Bàn về vài quan điểm của Nguyễn Trần Bạt Phần 2

Nguyễn Đình Cống

4- Về trí thức

Bàn về trí thức VN, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, khen chê đủ cả. Văn bản chính thức có NQ 27-NQTƯ tháng 8 năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức. Trong năm 2018 nhiều tổ chức của Đảng mở hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện NQ 27. Tôi có một số ý kiến phản biện NQ này, nhưng ở đây chỉ xin bàn đến vài ý kiến trong sách của Nguyễn Trần Bạt.

Ông Bạt cho rằng quan trọng phải có tiêu chuẩn để nhận diện trí thức, vì nếu tiêu chuẩn không rõ ràng thì: “tức là cổ vũ cho một bộ phận trí thức nhạy cảm và đủ năng lực để biến hình, biến màu, trở thành kẻ cơ hội sớm nhất và giỏi nhất. Những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn, không đủ kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm lẫn những kẻ đội lốt trí thức với trí thức chân chính (350)”.

Trong đoạn vừa trích có 3 loại trí thức: Trí thức chân chính, trí thức nhạy cảm (thiếu chân chính) và kẻ đội lốt trí thức (trí thức dỏm hoặc kém chất lượng). Ông Bạt đưa ra tiêu chuẩn để nhận diện trí thức là “Tính độc lập” (351), thể hiện trên 4 khía cạnh. Độc lập đối với nhau tạo nên sáng tạo, tranh luận. Độc lập với nhà cầm quyền tạo nên phản biện. Đối lập với văn hóa ngoại lai tạo nên sự lựa chọn. Độc lập, đối diện với quá khứ tạo ra động lực của sự phát triển và năng lực phỏng đoán tương lai.

Tôi không phản bác những ý kiến trên, chỉ bổ sung vài ý. Ông Bạt cho rằng những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn…, tôi lại thấy hiện nay lắm kẻ cầm quyền thừa ranh ma, lắm thủ đoạn tạo ra và sử dụng bọn trí thức dỏm. Ông Bạt cho rằng cần dựa vào tính độc lập…, tôi thấy đó chỉ mới là một phần của điều kiện đủ, trong ấy còn cần thêm sự trung thực. Ngoài ra còn điều kiện cần mà chủ yếu là khả năng trí tuệ. Chỉ dựa vào tính độc lập là chưa đủ để đánh giá trí thức chân chính.

Ông Bạt viết: “Trí thức là những người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự phát triển, đối với vận mệnh của dân tộc (354)… Việc tạo ra cuộc cách mạng là của giới chính trị, nhưng hàn gắn vết nứt của CM để tạo ra sự đồng thuận xã hội là việc của giới trí thức (13)… Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức thay đổi một cách từ tốn tất cả các nhược điểm của một nền chính trị. Đấy là công việc của giới trí thức (20)”… Việc giới trí thức có và cần đóng góp vào các công việc vừa kể là đúng, nhưng cho rằng đó là trách nhiệm chính của họ là không chuẩn. Nếu trí thức phải gánh phần trách nhiệm chính thì phải chăng chính quyền, lãnh đạo chỉ chịu trách nhiệm phụ hoặc phối hợp mà thôi. Không phải! Trách nhiệm chính phải là của chính quyền, của lãnh đạo.

Ông Bạt có nhận xét: “làm giàu kho trí tuệ của dân tộc là nhiệm vụ của giới trí thức, còn lựa chọn cái gì trong đó để đưa ra dùng là nhiệm vụ của giới chính trị (359). Đúng ra, lựa chọn cái gì là nhiệm vụ của giới chính trị cầm quyền. Giới này mới chịu trách nhiệm chính. Khi cho rằng trách nhiệm chính thuộc về trí thức là đã làm nghiêng lệch vai trò của họ.

Khi đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có người đã bình luận: Thế chính quyền và lãnh đạo làm gì, phải chăng là ngồi chơi, xơi nước.

5- Vài lời bình luận

Trong quyển sách Sức mạnh của cái đúng, ngoài các điều đã trình bày ở các mục trên, tôi còn phát hiện một số chi tiết bất đồng khác, chưa viết ra đây. Ngoài ra tôi cũng biết có vài người phản biện ông Bạt. Phạm Hồng Sơn nhận xét: Đọc Nguyễn Trần Bạt, xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay. Ví dụ quan điểm của ông về Nhà nước toàn trị, về nhân quyền, về chỗ đứng của NCKHXH (bài: “Hơn hai sai lầm nguy hiểm của ông Nguyễn Trần Bạt” - trang Ba Sàm ngày 4/9/2012). Hay bài của Trung Nguyễn: “Phản hồi Nguyễn Trần Bạt về hòa giải và hòa hợp”, đăng báo Tiếng Dân ngày 15/5/2018.

Nguyễn Trần Bạt, ngoài doanh nhân thành đạt còn là một học giả nổi tiếng, có rất nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ. Phương châm của ông khi viết là trong sáng, tốt đẹp, đáng phục. Thế nhưng sao lại có những phản biện không mong muốn. Tôi chép lại nhận xét của Phạm Hồng Sơn: “Đọc Nguyễn Trần Bạt, xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay”. Xin bổ sung rằng về số lượng câu, chữ, phần tích cực có lợi chiếm trên 95%, phần nguy hiểm chỉ là số ít và rải rác, nhưng gây tác dụng không nhỏ. Trong rất đông người hâm mộ ông Bạt liệu đã có mấy ai phát hiện ra các quan điểm mà phản biện cho là không đúng, nguy hiểm. Phản biện cho là không đúng, nhưng bản thân ông Bạt thì sao. Ông có thực sự tin những điều viết ra là hoàn toàn đúng, là kết quả của sự chiêm nghiệm sâu sắc, là xuất phát từ trái tim, hay là ông viết như vậy vì một áp lực nào đấy về tâm lý.

Nếu như ông Bạt từ trong sâu thẳm của tâm hồn, từ nhận thức chính xác, chặt chẽ, đã qua thử thách mà cho rằng Mác đúng, rằng con đường mà ĐCSVN đang dẫn dắt dân tộc là không thể khác, rằng lãnh đạo ĐCS thực sự có tài năng… thì đó là quyền cá nhân của ông, xin được tôn trọng. Chỉ muốn cảnh báo để ông biết, có những phản biện không đồng tình, cho rằng nó nguy hiểm cho tiến bộ xã hội. Những điều đó nếu do tuyên giáo của Đảng phổ biến thì người ta cho là chuyện bình thường, nhưng khi do học giả nổi tiếng Nguyễn Trần Bạt nói ra thì tác dụng sẽ khác. Nó vừa tác động trực tiếp đến người nghe, người đọc, vừa được dư luận viên lợi dụng làm luận cứ để tuyên truyền cho Đảng.

Về áp lực tâm lý. tôi không phải nhà kinh doanh nên không dám nói đã hiểu hết những áp lực từ phía chính quyền mà nhà kinh doanh phải chịu, đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh lớn, trong phạm vi rộng như ông Bạt. Tôi chỉ liên hệ cá nhân mình đã chịu áp lực như thế nào. Tôi đang giảng dạy rất thành công các môn Phương pháp luận NCKH và sáng tạo; Kết cấu công trình cho các lớp đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; dạy môn Phong thủy và Các kỹ năng mềm cho nhiều đối tượng. Tôi được nhiều nơi mời dạy, ký họp đồng làm khoa học. Thế nhưng chỉ vì tôi có vài việc làm Đảng không vừa ý mà mọi lời mời, mọi hợp đồng đều bị đơn phương hủy bỏ do áp lực của Đảng, của an ninh. Thậm chí khi Trường ĐHXD kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2016, bảo vệ còn không cho tôi vào trường khi tôi mang vài quyển sách để tặng hoặc bán cho các sinh viên cũ về dự. Đấu tranh mãi họ mới cho tôi vào gặp sinh viên cũ với điều kiện chỉ được đi tay không. Trong suốt buổi tôi ở trường luôn có một bảo vệ theo dõi sát.

Trường hợp ông Bạt chịu áp lực tâm lý mà buộc lòng phải ca ngợi Mác và cộng sản thì vừa đáng trách, vừa đáng thương. Chắc ông nghĩ rằng công việc tư vấn của công ty ông đang làm mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, muốn làm được trôi chảy phải có quan hệ tốt với chính quyền VN hiện hành, và như vậy không được có ý gì chống lại Mác và cộng sản.

Từ chỗ không chống lại đến chỗ ca ngợi là khá xa. Thấy điều sai trái, bạn có chống lại được hay không, chống lại đến mức nào là tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của bạn. Nếu vì hoàn cảnh mà buộc phải chấp nhận sự sai trái thì cũng đành chấp nhận một cách vui vẻ, im lặng, nhưng đừng ca ngợi.

6- Vài lời cuối

Nhân chuyện ông Bạt tôi cứ lan man nghĩ về nghề tư vấn. Trong xã hội VN trước đây, ở đâu cũng có một số người làm tư vấn và môi giới về hôn nhân, gọi là Làm Mai (mai mối). Một mặt họ được xem như Nguyệt Lão xe tơ hồng, mặt khác bị liệt vảo 1 trong 4 thứ ngu (Thế gian có 4 thứ ngu. Làm Mai, gánh nợ, bẫy cu, cầm chầu). Rồi khi các dịch cụ công và tư phát triển thì sinh ra lắm loại “cò” khắp các nơi, trong mọi lĩnh vực. Cò là dạng tư vấn cấp thấp, bình dân, sống nhờ vào việc khai thác thông tin và quan hệ, nhờ chủ yếu vào khách hàng không nắm được thông tin chính xác, hoặc muốn nhanh chóng. Công ty tư vấn xuyên quốc gia cũng hoạt động dựa vào khai thác thông tin và quan hệ. Khách hàng càng sộp và càng ngu dốt thì tư vấn càng kiếm được nhiều lợi lộc. Mà theo Brzezinski thì lãnh đạo cộng sản có nhược điểm lớn là kém trí tuệ. Không biết những ai đã làm tư vấn cho lãnh đạo ĐCS VN để làm những khu công nghiệp có tác hại phá hủy môi trường, làm các quả đấm thép và nhiều công trình gây thiệt hại nhiều trăm ngàn tỷ.

Ông Bạt là ngôi sao sáng trong hoạt động tư vấn, nhưng ông thu hút được nhiều người hâm mộ chủ yếu là nhờ con người học giả. Ở VN cũng có một vài học giả, về tri thức ngang tầm hoặc trên tầm ông Bạt, nhưng tiếng nói của ông Bạt hơn hẳn họ vì ông có sự thành đạt về kinh tế bảo lãnh. Miệng người sang có gang có thép .

Tôi là một người hâm mộ ông Bạt, xin có vài lời tâm sự với các bạn hâm mộ khác. Trong các bài nói hoặc viết của ông Bạt mà nhiều người thấy “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” thì cũng đã có những phản biện, vạch ra sự nguy hiểm cho tiến bộ xã hội. Vậy khi đọc, khi nghe ông Bạt chúng ta nên để ý, xem xét, đối chiếu để chỉ tiếp thu những điều hay và ngăn ngừa được những độc hại lẫn vào. Xin chớ vội cho rằng ông Bạt nói, viết cái gì cũng đúng, cũng hay. Xin hãy suy nghĩ và phân tích bằng đầu óc của mình. Tiêu chuẩn của chân lý là thực tế.

TB- Tôi không có địa chỉ để gửi bài này cho ông Bạt, Tôi xin tỏ lòng biết ơn bạn nào giúp tôi chuyển nó cho ông. Số ĐT của tôi 01689 578 620. Email : ndcong37@gmail.com

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn