Ra nghĩa trang hủy bài thi gốc: Sự xấu hổ cùng cực!

Hà Phượng

 

A ĐAM NHẮC NHỞ GIÁO DỤC

VTV vừa đưa tin, trong Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, A Đam [PTT Vũ Đức Đam] phát biểu huấn thị và nhắc nhở ngành giáo dục.

A Đam nhắc lại điều mà Bộ Nhạ [Bộ trưởng Nhạ] từng phát ngôn khi nhậm chức: Giáo dục là con người, nhưng A Đam nhấn mạnh: Cần làm trong sạch đội ngũ giáo viên. Những tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vừa rồi là do vấn đề con người.

Trong logic câu nói ấy, vạn sự là do giáo viên tiêu cực.

Kinh thưa A Đam, giáo viên tiêu cực thì chúng tôi biết rõ. Đủ các trò tiêu cực: cưỡng bức học sinh học thêm, gạ tiền gạ tình lấy điểm... Kể cả, trước kì thi vừa rồi, nghe nói các trường đại học sẽ xét cả học bạ phổ thông, nhiều trường phổ thông đã cuống quýt lên yêu cầu giáo viên sửa điểm kết quả học tập của học sinh. Nhiều trường có số học sinh giỏi và tiên tiến đội lên nhiều đến mức trường không có tiền để khen thưởng.

Đấy, giáo viên hùa theo tiêu cực rất nhanh.

Nhưng phải có kẻ đầu đàn tiêu cực thì giáo viên mới hùa theo. Kẻ đầu đàn ấy phải là hiệu trưởng, giám đốc sở và cao hơn nữa là các quan giáo dục cấp trên, kể cả quan đứng đầu các cấp. Bài trước tôi thách cho ăn vàng các quan Sở Dục cũng không dám thò tay vào thay đổi quy chế hoặc sửa điểm cho con cháu nhà quan. Ông Giám đốc Sở Lạng Sơn ăn gì của các quan mà dám tổ chức thi riêng cho 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động; ông Phó giám đốc Sở Sơn La, ông Vũ Trọng Lương của Hà Giang ăn trúng cái gì của các quan mà to gan sửa điểm trắng trợn như vậy?               

Cả một hệ thống đó đều là con người.

Mà có đổ cho lỗi hệ thống hay lỗi cơ chế thì cũng là con người. Vì cái món hệ thống hay cơ chế không do trời sinh ra. Nhưng tầm giáo viên mới chỉ là tiêu cực hàng rận rệp. Cái chăn của kẻ nuôi rận rệp kia mới đáng sợ và cần chống trước A Đam ạ!

Chu Mộng Long

Hai vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang và Sơn La rồi sẽ bị cơ quan tố tụng xử nghiêm. Nhưng hình ảnh ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, mang 16 đĩa CD chứa dữ liệu bài thi ra nghĩa trang tiêu hủy khó có thể xóa nhòa trong lòng những nhà giáo chân chính và người dân cả nước!

Còn nhớ năm 2012, một ngày sau khi Bộ GD&ĐT kết luận kỳ thi THPT “cơ bản nghiêm túc” thì một clip tiêu cực được phát tán. Thầy Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên thể dục, Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang) đã tung ra một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này.

https://baomoi-photo-1-td.zadn.vn/w700_r1/18/08/02/50/27112622/2_88308.png

Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, cùng 4 thuốc cấp trong đường dây gian lận điểm thi tại Sơn La vừa bị khởi tố. Ảnh: TP

Trong clip, giáo viên Trường THPT Đồi Ngô vào phòng ném bài và thu phao môn toán, ngoại ngữ. Thậm chí trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.

Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan vụ việc này.

Khi đó GS Ngô Bảo Châu nhận định đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong… lịch sử loài người. Đây là chuyện rất đáng buồn và là tiếng chuông cảnh tỉnh sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ trong hệ thống giáo dục.

Sau những tiêu cực tai tiếng đấy, ngành giáo dục đã liên tiếp tìm tòi đổi mới phương thức thi cử. Từ “2 chung” đến “3 chung” và đến năm 2015 là một hình thức thi mới: Kỳ thi “2 trong 1” - xét tốt nghiệp THPT và (làm cơ sở để) tuyển sinh đại học-cao đẳng. Những tưởng thay đổi lần này sẽ tiệm cận đến sự hoàn hảo, “nhẹ nhàng, ít tốn kém” như sự chờ đợi, mong mỏi của nhân dân cả nước. Nhưng không, tất cả như bị dội gáo nước lạnh!

Vài ngày sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc, vị lãnh đạo đầu ngành GD&ĐT tuyên bố kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và an toàn. Tuyên bố dõng dạc ấy phát ra vào đầu tuần thì cuối tuần dư luận đã “gọi tên” Hà Giang, Lạng Sơn và cuối cùng là Sơn La.

Sau 15 ngày ráo riết làm việc cả đêm lẫn ngày của tổ công tác Bộ GD&ĐT và công an, bảy cán bộ, lãnh đạo hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đã bị khởi tố. Phó phòng khảo thí sửa kết quả chuyên nghiệp đến mức chỉ cần sáu giây để hô biến một bài thi điểm 2 thành điểm 9. Và chỉ trong hai giờ, gần 330 bài thi được “thầy phù thủy” này phù phép từ điểm thấp thành điểm cao chót vót.

Dẫu có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được ông Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đứng trong đường dây gian lận điểm thi của tỉnh. Họ, những cán bộ, nhà quản lý giáo dục, đã mang đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc ra nghĩa trang tiêu hủy nhằm xóa dấu vết ngay trước ngày bị kiểm tra.

Nhưng rồi “lưới trời lồng lộng”, tất cả sẽ phải trả giá trước pháp luật.

https://baomoi-photo-1-td.zadn.vn/w700_r1/18/08/02/50/27112622/3_114753.png

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT: “Thật đáng xấu hổ, đây là hình ảnh xấu xí của giáo dục!”. Ảnh: HP

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, đã nói khi công bố kết quả kiểm tra tại Sơn La: “Thật đáng xấu hổ, đây là hình ảnh xấu xí của giáo dục”!

Hôm qua, 1-8, nhận trách nhiệm về mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. “Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm!” - ông Nhạ nói và hứa: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”.

Từ năm 2012 đến nay, những người làm giáo dục luôn ngồi lại thẳng thắn trao đổi, chỉ ra những điểm yếu để khắc phục nhưng gian lận vẫn cứ tiếp tục và ngày càng tinh vi, quái chiêu hơn.

Đến khi nào các em học sinh mới có một kỳ thi nhẹ nhàng đúng nghĩa, phụ huynh mới yên tâm về kết quả học hành, thi cử công bằng? Câu hỏi này không chỉ dành cho người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà!

H.P.

Nguồn: https://baomoi.com/ra-nghia-trang-huy-bai-thi-goc-su-xau-ho-cung-cuc/c/27112622.epi?utm_source=facebook&utm_medium=feedfb&utm_campaign=facebook

Đọc thêm

Bộ GD&ĐT xác nhận có hiện tượng nâng điểm thi ở Hòa Bình

Quyên Quyên

Ông Mai Văn Trinh xác nhận ngày 24/7, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn cho Bộ Công an, đề nghị điều tra gian lận điểm thi ở Hòa Bình. Bước đầu xác nhận có sự can thiệp điểm số.

Tối 2/8, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho hay thực hiện kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức chấm thẩm định ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Ngày 24/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Công an, đề nghị điều tra làm rõ những bất thường về điểm thi ở tỉnh này. Điều tra bước đầu xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm tăng điểm số.

https://baomoi-photo-1-td.zadn.vn/w700_r1/2018/08/02/61/27123162/1_83875.png

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Bá Chiêm.

Ông Mai Văn Trinh cho biết cơ quan chức năng đang đấu tranh với nghi phạm để làm rõ vụ việc. Ông Trinh khẳng định, khi có kết quả sẽ sớm công bố đến dư luận.

Chiều cùng ngày, làm việc với báo chí, ông Nguyễn Đức Lương - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình - thông tin trong quá trình rà soát, Sở GD&ĐT Hòa Bình phát hiện một số vấn đề cần báo cáo Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình. Khi đó, sự việc liên quan đến ai sẽ triệu tập người đó để làm rõ.

Ông Lương thông tin công an đang làm việc với toàn bộ tổ chấm trắc nghiệm gồm 5 người, trong đó có ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hòa Bình; ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy; ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hòa Bình.

Ông Lương từ chối cung cấp danh tính hai cán bộ còn lại và nói không nắm được việc có đơn tố cáo về khâu chấm thi của Hòa Bình hay không.

Cơ quan công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đang xác minh và hiện chưa có kết quả. Sở GD&ĐT đang chờ kết luận của cơ quan công an.

Trước đó, thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 23/7 cho biết Hội đồng chấm thẩm định đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên để chấm thẩm định.

Kết quả cho thấy 100% bài thi trùng khớp kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với mức do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình công bố ngày 11/7, tức là không phát hiện bất thường.

Q.Q.

Nguồn: https://baomoi.com/bo-gd-dt-xac-nhan-co-hien-tuong-sua-diem-thi-o-hoa-binh/c/27123162.epi?utm_source=iapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn