Một cách nhìn về thanh toán biên mậu tại khu vực biên giới Việt-Trung

Thúy Linh

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan : "Lo tình trạng nền kinh tế nước ta bị lệ thuộc khá nặng nề vào Trung Quốc, những mối lo về an ninh-quốc phòng, tình hình ở Biển Đông… khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất cứ động thái nào mới trong quan hệ Việt-Trung có thể gây phương hại cho chúng ta".

clip_image002

Bà Phạm Chi Lan

Sau khi Thông tư 19/2018/TT-NHNN ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế.

Bà đánh giá thế nào về việc ban hành Thông tư 19 vào thời điểm hiện nay?

- Những năm gần đây, các văn bản pháp quy về hoạt động kinh tế ở nước ta được ban hành rất nhiều, tôi không thể theo dõi xuể. Ngân hàng không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nên tôi ít quan tâm. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/8 vừa qua, có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại của một số chuyên gia kinh tế và công chúng trong xã hội, nên từ đó tôi mới lo lắng và quan tâm tìm hiểu về Thông tư này.

Đọc kỹ Thông tư 19 và các văn bản pháp quy mà trên cơ sở đó Thông tư này ra đời, tôi hiểu ra và trút bỏ được những nỗi lo ban đầu.

Trước hết, Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp nước ta, và là nguyên tắc chủ quyền của mọi quốc gia trên thế giới. Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước. Riêng với 3 nước có chung biên giới Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc, giữa nước ta với các nước này đã có những hiệp định thương mại quy định về thương mại biên giới cho phép sử dụng đồng tiền của cả hai bên trong những giao dịch tại biên giới theo các thiết chế chặt chẽ, và đã được thực thi từ năm 2004.

Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY, cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 07 ngày).

Về đối tượng của Thông tư, Luật Quản lý Ngoại thương ban hành năm 2017 có mục 7 (gồm 3 Điều 53, 54, 55) về hoạt động thương mại biên giới, cùng Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới đã quy định rõ ràng, chặt chẽ thế nào là hoạt động thương mại biên giới; thế nào là thương nhân và cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới; những địa bàn như thế nào thì được coi là biên giới, chợ biên giới; danh mục hàng hóa, dịch vụ trao đổi ở đó được xác định như thế nào… Có nghĩa là đối tượng của Thông tư 19 đã được khoanh rõ qua Luật và Nghị định nói trên, cùng các văn bản pháp quy liên quan khác (như Luật Biên giới, Luật Hộ khẩu…), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán…theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan.

Và do vậy, Thông tư 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn này thôi. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại. Ngay trong Thông tư 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt …cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.

Thông tư quy định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh là thương nhân và cư dân biên giới có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới tại khu vực biên giới của 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc,vậy vì sao lại có những ý kiến lo ngại đối tượng áp dụng Thông tư 19?

Lúc thoạt đọc câu “Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY” trong Thông tư, tôi cũng giật mình như nhiều người khác. Khi đọc kỹ các quy định cụ thể trong những phần tiếp theo của Thông tư, và cả trong các văn bản pháp quy khác như đã kể trên, tôi mới hiểu rõ hơn về mục tiêu, nội hàm, phạm vi áp dụng của Thông tư, về các công cụ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này, và từ đó mới yên tâm hơn.

Sự giật mình lo ngại của tôi cũng như nhiều người khác xuất phát từ nhiều điều.

Thứ nhất, nhiều năm nay nước ta đã bị nhập siêu ngày càng nặng nề từ Trung Quốc, mà ngay quy mô nhập siêu chúng ta cũng chưa đánh giá được thật đầy đủ (thể hiện qua chênh lệch lớn giữa số liệu thống kê do VN và Trung Quốc công bố). Thứ hai, thương mại biên giới, hay biên mậu, giữa ta với Trung Quốc diễn ra nhiều năm nay, với quy mô ngày càng lớn, rất phức tạp, khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc qua đường biên mậu đã len vào từng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước, gây nhiều lo ngại cho cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng nước ta, chưa kể thất thu thuế cho nhà nước do buôn lậu. Hay thông qua kênh du lịch, nhiều người Trung Quốc đã vào nước ta kinh doanh, làm lao động, tiêu tiền của họ trong các giao dịch với nhau…Thứ ba, gần đây công luận hết sức lo lắng về dự luật đặc khu kinh tế (mà Quốc hội đã sáng suốt hoãn việc thông qua để nghe thêm ý kiến nhân dân), về việc Trung Quốc thúc giục xây dựng các khu kinh tế-thương mại biên giới, về tác động tiêu cực nước ta có thể hứng chịu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…

Lo tình trạng nền kinh tế nước ta bị lệ thuộc khá nặng nề vào Trung Quốc, những mối lo về an ninh-quốc phòng, tình hình ở Biển Đông… khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất cứ động thái nào mới trong quan hệ Việt-Trung có thể gây phương hại cho chúng ta.

Thông tư 19 ra đời trong bối cảnh đó, cùng với sự “bất đối xứng về thông tin” giữa nhà nước với dân, rồi việc những giải trình cần thiết về Thông tư đến với dân chậm hơn so với tốc độ lan truyền của văn bản khi chưa có sự giải thích và hiểu đầy đủ sẽ gây ra một số phản ứng. Sự “bất đối xứng về thông tin” thể hiện rõ nhất trong việc nước ta cùng với các nước láng giềng Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc đã cho phép thực hiện thanh toán các giao dịch thương mại biên giới bằng đồng tiền của hai bên từ năm 2004, nhưng đa số người dân đâu có biết! Thông tư 19 nói riêng và quy trình xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói chung nên có sự trao đổi trước với các chuyên gia kinh tế, pháp luật… để họ hiểu rõ cơ sở pháp lý và các quy định then chốt, đặc biệt là phạm vi áp dụng và các công cụ giám sát của Thông tư này, thì sẽ đỡ đi những lo lắng do cách hiểu và diễn giải khác về Thông tư này.

Bà có khuyến cáo gì về các cơ chế giám sát để thực thi tốt Thông tư này?

- Điều lo ngại vẫn còn trong tôi là liệu các cơ quan nhà nước có thực hiện được nghiêm túc, đồng bộ những quy định trong Luật, Nghị định và Thông tư nói trên không. Thật tình lâu nay quan sát các hoạt động kinh tế ở nước ta, tôi thấy nhiều khi có được văn bản pháp quy tốt đã khó, nhưng thực thi tốt các văn bản đó còn khó hơn nhiều. Không thể phủ nhận thực tế đang gây đau đầu cho chúng ta hiện nay, là không ít người trong bộ máy cán bộ nhà nước còn khá hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, cũng như về sự phối hợp công tác với nhau. Sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong người dân của chúng ta cũng có những hạn chế, vì nhiều khi ngay cả tiếp cận thông tin pháp luật đối với họ cũng khó, như nhiều điều tra đã cho thấy. Chính thực tế này khiến cho tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của nhiều quy định pháp luật của nước ta kém “thiêng” đi, trong khi các rủi ro có thể tăng lên.

Tôi rất lo nếu những người có trách nhiệm thi hành không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, chức trách của họ, thì các quy định có thể sẽ bị những kẻ gian ở cả hai bên biên giới lợi dụng, gây phương hại cho nền kinh tế của ta. Trong Thông tư không đưa ra quy định chế tài vì đã có quy định ở các văn bản pháp luật khác. Nhưng tôi đề nghị vẫn nên làm rõ chế tài đối với cả người nhà nước và người dân trong việc thực hiện Thông tư này.

Tôi cũng mong nhà nước tạo thêm kênh giám sát của xã hội, của nhân dân ở các tỉnh biên giới cũng như ở các địa phương khác, để người dân có thể phản ảnh kịp thời và giúp nhà nước ngăn chặn những diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Điều quan trọng nhất là mọi việc phải được thực hiện và giám sát, kiểm soát nghiêm minh đúng như các quy định. Thực sự phải tăng cường sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và nhân sự có trách nhiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là tại các địa phương. Và Thông tư cần được phổ biến, giải thích, hướng dẫn tường tận cho thương nhân và cư dân các vùng biên giới để họ hiểu rõ và tự giác thi hành tốt.

T.L.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/mot-cach-nhin-ve-thong-tu-19-cua-nhnn-475030.html

Đọc thêm

1. Với Trung Cộng, hãy cẩn thận!

Đỗ Ngà

Mỗi bước đi về kinh tế sẽ dẫn tới hệ lụy về chính trị

Năm 2016, Hiệp Hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đề nghị thanh toán bằng Nhân dân tệ (Yuan) trực tiếp tại Việt Nam. Đề nghị này là việc dễ hiểu, vì phía Trung Quốc muốn dễ dàng cho doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và họ muốn đồng tiền Trung Quốc vào lưu thông ở Việt Nam như là một lựa chọn thanh toán.

Như ta biết, trước đó, những giao dịch ngoại thương giữa Trung Quốc và Việt Nam đa phần là dùng USD. Tất nhiên, dân Việt không thể dùng tiền VNĐ trao đổi ngoại thương, vì VNĐ không có trong rổ IMF. Nhưng nếu chấp nhận thanh toán bằng Yuan thì mới là điều đáng nói. Khi chấp nhận thanh toán bằng Yuan thì các doanh nghiệp Việt Nam phải bán USD để mua Yuan nhằm thanh toán. Mà bán USD mua Yuan thì phải tốn phí 0,5%, phí này doanh nghiệp Việt Nam chịu, thay vì phía Trung Quốc chịu nếu thanh toán bằng USD. Mà trong 6 năm qua, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 350 tỷ USD. Nếu dùng Yuan thay cho USD thì phí chuyển USD sang Yuan mà phía Việt Nam phải chịu là 1,75 tỷ USD.

Điều đáng nói thứ 2 mới là quan trọng. Trong 6 năm gần đây, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 100 tỷ USD, nhưng nhập của Trung Quốc 250 tỷ USD. Vậy Việt Nam nhập siêu của Trung Cộng 150 tỷ USD trong 6 năm. Nếu chuyển sang thanh toán bằng đồng Yuan thì trong 6 năm, số tiền Yuan chảy sang Trung Cộng trị giá tương đương 150 tỷ USD. Thế thì lấy đâu ra Yuan mà mua? Vậy điều này dễ dẫn tới doanh nghiệp Việt Nam phải vay của Trung Cộng. Khi đó, không những Việt Nam lệ thuộc hàng hoá Tàu mà còn lệ thuộc tài chính. Điều này là vô cùng nguy hiểm.

Việc làm gì cũng vậy, phải có lộ trình. Sau 2 năm đề nghị từ phía Trung Cộng, giờ phía chính quyền Việt Nam đã mở cửa giao dịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam được thanh toán bằng Yuan. Khi đồng Yuan chiếm lĩnh các tỉnh biên giới thì tất nhiên sự mở rộng thị trường giao dịch đồng Yuan theo vết dầu loang là điều chắc chắn. Vì Móng Cái giao dịch bằng Yuan thì Hạ Long không giao dịch được sao? Mà Hạ Long giao dịch được thì chả nhẽ Đông Triều không giao dịch được? Đông Triều giao dịch được chả lẽ Chí Linh – Hải Dương không giao dịch được? Từ “biên giới” rất là chung chung, nó không giới hạn bằng một ranh giới nào cả. Cho nên nó sẽ lan rộng theo vết dầu loang là điều chắc chắn. Và sự thật, tại Hạ Long, các cửa hàng bán lẻ Việt Nam có nhân viên nói tiếng Trung và nhận thanh toán bằng Yuan đã ngày một phổ biến. Vậy Hạ Long là biên giới sao? Và đây là điều thực tế.

Chấp nhận thanh toán bằng Nhân Dân Tệ (Yuan) dù chỉ mới ở “biên giới”, nhưng rõ ràng là bước lùi của phía Việt Nam. Xét về kinh tế thuần túy, dựa trên câu chữ các thông tư nghị định của chính phủ để cho rằng “điều này có lợi” cho thương mại giữa 2 bên là một cái nhìn rất phiến diện. Để đánh giá, phải xét đến hệ lụy về kinh tế – chính trị về lâu về dài. Và đặt biệt, với Trung Cộng, Hà Nội chỉ có nhượng bộ chứ chưa bao giờ dám lấn tới.

Đ.N.

Nguồn: FB Đỗ Ngà

2. Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT trong thương mại VN-TQ

TS Nguyễn Văn Phú

clip_image004

Ảnh: GETTY IMAGES - Việc cho phép sử dụng NDT ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam sẽ giúp phát triển buôn bán giữa hai nước. Vấn đề này phụ thuộc vào tính thực thi và kiểm soát luật pháp ở Việt Nam, theo TS Nguyễn Văn Phú.

Vừa qua tôi có trả lời phỏng vấn và tham gia Bàn tròn Thứ năm ngày 7/9 của BBC Việt ngữ về Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, liên quan tới việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Tôi thấy nhiều người có thể chưa rõ một số khái niệm kinh tế (mà kinh tế học là một lĩnh vực phức tạp), do đó có thể gây hiểu lầm và những tranh cãi không đáng có. Trong bài viết này, tôi muốn làm rõ hơn một số khái niệm về kinh tế, hy vọng có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về khía cạnh kinh tế của vấn đề.

Lưu ý là ở đây tôi không nói tới các ý nghĩa chính trị của Thông tư 19 hay chính sách giữa hai nước vì đã có các chuyên gia khác phân tích khá rõ ràng và cảnh báo các nguy cơ.

Trước hết, Thông tư này đề cập việc sử dụng đồng NDT (đồng Nguyên), vậy NDT có phải là đồng tiền thanh toán quốc tế không?

Câu trả lời là có. Quỹ IMF đã đưa nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế từ năm 2016 bên cạnh đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (như các Ngân hàng Trung ương châu Âu, Pháp, Đức, Malaysia, Philippines, Thái Lan, v.v.) cũng đã bắt đầu cơ cấu một phần dự trữ ngoại hối của mình bằng NDT. Dù con số còn rất khiêm tốn so với USD hay euro, ta có thể dễ dàng tìm thấy các con số chính thức về dự trữ ngoại hối bằng NDT của các nước trên mạng và trong các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế.

Các đồng tiền thường được dùng trong thanh toán quốc tế là USD, EURO, bảng Anh, yên Nhật, đô la Canada, NDT, franc Thuỵ Sỹ, v.v.

Dự trữ ngoại hối là gì?

Đây là tổng số tiền theo ngoại tệ (có thể là đô la Mỹ hay theo các ngoại tệ khác) mà một nước đang có. Nó được dùng để kiểm soát tỷ xuất hối đoái giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ. Nó được dùng trong thanh toán quốc tế (các hoạt động nhập khẩu và trả nợ nước ngoài theo ngoại tệ). Ví dụ như Việt Nam nhập các máy bay Boeing theo đô la Mỹ thì phải dùng số tiền theo ngoại tệ này để trả cho Boeing.

clip_image006

Ảnh: FABRICE COFFRINI/GETTY IMAGES - Người dân xếp hàng mua Euro tại một quầy đổi tiền ở Geneve, Thụy Sỹ.

Có hay không việc sử dụng một đồng tiền của nước khác trong lãnh thổ của một nước?

Việc sử dụng một đồng tiền của nước ngoài trên một số địa phận (ở đây tôi nhấn mạnh là trên một số địa phận) lãnh thổ của một quốc gia đã có trên thực tế.

Ví dụ như Thụy Sỹ (đồng tiền quốc gia là Franc Thụy Sỹ) cho phép thanh toán bằng đồng euro tai một số điểm dừng chân như là dọc theo các đường cao tốc hoặc các điểm du lịch. Các nước Bắc Phi cũng chấp nhận đồng euro (dĩ nhiên là cũng tại một số địa điểm).

Tại Việt Nam trước đây và ngay cả hiện tại, ta có thể dùng đô la ở rất nhiều nơi. Việc xác định các địa phận được sử dụng đồng ngoại tệ tùy thuộc vào lợi ích kinh tế của nước sở tại.

Tuy nhiên việc sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi sẽ gây vấn đề mất chủ quyền tiền tệ, mà người ta hay gọi là đô la hóa hay euro hóa (như trường hợp của Việt Nam trước đây đối với đô la Mỹ).

Vì thế lo ngại của người dân Việt Nam về việc NDT hóa nền kinh tế Việt Nam là xác đáng. Tuy nhiên, để vấn đề này xảy ra thì phải đánh giá xem Thông tư 19 này có ảnh hưởng tới đâu, nó có ảnh hưởng lên các tỉnh các của Việt Nam hay không?

Việc cho phép sử dụng NDT ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam sẽ giúp phát triển buôn bán giữa hai nước. Vấn đề này phụ thuộc vào tính thực thi và kiểm soát luật pháp ở Việt Nam.

Để giảm bớt khả năng lây lan của NDT sang các khu vực khác, tôi nghĩ là Việt Nam nên giới hạn các giao dịch buôn bán qua biên giới bằng NDT ở vùng biên giới (chứ không phải tất cả bảy tỉnh) và các cửa khẩu. Việc giới hạn này chỉ khả thi với giao dịch bằng tiền mặt, khó có thể áp dụng cho giao dịch qua ngân hàng (với lượng tiền thường lớn hơn giao dịch bằng tiền mặt).

clip_image008

Ảnh: GETTY IMAGES - 'Nếu VN và TQ thanh toán bằng USD thì phải tính đến tỷ suất hối đoái giữa NDT và USD'.

Bản chất của giao dịch buôn bán qua biên giới bằng tiền mặt hay qua ngân hàng bằng NDT có lợi hay hại đối với Việt Nam?

Trước hết, tôi xin nhắc lại là ở đây tôi chỉ nói về thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, không nói đến buôn bán trong nước (việc này chắc chắn là bằng VND). Hiện nay, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang chiếm phần quan trọng nhất trong cán cân thương mại của Việt Nam.

Nếu cả hai nước đều dùng USD để thanh toán thì trong nhập khẩu Việt Nam phải đổi VND sang USD để trả cho phía Trung Quốc. Khi Việt Nam xuất khẩu thì Trung Quốc phải dùng NDT đổi sang USD để trả cho phía Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chịu rủi ro liên quan tới tỷ suất giữa VND và USD, chẳng hạn do phải đổi USD thu được sang VND để trả tiền công lao động, đầu tư vốn hay mua các nguyên liệu sản xuất trong nước, v.v.

Ngoài ra, khi thanh toán bằng USD thì phải tính đến tỷ suất hối đoái giữa NDT và USD. Vì sao? Vì khi Trung Quốc phá giá NDT đối với USD (nhất là trong bối cảnh có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc), các sản phẩm của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam với giá rẻ hơn (vì ta thanh toán cho phía Trung Quốc bằng USD), trong khi các sản phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ đắt hơn trước (cũng vì Trung Quốc phải trả cho phía Việt Nam bằng USD).

Đồng NDT còn ít sử dụng trong thanh toán quốc tế so với USD, nhưng nếu áp dụng được một phần cho thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sẽ góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phải chuyển đổi tiền giữa VND và USD (vì tránh được rủi ro do tỷ suất và phá giá), và qua đó giúp gia tăng thông thương giữa hai nước.

clip_image010

Ảnh: GETTY IMAGES - Thanh toán bằng đồng DNT sẽ giúp giảm tác động tiêu cực lên nhập siêu, theo TS Nguyễn Văn Phú.

Một tác động quan trọng nữa là việc này sẽ giúp giảm tác động tiêu cực lên nhập siêu (mà nhập siêu chính là chảy máu ngoại tệ) của Việt Nam đối với Trung Quốc. Con số thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất lớn, năm 2016 là hơn 28 tỷ USD còn năm 2017 là hơn 22 tỷ USD.

Trong trường hợp thanh toán bằng NDT, dù NDT có bị phá giá so với USD thì con số thâm hụt này sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, trong trường hợp thâm hụt thương mại được thanh toán bằng USD thì sự phá giá của NDT sẽ làm tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc, giảm xuất khẩu hàng Việt Nam, và như vậy sẽ làm nhập siêu cao hơn nữa. Trong hoàn cảnh có sự phá giá của NDT như hiện nay, tôi nghĩ việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề cần giải quyết gấp để giảm sức ép lên các doanh nghiệp trong nước (vì bị cạnh tranh từ hàng Trung Quốc ngày càng rẻ). Mà phía sau các doanh nghiệp này chính là người lao động Việt Nam.

Do đó việc sử dụng NDT trong thanh toán thương mại qua biên giới là một giải

pháp tình thế có thể hiểu được. Ở đây, ta nên lưu ý một lần nữa là thanh toán thương mại qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, không phải buôn bán với các nước khác trên thế giới (thông thường bằng USD), và càng không phải buôn bán trong nước (bắt buộc phải dùng VND).

N.V.P.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Văn Phú từ Strassbourg, Pháp.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/viet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn