Các nguy cơ gắn liền với đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

Chấn Minh

Tóm tắt: Có hai hệ lụy hay rủi ro lớn khi chấp nhận đầu tư Trung Quốc: sập bẫy nợ Trung Quốc và bị de dọa về chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng. Mức độ trầm trọng của hai hệ lụy này tăng theo số tiền vay Trung Quốc. Theo các số liệu mới nhất (8/2018) từ hai viện nghiên cứu/cố vấn chính sách có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, tổng trị giá các đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam khi chỉ kể các dự án có trị giá trên 100 triệu USD là 24,4 tỷ trong thời khoản 2005-2018. Nếu tính thêm các dự án đầu tư dưới 100 triệu USD, tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có thể ước tính giản đơn thấp là 36 tỷ USD và cao là 72 tỷ USD. Vì vốn đầu tư Trung Quốc đi vào Việt Nam như là tiền Trung Quốc cho vay, vì Trung Quốc cho vay để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu địa chính trị, quốc phòng và chiến lược quân sự của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì tỷ lệ công nợ/GDP của Việt Nam cao, vì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp, xác suất Việt Nam đã hay đang sập bẫy nợ Trung Quốc sẽ rất cao. Ngoài ra, chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc phòng của Việt Nam sẽ bị đe dọa bởi các cảng thiết kế dọc theo bờ biển Đông và vịnh Thái Lan và các nhà máy thiết kế tại Tây Nguyên khi các cảng và nhà máy này dùng vốn vay từ Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể dùng các cơ sở này để làm bàn đạp hay nơi đổ quân vào Việt Nam. Nguy cơ này sẽ rất cao trong trường hợp tranh chấp Việt-Trung Quốc nâng cấp từ lạnh thành nóng, hay khi Trung Quốc muốn củng cố lực lượng và hậu cần bằng cách chiếm đóng Việt Nam một khi tranh chấp lạnh giửa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành nóng.

Việt Nam nay là một những nước được chính sách thực dân mới hậu hiện đại của Trung Quốc chiếu cố đến nhiều nhất vì vị trí địa dư và các quan hệ lịch sử đã kéo dài hàng ngàn năm. Mục tiêu của bài viết này - được rút ra, hiệu đính và cập nhật từ một bài viết trước dài hơn (1) - là xem xét các số liệu hiện có về đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam để (a) xác định tầm vóc đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam và (b) từ đó nhận diện các thách đố gắn liền với đầu tư Trung Quốc. Bài viết sẽ tuần tự:

· Xem lại các số liệu chính thức từ các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế Giới và tổ chức ASEAN,

· Phân tích các số liệu từ American Enterprise Institute (Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ, AEI) và American Heritage Foundation (Cơ sở Di sản Hoa Kỳ, AHF), để từ đó

· Nhận diện các thách đố xuất phát từ đầu tư Trung Quốc trong đó có (a) nguy cơ sập bẫy nợ Trung Quốc và (b) nguy cơ về mặt chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng xuất phát từ các cảng thường và cảng nhiệt điện vì chúng có thể phục vụ các nhu cầu địa chính trị, quốc phòng và chiến lược quân sự của Trung Quốc bên bờ Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Vì đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nay gắn liền với đề án Một Vòng Đai Một Con Đường (VĐCĐ) của Trung Quốc, bài viết cũng sẽ trình bày một số điểm chính có liên hệ của đề án này.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam theo các định chế tài chính quốc tế

clip_image002

Tổng trị giá đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) từ tất cả các nước ngoài vào Việt Nam không nhỏ. Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) ước lượng tổng cộng là 129 tỷ USD từ 1970 đến 2017, như xem được trong hình “Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (1970-2017) (2).

Số liệu của Tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) cho con số tổng cộng là 56,6 tỷ USD trong thời khoản 2013-2017. Tổng số này cũng giống như tổng số trong cùng thời khoản 1013-2017 khi dùng số liệu từ WB Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 2013-2017” (3).

clip_image004

Khi xem xét các số liệu từ WB/ASEAN, có một sự kiện nổi bật lên: đó là tính khiêm tốn của đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam. Các đầu tư này đi từ thấp nhất là 1,44% vào năm 2010 đến cao nhất là 10,65% vào năm 2013. Trong 8 năm từ 2010 đến 2017, trị giá tổng cộng của các đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 4.047 tỷ USD, và chỉ là 5% của tất cả vốn đầu tư trực tiếp của tất cả các nước ngoài vào Việt Nam là 80.487 tỷ USD.

Con số 4.047 tỷ USD trên là một số liệu xem ra tự nó khó tin vì có vẻ không tương xứng với ảnh hưởng kinh tế và nhất là chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Sự kiện này đã đòi hỏi phải xét lại các số liệu trên của WB/ASEAN.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam theo số liệu từ AEI và AHF

Việc dò xét lại các số liệu kể trên đã được Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute, AEI) và Cơ sở Di sản Hoa Kỳ (American Heritage Foundation, AHF) làm bắt đầu từ năm 2005. AEI và AHF là hai định chế nghiên cứu về cách chính sách và sách lược kinh tế và chính trị có khuynh hướng bảo thủ danh tiếng tại thủ đô Hoa Kỳ. Khác với WB và ASEAN đã thu thập, phán đoán và tổng hợp số liệu từ các cơ quan thống kê chính thức của các nhà nước hay định chế kinh tế quốc tế liên hệ để báo cáo về đầu tư trực tiếp nước ngoài, AEI và AHF dùng các nguồn cấp thấp và cơ bản hơn như các bản tin kinh tế của các thông tấn xã, các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp Trung Quốc hay các doanh nghiệp có làm ăn với Trung Quốc để thu thập tin tức và số liệu của tất cả các dự án đầu tư và các dự án xây dựng trên thế giới có vốn Trung Quốc trên 100 triệu USD. (Thay vì dùng danh từ dự án như bài viết này đã chọn, AEI/AHF dùng “giao dịch”, tiếng Anh là “transaction” để gọi các dự án đầu tư).

Từ các nguồn này, AEI và AHF liệt kê đích danh các doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ vốn và các công ty hợp tác (nếu biết được) tại một cơ sở dữ liệu mạng gọi là Dụng cụ Theo dõi Đầu tư Trung Quốc trên toàn Thế giới (China Global Investment Tracker, CGIT).

Các số liệu trình bày trong CGIT là: Năm, Tháng, Tên Doanh Nghiệp Trung Quốc Đã Đầu Tư, Trị giá Đầu Tư (Triệu USD), Phần hùn (%), Tên Đối Tác Trong Nước, Ngành, Ngành Phụ, Quốc Gia, Khu Vực, Đầu Tư Đồng Xanh (Tiếng Anh là greenfield, tức là được nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở kinh doanh từ gốc đến ngọn, Có/Không), Đầu Tư Thuộc VĐCĐ (Có/Không). CGTI có bốn bảng số liệu: Bảng 1 dành cho các dự án đầu tư, Bảng 2 cho các dự án xây dựng, Bảng 3 cho các dự án đang gặp khó khăn, và Bảng 4 là tổng hợp Bảng 1 và Bảng 2.

Cho đến trung tuần tháng Tám 2018, CGIT đã liệt kê trên 2908 dự án (1406 dự án đầu tư và 1502 dự án xây dựng) của Trung Quốc trên toàn thế giới (Lưu ý: các con số này có thể thay đổi khi bài viết này đến với bạn đọc, vì số liệu trên CGIT được cập nhật từng ngày). Các dự án này có trị giá tổng cộng là 1.870.590 triệu USD, trong đó 109.350 triệu USD thuộc về các dự án đầu tư và 780.240 triệu USD thuộc về các dự án xây cất.

Để có số liệu về đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, ta chỉ cần tải xuống toàn bộ CGIT dưới dạng Microsoft Excel và chỉ chọn các số liệu có “Quốc gia” là Việt Nam. Khi xem xét các dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam như trên, số liệu của AEI/AHF cho thấy Trung Quốc có 45 dự án trị giá trên 100 triệu USD với giá trị tổng cộng trên 24 tỷ USD trong thời khoản 2005-2018. Trị giá tổng cộng này phải xem là một ước tính thấp, vì chưa kể đến tất cả các dự án dưới 100 triệu USD.

Nếu lấy thời khoản 2010-2017, theo AEI/AHF các con số tương đương là 31 dự án có trị giá tổng cộng là 18.250 tỷ USD. So với con số này, con số 4.04 tỷ USD cho đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam do WB/ASEAN đưa ra cho cùng thời khoản 2010-2017 chỉ bằng 22%, tức là quá thấp. Vì tính khả tín của các số liệu của AEI/AHF rất cao, việc dùng số liệu của AEI/AHF khi phân tích đầu tư của Trung Quốc đúng hơn. Vì số liệu của AEI/AHF là một ước tính thấp, các đánh giá dựa trên các số thấp này, nếu xấu, thật sự sẽ xấu hơn (4).

Các Dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá trên 100 triệu USD của Trung Quốc (2005-2018)

Khi phân tích các số liệu của AEI/AHF, các dự án có vốn Trung Quốc và thực hiện tại Việt Nam có thể phân loại như trình bày trong bảng “Phân Loại Theo Ngành Các Dự Án Đầu Tư Trên 100 Triệu USD Của Trung Quốc Vào Việt Nam (2005-2018)" như sau. Trong bảng này, trên 56% số dự án chiếm 47% các kinh phí đầu tư thuộc về ngành năng lượng, tức là nhiệt điện và thủy điện trong trường hợp này. Có 16 dự án nằm trong khuôn khổ đề án VĐCĐ. Tổng trị giá của 16 dự án VĐCĐ là 6,7 tỷ USD.

clip_image006

Số liệu từ AEI và AHF còn cho biết là trong 45 dự án trên, có 7 dự án trị giá tổng cộng là 3,4 tỷ USD đang gặp khó khăn. Bảng “Dự Án Đang Gặp Khó Khăn” sau trình bày các số liệu liên hệ.

clip_image008

Trong các dự án đang gặp khó khăn trên, có hai dự án kim loại có thể nhận diện được: Bauxite Tây Nguyên và nhà máy sắt thép Formosa tại Hà Tĩnh. Bảng sau, “Danh Sách Các Dự Án Đầu Tư Trung Quốc Lớn Hơn 100 Triệu USD (2006-2018)” liệt kê tất cả 45 dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam.

clip_image010

Vì số liệu từ AEI/AHF không nói rõ các dự án trên đã/đang/sẽ thực hiện ở đâu, việc xác định danh tánh và địa điểm thi công của các dự án này tương đối không dễ. Trong số 45 dự án trên có 7 dự án chưa xác định được danh tính và địa điểm thi công. Bản đồ sau, “Vị Trí Đa Số (36/45) Các Dự Án Có Vốn Đầu Tư Trung QuốcTrị Giá Trên 100 Triệu USD Tại Việt Nam (2006-2018)” trình bày vị trí biết được của 36 trong số 45 dự án này.

clip_image012

Như thấy được trên bản đồ này, đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam hiện diện cùng khắp từ các vùng biên giới phía tây và tây bắc đến các bờ biển phía đông và phía nam. Sự hiện diện cùng khắp này chính là thực trạng Việt Nam trong vòng vây thực dân mới hậu hiện đại của Trung Quốc.

Các thách đố gắn liền với đầu tư Trung Quốc

Nói chung, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là một thách đố rất lớn cho Việt Nam về hai mặt: (a) nguy cơ sập bẫy nợ Trung Quốc và (b) nguy cơ về mặt chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.

Bẫy nợ Trung Quốc đe dọa chủ quyền quốc gia

Bẫy nợ Trung Quốc là một hiện tượng kinh tế chính trị dùng để mô tả hai trường hợp: (a) nền kinh tế của một nước không còn khả năng trả các tiền lời và gốc cho các tiền đã vay từ Trung Quốc hoặc (b) khi một nước, để thi hành một dự án nhà nước thấy tối cần, chấp nhận những điều kiện vay khắt khe hơn những điều kiện bình thường và do đó trong tương lai sẽ rơi vào vào trường hợp (a) kể trên.

Điều trước tiên cần biết về bẫy nợ Trung Quốc là… rất khó biết các điều kiện nào đã đưa một nước vào bẫy nợ đó. Trên nguyên tắc, các điều kiện khiến cho một nước sập bẫy nợ Trung Quốc đều được ghi ra trong hợp đồng cho vay tiền, nhưng Trung Quốc bảo mật rất kỹ càng các hợp đồng này. Theo báo cáo của hai nhà khảo cứu Thorpe và Spivack khi họ xem xét 15 dự án cảng có vốn Trung Quốc trong khuôn khổ Đề án Một Vòng Đai Một Con Đường (VĐCĐ) sự bảo mật này có ba khía cạnh:

- Một là, các hợp đồng “…rất mờ mịt, chỉ có rất ít chi tiết về các doanh nghiệp có liên hệ đến hợp đồng, hiện tình các thương thảo, các điều khoản giao dịch (kể cả các sắp xếp tài chính), cơ cấu tổ chức của các dự án, tiến độ thi công…”.

- Hai là, trong thời gian các hợp đồng này được thương lượng, các thông tin ra ngoài hầu như không có, hoặc rất mù mờ.

- Và ba là, nếu có một bên thứ ba muốn xem xét các hợp đồng đã ký kết, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xin phép nhà nước bản địa hay Trung Quốc cho phép tham khảo các hợp đồng đã ký (5).

Khi trao đổi với một số chuyên gia kinh tế tài chánh quốc tế cho bài viết này, người viết nghe được các câu chuyện như thời gian và nơi xem hợp đồng vay nợ Trung Quốc phát triển kinh tế đều rất giới hạn. Phía Trung Quốc chỉ cho phép các chuyên gia và thông dịch viên nếu cần đọc một bản sao tại một phòng họp do họ chỉ định và chỉ trong một số giờ ngắn không đủ để đọc hết hợp đồng. Một giám sát viên Trung Quốc sẽ luôn luôn có mặt trong phòng đọc hợp đồng và sẽ ngăn chặn ngay các việc làm không đúng ý họ, đặc biệt là dùng máy photocopy sao chép hay dùng điện thoại chụp hình hợp đồng. Ngoài ra, các hợp đồng cho vay, tuy có hai phiên bản, một viết bằng tiếng Hoa và một viết bằng tiếng của nước bản địa, phiên bản chữ Hoa là phiên bản chính thức có hiệu lực và phải được tham khảo khi có tranh chấp.

Điều thứ nhì cần biết về bẫy nợ Trung Quốc là, đa số các nước rơi vào bẫy nợ Trung Quốc tham gia vào đề án Một Vòng Đai Một Con Đường của Trung Quốc. Mục tiêu của chính sách “Một Vòng Đai, Một Con Đường”, tạm gọi tắt là VĐCĐ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng và ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Châu Á và Châu Âu, đồng thời giúp cho Trung Quốc có được những thị trường và đồng minh mới. Một số chi tiết liên quan về VĐCĐ được trình bày sau.

Vài nét về Đề án Một Vòng Đai Một Con Đường

Chương trình VĐCĐ có thể xem như có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm.

Mặt nổi là mặt mà ai cũng biết và được nhà nước Trung Quốc và các đồng minh quảng bá và cổ động một cách rộng rãi, công khai và rất hồ hởi phấn khởi.

Mặt chìm là mặt mà các viên chức hay tướng lãnh cao cấp của nhà nước Trung Quốc đề xuất và tranh cãi trong các văn bản chủ yếu là không chính thức nhưng lại được nhà nước thực hiện dưới tầm dò xét của truyền thông quốc tế hay các đối tác nước ngoài.

clip_image014

Về mặt nổi, theo ĐCSTQ, đây chỉ là sự hồi sinh dưới một dạng hiện đại, quy mô hơn và thắng-thắng – tức là cả hai bên đều có lợi – cho tất cả các quốc gia đã có quan hệ với Trung Quốc qua Đường Tơ Lụa đã có từ đời Hán, hơn 200 năm trước Công Nguyên.

VĐCĐ nổi có hai thành tố chính. Một là hệ thống xa lộ và đường xe lửa ở phía bắc mà các tuyến chính chạy từ Bắc Kinh đến Venice, Ý và qua các thành phố lớn của Âu châu như Hamburg, Đức, Rotterdam, Hà Lan và Madrid, Tây Ban Nha.

Hai là một hệ thống cảng và các đường hải hành chạy từ Venice, Ý, xuyên qua Địa Trung Hải, nương theo Vịnh Á Rập, xuôi xuống phía Nam dọc theo bờ biển Đông Bắc của Phi Châu, chạy lên và tiếp cận với Sri Lanka, xuyên qua eo biển Malacca trước khi vòng lên dọc theo bờ Biển Đông để đến Phúc Châu, Trung Quốc. Hình “Các Dự Án Trong Vòng Đai Con Đường của Trung Quốc” ghi nhận vị trí các hệ thống đường xa lộ và xe lửa và các dự án trên VĐCĐ (6).

Kinh phí đầu tư của VĐCĐ dạng nổi rất cao. Đây là một chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở có tầm vóc toàn cầu ước tính sẽ có kinh phí đầu tư từ 1 đến 8 nghìn tỷ USD. Con số 1 nghìn tỷ có thể hợp lý nhưng thấp, vì trong thời khoản 2014-2017 Trung Quốc đã đầu tư khoản 340 tỷ USD và do đó sẽ chỉ cần khoảng 7 năm nữa để đạt con số 1 nghìn tỷ USD. Với tăng suất 340 tỷ trong vòng 3 năm này, nếu muốn con số này lên tới 3 nghìn tỷ USD, phải chờ đến các năm 2030. Con số 8 nghìn tỷ thì có thể quá cao, vì cơ sở của con số này hình như là một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank) theo đó tổng trị giá của tất cả các kinh phí đầu tư có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở cho toàn thể Á Châu đang phát triển chính là 8 nghìn tỷ USD (7).

Để hoàn tất chương trình VĐCĐ này, Trung Quốc sẽ hợp tác theo mô hình thắng- thắng, tức là ai cũng có lợi cả - với từ 65 đến 68 nước và qua các nước này, sẽ có ảnh hưởng trục tiếp hay gián tiếp trên đời sống của 70% dân số, 55% tổng sản lượng quốc gia, và 75% trữ lượng năng lượng của toàn thế giới. Dọc theo Vòng Đai trên đất liền là những hành lang kinh tế và ở bờ các đại dương là những cảng và đặc khu mà Trung Quốc sẽ hợp tác để nâng cấp nếu đã có hay thiết kế nếu chưa có. Tại cả hai nơi, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước liên hệ để xây dựng những đặc khu, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, v.v. như đã trình bày trong hình “Các Dự Án Trong Vòng Đai Con Đường của Trung Quốc”.

Về mặt chìm, quy mô và ý đồ phía sau của VĐCĐ thật sự lớn hơn VĐCĐ nổi rất nhiều. Trước tiên là diện tích khổng lồ của những vùng đất tại đó VĐCĐ sẽ được triển khai. Theo hai nhà khảo cứu Devin Thorpe và Ben Spevack VĐCĐ gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là một đường tơ lụa trên đất liền với 6 hành lang kinh tế chằng chịt trên các vùng đất giữa Bắc Phi Châu và Nam Á Châu. Phần này tương đương với hệ thống xa lộ và đường xe lửa ở phía bắc của VĐCĐ mặt nổi đã trình bày ở trước. Phần thứ nhì là một đường tơ lụa hàng hải dọc theo bờ biển của hai Châu Á và Châu Âu. Đường tơ lụa hàng hải dài gấp đôi hệ thống cảng và các đường hải hành của VĐCĐ mặt nổi đã trình bày ở trước. Đường tơ lụa hàng hải này có 3 nhánh chính mà các nhà kế hoạch Trung Quốc gọi là “lam sắc kinh tế vi chủ tuyến (蓝色经济为主线)tạm dịch là “đường chủ kinh tế màu lam”. Các đường chủ kinh tế này chạy dọc theo bờ biển Nam Cực phía trên Âu Châu, nối với đường tơ lụa trên đất liền tại cảng Hamburg ở Đức, bắt đầu lại tại Venice ở Ý, chạy xuyên qua Địa Trung Hải, bọc kín Ấn Độ Dương, Biển Đông, biển Nhật Bản, và lan ra Thái Bình Dương ở Châu Đại Dương. Bản đồ dưới cho thấy các hành lang và đường chủ kinh tế trên và các vùng đất khổng lồ quanh và trên đó VĐCĐ sẽ triển khai: toàn bộ châu Á, Châu Âu, và phần trên của Châu Phi.

clip_image016

Theo Thorpe và Spevack, đường tơ lụa hàng hải có hại nhiều hơn lợi cho các nước Á Châu đang tham gia. Cụ thể, khi đánh giá các cảng do Trung Quốc tài trợ trên các đường chủ kinh tế theo sáu tiêu chuẩn: vị trí chiến lược, sự kiểm soát tài chánh, mô hình phát triển, tính minh bạch và phân phát lợi ích, sự hiện diện của ĐCSTQ và khả năng sinh lời, họ đã đưa ra các nhận định sau (8).

· Tại Pakistan, dự án nâng cấp cảng Qwadar đã thay đổi quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Pakistan. Vì kinh phí đầu tư ngày càng leo thang, cả hai nước ngày càng lệ thuộc vào nhau về mọi mặt nhất là tài chánh.

· Tại Sri Lanka, dự án cảng Hambantota đã giúp Trung Quốc khống chế được một các rõ rệt chủ quyền và chính sách đối ngoại của Sri Lanka và dành được nhiều lợi thế cho Trung Quốc.

· Tại Campuchia, qua những thủ đoạn phi pháp và mờ ám khi thương lượng và tiến hành dự án siêu trọng điểm phát triển kinh tế Koh Kong, Trung Quốc nay đã kiểm soát được 20% bờ biển của Campuchia, gây nên nhiều thiệt hại kinh tế, tai họa môi sinh trường, và vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, cũng Theo Thorpe và Spevack, các đề án trên đường tơ lụa hàng hải còn có hai mục tiêu khác. Một là đảm bảo sự an toàn của các tuyến đường biển của Trung Quốc tại tất cả các đại dương, và hai là giúp Trung Quốc đáp ứng với “vấn nạn eo biển Malacca”, tức là phòng chống lại trường hợp eo biển này bị chận hay đóng lại.

Hải hành tự do qua eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương rất quan trọng đối với Trung Quốc vì một lý do dễ hiểu. Khoảng 80% dầu hỏa từ Trung Đông và Nam Mỹ và hầu hết các khoáng sản từ Phi Châu nhập vào Trung Quốc phải vận chuyển qua eo biển này. Để phục vụ hai mục tiêu kể trên, Trung Quốc đã dành được quyền cho tàu chiến, tàu ngầm của Trung Quốc được tự do ra vào bất cứ lúc nào để nghỉ ngơi, sửa chữa hay tiếp tế thêm tại một số cảng bên bờ Ấn Độ Dương (cảng Gwadar ở Pakistan, cảng Hambantota ở Tích Lan, và cảng Koh Kong ở Campuchia) (9).

Khi điều trần tại Ủy ban Chọn lọc Thường trực về Tình báo của Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 17/5/2018, bà Patricia M. Kim, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) đã lặp lại các nhận xét của Thorpe và Spivack, đồng thời lưu ý Ủy ban là Trung Quốc nay đã có một cảng thuần túy quân sự tại Djibouti, Phi Châu, và đã gần đây đã có những thao diễn tập dượt nhằm giải cứu và sơ tán kiều dân Trung Quốc tại Libya và Yemen khi cần thiết (10).

Một phân tích mới (3/2018) và công phu đã xác nhận các nhận định về việc vay tiền Trung Quốc trong khuôn khổ VĐCĐ của Thorpe và Spevack. Theo các tác giả John Hurley, Scott Morris, và Gailyn Portelance của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, trong số 68 nước tham gia vào VĐVĐ và có thể vay tiền Trung Quốc, có 23 nước có xếp hạng tín dụng thấp và vì thế có bị khủng hoảng nợ nếu nhận thêm tài trợ liên hệ đến VĐVĐ. Trong 23 nước trên, có 8 nước mà tỷ lệ công nợ trên tổng sản phẩm quốc gia có chiều hướng gia tăng vì tham gia VĐVĐ. Các nước này được liệt kê trong hình sau “Dự Phóng 2018 Tỷ Lệ Nợ/Tổng Sản Phẩm Quốc Gia của 8 Nước Nghèo Có Vay Tiền Của Trung Quốc Qua Đề Án Vòng Đai Con Đường”.

clip_image018

Vào lúc này, để đòi nợ, Trung Quốc đã có các biện pháp từ nhẹ đến mạnh như sau đối với một số trong các nước kể trên.

· Burundi, Afghanistan, và Guinea: xóa nợ 100%.

· Khoảng 28 nước khác: không xóa nợ, nhưng giảm nợ hay giúp trả nợ.

· Cuba: tái cấu trúc từ 4 đến 6 tỷ USD nợ, xóa một số nợ khác; một điều kiện là Cuba phải vay thêm để buôn bán tái thiết các cảng.

· Tajikistan: lấy đứt vĩnh viễn 1.158 kilomét vuông, khoảng 5,5 % diện tích của vùng đất Trung Quốc tiên khởi đã đòi là 21.054,55 kilomét vuông.

· Sri Lanka: vào tháng 7 năm 2017, đồng ý hoán đổi nợ-vốn chủ sở hữu và do đó đã biến cảng Hambantota thành một nhượng địa được Trung Quốc quản lý trong vòng 99 năm tới để xiết nợ 8 tỷ USD với lãi suất 6% vì Sri Lanka không chịu trả nợ theo kỳ hạn.

Những gì đang xảy ra tại các nước như Tajikistan và Sri Lanka chính là thực trạng bi đát của “bẫy nợ” VĐCĐ do Trung Quốc đang giăng ra cho các nước nghèo. Không trả được nợ thì sẽ bị Trung Quốc thao túng các sinh hoạt chính trị và kinh tế trong nước, sẽ mất đất hay phải nhường đất trong vòng 99 năm, tức là cũng như mất đứt luôn. Chỉ trong những trường hợp rất hiếm hoi (3 trường hợp) thì Trung Quốc mới xóa nợ, ngoài ra thì phải tái cấu trúc nợ tức là trả nợ với lâu dài hơn với số tiền trả góp ít hơn, hay phải …vay thêm (11).

Các nước tham gia VĐCĐ rơi vào bẫy nợ Trung Quốc thì đã đành, có nước không dính gì nhiều đến VĐCĐ nhưng có tài nguyên Trung Quốc muốn cũng rơi vào bẫy nợ này.

Ví dụ điển hình là Venezuela, một nước sản xuất dầu hỏa hàng đầu trên thế giới và có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới – 300.878 triệu thùng vào năm 2018, so với nước thứ nhì là Saudi Arabia, với 266.455 triệu thùng (12). Trong vòng 20 năm qua, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của các tổng thống Hugo Chavez và người kế vị là Nicolas Maduro, Venezuela đã chi tiêu rất nhiều vào các chương trình dân sinh xã hội mỵ dân và nâng công nợ trong đó có tiền vay nước ngoài lên đến 140 tỷ USD (13). Một trong những chương trình này là việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu hỏa đã mang lại 90% các ngoại tệ của Venezueala. Sau quốc hữu hóa, các ngành khai thác và biến chế dầu hỏa tụt hậu về mọi mặt: nhân sự, vì đã đuổi trên 18 ngàn nhân viên có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm để thay thế họ bằng tay chân của đảng cầm quyền; và kỷ thuật, vì không thay thế máy móc thiết bị đã quá hư hỏng hay lạc hậu. Sự tụt hậu này khiến cho lượng dầu xuất khẩu ngày càng giảm. Vào năm nay (2018) Venuzuala đã phải nhập khẩu khoảng 100 ngàn thùng dầu thô nhẹ/tháng, loại dầu thô nhẹ này cần thiết cho các quy trình biến chế dầu thô nặng (14).

Theo IMF, nền kinh tế Venezuela sẽ co rút lại và nhỏ hơn nền kinh tế vào năm 2013 đến 23%. Lạm phát vào năm nay sẽ lên tới 1.600% và bi đát nhất là việc người dân Venezuela càng ngày càng ốm đói. Cũng vào năm nay (2018), mỗi người dân đã tụt mất trung bình là 8,7 kg vì thiếu ăn (15).

Đứng phía sau hậu trường của thảm kịch này là Trung Quốc. Dưới các chế độ Chavez và Maduro, để bù vào ngân sách thiếu hụt, hai nhà lãnh đạo này đã vay Trung Quốc một số nợ khổng lồ, tổng cộng là 62 tỷ USD; số nợ chưa trả vào năm nay (2018) là 23 tỷ USD. Vì thiếu ngoại tệ, hiện nay Venezuela đã chỉ có thể trả tiền lời thay vì trả tiền vốn của nợ, và phải trả bằng dầu hỏa, khoảng 330 ngàn thùng dầu một ngày (bpd, hay là barrel per day). Một tạp chí mạng chuyên ngành về dầu hỏa đã nhận định là tất cả trữ lượng dầu hỏa Venezuela trên thực tế đã nằm gọn trong tay Trung Quốc vào lúc này và có thể là mãi mãi (16).

Nói chung, khi tình trạng không trả được nợ được đúng kỳ hạn ngày càng đậm nét, nước vay tiền Trung Quốc sẽ phải thương lượng trong thế yếu với Trung Quốc để có một lịch trình trả nợ mới, một đặc ân xóa toàn phần hay một phần các nợ, hay một phương pháp trả nợ mới. Các phương pháp trả nợ được Trung Quốc ưa chuộng thường là: nhượng bất động sản (đất, biển, cảng, khu kinh tế…) vĩnh viễn hay lâu dài, tức là từ 70 đến 99 năm (tức là cũng thế), hay trả bằng tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa; các quặng mỏ kim loại như đồng, sắt, đất hiếm, vàng, kim cương.

Các phương pháp trả nợ khác Trung Quốc có thể dùng nhưng chưa thấy thông tin là chuyển nhượng cho Trung Quốc các vùng đất có các thắng cảnh hoành tráng có thể biến thành những khu du lịch có tầm vóc quốc tế, các rừng/biển/hồ có cây cỏ hay động vật quý hiếm có giá trị thương mại cao để Trung Quốc khai thác; hay trả bằng lao động, tức là cho người dân bản địa làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc trên thế giới để trừ một phần lương trả nợ cho nhà nước. Điều cần lưu ý là vì các biện pháp sẽ được thi hành để giúp một nước đã sập bẫy nợ Trung Quốc tiếp tục trả nợ đã được thương lượng và đạt được sự đồng thuận của cả hai bên theo đúng các quy trình và thông lệ ngoại giao được quốc tế công nhận, tính hợp pháp trên toàn cầu của các biện pháp này sẽ rất khó tranh cãi hay tháo gỡ.

Xác suất sập bẫy nợ Trung Quốc của Việt Nam

Để có một khái niệm về xác suất Việt Nam đã hay đang sập bẫy nợ Trung Quốc hay chưa, việc phải làm đầu tiên là ước tính tổng trị giá tất cả các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam. Như đã trình ở phần trước, tổng trị giá biết được của đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam nay trên 24 tỷ USD kể từ năm 2006 cho đến ngày hôm nay. Một dự án trên 100 triệu USD là một dự án lớn tại bất cứ quốc gia nào, do đó tất cả hay đa phần các các vốn đầu tư vào các dự án có tầm cỡ này sẽ có dạng nợ vay Trung Quốc dưới sự bảo lãnh có chủ quyền (sovereign guarantee) của nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, vì con số 24 tỷ USD này chỉ là tổng số các đầu tư trên 100 triệu USD mà thôi, tổng số vốn Trung Quốc đã đổ vào Việt nam sẽ phải cao hơn nếu tính thêm tất cả các đầu tư từ dưới 100 triệu USD.

Vì thiếu số liệu và vì không có một mô hình hồi quy nào có thể dự phóng hay ước lượng được một cách thỏa đáng tổng trị giá các đầu tư dưới 100 triệu USD khi dùng các đầu vào là số dự án, trị giá từng dự án và do đó sự phân phối của các dự án trên 100 triệu USD, ta có thể làm 4 giả định đơn giản sau để ước tính tổng trị giá các đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam. Giả định 1: tổng trị giá các dự án dưới 100 triệu USD bằng nửa (1/2: 1); giả định 2: bằng (1:1), giả định 3: gấp rưỡi (1.5:1) Giả định 4: hay gấp đôi (2:1) tổng trị giá các dự án trên 100 triệu USD. Với các giả định này, trị giá tổng số các dự án đầu tư từ Trung Quốc sẽ từ 36 (tức là 24+24/2), 48 (tức là 24 + 24), 60 (tức là 24 + 24*3/2) đến 72 (tức là 24 + 24*2) tỷ USD. Nói khác đi, Việt Nam có thể nợ Trung Quốc thấp là 36 và cao là 72 tỷ USD.

Với số nợ từ 36 đến 72 tỷ USD này, dù lạc quan vẫn phải nói là xác suất Việt Nam sập bẫy nợ Trung Quốc sẽ cao. Hay bi quan mà nói thì với một số nợ như thế, Việt Nam đã sập bẫy nợ Trung Quốc từ lâu rồi. Lý do là, một nước giàu như Venezuela, chỉ với 52 tỷ USD nợ Trung Quốc, đã sập bẫy nợ Trung Quốc. Việt Nam là một đông dân hơn nhưng nghèo hơn so với Venezuela nhiều, như các số liệu sau chứng minh: GDP của Việt Nam vào năm 2017 là 223.864 triệu USD, hay là 2.343 USD/GDP đầu người trong khi GDP của Venezuela vào năm 2017 là 236.116 triệu USD, hay là 7.480 USD/ GDP đầu người, tức là gần 3 lần Việt Nam (17).

Hiện nay, thật sự không có cách nào để xác định Việt Nam đã sập bẫy nợ Trung Quốc hay chưa nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thành thực khai báo với toàn dân hay có ai trong đảng tự thấy cần phải đưa ra các số liệu và bằng chứng cần thiết.

Tuy nhiên có một số chỉ dấu đáng lo ngại. Tại sao Trung Quốc chiếm đóng biển Đông và đưa giàn khoan dầu vào khai thác dầu tại những vùng biển rõ ràng là của Việt Nam, cắt dây cáp tàu viễn thông, hay đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân, mà đảng và nhà nước chỉ phản đối yếu ớt chiếu lệ? Có phải chăng là nhà nước Việt Nam đã sập bẫy? Đây là một điều mà vì quá thiếu số liệu có thể kiểm chứng được nên khó lòng thể quyết đoán được. Tuy thế, đây cũng chính là một điều mà đảng và nhà nước Việt Nam cần phải minh bạch trả lời ngay cho toàn dân.

Giả dụ như Việt Nam chưa sập bẫy, nhưng vì công nợ của Việt Nam nay đã quá cao, nên xác suất sập bẫy nợ Trung Quốc vẫn sẽ có thể cao hơn dự phóng. Ví dụ, nếu lãi suất là 2%, mỗi năm tiền lời phải trả từ 720 triệu USD (khi nợ là 36 tỷ USD) đến 1,4 tỷ USD (khi nợ là 72 tỷ USD). Theo hướng dẫn Khung nợ bền vững (Debt Sustainability Framework, DSF) của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund, IMF), một nước đang phát triển như Việt Nam chỉ nên có tỷ lệ công nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (TSPQN, hay là GDP) từ 30% đến 50% mà thôi, tùy theo chính sách quản lý công nợ có chặt chẽ hay không (xem hình “Các Ngưỡng Gánh Nặng Nợ Và Điểm Chuẩn Theo Khung Nợ Bền Vững” ở dưới) (18).

clip_image020

Hiện nay, theo báo cáo của nhà nước Việt Nam, tỷ lệ công nợ/GDP của việt Nam là 62,6% vào năm 2017 và dự trù sẽ lên 63,9% vào cuối năm 2018, tức là cao hơn ngưỡng an toàn 30% khi chính sách quản lý công nợ yếu kém đến 108%, hay cao hơn ngưỡng an toàn 50% khi chính sách quản lý công nợ tốt đến 25%. Hình “Tình hình vay nợ của Chính phủ và Quốc gia 2011 -2018” ở dưới cho thấy hiện trạng công nợ tại Việt Nam vào lúc này (19). Cho dù chúng là số liệu của nhà nước Việt Nam và do đó lạc quan, các con số này xác nhận tình hình công nợ của Việt Nam đang cao hơn các mức an toàn đã được các định chế tài chánh quốc tế công nhận. Việt Nam còn là một nước yếu kém về việc quản lý công nợ: từ 2011, công nợ đã tăng trung bình là 18,4% mỗi năm, hay gấp ba lần tăng suất kinh tế. Hệ thống tài chánh công và tư của Việt Nam lại không có tính thanh khoản cao, tức là có không có nhiều khả năng cải hóa cấp thời các tài sản thành tiền mặt để trả được ngay các tiền lãi và gốc của các nợ ngắn hay dài hạn. Cụ thể, vào tuần đầu tháng Bảy năm nay, Ngân hàng Nhà Nước đã phải bơm thêm 45 tỷ VND vào hệ thống ngân hàng để bảo vệ thanh khoản (20). Khi công nợ cao, tính thanh khoản thấp, đồng thời nhà nước vẫn muốn thực hiện nhiều chương trình và dự án đầu tư phát triển lớn và mới trong mọi ngành – từ hạ tầng cơ sở như nhiệt và thủy điện đến công nghiệp nặng như sắt thép – nhu cầu vay nợ sẽ xuất hiện và gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, vốn từ Trung Quốc sẽ rất hấp dẫn và do đó xác suất sập bẫy nợ Trung Quốc cũng theo đó mà gia tăng.

clip_image021

Các nhà máy biên giới và các cảng thường/cảng nhiệt điện đe dọa nền An Ninh Quốc Phòng

Vị trí thi công các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc có thể là một vấn đề lớn cho Việt Nam về mặt quốc phòng. Như xem được trên bản đồ “Vị Trí Đa Số (36/45) Các Dự Án Có Vốn Đầu Tư Trung Quốc Trị Giá Trên 100 Triệu USD Tại Việt Nam (2006-2018)” ở các phần trước, có 6 dự án có nhà máy ở biên giới phía Nam và khoảng 20 dự án sẽ thi công tại các tỉnh dọc theo bờ biển Đông và từ Bắc chí Nam.

Các nhà máy đã thi công dọc các biên giới trên đất liền nằm ở vùng Tây Nguyên.

Tây Nguyên, như người Việt nào cũng biết, là nơi mà vào cuối tháng Ba đầu tháng Tư năm 1975 quân đội nhân dân miền Bắc đã tập trung và chỉ trong vòng 42 ngày đã tràn xuống các tỉnh trên đồng bằng sông Cửu Long và xóa tên nước Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó vẫn có trên 1 triệu binh sĩ. Với sáu nhà máy sử dụng hàng chục ngàn nhân công người Trung Quốc tại Tây Nguyên, nếu có tranh chấp nóng Trung-Việt, nguy cơ Trung Quốc sẽ có cơ hội thao diễn lại lịch sử như đã xảy ra vào năm 1975 sẽ không nhỏ.

Các dự án dọc theo bờ biển như tại Vân Đồn, Hà Tỉnh, Bình Thuận, Phú Quốc thường có một cảng gắn liền. Cảng này có thể là một cảng thường, hay một cảng nhiệt điện để đón và bốc dỡ than đá từ các tàu chở than đá đến làm nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện. Một ví dụ là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại bờ biển tỉnh Bình Thuận. Theo Cổng Thông tin Điện tử của tình Bình Thuận, nhà máy này sẽ có một “cảng tổng hợp”, như xem được trong hình sau (21).

clip_image023

Một “cảng tổng hợp” như trên không nhỏ - chúng có thể cho tàu cỡ từ 30 đến 40 ngàn tấn cập bến - và do đó có thể đóng một vai trò quân sự quan trọng nếu/khi Trung Quốc là chủ nhân của nó.

Vai trò quân sự đó là làm đầu cầu đổ quân vào Việt Nam bằng đường biển. Trong lịch sử, nhà Nguyên Mông đã nhiều lần dùng đường biển để đổ quân vào châu Ô, Lý (nay là Quảng Trị, Quy Nhơn) và tiến đánh Chiêm Thành vào năm 1282, và Việt Nam. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi lại như sau trong ba đoạn văn ngắn sau về cuộc chiến Nguyên-Mông:

1. “…Nhà Nguyên Phát Quân Mông Cổ, quân Hán Nam, hành Tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, lính Vân Nam, lính người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia đường vào cướp. Sai bọn vạn hộ Trương, Văn Hổ đi đường biển, chở 70 vạn thạch lương, theo sau. Lại đặt Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thống lĩnh và chịu tiết chế của Trần Nam Vương…

2. “…Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư

3. “…Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều...” Biển Đại Bằng – thật ra là cửa biển Đại Bàng, nay chính là của sông Văn Úc, một nhánh của sông Thái Bình chảy ra biển ở Hải Phòng.

Vào năm 1288, để tiến công về thành Thăng Long từ phía Nam, quân Nguyên đã đổ quân vào bờ biển các châu Ô, châu Lý nay là Quảng Trị, Quy Nhơn, tức là vùng đất gần đặc khu Bắc Vân Phong. Về cuộc đổ quân này, tuy Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép “…Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý, rôi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta…”. Về “quân Nguyên ở Châu Ô Lý” trong đoạn văn trên, theo sử tịch Trung Quốc, chúng đã được Toa Đô mang đến đó qua đường biển để đánh Chiêm Thành từ tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282) (22, 23).

Vào năm 2017, tàu chuyên chở binh lính đã được phát hiện qua không ảnh các tàu cặp bến tại Đá Vành Khăn trong Quần đảo Trường Sa như thấy được trong hình sau (24). Không có gì cấm cản các tàu quân vận này đổ quân vào các cảng thường và các cảng nhiệt điện dọc theo bờ biển Việt Nam.

clip_image025

Ngoài ra, trong hai tuần đầu tháng 9/2018, Trung Quốc đã cho ra mắt thủy phi cơ vận tải AG600 Kunlong có khả năng chuyên chở 50 binh sĩ hay 12 tấn nước để cứu hỏa. Ông Collin Poh, một nhà nghiên cứu tại Chương trình An ninh Hàng hải thuộc Đại học Công Nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore cho rằng thủy phi cơ này sẽ được dùng để tiếp tế và chuyển quân ra/vào các đảo nhân tạo Trung Quốc đã thiết kế trên biển Đông ví dụ như tại Hoàng Sa (25).

clip_image027

Xem như trên, các cảng thường và cảng nhiệt điện dọc theo Biển Đông (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Hà Tỉnh, Bình Thuận) và Vịnh Thái Lan (Phú Quốc) sẽ là những nơi rất thuận tiện cho Trung Quốc nếu muốn đổ quân bằng đường biển vào Việt Nam. Nếu có một chiến tranh Trung-Việt lần thứ hai, quân Trung Quốc sẽ không nhất thiết chỉ ùa sang qua Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc mà thôi. Trung Quốc sẽ có thể áp dụng chiến thuật tấn công Việt Nam từ bốn phía: phía Bắc từ các tỉnh biên giới đi xuống như vẫn thường làm trong hai ngàn năm qua, phía tây từ Tây Nguyên ùa ngang ra biển Đông và về phía Nam, phía Đông từ bờ biển Đông ùa về phía Bắc, phía Nam và phía Tây, và phía Nam từ Phú Quốc tràn về phía Bắc để từ đó cắt đôi, cắt ba, cắt bốn đất nước và hình thành ít ra là hai cặp gọng kìm thép: một tiến về Hà Nội và một tiến về Sài Gòn.

Đánh giá nguy cơ các nhà máy biên giới và các Cảng Thường/Cảng Nhiệt Điện đe dọa nền An ninh Quốc phòng

Về xác suất, Trung Quốc có thể trang bị và dùng các cảng thường hay các cảng nhiệt điện dọc theo bờ biển Việt Nam để sửa chữa hay tái tiếp liệu tàu ngầm, tầu chiến, xác suất này có vào có thể là 100%. Đặng Tiên Vũ (邓先武), hạm trưởng chiến hạm Trường Bạch Sơn (长白山) của Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân đã phát biểu như sau: “Nơi nào có Trung Quốc làm ăn buôn bán, nơi đó có chổ cho các chiến hạm của Trung Quốc tiếp tế khi di chuyển”. Ông đã nói như thế khi cho chiếm hạm cập bến tại cảng Laem Chabang của Thái Lan để tái tiếp liệu. Tất cả các công việc liên hệ tới việc tái tiếp liệu này, từ chọn cầu tàu, bốc dở hàng hóa tiếp liệu và lấy thêm nước ngọt cho tàu, đều do người Trung Quốc nhân viên các công ty Trung Quốc đã hoạt động từ lâu tại địa phương đó làm (26). Vụ việc này là một bằng chứng cho thấy học thuyết “tiên dân hậu quân” (先民后军)tức là người dân đi trước, quân đội theo sau, của các học giả quân sự Trung Quốc đã và đang được thi hành (27).

Tuy ngoài mặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở cấp bộ trưởng các bộ và tham mưu trưởng các binh chủng, như ngoại trưởng Vương Nghị, luôn luôn chối bỏ mọi cáo buộc là đầu tư của Trung Quốc vào các nước ngoài còn có những mục tiêu chiến lược và quân sự, các nhà lãnh đạo kế hoạch và quân sự cấp ngay dưới – phụ tá bộ trưởng, phó chủ nhiệm, thiếu tướng phụ tá/phó tham mưu trưởng, đại tá, v.v. - thường nói ngược lại và mô tả vai trò chiến lược của các đầu tư hạ tầng cơ sở trong những báo cáo, thuyết trình, hay tài liệu nghiên cứu chủ yếu là nội bộ. Một ví dụ là các học giả trong đó có những cựu sĩ quan cao cấp hay những sĩ quan trẻ đang lên tại Viện Nghiên cứu Hải quân của hải quân Giải Phóng Quân Nhân Dân. Một châm ngôn đắc ý của họ là: “chọn điểm cẩn thận, bố trí nhẹ nhàng, hợp tác trên hết, xâm nhập thong thả” (“tinh tâm tuyển điểm, đê liểu bố trí, hợp tác vi tiên, hoãn mạn sấm thấu 精心选点、低调布局、合作为先、慢渗透”) (27). Khi suy nghĩ về châm ngôn này, sự hiện diện của các nhà máy có vốn Trung Quốc tại Tây Nguyên hay các cảng thường và cảng nhiệt điện đều được thiết kế dùng vốn vay từ Trung Quốc xem ra rất phù hợp với quy trình trên.

Về xác suất Trung Quốc dùng các cảng thường hay cảng nhiệt điện trên bờ biển Đông của Việt Nam vào các vận động quân sự chiến lược ngoài việc xâm lăng Việt Nam, xác suất này có, nhưng có thể không cao lắm vì 2 lý do.

Lý do thứ nhất là cần có tại chổ các thiết bị và nhân sự đã được huấn luyện để dùng các thiết bị này. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào, ví dụ như báo cáo của người dân hay không ảnh, cho thấy các thiết bị này đã được bố trí tại các cảng thường hay cảng nhiệt điện.

Lý do thứ hai là tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc đã hoàn tất rất nhiều cơ sở quân sự như sân bay, quân cảng, nhà kho, dàn phóng tên lửa, v.v. để thực hiện và hỗ trợ cho các công tác sửa chữa hay tái tiếp liệu này. Vào ngày 10/08/2018, các radar và máy dò của một máy bay tuần dương P8-A Posseidon của Hải Quân Hoa Kỳ đếm được 86 tàu thuyền Trung Quốc đủ các loại đang neo trong đầm phá khổng lồ của Đá Subi, Trường Sa. Hình sau từ hãng truyền thông CNN cho ta thấy một số các tàu này trên thấy được trên một màn hình trong máy bay tuần dương kể trên (28).

clip_image029

Một nguy cơ khác ít ai để ý là, một khi đã cho Trung Quốc thuê đất/biển dài hạn (99 năm hay vĩnh viễn) để xây cảng, các vùng đất bồi nhân tạo và đảo nhân tạo Trung Quốc có thể làm ra tại các vùng đất/biển đó sẽ không bị nhà nước sở tại đánh thuế và sẽ được Trung Quốc xem như là đất đai của Trung Quốc một cách vĩnh viễn. Điều này đã xảy ra tại cảng Melaka Gateway, Mã Lai, nơi mà Trung Quốc đã thuê được vùng đất/biển trong vòng 99 năm để thiết kế cảng này (29). Hình sau cho thấy mô hình dự án Melaka Gateway và một đảo nhân tạo của Trung Quốc tại bờ biển Mã Lai.

clip_image031

Nói tóm lại, các cơ sở thiết kế bằng vốn vay từ Trung Quốc tại Tây Nguyên, các cảng thường hay các cảng nhiệt điện thiết kế dọc theo bờ biển Đông và Vịnh Thái Lan có tiềm năng giúp Trung Quốc bố trí dàn quân, đổ quân, tiếp tế/tái tiếp tế các chiến thuyền, và do đó chúng trục tiếp de dọa chủ quyền quốc gia và tạo nên một nguy cơ rất lớn cho nền an ninh quốc phòng Việt Nam.

Kết Luận

Có ba con số có thể dùng để mô tả đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam: 24 tỷ USD khi tính tất cả các dự án có trị giá trên 100 triệu USD, và từ 36 đến 72 tỷ USD khi tính tất cả các dự án. Vì trị giá các dự án rất cao, từ vài chục đến trên 100 triệu USD, đa phần hay tất cả các vốn dùng cho các dự án đầu tư này sẽ có dạng nợ vay Trung Quốc dưới sự bảo lãnh có chủ quyền (sovereign guarantee) từ nhà nước Việt Nam. Vì có vai trò của nhà nước, sẽ có hai hệ lụy khi Việt Nam chấp nhận đầu tư Trung Quốc: sập bẫy nợ Trung Quốc và bị de dọa về chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.

Xác suất Việt Nam đã, hay sẽ sập bẫy nợ Trung Quốc rất cao vì 3 lý do:

Lý do thứ nhất là Trung Quốc dùng tiền cho vay để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu địa chính trị, quốc phòng và chiến lược quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đó sẽ dùng mọi thủ đoạn để xô Việt Nam vào bẫy nợ.

Lý do thứ hai là tỷ lệ công nợ/GDP của Việt Nam nay rất cao, gần 70%, tức trên các ngưỡng mà các định chế tài chánh quốc tế đã đề nghị cho các nước như Việt Nam. Lý do thứ ba là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp, đòi hỏi nhà nước phải liên tục bơm tiền vào nền kinh tế.

Ẩn núp trong các cảng thường và các cảng nhiệt điện ở bờ Biển Đông và Vịnh Thái Lan, các cơ sở đầu tư của Trung Quốc dọc theo biên giới phía Bắc và vùng Tây Nguyên của Việt Nam đã/đang/sẽ thiết kế qua vốn vay từ Trung Quốc là một nguy cơ lớn cho nền an ninh quốc phòng của Việt Nam. Lý do là tất cả các cảng và hầu hết các cơ sở dọc theo các biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước làng giềng đều nằm trong các kế hoạch và chiến lược quân sự phía sau đề án Một Vòng Đai Một Con Đường. Trung Quốc có thể dùng các cảng hay cơ sở này này để tiến công đổ quân xăm lăng Việt Nam hay để tái tiếp tế. Ngoài ra, hay khi có chiến tranh nóng Trung Quốc-Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng có thể tiện tay đổ quân xăm lăng và chiếm đóng Việt Nam lâu dài để cũng cố các đường tiếp liệu hậu cần.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: các nguy cơ về chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng liên hệ đến bẫy nợ Trung Quốc và các nhà máy và cảng như đã trình bày ở trên có chiều hướng gia tăng và gia tăng rất nhanh. Lý do là hiện nay nhà nước Việt Nam đang theo đuổi một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài táo bạo và rất thiếu thận trọng qua việc ban hành một dự luật đặc rất cởi mở trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những nước đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Tuy vào lúc này, Quốc hội Việt Nam đã tạm ngưng bàn cãi về dự luật này cho đến sang năm (2019) vì người dân đã chống đối rất mạnh dự luật này kể từ tháng 5/ 2018, nhưng trong một chế độc tài độc đảng, có ai nghe người dân?

13 Tháng 9, 2018

C.M.

__________

Chú thích:

1. Chấn Minh. Dân Làm Báo. 05/09/2018. “Từ Tô Giới Sa Diện Đến Các Đặc Khu Vân Đồn, Bác Vân Phong và Phú Quốc”. Kết nối: http://danlambaovn.blogspot.com/2018/09/tu-to-gioi-sa-dien-en-cac-ac-khu-van-on.html#more

2. The World Bank. 2018. “Foreign Direct Investment, Net Inflow (BOP, Current USD)”. Kết nối: https://data.worldbank.org/indicator/BX.KLT.DINV.CD.WD?locations=VN

3. ASEAN. 2018. ASEANSTATS. “FDI By Hosts and Sources”. Kết nối: https://data.aseanstats.org/fdi-by-hosts-and-sources

4. American Enterprise Institute. 8/2018. “China Global Tracker”. Kết nối: https://www.aei.org/china-global-investment-tracker/

5. Thorpe, Devin and Spivack, Ben. 2017. “Harbored Ambitions”. Kết nối: https://static1.squarespace.com/static/566ef8b4d8af107232d5358a/t/5ad5e20ef950b777a94b55c3/1523966489456/Harbored+Ambitions.pdf, tr. 32, 33.

6. The Straits Times. 14 Tháng 5, 2017. “The trains and sea ports of One Belt, One Road, China's new Silk Road” Kết nối: https://www.straitstimes.com/asia/the-trains-and-sea-ports-of-one-belt-one-road-chinas-new-silk-road

7. Hillman, Johnathan E. Center for Strategic and International Studies. 3/4/2018. “How Big IS China’s Belt and Road?” Kết nối: https://www.csis.org/analysis/how-big-chinas-belt-and-road

8. Xem 5, đã dẩn. tr. 38

9. Xem 5, đã dẩn.

10. Kim, Patricia M. Council on Foreign Relations. 17/5/2018. “Understanding China’s Military Expansion”. Kết nối: https://intelligence.house.gov/uploadedfiles/patricia_kim_-_testimony_on_china_military_expansion_-_hpsci_may_17.pdf

11. John Hurley; John, Scott Morris; Scott, và Portelance, Gailyn. Center for Global Development. 3/2018. Examining the Debt Implications of the Belt and Road Initiative from a Policy Perspective” Kết Nối: https://www.cgdev.org/sites/default/files/examining-debt-implications-belt-and-road-initiative-policy-perspective.pdf

12. Wikipedia. 2018. “List of countries by proven oil reserves”. Kết nối: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_proven_oil_reserves

13. Andrianova, Anna và Doff, Natasha. Bloomberg. 15/11/2017. “Russia, Venezuela Sign Deal on $3.15 Billion Restructuring”. Kết nối: https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-11-15/russia-venezuela-sign-deal-on-3-15-billion-debt-restructuring

14. Rincon, Paula. 16 Tháng 4, 2017. “How Venezuela has resorted to importing oil as its core industry faces collapse”. Kết nối: https://www.independent.co.uk/news/world/americas/venezuela-oil-imports-economy-industry-heavy-refining-efficiency-a8307161.html

15. The Economist. 6/4/2017. “How Chávez and Maduro have impoverished Venezuela”. Kết nối: https://www.economist.com/finance-and-economics/2017/04/06/how-chavez-and-maduro-have-impoverished-venezuela

16. Cunningham, Nick. 04 Tháng 4, 2018. “Venezuela’s Oil Sector May Soon Have New Owners” Kết nối: https://oilprice.com/Energy/Crude-Oil/Venezuelas-Oil-Sector-May-Soon-Have-New-Owners.html

17. Country Economy.com .8/2018. “Country comparison Vietnam vs Venezuela”. Kết nối: https://countryeconomy.com/countries/compare/vietnam/venezuela

18. International Monetary Fund (IMF). 8/15/2018. “Joint World Bank-IMF Debt Sustainability Framework for Low-Income Countries”. Kết nối: https://www.imf.org/en/About/Factsheets/Sheets/2016/08/01/16/39/Debt-Sustainability-Framework-for-Low-Income-Countries

19. Ngọc Khánh. Đổi Mới & Phát Triển. 8/2018. “Nợ nước ngoài của quốc gia ngày càng phình to”. Kết nối: http://www.doimoi.org/detailsnews/2059/339/no-nuoc-ngoai-cua-quoc-gia-ngay-cang-phinh-to.html

20. Thanh Thủy. 7/18/2018. “NHNN bơm ròng 45.200 tỷ đồng vào nền kinh tế, lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh.” Kết Nối: http://cafef.vn/nhnn-bom-rong-45200-ty-dong-vao-nen-kinh-te-lai-suat-lien-ngan-hang-tang-nhanh-20180718095346718.chn

21. Nguyễn Tùng. Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Thuận. 09/08/2017. “Tỉnh Bình Thuận Và Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Thống Nhất Kiến Nghị Đổ Vật Chất Nạo Vét Vào Khu Vực Cảng Tổng Hợp Vĩnh Tân” Kết nối: http://binhthuan.gov.vn/wps/portal/binhthuan/chinhquyen/tintuc/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gfDxcLQ2MDQ09_Xy9XA0f3ED8nswB3Y7MgA_2CbEdFAE5tqDc!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/bt_vi/bt_noi_dung/tin_tuc/tin_cq/a90e8000422d9f3db8b1b9ad89fee8ca

22. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, et al. 1697. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản in Nội Các Quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Bản Kỳ - Quyển V.” Tr. 193, Chú Thích 7: “Các sử tịch Trung Quốc đều chép là Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu theo đường biển tiến đánh Chiêm Thành vào tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282).” Kết nối: https://quangduc.com/images/file/GexwL37d1AgQAJZX/dai-viet-su-ky-toan-thu-le-van-huu-phan-phu-tien-ngo-si-lien.pdf

23. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, et al. 1697. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản in Nội Các Quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Bản Kỳ - Quyển V”. Tr. 193, 196, 197, 198. Kết nối: https://quangduc.com/images/file/GexwL37d1AgQAJZX/dai-viet-su-ky-toan-thu-le-van-huu-phan-phu-tien-ngo-si-lien.pdf

24. Mangosing, Frances. Inquirer.net. 05/02/2018. “EXCLUSIVE: New photos show China is nearly done with its militarization of South China Sea”. Kết nối: http://www.inquirer.net/specials/exclusive-china-militarization-south-china-sea

25. Pickrell, Ryan. Business Insider. 9/12/2018. “China has developed the world's largest flying boat, and it could be used to ferry troops into the South China Sea”. Kết nối: https://www.businessinsider.com/chinas-new-sea-plane-could-soon-ferry-troops-into-the-south-china-sea-2018-9

26. Xem 5, đã dẩn. Tr. 28

27. Xem 5, đã dẩn. Tr. 25

28. Lendon, Brad; Watson, Ivan; and Westcott, Ben. CNN. 10/8/2018. “'Leave immediately': US Navy plane warned over South China Sea”. “Kết nối: https://www.cnn.com/2018/08/10/politics/south-china-sea-flyover-intl/index.html

29. Xem 5, đã dẩn, tr. 32.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn