Khi trộm cắp cũng bận tâm về chủ quyền thì đừng đùa

Trân Văn

Ông Trân Văn nói chí lý. Nhưng ông không biết đấy thôi, cụ Phan Bội Châu từng viết cuốn Trùng Quang tâm sử là tiểu thuyết lịch sử nói về công cuộc chống giặc Minh xâm lược của người Việt Nam thời Hậu Trần, trong đó có một tay ăn trộm khét tiếng, thế mà khi lũ giặc Tàu kéo sang cướp phá đất nước thì anh ta bỏ hẳn ngón nghề trộm cắp, tình nguyện theo đoàn quân khởi nghĩa, lập được rất nhiều chiến công, trở thành một anh hùng. Cụ Phan muốn nêu lên một chân lý: trước một kẻ thù truyền kiếp như bọn Tàu, đến kẻ trộm người Việt cũng biết cải tà quy chính sung vào hàng ngũ cứu nước. Tất nhiên trong bảng phân loại các hạng người hợp thành dân tộc họ phải được xếp trên - và trên rất xa - cả một hạng hiện nay đang quyền thế tối cao, tiền của đầy nhà, nhưng trước “anh hai bốn tốt” thì chỉ biết bảo nhau nhắm mắt cúi đầu, miệng không ngớt “Hảo hảo”. Hẳn ông Trần Văn đã thừa biết đấy là loại nào rồi.

Một điều nữa cũng phải nói thêm là trong câu chuyện mà chúng ta đang đề cập, có cái nghịch lý đáng sợ là những kẻ ăn cắp bản quyền một bộ phim thì bị đám người Trung Quốc đưa lên mạng rêu rao và bày tỏ lòng công phẫn, cho rằng thế là vi phạm ghê gớm lắm; thế nhưng đối với những tên cướp biển tàn bạo bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên đưa tàu chiến đánh cướp Hoàng Sa và Trường Sa của dân Việt – lũ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và hiện tại là Tập Cận Bình chính danh tội phạm mà dân Việt ngàn đời nguyền rủa – thì cũng đám người đang hò hét ấy không dám mở miệng đụng đến dù chỉ một mảy lông, trái lại cam tâm để chúng cưỡi lên cổ lên đầu. Thế có phải là nói như Trang Tử: Kẻ ăn cắp một chiếc cúc áo thì bị xử vào tội tử mà đứa cướp hẳn một nước lại được tôn làm vua chư hầu. Đó chính là cái đạo lý được coi là thiêng liêng cao cả từ  ngàn đời nay trên đất nước Đại Hán đấy, thưa ông Trân Văn.

Bauxite Việt Nam


Diên Hy Công Lược trên iQiyi. (Screenshot of iQiyi.com)

Diên Hy Công lược trên iQiyi. (Screenshot of iQiyi.com)

Tin rất ngắn mà James Pearson viết cho Reuters và được hãng này chọn đăng hôm 24 tháng 8 hẳn đã làm hàng triệu người bật cười.

Theo đó, Bom Tấn (website chuyên giới thiệu phim mới để thỏa mãn nhu cầu của giới ghiền phim người Việt) đã buộc những người muốn xem “Diên Hy Công lược” (bộ phim truyền hình 70 tập kể về hành trình Ngụy Anh Lạc – một tỳ nữ của Phú Sát Hoàng hậu - vươn lên nắm lấy quyền bính trong Cấm cung thời Càn Long) phải trả lời ba câu hỏi gọi là “xác minh quốc gia” (Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước nào? Thủ đô Việt Nam là…? Quốc ca Việt Nam là...?).

Chuyện sẽ chẳng thành tin nếu như Bom Tấn không giới thiệu trước iQiyi (hệ thống trực tuyến độc quyền khai thác “Diên Hy Công lược” tại Trung Quốc) hàng chục tập của bộ phim truyền hình này. Bởi sốt ruột muốn xem “Diên Hy Công lược” trước khi các tập tuần tự được phát chính thức trên iQiyi, giới ghiền phim Trung Quốc tìm vào – thậm chí chỉ nhau vào Bom Tấn và để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình, tất cả cùng phải thừa nhận “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Số công dân Trung Quốc tham gia công nhận “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” hẳn là đông nên Bom Tấn trở thành nguồn gốc khiến Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc – nổi sóng (1)...

Xét về bản chất, hành vi “sưu tầm và giới thiệu” bộ phim truyền hình “Diên Hy Công lược” của Bom Tấn là một kiểu chôm chỉa, vi phạm các qui định nghiêm ngặt về tác quyền của quốc gia và quốc tế. Còn nếu xét về khía cạnh chính trị, hiệu quả từ việc Bom Tấn buộc khán giả phải trả lời ba câu hỏi “xác minh quốc gia” dường như vượt xa, hơn hẳn các tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhận thức – yêu cầu mà Bom Tấn đặt định để được… xem trộm “Diên Hy Công lược” không chỉ khuấy động dư luận Trung Quốc mà còn gây ấn tượng rất mạnh đối với báo giới quốc tế và thiên hạ - ắt là người ta không chỉ cười mà còn nhớ lâu về chuyện Hoàng Sa, Trường Sa chẳng phải của Trung Quốc như Trung Quốc vẫn tuyên bố!

***

Tuần vừa qua, ngoài Bom Tấn với ba câu hỏi “xác minh quốc gia”, còn một sự kiện khác cũng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ: Mạng xã hội sôi sùng sục khi có người phát giác, trên những trái cầu có bản đồ thế giới đang được bày bán tại Ukraina, lãnh thổ Việt Nam mất hẳn khu vực Đông Bắc (2). Tuy không làm ra nhưng vì kinh doanh sản phẩm này nên Globus Plus – doanh nghiệp chuyên kinh doanh học cụ ở Ukraina đã xin lỗi người Việt và ngưng bán chúng (3). Khoan bàn đến những nghi ngại về dã tâm của Trung Quốc cũng như những liên tưởng về hậu quả của nỗ lực thành lập ba đặc khu và dự tính luật hóa nỗ lực này,… câu chuyện lãnh thổ Việt Nam vốn hình chữ S, bị họa thành chữ J – cho thấy, lãnh thổ - lãnh hải - chủ quyền quốc gia đã trở thành yếu tố hết sức nhạy cảm đối với mọi người Việt, bất kể họ ở đâu, thuộc giới nào, già hay trẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên chủ quyền quốc gia khiến người Việt “bừng bừng phẫn nộ”. Năm 2010, sự phẫn nộ ấy của hàng triệu người Việt, bất kể quốc tịch, nơi cư trú, từng khiến Google phải điều chỉnh lại biên giới Việt - Trung cho đúng thực tế (trước đó, biên giới Việt - Trung trên bản đồ thế giới do Google thực hiện khiến lãnh thổ Việt Nam mất hàng ngàn cây số vuông) (4). Rồi tháng 7 năm nay, cũng sự phẫn nộ ấy buộc Facebook phải đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (5). Sự phẫn nộ ấy còn là nguồn gốc các đợt biểu tình - bạo động hồi tháng 5 năm 2014 (thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò, khai thác dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa), tháng 6 năm 2018 (thời điểm Quốc hội Việt Nam toan thông qua Dự luật về các Đặc khu bởi đó là “chủ trương lớn” của Bộ Chính trị Đảng CSVN).

Lúc nào, theo sau các phản ứng, đôi lúc là cuồng nộ của người Việt về những tác động có thể gây nguy hại cho chủ quyền quốc gia cũng là những chỉ trích hoặc chính thức trên hệ thống truyền thông quốc gia, hoặc phi chính thức trên mạng xã hội, rằng các phản ứng ấy bắt nguồn từ “nhẹ dạ, cả tin”, bị “các thế lực thù địch, phản động kích động, giựt dây”. Thế nhưng dẫu muốn hay không, hệ thống công quyền Việt Nam cũng buộc phải hành động như đã từng phản đối Google, Facebook, tạm ngưng biểu quyết Dự Luật về Đặc khu…

Có một điểm đáng ngạc nhiên là thay vì minh bạch hóa những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia để hóa giải sự nghi ngại càng lúc càng tăng, kể cả trong đồng chí, đồng đội đối với các thỏa thuận mà mình từng ký kết với Trung Quốc (6), hệ thống công quyền Việt Nam chỉ trấn an suông, kèm cáo buộc đối tượng phản kháng chỉ toàn là con nghiện và những kẻ hám tiền. Đã có rất nhiều ví dụ cho thấy, dù cam chịu tới mức khó hiểu nhưng với đa số người Việt, kể cả những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời”, chủ quyền quốc gia không phải chuyện đùa. Lập lờ, lẽo lự không phải là cách có thể giữ được sự “ổn định chính trị”.

V.T.

Chú thích

(1) https://www.voatiengviet.com/a/trang-web-viet-thach-thuc-fan-trung-quoc-tra-loi-cau-do-ve-bien-dong/4543079.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-hiep-uoc-thanh-do-ban-trai-cau-ukraina/4542606.html

(3) https://vtc.vn/qua-cau-in-lanh-tho-trung-quoc-nuot-nhieu-tinh-viet-nam-nha-phan-phoi-xin-loi-go-khoi-web-ban-hang-d422351.html

(4) https://dantri.com.vn/the-gioi/google-maps-da-sua-mot-so-thong-tin-sai-ve-ban-do-bien-gioi-viet-1281264321.htm

(5) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vu-ban-do-facebook-sai-chu-quyen-bo-ngoai-giao-len-tieng-3361272/

(6) https://www.facebook.com/quangvinh.ha.3572/posts/845762185617131?__tn__=K-R

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/dien-hy-cong-luoc-bomtan-bien-dong/4545823.html

Đọc thêm:

Diên Hy Công Lược: Dân Việt nắn gân sức mạnh TQ

BBC tiếng Việt

Nhiếp Viễn và Xa Thi Mạn

Ảnh: VCG - Nhiếp Viễn và Xa Thi Mạn trong một buổi tiệc mừng phim Diên Hy Công Lược hôm 26/08 tại Bắc Kinh

Báo chí quốc tế nói phim Diên Hy Công lược (The Story of Yanxi Palace) đã được 5,6 tỷ lượt xem kể từ khi ra mắt tháng 7/2018.

Bộ phim cổ trang dựng lại chuyện từ thời Thanh ở Trung Quốc đạt con số khổng lồ 130 triệu lượt xem cho mỗi tập.

Trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) so sánh phim này với phim 'House of Cards', bộ phim chỉ có 4,6 triệu lượt xem trung bình một tháng trên mạng Netflix.

Tuy nhiên, phim Diên Hy Công lược (Chiếm điện Diên Hy) cũng được cho là sức mạnh mềm của Trung Quốc lan tỏa ra châu Á.

Và sức mạnh này đã chỉ bị thách thức ở Việt Nam, nhờ một nhóm tin tặc nào đó.

Tại Việt Nam, khán giả Việt Nam hiện chỉ có thể tiếp tục theo dõi chính thức bộ phim này trên sóng truyền hình, nhưng sẽ chậm hơn Trung Quốc ba tuần.

Phim sẽ có mặt trên 70 thị trường toàn cầu và ở châu Á được chiếu rộng rãi tại Hong Kong, Macau, Singapore và Malaysia.

Phim cũng đã hoặc sắp ra mắt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan.

Cùng lúc, báo Đài Loan, tờ Taipei Times cho rằng bộ phim là "cánh tay nối dài" của sức mạnh mềm Trung Quốc, xoay chuyển dư luận nhằm khiến họ suy nghĩ tích cực hơn về Bắc Kinh.

Nhưng theo nữ phóng viên chuyên về châu Á của tờ Telegraph, Nicola Smith, thì riêng tại Việt Nam, các tay 'tin tặc' đã bắt người Trung Quốc muốn xem một số tập của phim này trước khi được chiếu chính thức phải trả lời câu hỏi về biển đảo.

Người xem Trung Quốc "chỉ được xem nếu họ nói Việt Nam làm chủ các đảo đang có tranh chấp".

Và trong danh sách các nước có chủ quyền ở những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khán giả Trung Quốc phải chọn tên Việt Nam, nhà báo Nicola Smith viết.

James Pearson thì viết trên Reuters rằng người Việt Nam đã "nhạo Trung Quốc" qua vụ bắt họ làm phép thử trên mạng về biển đảo thì mới được xem phim.

Không phải với ai cũng hợp

Ngô Cẩn Ngôn

Ảnh: VCG - Ngô Cẩn Ngôn (Wu Jiyan) đóng vai Nguỵ Anh Lạc trong phim Diên Hy Công lược

Cũng bài báo của Telegraph hôm 25/08 trích TS Jonathan Sullivan, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại ĐH Nottingham, Anh Quốc nói sản phẩm văn hóa Hàn, Nhật và Đài Loan từng khiến Trung Quốc "bức xúc".

Từ 2006, Trung Quốc đặt ra chiến lược coi sức mạnh mềm về văn hóa là một phần của "sức mạnh quốc gia".

Trong khi nhiều sản phẩm văn hóa Trung Quốc khó hấp dẫn người nước ngoài, phim cổ trang có thể tạo ảnh hưởng với người Đông Á, ông Sullivan cho hay.

Diên Hi Công lược của Vu Chính quy tụ dàn diễn viên đình đám Xa Thi Mạn, Nhiếp Viễn, Tần Lam, Tống Xuân Lệ...Với đề tài cung đấu và lấy bối cảnh thời Càn Long, phim xoay quanh chuyện đấu đá giữa các thế lực trong cung cấm - Bài giới thiệu trên Ngoisao.net

Còn với khán giả Phương Tây, phim dài nhiều tập, lại xem qua dạng phụ đề có thể là cản trở cho phim Trung Quốc, theo chính tờ Global Times trích bà Rena Liu từ Warner Bros Digital Labs.

Các phim bộ Trung Quốc thường dài quá 50 tập trong khi khán giả Phương Tây thường muốn có câu chuyện được kể ngắn gọn hơn, bà Liu nói.

Dư luận Trung Quốc nghĩ gì?

Sau khi bài 'Phim TQ nhưng người Việt xem trước 10 tập' có mặt trên BBC Tiếng Việt, ban tiếng Trung của BBC cũng làm tin tương tự và nhận được nhiều ý kiến.

Sau đây là một số bình luận từ trang Weibo của Trung Quốc:

Nhiều fan người TQ phải vào các website phim "lậu" để theo dõi Diên Hy công lược

Nhiều fan người TQ phải vào các website phim "lậu" tại VN để theo dõi "Diên Hy công lược"

林间吟诗infinity viết:

Về mặt nguyên tác, chủ quyền quốc gia là điều quan trọng. Người ngoại quốc không được động vào. Một khi động vào chủ quyền [của TQ], chúng ta, một quốc gia đông dân, sẽ không bị bắt nạt. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ vững vàng chống lại họ. Ngoài ra, về vấn đề Nam Hải, các vị cho rằng các vị có thể đòi chủ quyền đơn giản bằng cách đặt một câu hỏi? Thật là kỳ quặc.

Thứ nhất, tại sao (các trang mạng Việt Nam) lại có thể ăn cắp (bộ phim) mà không mua bản quyền TV? Liệu nhà sản xuất có kiểm tra lỗ hổng này không? Thứ hai, câu hỏi về lãnh thổ quốc gia (mà người xem phải trả lời) trước khi xem một tập phim rõ ràng là vi phạm chủ quyền Biển Đông của nước ta. Điều này thật kinh tởm. Chúng ta phải đứng vững.

TQ

Ảnh: WEIBO - Ý kiến trên mạng xã hội TQ nói 'Nam Hải là của Trung Quốc'

Ý kiến của 福禄福禄哇 viết:

"Nam Hải là của Trung Quốc. Tôi thà bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền hơn là xem các tập trước khi công chiếu chính thức. Trang web kia thật là đáng khó chịu, những ai vào trang đó cần thận trọng".

Còn BackTooBedlam lại có ý kiến khác:

TQ

Ảnh: WEIBO - Ý kiến của Tiểu Miêu

"Người Mỹ coi việc bảo vệ tác quyền và sở hữu trí tuệ là cách để lấy cớ tung ra chiến tranh thương mại. Trung Quốc đã đánh cắp quá nhiều phim, và các tư liệu TV. Chúng ta có thể lên án các trang web Việt Nam, nhưng công bằng mà nói thì người TQ cũng cần nâng cao nhận thức của họ về tác quyền".

Một người có ních là Tiểu Miêu (喵小萌爱撒娇) đặt câu hỏi:

"Vì sao các trang web Việt Nam lại có toàn bộ các tập của phim mà không cần tác quyền? Ai đem cho họ? Hoặc họ đánh cắp bằng cách nào?"

Các câu hỏi mà nhiều fan người Trung Quốc của bộ phim phải trả lời

Các câu hỏi mà nhiều fan tiếng Trung của bộ phim phải trả lời khi xem "lậu" trên mạng Việt Nam

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45331350

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn