Cách mạng 4.0 diễn ra", bà Lan nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "Khi máy móc thay thế con người ở những việc giản đơn như may mặc, lắp ráp điện tử sẽ xảy ra quá trình "hồi hương" về các nước phát triển. Nếu chúng ta không thấy rõ tuổi thọ của các ngành đến đâu trong thời đại mở hiện nay thì là việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ là thừa thãi".

Bà Lan cho biết: "Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng dường hàng ngày; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, có ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm hay thậm chí 70 năm? Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần 2 thế hệ người Việt".

Vị chuyên gia nói thêm: Cho thuê đất 70 năm, đến 99 năm, nếu có rủi ro doanh nghiệp đó phá sản trong thời hạn 10 hoặc 20 năm, họ sẽ chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng. Vậy ai sẽ quản lý đây?

Theo chuyên gia Lan: Nói thẳng ra, cho thuê đất tối đa 99 như Dự thảo Luật Đặc khu chỉ có lợi cho đại gia bất động sản. Còn các lĩnh vực khác, không ai dám "mạnh miệng" cam kết sẽ làm lĩnh vực đó suốt 99 năm, thậm chí 50 năm cũng còn cân nhắc.

Thời hạn cho thuê đất 99 năm được đưa vào chính sách là có bóng dáng của doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên bằng bất động sản cả.

So sánh quốc tế, các nước chỉ cho thuê đất trong thời hạn tối đa 50 năm, phổ biến ở hàng loạt các nước khác nhau. Trung Quốc cũng vậy, có những nơi chỉ 20 năm ở 1 số lĩnh vực, 70 năm đã là quá dài rồi.

N.T.

Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dac-khu-kinh-te-cho-thue-dat-99-nam-bang-2-the-he-nguoi-viet-20180523190019569.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn