Chùm thơ giỗ trận Vị Xuyên 12/7/1984

Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh anh dũng trong chiến tranh biên giới phía Bắc & áng thơ bi hùng viết tại chiến trường Vị Xuyên năm 1986 của cựu chiến binh Nam Thái Trần

Nhà báo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Chùm thơ này tôi viết trong chuyến đi công tác cùng đoàn công tác Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Giang tháng 7- 2016 vào dịp giỗ trận Vị Xuyên, nơi gần 600 chiến sĩ của chúng ta hy sinh trong ngày 12/7/1984 trong trận chiến chống quân xâm lược Trung Quốc.

Các bài thơ dưới đây đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân độiTạp chí Thơ - Hội Nhà văn VN. Điều đặc biệt, từ trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào, có một bài thơ vô cùng xúc động viết tại chiến trường Vị Xuyên năm 1986 của cựu binh Nam Thái Trần như được viết bằng máu những người đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Theo tôi, đây là áng thơ bi hùng hiếm thấy trong chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, xin giới thiệu với các bạn.

Nguyễn Việt Chiến

VỊ XUYÊN NGÀY GIỖ TRẬN

Những cựu binh năm ấy
Ngược về chiến trường xưa
Trái tim như lửa cháy
Chưa nguôi quên bao giờ

Bao người con ngã xuống
Bên sông Lô những ngày
Như mộc miên hoa rụng
Đỏ một trời đạn bay

Trên Vị Xuyên, Thanh Thủy
Các anh quyết tử rồi
Sống bám trụ cùng đá
Chết hóa thành đá thôi

Ba mươi hai năm trước
Trời Vị Xuyên đạn bay
Đất Vị Xuyên máu đổ
Nhức nhối đau thương này

Bao lớp người giữ đất
Hồn thiêng trong cỏ cây
Vô danh không cần kể
Công lao với đất dày

Lên Hà Giang chợt thấy
Giời như gần đất hơn
Ông cao xanh trên ấy
Thương dân, có thấy buồn?

Ta buồn nỗi giặc giã
Trăm năm bạn lẫn thù
Tình người dễ hóa đá
Trong bạo tàn hoang vu

Ta đau nỗi chúng sinh
Oán thù mong hóa giải
Mà sao đến muôn đời
Hận biên cương còn mãi

Chúng đừng mong thôn tính
Một dải biên cương này
Máu thiêng bao người lính
Vẫn sục sôi đâu đây

Vị Xuyên ngày giỗ trận
Bao lớp người lên đây
Màu áo xanh lính trận
Điệp trùng dưới ngàn mây

Người chết đã hóa đá
Người sống hóa ngàn cây
Rưng rưng một màu lá
Phủ xanh non nước này.

12-7-2016

NĂM ẤY, VỊ XUYÊN

Năm ấy dọc sông Lô
Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống
Xẻ làm áo quan

Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang
Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi
Gió biên thùy tiễn các anh vào đất

Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở
Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan
Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì…

12-7- 2016

HAI NGÀN TAY SÚNG CHỐT TRÊN ĐỒI NÀY

Các anh nằm lại Vị Xuyên
Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này
Nén hương đầu gió khói lay
Khói hương chia khắp bia này mộ kia

Âm dương hai ngả cách chia
Hai ngàn tay súng đi về tận đâu
Mẹ ơi! Đất nước thương đau
Chúng con nằm lại núi sâu rừng già

Hai ngàn trái tim xót xa
Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi
Hai ngàn nỗi nhớ mồ côi
Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm

Các anh nằm lại Vị Xuyên
Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này
Các anh vẫn mãi còn đây
Đội hình đánh giặc bao ngày không quên

Thưa mẹ, sớm nay bình yên
Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về.

14-7-2016

ÁNG THƠ BI HÙNG HIẾM THẤY TRONG THI CA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Bài thơ của cựu chiến binh Nam Thái Trần viết tại chiến trường Vị Xuyên

NÀ CÁY, MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN!

Nam Thái Trần

Mấy hôm rồi không một chuyến xe lên
Nà Cáy buồn quay quắt
Xác tử sỹ chất đầy bãi đất
Qua một đêm thôi chuột móc hết mắt rồi
Trên thân xác đã trương lên nhung nhúc những đàn giòi
Và ngờm ngợp những đám mây ruồi nhặng
Gió từ dưới sông Lô và đường quốc lộ 2 thốc lên dè dặt
Gió từ đỉnh 812, dông 673 phía trên kia đổ xuống ào ào
Những cơn gió vô tâm, những cơn gió vô tình như cuộn vào nhau
Xộc vào toang hoác xác thân những người lính đã ngã xuống
Xộc vào hoang hoải bần thần tim óc những người lính đang còn sống
Ngách đá kho hậu cần trống rỗng
Gạo mắm đã chia đến từng căn hầm
Khe suối mùa khô chắt nước âm thầm
Quần áo lính giặt xong càng đỏ bầm màu đất
Mảnh đạn dọc ngang chém áo quần rách nát
Suối cũng oằn mình đội pháo giặc suốt ngày đêm
Mấy hôm rồi không thấy xe lên
Cả thung lũng sặc sụa mùi khói đạn
Vách đá trên cao đạn cào trắng toát
Mặt đất dưới sâu đá lật ngổn ngang
Những căn hầm trúng đạn vỡ tan hoang
Những mái nhà âm cháy thành than trơ trụi
Thấp thoáng bóng người lầm lụi
Vác đá, chặt cây, đào đất khoét hầm
Hang phẫu ngổn ngang lính nằm
Những vết thương đỏ máu
Những cuộn băng đỏ máu
Áo Blu quân y đỏ máu
Khắp lòng hang sực lên mùi máu, mùi cồn
Điện thoại đổ chuông từng nhịp dập dồn
Tin báo về chuẩn bị đón thương binh từ phía trước
Bác sỹ gầm lên hết băng, hết thuốc
Y tá ngẹn ngào hết sạch nước truyền
Lại phải cho người chạy bộ xuống Làng Pinh
Lấy tạm vài cơ số thuốc
Bên kia bờ khe nước
Lính vận tải nối nhau lục tục lên đường
Ba lô đạn nhọn đè nặng trên lưng
Đòn tre cáng thương, dài ngoằng chổng ngược
Manh võng cáng thương ướt đẫm từ chuyến trước
Phập phờ rỏ nước thối xuống khắp người
Đường xe lên đất đá tơi bời
Hố pháo mới chồng lên hố pháo cũ
Mảnh đạn ngổn ngang bên cây cỏ xới nhào
Có mảnh lẹm sắc như dao
Có mảnh nhọn hơn lá lúa
Chạm vào là máu ứa
Chạm vào là rách thịt da
Những bàn chân mang giày vải vẫn xầm xập chạy qua
Lưng còng xuống, mặt ngẩng về phía trước
Nơi ấy đang cần đạn
Nơi ấy thương binh chờ
Vượt ngã ba cửa tử
Vào Hang Dơi, Làng Lò 
Những gương mặt lính sáng lên, rồi lại thẫn thờ
Chẳng có gì đâu trong ba lô toàn đạn nhọn
Bởi mấy hôm rồi chẳng có chuyến xe lên
Những dấu hỏi hằn gương mặt sạm đen
Nỗi buồn tủi ẩn trong lời cảm thán:
"Hay là đã quên ? Hay là đã bán ?
Hay là đã chán ? Hay là phủi tay ?..."
Gạt đi giọt nước mắt cay
Tay khẽ khàng đặt thương binh lên võng
Lại vượt qua suối sâu, đường lộ thiên, bãi trống
Mang tai bập bùng tiếng nổ, tiếng rên đau
Mặc kệ đạn trên cao
Mặc kệ đạn dưới thấp
Nghe tiếng đạn quen mới nằm xấp xuống mặt đường
Đá đập vào người, đá thúc vào xương đau nhức
Đợi đến khi đạn dứt
Lại tất tưởi chồm lên, vai nặng trĩu đòn khiêng
Những thân người chạy liêu siêu ngả nghiêng
Hướng về phía Nà Cáy
Đoạn đường dốc lên đạn pháo cày nát bấy
Đã có lính nào sửa sang
Mùi máu, mùi cồn vẫn nồng nực trong hang
Lính bị thương nằm ngổn ngang dồn đống
Thở phào vì thương binh vẫn sống
Tay lại khẽ khàng gỡ khỏi võng với đòn tre
Bãi tử sỹ nằm bên cạnh bờ khe
Hình như đã nhiều hơn lúc trước
Lại nghe đâu đây rúc rích tiếng chuột
Những con chuột đói khát, những con chuột vô tâm
Lần bước đến nơi tử sỹ đang nằm
Bê những mảng đá to đặt đè lên từng khuôn mặt
Che đi những quầng mắt đã lặng ngủ im
Che đi những con mắt không thể nào khép lại
Cơn gió mùa Thu như lồng lên quằn quại
Hình như gió cũng rưng rưng
Mấy hôm rồi mà chẳng thấy xe lên
Chẳng biết đêm nay có chuyến nào tới được
Để đón anh em về một chốn bình yên
Để đưa anh em về trước...
(Nà Cáy -.Thanh Thủy - Mùa Thu 1986)

Phụ lục:

TRÍCH HỒI KÝ CỦA CỰU CHIẾN BINH NAM THÁI TRẦN - TÁC GIẢ BÀI THƠ VIẾT TẠI CHIẾN TRƯỜNG VỊ XUYÊN NĂM 1986 “NÀ CÁY MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN”

Chào các bác và anh em,

Đối với những người lính đã từng trải qua cái gian khổ khốc liệt của chiến trường, hình như mỗi dòng ký ức, mỗi manh kỷ vật gợi nhớ tới chiến trường xưa luôn làm cho họ xốn xang khắc khoải.

Em còn nhớ, khoảng tháng 1/1987, đang ở Nà Cáy, em được phép ra TX Hà giang một hôm. Lúc ấy đã giữa buổi sáng, chẳng có xe cộ gì dám chạy giữa ban ngày ban mặt, vậy là em cuốc bộ.

Cứ dọc QL2, men theo những trận địa pháo của bên mình và những loạt pháo kích oanh tạc của địch, đến quá trưa thì em cũng mò được về đến km 6, về chỗ cứ cũ của đơn vị. Em định về đó lấy bộ quần áo dài đã cũ dành dụm mãi từ lâu để mặc, vì không thể diện cái quần đùi lính rộng thùng thình rách te tướp lại bẩn thỉu để ra phố. Và cũng mong kiếm xem có còn cái gì bán được như bánh xà phòng, tuýp thuốc đánh răng hay cái áo may ô thì lấy mang đi giải quyết.
Nhưng khi giở hòm ra thì quần áo đã bị mục hết, trong hòm cũng chẳng có cái gì, mấy ông ốm yếu trông cứ thì còn "yếu" hơn mình, đành phải chấp nhận đi tay không với bộ trang phuc "gợi cảm" như vậy ra TX.

Không dám đi nghênh ngang giữa ban ngày qua chỗ mấy ông vệ binh ở km 4 và dốc Mã Tim, em đành mò ra ven đường cái, chui vào bụi cây nằm chờ xem có cái xe nào đi qua thì nhảy lên bám càng. Nằm mãi, chả thấy xe cộ gì, không gian yên bình quá, em oánh luôn một giấc. Mãi gần tối nghe có tiếng xe ầm ì, em mới tỉnh giấc. Thấy một chiếc xe tải chạy từ trong ra, em vội vọt theo, bám vào đít, trèo lên thùng, nằm ẹp xuống. Hóa ra xe chở tử sỹ, trên xe có 5-6 cái xác tử sỹ đã trương phềnh đặt nằm trên mấy manh chiếu rách.

Lúc xe đi qua cổng sư bộ F313 ở km4, sợ bị lính vệ binh F phát hiện tóm lại rồi tống cổ quay trở ngược, em chọn chỗ chiếu khô khô rồi cũng nằm bừa xuống bên cạnh mấy cái xác anh em đó.

Khi xe xuống hết dốc Mã Tim, bắt đầu vào khúc cua gần chỗ Bưu điện, em lom khom ngồi dậy, đưa mắt tạm biệt đám anh em đã hy sinh, chuẩn bị vọt xuống. Thấy trên thùng xe có một đống bao cát nhỏ còn nguyên kiện, lại đang buồn thiu vì cái ba lô lộn lép kẹp của mình, chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, em chôm ngay một cuộn, chưa biết để làm gì nhưng cũng cứ lấy đại. Rồi em nhảy xuống đường, chui vào một lùm cây ven đường, hé mắt quan sát xem có tổ vệ binh nào đang ... đi dạo phố không để tránh. .
Khi trời đã tối hẳn, vài ngọn đèn đường vàng ệch soi nhập nhòe trên phố vắng, thấy đã an toàn, em mò vào Bưu điện TX, xin gọi điện nhờ về nhà. Ở bưu điện Hà Giang ngày ấy em có quen một chị tên là Mai làm tổng đài. Biết em đi lính từ Bưu điện Hà Sơn Bình nên các anh chị ấy cũng thông cảm cho gọi nhờ mấy phút, vì mình không có tiền để ra quầy giao dịch gọi cho đàng hoàng, hơn nữa cũng đã muộn rồi, quầy giao dịch đã đóng cửa.

Tối hôm ấy, sau khi nói chuyện với bố mẹ ở nhà, thương các cụ nghèo quá, mình lại đã sắp 27 tuổi rồi mà chưa bao giờ có cái gì biếu bố mẹ và cho em gái còn bé tí cả... thế là em đã gửi luôn cái cuộn bao cát to bằng cái giò nạc kia về biếu bố mẹ nhân dịp Tết sắp đến, xuân sắp sang, để mọi người ở nhà cảm nhận được chút hơi hướng và tình cảm của thằng con đang ở nơi chiến trận dành cho quê nhà.
Chị nhân viên Bưu điện kia đã khóc nghẹn ngào khi thấy em lấy giấy báo cẩn thận, nâng niu bọc lại để không bị phát hiện, bị thu mất,... và cũng như để vun vén, gói ghém tất cả những gì mình có... để gửi về quê hương.
Em cũng thấy mặt mình cứ nhòe đi vì nước mắt cứ xộc xuống sống mũi cay xè...

Cho đến nửa năm sau, khi em đã xuất ngũ về nhà, có một hôm em đã tìm thấy bó bao cát ấy trong một cái hòm mà bố mẹ em dành để những thứ giấy tờ quan trọng và một số kỷ vật của các cụ... Và em đã lặng người đi khi thấy những lá thư của em và của em trai em (cũng là lính nhưng thuộc f 355 ở Lào Cai) gửi về đều bị nhòe nhoẹt đi, hình như là do nước mắt của mẹ... (chắc là của mẹ thôi, vì bố cứng rắn lắm)...

...Hơn 10 năm sau, năm 1998, khi Thai60 em đã trở về nhà sau bấy nhiêu năm tha hương cầu thực nơi đất khách quê người, cuộn bao cát kia vẫn còn nằm lặng lẽ trong cái hòm kỷ vật của cha mẹ từ ngày ấy...

Cho đến tận một ngày hè của năm 2018, vừa mới chiều qua thôi, khi Thai60 em lục tủ tìm cái quần đùi mới để thay cho bố, cuộn bao cát nhỏ kia vẫn nằm gọn ghẽ an nhiên trong ngăn tủ đựng huân huy chương và tài liệu giấy tờ tùy thân của bố mẹ, dù cái hòm gỗ ngày xưa đã mục nát tự thuở nào, và bố thì đã bán thân bất toại nhớ nhớ quên quên suốt mấy năm nay vì tuổi đã già và căn bệnh teo não quái ác.
Thấy cuộn bao cát đã ải , lớp vỏ bọc ngoài của nó đã mủn ra, rơi lả tả theo kẽ ngón tay, Thai60 em đã chuyển nó sang một ngăn tủ khác đựng đồ linh tinh của bố.
Sáng nay, nghe mẹ bảo "Con đừng tự tiện dịch chuyển những gì bố mẹ đã xếp riêng ra", lại vào phòng bố, mở tủ, ngó vào... Cuộn bao cát đã trở về chỗ cũ lâu nay, lại nằm an nhiên tự tại ngay bên cạnh những dấu tích cả một đời nhọc nhằn hy sinh phấn đấu của bố mẹ...

Chợt thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ về những người mẹ, người cha trên đất nước này đã vĩnh viễn mất đi những đứa con yêu dấu nơi chiến trường xa...

Hình như, có nhiều lúc, do gánh nặng cơm áo mưu sinh, do dòng đời phù du phiêu dạt, dù đã sống qua quá nửa đời người, mình vẫn còn chưa kịp lớn khôn để thực sự biết trân trọng nâng niu những giá trị tinh thần lớn lao của kỷ vật và ký ức ngay cả của chính mình.

Chợt thấy mình còn mắc nợ nhiều lắm với mẹ, với cha, với đồng đội đã hy sinh, với cuộc đời này.

Lại đêm đêm trở trăn với những dòng ký ức, lại hỳ hục mổ cò gõ chữ, gom góp thành phong lương khô cũ mèm, mang đến với anh em...

*

Đêm cuối tuần, ngoài trời mưa rả rích. Trằn trọc mãi mà chả sao ngủ được, đành trở dậy mở máy thả mình lang thang trong thế giới thông tin, hình ảnh, âm thanh, kiến thức, tình cảm, tâm trạng, v.v. tả pí lù của trang mạng FB. Thấy chuyện vui thì ít mà chuyện buồn bực bức xúc thì nhiều, chán quá, lại mò vào góc riêng của mấy lão cựu lính cùng mặt trận Vị Xuyên Hà Giang ngày xưa. Cũng khối ông mất ngủ đang ủ dột âu sầu với bạt ngàn ký ức của một thời quá vãng. Lại xin thồ lên chốt thùng lương khô cũ mốc để các lính cùng nhau nhấm nháp cho đêm hè bớt vị đìu hiu...

Chào các bác và anh em,

Hồi trước ngày 12/7/1984, ở Nà Cáy, thỉnh thoảng lính VT bọn em được ban chỉ huy C đưa cho những bó thư từ hậu phương chuyển tới. Không phải thư nhà đâu, toàn là của các cô gái ở những trường học nào đó từ rất nhiều tỉnh thành gửi đến, địa chỉ người nhận toàn thấy ghi chung chung là "Bộ đội biên giới Vị Xuyên".
Nhận được những cánh thư ấy, lính tráng vui lắm, chuyền tay nhau đọc, ngắm từng nét chữ, luận từng câu viết để suy tưởng ra dung nhan, tính tình người gửi. Đọc đi đọc lại mãi không chán, rất nhiều chú đâm ra phải lòng người viết, vậy là đua nhau tìm giấy viết thư về.

Ngày ấy, Thai60 có một quyển sổ tay dùng để ghi nhật ký, mặc dù đã ghi suốt từ ngày nhập ngũ, nhưng cũng chưa được bao nhiêu, giấy trắng còn nhiều lắm. Vậy là các ông lính trẻ, lính già cứ xúm vào xin, không xin được thì vặt trộm, quyển sổ cứ mỏng dần, mỏng dần...

Thư lính viết để gửi về những người con gái chưa quen ấy tình cảm lắm, có nhiều khi ghé mắt đọc trộm hay được nhờ đọc lại để tư vấn, Thai60 đã phải chảy nước mắt. Năm ấy, Thai60 em đã 24 tuổi rồi, cũng đã từng được nếm trải hương vị của tình yêu đôi lứa. Nhưng những chú lính 18-20 kia, gần như họ chưa biết một tý gì cả. Vì thế, những dòng thư của họ vô tư hồn nhiên, ngây thơ trong sáng đến nao lòng. Thương lắm...

Nhiều lá thư đã được lính gửi đi, có những lá thư đã được phản hồi. Những lúc ấy, nhìn thằng cha nhận lá thư ấy sao mà phởn phơ hãnh diện thế, cứ như vừa được bố mẹ tậu cho một cô vợ xinh, một cô vợ yêu nõn nà ấy... Cả đơn vị vừa ghen, vừa mừng cho những ông lính trẻ tốt phúc ấy.

Cũng cần phải nói thêm để các bác và anh em hiểu và thông cảm, mỗi khi lên Thanh Thủy làm nhiệm vụ, lính E 14 (em không biết ở các đơn vị khác thì sao, nhưng có lẽ ở cả F313 đều thế) không bao giờ được nhận thư từ gì hết, mọi lá thư ấy đều bị quân bưu giữ lại ở dưới làng Pinh, chẳng biết khi nhiều quá thì họ sẽ làm gì với đống thư từ ấy.

Việc không cho lính nhận thư từ nói chung trong thời gian đi chiến đấu ấy được áp dụng cho tới tận tháng 2/1987 - khi Thai60 em được rút xuống cứ trước vì thương tật, sau đó hình như vẫn vậy. Vì thế, những cánh thư hiếm hoi của những cô gái chưa quen (hoặc mới quen qua thư từ đi lại) kia đã trở thành báu vật với lính tráng chúng em.
Nhưng rồi... sau ngày 12/7/1984 với chiến dịch MB84 đẫm máu, không còn cái cảnh cảm động ấy nữa, cho đến cuối cuộc chiến.

Nhớ hồi đó, và mãi cả đến những năm sau nữa, có những khi gói ghém tư trang cho những anh em bị hy sinh hoặc thương vong, có nhiều khi bọn em còn thấy những lá thư kia vẫn được cất cẩn thận trong ba lô của họ. Có mấy lần, khi thay áo quần cho tử sỹ, Thai60 đã tìm thấy những lá thư của những cô gái hậu phương ấy được bọc kỹ trong nilon, ghim trong túi áo ngực của Tử sỹ. Đôi khi có cả những lá thư do anh em viết, đựng trong những chiếc phong bì tự làm, đề địa chỉ cẩn thận rồi mà chưa kịp gửi. Thai60 em đã gom lại được một bọc, đựng trong balo của mình, cũng chưa biết sẽ xử lý thế nào, nhờ cánh lái xe mang ra TX gửi đi, hay cứ tạm giữ lại đã, thì có một hôm đã bị mấy anh sỹ quan Chính trị E thu mất.

Có một lần, khoảng giữa tháng 1/1987, sau hôm bị sức ép cối ở Ngã ba Thanh Thủy tới ộc cả máu mũi, máu mồm, Thai60 em được nghỉ ở nhà. Những ngày ấy, địch bắn pháo nhiều lắm do đang có giao tranh BB, lính tráng đơn vị phải lên đường hết, kể cả ban ngày.

Hôm ấy, buồn tình quá, Thai60 em lần mò xuống cái hầm gần chỗ bãi để tử sỹ, chui vào đó với mấy chú lính bị thương nhẹ đang "an dưỡng tại đơn vị". Trời mùa Đông rét mướt, ngoài trời mưa đổ dầm dề, nằm suông trong hầm, buồn chán quá, lại nổi cơn thèm thuốc lào, Thai60 hô mấy chú em lật mấy tấm phản lên, quét gom lại đám vụn bên dưới, hy vọng tóm được những vụn thuốc lào thuốc lá lọt qua khe ván xuống, từ cái thuở còn sung túc nào đó. May chăng...

May thật đấy. Không những chỉ có sợi thuốc lào, mà bọn em còn tóm được mấy điếu thuốc lá ở dạng... di chỉ di vật. Khoái quá, phát huy thành tích, khuếch trương chiến quả, các chú lính lật lên cho bằng hết ván, và lại mừng hú lên khi moi ra thêm được khối... của.

Thai60 em cũng sốt sắng tham gia vào trò soi đóm vạch khe ấy, cũng khoái tỉnh người lên khi kiếm được... hàng. Và khoái nhất, ấy là khi Thai60 em tìm thấy một món vô cùng quý giá nằm tít ở kẽ ván cuối cùng. Đó là một bức thư của một em gái nào đó, mở đầu thư ghi là: Thường Tín, ngày 15-6-1984... Dù lá thư đã được bọc trong một mảnh nilon, nhưng chắc do không được hàn kín chống ẩm, nên giấy đã bị mủn, chữ viết bằng mực xanh đã nhòe gần hết, chỉ còn đọc được loáng thoáng.
Mấy anh em xúm vào đọc lá thư cũ với những dòng chữ mờ nhòa còn sót lại ấy, hết vui sướng bàn tán nói cười ồn ĩ rồi lại lặng đi. Anh em thằng nào mắt cũng đỏ hoe, nhòe nước, nhất là khi nhìn vào mắt nhau...

Thai60 cũng vui buồn như anh em, nhưng trong lòng còn buồn hơn nữa khi nhớ lại cội nguồn của bức thư cũ ấy. Ôi... mới thế mà đã gần 3 năm trời, từ những ngày đầu vào trận, với trận đánh ngày 12/7 năm ấy... Mới chỉ gần 3 năm thôi, mà những đồng đội ngày ấy, với những gương mặt ngây thơ hồn nhiên vô tư trong sáng, đã hao hụt đi đâu hết rồi. Đơn vị chỉ còn lại gần hai chục anh em ngày ấy nữa thôi, và mặt mũi anh nào cũng sắt đanh lại không còn phởn phơ như ngày xưa nữa.
Đến cái ngày hôm ấy, quyển nhật ký ngày nào của em không còn nữa, nó đã bị thui cháy trong một ngày đầu xuân năm 1986, khi căn hầm của A em bị pháo bắn trúng, may rằng đấy là một quả pháo khoan, hầm bị vỡ tung, nhưng mấy anh em trong hầm chỉ bị thương nặng (Thực ra chúng em cũng không biết sau này khi được đưa sang hang Phẫu, chuyển về tuyến sau, họ có bị sao không).
Vâng, quyển nhật ký đã cháy, những chú lính trẻ ngày xưa nay đã thành lính cũ, Thai60 em đã gần 27 tuổi, nhưng vẫn ôm mặt khóc nghẹn ngào, khi ngắm nhìn những dòng chữ mềm mại ít ỏi còn sót lại trong trang thư cũ của một người con gái hậu phương. Vâng, chúng em đã khóc vì cảm động, vì nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng đội đã xa vắng đấy các bác ạ. Dạo ấy đã gần tới ngày Tết âm lịch, tiết trời đã cuối đông, sắp sang mùa xuân, trời Vị Xuyên vẫn mưa dầm dề và tiếng pháo, tiếng súng vẫn ầm ĩ rền vang trên những vách đá, sườn đồi khắp mảnh đất nơi đầu nguồn sông Lô tả tơi áo lính...

Chiều nay, trời Hà Nội đổ mưa dầm dề, tiế́ng sấm vọng ì ầm trên bầu trời mây xám, đọc câu thơ viết giở của những anh lính ngày xưa, thấy lòng mình bâng khuâng trống trải, chợt nhớ quá, Vị Xuyên ơi...

*

Đã lại cuối tháng Bảy rồi... Đêm đã khuya, khí trời lành lạnh, hình như mùa Thu đã đến... Lại tải về đây phong lương khô cũ mốc thếch để anh em xơi tạm cho đỡ đói lòng:

"...Thai60 / DỰNG NƯỚC GIỮ NƯỚC / Máu và Hoa / Một thời máu và hoa / Re: Hà Giang Ký ức của chúng tôi và đồng đội. Phần 18. Vào lúc: 03 Tháng Tám, 2014, 01:09:10 AM

Chào các bác và anh em,

Những ngày đầu tháng 7/1984, ở Vị Xuyên thời tiết rất xấu. Gần như ngày nào những cơn mưa dầm dề cũng giăng lên một bức màn nước trên khắp núi đồi. Thỉnh thoảng, cũng có những lúc trời hửng lên, mặt trời ló ra khỏi những đám mây xám đen trĩu nặng, soi ánh vàng rạng rỡ hiếm hoi xuống mặt đất lầy lội ướt át. Những khi ấy, chiến trường lộ ra sự ngổn ngang tơi tả ở những chỗ bị pháo bắn. Thế nhưng, ngay bên cạnh đấy, cây cỏ vẫn lên xanh ngăn ngắt, mơn mởn. Có những cành cây bị mảnh pháo chém, ngã xệ xuống, nhưng vẫn bám vào thân. Ở những vết chém vỡ toác ấy, nhựa cây chảy đẫm đìa, có chỗ thì còn nhỏ giọt, có chỗ thì đã se lại. Thật cảm động khi trên những cành cây bị thương tích ấy, vẫn có những chồi búp non xanh e ấp mọc ra. Trên cái cành chúi xuống mặt đất, những mầm lá, nụ hoa vẫn vươn lên, hứng những giọt mưa và đón ánh mặt trời.

Trong những ngày mưa gió ấy, mỗi khi đi tải hàng hay cáng thương vào ban ngày, gặp lúc nắng hửng lên, dù rất lo những cơn gió bất ngờ nổi lên xua bạt đám sương mù lên cao, phơi đội hình ra trên sườn đồi trống trải, nhưng lính tráng bọn em vẫn cứ có cái cảm giác như mình được bung ra khỏi sự tù túng chết chóc. Nhìn những cành cây gãy gục vẫn đang kết hoa đâm nụ, cảm thấy cuộc đời này sao mà đẹp thế, đáng yêu, đáng sống vô ngần.

Những ngày ấy, nếu ai đã từng đi trên con đường nối từ đỉnh dốc 673 xuống ngã ba Thanh Thủy, lại vào lúc trời hửng nắng, hẳn sẽ nhìn thấy ở đoạn đường gần ngay chỗ bắt đầu đi xuống, có một cánh rừng nhỏ toàn loại cây lá to như chiếc mũ cối, chẳng biết tên là gì. Khu rừng ấy bị pháo bắn rất nhiều, thân cây gãy đổ ngổn ngang,  từ những khúc cây gẫy gục tan nát ấy, vẫn có những cái chồi non, cành con xanh mướt mọc ra vươn thẳng lên ngạo nghễ. Đi tiếp xuống khoảng 2-300 m nữa, khi con đường bắt đầu có những đoạn dốc ngược trơn tuồn tuột, nếu nhìn lên vách núi trên cao, cách khoảng mấy chục mét thôi, sẽ thấy những thân cây dong dỏng, trên cây phủ đầy những chùm hoa cánh nhỏ, màu vàng rực rỡ. Có những cây bị pháo cháy xém, nhưng hoa vẫn rực lên từ những cành cây sứt sẹo. Rồi trên cao nữa, hay phía dưới sườn núi, có lác đác cô đơn những cây gạo thân sứt sẹo, vỡ toác vì những vết mảnh pháo, nhưng trên thân cây hay những cành bị thương ấy vẫn có những nụ hoa cháy đỏ lung linh dưới ánh mặt trời. Những khóm cành treo vất vưởng trên thân cây, có khi chỉ một cơn gió to hay một trận mưa lớn cũng có thể bắt chúng đứt lìa, rụng xuống, vậy mà vẫn vô tư đơm hoa thắp sáng cả một triền rừng...

Có rất nhiều lần, khi đang hỳ hục cáng thương trèo ngược dốc, lính VT gặp những đoàn quân đang lao từ trên cao xuống. Nếu là ban ngày, lại gặp lúc hửng nắng, dù mệt đến đứt hơi, bao giờ bọn em cũng cố nhắc anh em phải để ý đến sương mù và gió, vì ở những cao điểm phía bên kia thung lũng, bọn địch vẫn thường xuyên dõi sang,  cần một thoáng quang quẻ, nhìn thấy lính mình nhấp nhô, chúng sẽ bắn sang hàng chục, hàng trăm quả pháo bắn thẳng. Nhìn những người lính trẻ đang vào trận, quần áo còn xanh lét, tóc cắt cao, mũ mão đầy đủ, trên vành mũ còn gắn những tờ giấy cắt đuôi nheo ghi những dòng khẩu hiệu khí thế, lòng bọn em lại thấy xốn xang vui lo lẫn lộn. Vui vì thấy mặt trận có thêm anh em chi viện, mừng vì thấy bên mình sắp mở chiến dịch lớn, sắp chấm dứt những ngày khốn khổ khốn nạn đau thương... Nhưng lo lắm. Lo vì thấy anh em mình còn non trẻ quá, hồn nhiên quá, mặt mũi còn sáng láng vô tư quá...

Dẫu thương và lo cho anh em lắm, nhưng mỗi khi được họ đưa tay kéo đỡ lên, khi nắm chặt bàn tay đồng đội, cảm nhận thấy hơi nóng hừng hực mạnh mẽ từ họ lan tỏa sang, lính VT chúng em như được tiếp thêm luồng sinh khí mới vô cùng ấm áp. Rồi thì quên cả mệt, râm ran chúc nhau: Các quê mạnh khỏe nhá, đánh giỏi vào nhá, cẩn thận nhá, lúc nào thắng trận quay ra nhớ ghé qua Nà Cáy nhá...

Gặp nhiều nhất là vào ban đêm, nhất là những hôm trời mưa tầm tã. Những đoàn quân trùm kín áo mưa lúp xúp chạy gằn xuống dốc và những người lính VT không mũ áo che mưa, mái tóc dài xõa xượi bết nước trên những bờ vai trần, cái quần đùi rách lướp tướp, đôi giầy cao cổ sũng nước ọp ẹp gặp nhau, nhường đường cho nhau đi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vẫn có những câu chào, câu chúc nhau hào hển: Đi nhé, khỏe nhé, chiến thắng nhé... Rồi những bàn tay nắm vội lấy nhau, những bàn tay vỗ vào vai nhau, những bàn tay dúi vội cho nhau gói thuốc lào, bao thuốc lá... Rồi những câu tìm hỏi đồng hương, hẹn ngày gặp lại ... râm ran, rạo rực suốt hàng quân.

Khi những đoàn quân ấy đã đi qua, khi người cuối cùng đã khuất dần ở phía dưới, cánh VT bọn em lại hỳ hục vật vã leo lên... leo lên. Lòng vẫn thấy cả vui buồn, lo lắng, tin tưởng, hy vọng lẫn lộn.

Có những đêm, khi nghe thấy tiếng pháo nổ ầm ầm, mảnh đạn réo eo éo, ánh chớp nhoáng nhoàng từ phía dưới vọng lên, lại thương và lo đến quắt ruột chẳng biết đoàn quân khi nãy có bị dính đạn không?

Có những đêm, khi đưa được thương binh về tới Nà Cáy, bọn em lại nhận lệnh ngược 673 để đón thương binh vừa bị thương trên đoạn đường dốc ấy, vừa mệt, vừa lo ngay ngáy cho cả chính mình khi thấy ánh chớp lửa nhằng nhịt hắt lên bầu trời.
Dạo ấy đang là mùa trăng, càng đến giữa tháng trăng càng sáng. Vào những đêm mưa, ánh trăng hình như khuếch tán vào những vầng mây trên bầu trời, dưới thung lũng, không gian cũng như hơi sá̀ng ra. Có những đêm hay khoảnh khắc trời tạnh, gió thổi bạt sương mù lên cao hay qua triền núi bên kia, ánh trăng rọi xuống xanh ngăn ngắt, cảnh vật như lại bừng lên. Núi đồi mướt mát lấp lánh dưới ánh trăng, những vách đá xác xơ vì đạn pháo ngời lên dưới ánh trăng, ở dưới xa xa kia, thấp thoáng những vầng sáng lấp lánh, lấp lánh...

Sông Lô đấy...

Dòng sông mùa mưa lũ đỏ ngầu màu đất đỏ, phù sa, nước trôi ào ạt về xuôi, sóng vỗ ì oạp bãi bờ, dưới ánh trăng xanh như lại trở nên huyền ảo, êm đềm. Từ mãi trên đỉnh núi, khi thì ở bên Cóc Nghè, khi thì ở trên đỉnh 673, 812, có đôi chỗ nhìn thấy một vùng lấp lánh như phủ bạc dưới ánh trăng khuya xanh ngăn ngắt...

Sông Lô đấy...

Sông đang chảy về phía quê mình, nơi đồng bãi, xóm làng, phố thị thân yêu phía hạ du...

Gác đòn cáng lên bờ hào, ngóng nhìn xuống phía dòng Lô, hướng mắt dõi về phương trời phía Nam, lũ lính chúng em thả hồn về phía quê nhà...

Nhưng cũng chả được lâu đâu, bọn em lại bị lôi trở về với thực tại. Ở phía bên kia cái vùng sáng lấp lánh ấy, phía trên cao, những vách đá của dãy núi đá răng cưa bên Phong Quang cũng phơi ra cái màu trắng phếch xác xơ vì đạn pháo quân thù, khi chúng bắn hủy diệt những trận địa pháo tầm xa của lữ 168 và những đơn vị gì gì nữa bên ấy.

Rồi đến ngày chiến dịch mở ra, kết thúc…

Rồi những đêm dài cùng lính trinh sát mò lên trận địa kiếm tìm khuân vác anh em...

Rồi những đêm dài vác gỗ, tải mìn cùng lính Công binh mò lên các chốt điểm để xây hầm hào, lập phòng tuyến...

Những đêm dài khốn khổ gian nan ấy, chỉ mong cho vầng trăng cuối tháng đừng sáng bừng lên, chỉ mong cho trời hãy mưa thật to, nổi bão giông sấm sét cho thật nhiều... để cho bao nhiêu máu me mồ hôi nước mắt theo những giọt nước mưa trời gom hết về suối Thanh Thủy, hòa xuống dòng Lô trôi xuôi về bến bãi quê nhà...

Những ngày cuối cùng của tháng Bảy, những ngày đầu tiên của Tháng Tám năm 1984, trên Vị Xuyên tiết trời đã sang thu với những ngày nắng chói chang và những đêm mưa dầm dề, day dứt. Những đồng đội ngày nào mới vào nay đã vắng bóng...

Người thì đã rút về phía sau để củng cố, chuẩn bị cho những trận đánh mới...

Người thì thân xác vẫn còn nằm đâu đó với gió sương mưa lạnh, dưới ánh sao trời xanh ngăn ngắt bên những triền đồi vách núi khe đá trên kia...

Những người còn ở lại thì trần lưng ra với những trận chiến đấu mới...

Lại có những ngày mưa gió xập xùi, những ngày nắng bừng lên rạng rỡ. Cảnh vật chiến trường đã xơ xác lại càng thêm xác xơ. Đi trên con đường từ đỉnh 673 xuống, nhìn sang bên đường, nhìn qua bên kia thung lũng, tất cả như đã bị quăng quật vò xé tơi bời, đốt cháy nham nhở...

Nhưng ở trên những sườn núi cao, những triền đồi thấp, dưới những khe sâu, vẫn ngời xanh những chồi non mới nhú, vẫn thấp thoáng rực vàng, chói đỏ muôn chùm hoa trên những thân cành thương tích xác xơ...

Không phải là mùa trăng, sông Lô ở mãi dưới xa kia không còn có ánh trăng ngắt xanh để ngời lên lấp lánh, nhưng hình như tiếng sóng gầm thét của nó vẫn ào ạt vọng lên những đỉnh núi trên cao...

Ở dưới cái vùng tối thẫm sâu thăm thẳm kia, vẫn là dòng Lô đấy...

Những con sóng trên sông vẫn đang ào ạt vỗ bờ, những con nước đỏ bầm trên sông vẫn ì ầm bươn bải chở nặng phú sa đất núi đẫm máu, mồ hôi và nước mắt về xuôi, đắp bồi cho bờ bãi quê nhà phía hạ du.

Dưới bầu trời vàng ệch ánh hỏa châu, chẳng quản gió mưa pháo đạn quăng quật dập vùi, những tấm lưng trần với đôi giầy rách ì ọp, chiếc quần đùi xơ tướp phất phơ, manh áo rách nát bung hết hai vai và mái tóc dài cợp bết xuống gáy vẫn lầm lũi lăn lộn trên những sườn đồi, vách đá ngổn ngang xơ xác.

Rồi lại có những mùa trăng mới ngắt xanh. Rồi lại có những ngày bừng sáng với những chùm hoa ngời sắc đỏ, vàng, những chồi cây mướt mát vươn thẳng lên cao dưới ánh mặt trời rạng rỡ...

Và vẫn như vang vọng mãi khắp nơi trên mọi góc chiến trường: Chiến thắng nhé... QUÊ ƠI..."

(Trích từ Facebook Nam Thái Trần)

Nguồn: https://www.facebook.com/nhabaonguyenvietchien/posts/1103815839783537

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn