Muốn trừng phạt những người bất đồng quan điểm: Dấu hiệu bệnh tâm lý?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Tôi là một người thường. Cũng như các bạn, tôi rất hay sa vào những cuộc cãi vã. Với đồng nghiệp, với gia đình, với người yêu, với hàng xóm, v.v. Có cuộc to, có cuộc nhỏ. Có vụ cãi 10 phút đã làm lành, có vụ cãi cả đời vẫn không quên. Nhưng tôi tìm được một điểm chung trong số ấy, đó là tôi chưa từng muốn bỏ tù ai vì đã từng cãi nhau với tôi cả.

Tôi không cao thượng đến mức so sánh mình với câu nói nổi tiếng ‘Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó’ (ngôn từ của Evelyn Beatrice Hall sử dụng cho Voltaire trong tác phẩm về tiểu sử cuộc đời ông). Nhưng rõ ràng, không có lý do nào đủ thỏa đáng để những con người ngang vai ngang vế có thể bỏ tù lẫn nhau chỉ vì họ không có cùng quan điểm về một vấn đề. Tôi tin rằng, ít nhiều gì thì những người khác chắc hẳn cũng có suy nghĩ tương tự như tôi.

Điều kỳ lạ là, đa phần người Việt Nam chúng ta không đặt những câu hỏi như vậy dành cho mối quan hệ giữa nhà nước – người dân. Vì sao phản đối một chính sách, vì sao việc chỉ ra những bất cập tồn tại của nhà nước, vì sao việc lên án một cá nhân có chức danh lãnh đạo nhà nước, v.v. lại luôn đi kèm với khả năng hình sự hóa và phải ngồi tù?

Hiển nhiên, người viết sẽ không lạm bàn đến những lời kích động sử dụng vũ lực, vũ trang hay kêu gọi gây thương tích, hủy hoại tài sản. Đó là những việc làm luôn bị liệt vào nhóm vi phạm pháp luật dù ở bất kỳ quốc gia nào. Và, mỗi nhà nước đều tìm cách bảo vệ mình khỏi các cuộc nổi dậy vũ trang.

Thế nhưng, khó mà lý giải việc một chính phủ, với đầy đủ bộ máy vũ trang để bảo đảm trật tự xã hội như quân đội, công an, cảnh sát, cùng với một hệ thống hành chính khổng lồ, lại sợ hãi về những ý kiến khác biệt như thế.

Quan điểm từ các nhà xã hội học và sử học

Một số nhà khoa học cho rằng, để hiểu được cảm xúc này cần phải nhìn vào giá trị lịch sử và văn hóa của một xã hội. Nhà sử học Ian Buruma, khi nghiên cứu để trả lời câu hỏi tại sao đảng Cộng sản Trung Hoa hùng mạnh với tầm ảnh hưởng khắp thế giới lại quan tâm kiểm soát quan điểm của một vài nhóm người nhỏ bé, đã viện đến các yếu tố văn hóa – lịch sử.

Buruma cho rằng, tính chất tôn giáo của khái niệm chính trị (“religious concept of politics”) trong lịch sử Trung Quốc là gốc của vấn đề. Mà vấn đề đó nằm ở toàn bộ xã hội Trung Quốc.

Bản thân người dân xem chính trị là một thứ xa rời đời sống, phải do những thánh nhân đức cao vọng trọng mới có thể luận bàn tới. Còn người bình thường khi sinh ra, thì vai trò, vị trí của họ trong xã hội đã được định sẵn. Thế nên, họ chỉ cần làm tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là được.

Ngược lại, ông cũng cho rằng giới lãnh đạo chịu ảnh hưởng từ khái niệm ‘Hòa’ trong Nho giáo, với những mệnh đề “xã hội đại đồng” hay “thái bình thịnh thế”. Vì vậy, sự đại đồng đó phải được bảo đảm bằng việc niềm tin công cộng chung phải được duy trì và áp đặt từ trên xuống.

Quan điểm trong thiên hạ có nhiều, nhưng đạo lý để càn khôn vận động thì chỉ có một. Nói theo Dịch học là “Thiên hạ dù đường đi tuy khác nhau nhưng đều quy về một mối, tính toán trăm lối nhưng đạo lý chỉ tóm vào một lẽ” (Đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự). Ở đây, cái đạo lý ấy chắc hẳn là Cộng sản chủ nghĩa. Vì thế, những người cố ý đi ngược lại đạo trời của một xã hội thái bình thịnh thế cần bị trừng phạt.

Một số nhà sử học khác, thực chứng hơn, lại cho là chính sách kiểm duyệt và trừng phạt tại nhiều quốc gia chính là phản ứng lý tính trước sự thất bại của nhiều quốc gia chuyên chế trước đó – mà cụ thể là Liên Xô.

Nhà sử học Trung Quốc, Feng Chongyi, nhận định, chính sự thả lỏng về ngôn luận có thể dẫn đến tình trạng cách mạng màu – những cuộc cách mạng không sử dụng vũ lực. Biểu tình, đình công, can thiệp dân sự và môi trường tự do trao đổi quan điểm sẽ gây áp lực, và thậm chí ảnh hưởng tư tưởng lên giới cầm quyền.

Nhắc về phong trào dân chủ năm 1989 và Hiến chương 08 của Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), Feng cho rằng Hiến chương 08 còn nguy hiểm hơn cả cuộc biểu tình ở Thiên An Môn đối với chính quyền Trung Quốc.

Dù Thiên An Môn có khả năng quy tụ hàng chục nghìn sinh viên, nhưng phong trào đó vốn chưa tạo ra được một hệ tư tưởng nhất quán, rõ ràng, dễ nắm bắt. Còn Hiến chương 08 thì ngược lại, là kết quả của đối thoại, của tự do tư tưởng, để đồng thời gửi đến người dân và những người bất đồng chính kiến bên trong Trung Quốc những cải cách thể chế cụ thể và lời tuyên bố không chấp nhận mô hình đơn đảng.

Cho phép đa nguyên quan điểm, theo những nhà cầm quyền, sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị. Đó là thứ ‘dị giáo’ cần phải bị trừng trị nghiêm khắc nhất trong các nhà nước độc đoán và chuyên chế.

Quan điểm từ khía cạnh tâm lý học

Nếu những quan điểm trên có vẻ quá vĩ mô, xa xôi và sách vở, thì cũng có nhiều nhà tâm lý học sử dụng cách tiếp cận tâm lý học để phân tích về những nhà độc tài, hay những cá nhân có thiên hướng độc tài. Cách tiếp cận này cung cấp một cái nhìn gần gũi hơn, để từ đó lý giải câu hỏi đời thường: Vì sao nhiều cá thể trong cùng một xã hội lại tỏ vẻ vui mừng, ủng hộ khi thấy một công dân khác bị nhà nước trừng phạt chỉ vì thể hiện quan điểm của họ?

Trước hết, những cá thể này sẽ có dấu hiệu tự luyến (Narcissism) cao – hay cũng có thể gọi là mắc chứng “rối loạn nhân cách ái kỷ” (Narcissistic personality disorder). Có ba dấu hiệu chính để nhận diện triệu chứng tự luyến.

Một là họ có các biểu hiện thường xuyên của ảo tưởng vĩ cuồng, tự cao – tự đại thái quá (“pervasive pattern of grandiosity”). Các cá thể bị ám ảnh bởi tham vọng thành công chói sáng ở mọi lĩnh vực. Họ tin rằng họ độc đáo, đặc biệt và chỉ có thể giao du với các thành viên ưu tú, lãnh đạo khác của xã hội. Đặc tính này khiến người có chức vụ tin rằng mình xứng đáng hơn hết thảy mọi người để nắm giữ vị trí đó (hoặc cao hơn). Còn những cá thể bình dân khác thì tin rằng, chỉ có họ mới suy nghĩ được như tầng lớp lãnh đạo và họ phải thuộc về tầng lớp lãnh đạo.

Điểm thứ hai, là họ có nhu cầu cần được ngưỡng mộ rất cao (“need for admiration”). Nhu cầu này khiến chủ nghĩa sùng bái cá nhân thái quá được nảy nở trong các nhà nước độc tài. Những người ủng hộ nó thậm chí còn cho rằng chủ nghĩa này là cần thiết, và là điều bình thường trong xã hội.

Ví dụ, Saddam Hussein tự nhận mình là đấng cứu tinh của người dân Iraq. Muammar Gaddafi từng tự phong mình là Vua của những vị Vua tại Châu Phi. Dòng tộc nhà họ Kim ở Bắc Hàn thì mô tả họ trong sách lịch sử thiếu nhi với quyền năng không kém Chúa trời.

Đặc tính cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là các cá nhân có xu hướng độc tài rất thiếu sự đồng cảm (“lack of empathy”). Họ dành quá nhiều thời gian để ca ngợi bản thân, cho nên những cá thể có triệu chứng tự luyến thường ít khi nghĩ đến quan điểm, cảm nhận, và tình cảm của người khác. Họ cho rằng quan điểm, cảm nhận của người khác là không quan trọng, không cần xem xét và rất thừa thãi.

Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm tâm lý chứng minh thiên hướng trả đũa, trừng phạt người khác của các cá nhân tự luyến.

Theo nghiên cứu của Bushman và Baumeister vào năm 1998, người có triệu chứng tự luyến dễ trừng phạt người phê bình, chỉ trích mình hơn so với các đối tượng nghiên cứu khác, ngay cả khi họ biết rằng mình đang nắm quyền trừng phạt người phê bình đối diện bằng thiết bị sốc điện cường độ cao.

Một nghiên cứu khác gần đây của một nhóm các nhà khoa học trường Đại học Georgia, Hoa Kỳ nhận thấy nhóm người có xu thế tự luyến còn có khuynh hướng bày tỏ tính hung hăng hiếu chiến của mình đối với bất kỳ ai sau khi bị chỉ trích, kể cả những người không hề có lời nói động chạm dành cho họ.

Những nghiên cứu này đã được tổng hợp và là nền tảng để lý giải chủ nghĩa sùng bái cá nhân, hệ thống kiểm soát truyền thông gắt gao, cũng như những hình phạt nặng nề dành cho giới bất đồng chính kiến của Xô Viết phiên bản Stalin trong tác phẩm Tâm lý học Stalin của M. Stal (Stal, M. (2013). Psychopathology of Joseph Stalin. Psychology, 4, 1-4).

Quá nhiều cá thể mang tâm lý nói trên, nếu sống cùng trong một xã hội, được sự hậu thuẫn của hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật độc đoán, sẽ dẫn đến một xã hội mà sự tồn tại của những quan điểm khác biệt trở thành cái gai không chỉ trong mắt nhà nước.

Mới đây, nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh của báo Tuổi trẻ bị kỷ luật nội bộ về phát ngôn của mình liên quan đến thực trạng nhân lực chính trị bị phân biệt đối xử giữa Bắc và Nam. Việc này có lẽ cho thấy triệu chứng của căn bệnh tự luyến đã lan rộng trong từng ngóc ngách tổ chức xã hội Việt Nam.

Dẫu vậy, người viết tin rằng bất đồng quan điểm vẫn tồn tại bằng cách này hay cách khác. Đa nguyên, tương tự như trái đất, dù sao vẫn quay.

Tư tưởng, quan điểm khác nhau sẽ được tiếp tục là đề tài bàn luận, thảo luận từ những quán nước, quán nhậu, đến trường học, nơi làm việc, gia đình và những cuộc trò chuyện của giới tri thức. Bằng cách này hay cách khác, ở một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải nhận ra rằng, một khi ý thức và tư tưởng công cộng đã hình thành, chúng sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển và thành công, nếu bản thân những nhà độc tài không chịu thay đổi.

N.Q.T.T.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2018/08/muon-trung-phat-nhung-nguoi-bat-dong-quan-diem-dau-hieu-benh-tam-ly/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn