Phiếu tín nhiệm - sự phức tạp của đẳng thức xã hội

Tô Văn Trường

Vì quy chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay chưa được đầu tư xây dựng phù hợp vẫn còn mang tính dân chủ hình thức nên việc lấy phiếu tín nhiệm đại biểu ở Quốc hội đến bây giờ vẫn không thể được như mong muốn của cử tri vì cách làm như kiểu của Quốc hội ta giống như một người ban ngày "ăn chay" song  tối lại "ngủ mặn"! Và, nếu có việc các đại biểu được tự do bỏ phiếu kín thì kết quả đó là của Đảng chứ không phải của Quốc hội vì đại đa số đảng viên sẽ phải nghe nhạc hiệu để đoán “chương trình” như hồi bỏ phiếu mở rộng Thủ đô!” – T.V.T.

Vâng, đúng như thế đấy! Cho nên nếu biết nghĩ một cách liêm sỉ nhất thì giải pháp thiết thực hiện nay là thôi, không bày ra việc bỏ phiếu tín nhiệm nữa. Bày ra, tức là thêm những trò diễn, không chỉ lãng phí thời gian và tiền của, mà còn găm thêm vào trí nhớ của người dân một việc làm dối trá nhạt nhẽo. Đương nhiên sự “trả nợ” khi phải xóa bỏ những động hình ấy trong ký ức sẽ không phải là rẻ.

Bauxite Việt Nam

Trong toán học, hiểu nôm na đẳng thức có 2 biểu thức nối với nhau bằng dấu bằng. Mỗi vế có cách giải riêng tùy thuộc vào biểu thức. Kết quả của 2 vế cuối cùng phải bằng nhau. Theo cách thông thường, người ta chuyển chung về 1 vế để vế bên kia bằng 0 rồi giải phương trình. Ngược lại, trong lĩnh vực xã hội, đẳng thức thường phức tạp hơn nhiều so với bên toán học bởi các tham số không phải là số mà là những khái niệm trừu tượng.

Ngẫm suy, bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá về con người là một bài toán xã hội rất khó có được lời giải đúng và duy nhất, cho nên nói chuẩn xác hơn đó không chỉ là đẳng thức mà là "bất đẳng thức"! Bởi vì trong toán học, nếu ta có một quan hệ A>B và cần chứng minh bất đẳng thức này thì sẽ tìm các biến đổi chuyển vế hoặc giữ nguyên và tính toán quy về cùng một hệ giá trị để so sánh trong thực tế là rất khó.

Lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay chỉ như là 1 điểm có tính chất sơ khai bắt đầu 1 xã hội dân chủ hơn. Đạt được chất lượng như mong muốn có lẽ còn xa lắm, nhưng cần định hướng nó để đi nhanh hơn. Vì vậy, phải cụ thể hóa hơn nữa điều 12 và 13, Luật Tổ chức Quốc hội 2014.

Theo chương trình dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tới, Quốc hội sẽ dành 1 ngày cho nội dung lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức (xét về phương diện lý thuyết). Nếu có từ 2/3 tổng số đại biểu QH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là việc làm cần thiết nhưng cử tri băn khoăn làm thế nào để việc lấy phiếu tín nhiệm tương đối chính xác (tránh các trường hợp người “vo tròn”, ít phát biểu chính kiến, ngại va chạm, thậm chí “giả chết bắt quạ”… lại được phiếu cao và việc lấy phiếu tín nhiệm phải có tác dụng thực chất thúc đẩy hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị và bộ máy quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò trách nhiệm và đặc biệt là chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các “tư lệnh ngành”, thành viên Chính phủ, người đứng đầu Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao ở nước ta, kể cả giới lập pháp.

Không nên quá kỳ vọng để rồi thất vọng

Có ý kiến cho rằng việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, không hiệu quả, thiếu tác dụng thiết thực, mặt tiêu cực vẫn còn, chưa thể tránh hết được nhưng đừng ngại, cứ làm đi rồi sẽ tiếp tục hoàn thiện nữa. Tuy nhiên phần lớn ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm là cách gây sức ép dư luận một cách chính thức đối với những người quá kém hoặc không được lãnh đạo ưa, dán thêm một phù hiệu dân chủ tuy không thực chất làm không ít người “có ghế” phải lo lắng.

Tổng kết công tác cán bộ ở nước ta qua các thế hệ từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay cho thấy thế hệ tiếp theo luôn kém hơn thế hệ trước đó (năng lực và phẩm chất).

Hiệu ứng matrioska trong các thế hệ nối tiếp cán bộ lãnh đạo là một khuynh hướng có thật, phổ biến trong tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Đây là vấn đề không khó lý giải, nhưng không thể giải quyết trong cơ chế hiện hành.

Cử tri cũng mong rằng các đại biểu Quốc hội dù “Đảng cử Dân bầu”, danh chính ngôn thuận vẫn là đại biểu của Nhân dân, phải tìm hiểu kỹ, đánh giá thận trọng, khách quan và phải có chính kiến, tránh lặp lại như trường hợp hồi bỏ phiếu thông qua mở rộng Thủ đô, đợt đầu là 50/50, sau khoảng một tuần là 93%, lý do: Các đại biểu Quốc hội là đảng viên ĐCSVN được chỉ thị phải bỏ phiếu theo "chủ trương của Đảng"!

Nhớ lại hồi năm 2008, trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua chủ trương mở rộng Thủ đô, tôi đã viết bài “Mở rộng Thủ đô bài toán không đơn giản” trong đó, phân tích theo “bảng trọng số” về các nhóm thận trọng, nhóm phát triển và nhóm lừng chừng để thấy trước kết quả bỏ phiếu nên không có gì lạ. Hay trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua, có nhiều đại biểu trúng cử với số phiếu cao nhưng không đủ tư cách như Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh và có thể còn nữa… mà không ai chịu trách nhiệm (!)

Bài học kinh nghiệm bỏ phiếu tín nhiệm năm 2014

Ngay sau đợt bỏ phiếu tín nhiệm tháng 11/2014 các chức danh do Quốc hội Việt Nam bầu hoặc phê chuẩn, công luận có một số ý kiến tập trung chủ yếu ở các điểm bất hợp lý sau đây:

- Kết quả bỏ phiếu có sự phân hóa rõ rệt, khối lập pháp số phiếu tín nhiệm thấp không nhiều, chủ yếu rơi vào khối hành pháp và tư pháp vì hoạt động “đụng chạm” nhiều đến quốc kế dân sinh và gắn với nhiều loại lợi ích. Khối hành pháp như Giáo dục & Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa Thể thao và Du lịch đạt nhiều số phiếu tín nhiệm thấp. Khá nhiều vị lãnh đạo không có gì nổi bật thì lại được phiếu tín nhiệm cao, chứng tỏ hình thức bỏ phiếu khó chấp nhận.

- Hệ thống bộ máy Nhà nước tổ chức phi khoa học ở chỗ vừa “đá bóng vừa thổi còi”. Cần phân loại các chức danh được Quốc hội bổ nhiệm và phê chuẩn: (i) Loại thuần túy chỉ lập pháp; (ii) Loại lẫn lộn vừa lập pháp vừa hành pháp và tư pháp... với những tiêu chí đánh giá độ tín nhiệm khác nhau, bởi vì nếu không rạch ròi thì những đại biểu bên hành pháp có nhiệm vụ thường “đụng chạm” nhiều đến kinh tế xã hội mặc dù không làm sai vẫn có thể bị phiếu thấp, rất không công bằng.

- Cần phân biệt trách nhiệm quản lý đặc thù giữa ngành và địa phương trong một số lĩnh vực, ví dụ: Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT,… chỉ quản lý (cả kinh phí, cơ sở vật chất và nhân lực,…) ở các đô thị lớn, còn lại do chính quyền địa phương quản lý. Vì vậy, trách nhiệm trong lĩnh vực này không chỉ Bộ trưởng mà cả lãnh đạo các tỉnh và thành phố trực thuộc TW. Hay các ngành sản xuất vật chất (Xây dựng, Năng lượng, Công nghiệp,…) đòi hỏi tổ chức triển khai, quản lý rất phức tạp luôn bị coi nhẹ và ít quyền phê phán hơn các ngành quản lý Đầu Tư, Tài Chính, Ngân hàng, Công an có nghĩa là quy chế lấy phiếu tín nhiệm chưa hoàn chỉnh và công bằng cho các lĩnh vực.

- Không nên có 3 loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Để rạch ròi và minh bạch nên chỉ có 2 loại phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn phiếu trắng thì để riêng, có thể công khai danh sách của người không bỏ phiếu (để biết số người còn phân vân, chưa đủ thông tin, chưa đánh giá được). Như vậy, rõ ràng, rành mạch, biết ai được tín nhiệm nhiều, ai ít.

- Cần công khai số đại biểu chính thức tham gia bỏ phiếu, sự thay đổi tổng số phiếu bầu các chức danh (nếu có) và số phiếu ghi không hợp lệ.

- Ai trên 50% số phiếu không tín nhiệm thì tự cân nhắc nên từ chức hay không, còn trên 70% thì bắt buộc phải từ chức.

Kinh nghiệm bỏ phiếu tín nhiệm của Thái Lan

Do sự khác biệt về Hiến pháp và hình thức tổ chức nhà nước khác nhau nên không thể so sánh việc lấy ý kiến tín nhiệm ở VN với các nước khác, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã có những lần gặp mặt “giao lưu” trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa 2 bên trong bối cảnh chung của cơ chế đối tác trong ASEAN. Hơn nữa, một kinh nghiệm tốt cần phải được nghiên cứu vận dụng khi có đủ điều kiện.

Theo tôi tìm hiểu, ở Thái Lan việc lấy phiếu tín nhiệm, phe đối lập bao giờ cũng lập ban bệ gần như song song với Chính phủ, cho nên khi chất vấn các tư lệnh ngành là phe đối lập có ngay 1 nhóm chuyên gia về ngành đó và bộ đó. Họ có quyền và các cơ quan của Chính phủ phải cung cấp các thông tin công khai minh bạch liên quan đến danh mục được đưa ra chất vấn. Song quan trọng nhất là tranh luận bất tín nhiệm rồi bỏ phiếu cho Thủ tướng hay cả tập thể Chính phủ. Tất nhiên, phe Chính phủ bao giờ cũng nắm đa số phiếu, song không phải khi nào 1 đảng đủ đa số phiếu nên Chính phủ là liên danh của nhiều đảng. Hơn nữa, không có quy định đại biểu của đảng nào phải bỏ phiếu thuận cho tư lệnh ngành của Chính phủ đang bị chất vấn. Do đó, khi bỏ phiếu qua tranh luận các đại biểu của phe Chính phủ vẫn có thể bỏ phiếu chống hay bất tín nhiệm cho các vị tư lệnh ngành hay Bộ trưởng của Chính phủ. Nếu Thủ tướng không qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thì mặc nhiên phải từ chức nhường cho phe đối lập hoặc là giải tán Chính phủ cho bầu cứ sớm.

Ngẫm suy

Theo quy chế hiện nay của Quốc hội VN, việc lấy phiếu tín nhiệm còn mang nặng cảm tính và sự chỉ đạo của lãnh đạo nên người bỏ phiếu có thể không thực hiện nghiêm túc quyền / nghĩa vụ, luật không quy định trách nhiệm của người bỏ phiếu, do đó kết quả rất thiếu khách quan và ít tác dụng.

Vì vậy, trước hết cần phải đầu tư xây dựng một cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm bao quát được những tiêu chí đánh giá từng ngành/lĩnh vực kèm theo danh mục những người chịu trách nhiệm liên quan (không chỉ Bộ trưởng mà còn lãnh đạo địa phương – nếu cần).

Về lý thuyết, trước khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm phải tìm hiểu chức năng nhiệm vụ của những người đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn, xem xét việc nắm chắc công việc như thế nào, hành động ra sao,  đối chiếu với lời hứa trước Quốc hội, v.v…

Cho dù việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn mang tính dân chủ hạn chế ở VN nhưng đó đã là một bước đi tiến bộ hướng tới công khai và minh bạch Tuy nhiên, để việc bỏ phiếu có căn cứ thiết nghĩ cần một bảng liệt kê kết quả hoạt động (sản phẩm lãnh đạo) của đại biểu đó cùng hệ thống quản lý lĩnh vực ở địa phương để mọi người dễ theo dõi, đối chiếu và không dựa vào cảm tính.

Mặt khác làm thế nào để phản ánh được ý kiến của cử tri đối với các đại biểu do mình bầu lên, tránh tình trạng các đại biểu “khen“ nhau là chính hoặc “chê” nhau không khách quan.

Chính trị gia, còn phải là những người biết nói năng lưu loát, hạn chế đọc các bài viết sẵn, năng động, biết thuyết phục, biết đấu tranh có tình có lý, biết nhận ra sai lầm (vì làm việc không ai tránh được khiếm khuyết) và biết kịp thời sửa sai.

Lời kết

Vì quy chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay chưa được đầu tư xây dựng phù hợp vẫn còn mang tính dân chủ hình thức nên việc lấy phiếu tín nhiệm đại biểu ở Quốc hội đến bây giờ vẫn không thể được như mong muốn của cử tri vì cách làm như kiểu của Quốc hội ta giống như một người ban ngày "ăn chay" song  tối lại "ngủ mặn"! Và, nếu có việc các đại biểu được tự do bỏ phiếu kín thì kết quả đó là của Đảng chứ không phải của Quốc hội vì đại đa số đảng viên sẽ phải nghe nhạc hiệu để đoán “chương trình” như hồi bỏ phiếu mở rộng Thủ đô!

Tôi nhớ có lần đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: ”Đại biểu Quốc hội là đảng viên chịu trách nhiệm trước dân hay trước Đảng”? Và đến nay chưa có ai trả lời! Ngẫm suy, nếu Đảng thực sự là của dân vì dân, có phương thức lãnh đạo đúng, thì không có vấn đề đó đặt ra. Đại biểu Quốc hội do dân bầu phải chịu trách nhiệm trước dân, tuân theo ý nguyện của dân, đó cũng là trách nhiệm với Đảng. Nguyên lý Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đã rõ rồi. Đại biểu Quốc hội phải sát dân, có chính kiến của mình, và chịu trách nhiệm trước dân.

Điều quyết định là, các đại biểu Quốc hội phải thực sự công tâm, khách quan, biết và dám đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; phải là người có liêm sỉ trước nhất thì mới có thể chọn được kẻ sĩ. Nếu “ào ào” bấm nút hoặc “mặc kệ” cho qua… thì thủ tục quan trọng do luật định này sẽ có tác dụng ngược, đến mức người được bỏ phiếu tín nhiệm vừa được “ca tụng” lại vừa trong bụng coi thường, thì thật đáng buồn thêm.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn