Thanh toán thương mại bằng Nhân dân tệ: làm sao giới hạn bằng địa giới hành chánh?

Thảo Vy

Sau khi bị chỉ trích, chính quyền đã cho vài tờ báo quốc doanh đăng bài về việc đã cho thanh toán đồng Nhân dân tệ (CNY) từ năm 1993, như một cách bào chữa đầy ngụy biện… Bởi việc cho phép sử dụng đồng CNY trong mọi giao dịch thương mại pháp nhân, mua bán cá nhân ở tất cả các khẩu của 7 tỉnh Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, không chỉ vi hiến, mà còn mâu thuẫn với các văn bản liên quan đang hiệu lực.

clip_image001

Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung.

Thông tư số 19/2018/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, cho phép kể từ ngày 12-10 tới đây, đồng CNY được sử dụng trong giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu của cư dân và pháp nhân ở tất cả các cửa khẩu biên giới của 7 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên giáp với Trung Quốc.

Bài viết tiếp theo đây chỉ thuần góc nhìn pháp lý về các căn cứ để ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN. Qua đó củng cố thêm nghi vấn phải chăng “Sáp nhập tiền tệ’ để tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’?”.

Một quyết định vi hiến?

Trên báo Thanh Niên điện tử hôm 13-9, trong bản tin tường thuật về phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, phóng viên Lê Hiệp của báo này có trích băng ghi âm, đoạn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân về Thông tư số 19/2018/TT-NHNN: “Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại (…) “Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh[*] và anh Phùng Quốc Hiển[**] xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này”.

Đoạn trích băng đó sau khi báo đăng, đã bị gỡ bỏ.

Hơn 4 năm trước, trong bài viết có tựa đề khá dài, “Quy định của Hiến pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường - Bước tiến mới trong quá trình đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững”, đăng trên báo Nhân Dân số phát hành ngày 16-1-2014 [http://bit.ly/2xyZsrS], trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Đơn vị tiền tệ quốc gia được hiến định là đồng Việt Nam”.

Trên thực tế, mặc dù Thông tư số 19/2018/TT-NHNN mang tính điều chỉnh về giao dịch thương mại ranh giới địa lý ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc, tuy nhiên ở đây hàng hóa đến các cửa khẩu chỉ là điểm cuối. Giao dịch của thương nhân và cư dân 7 tỉnh biên giới bằng đồng CNY trong thanh toán này, sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Điều đó tương tự như dự Luật Đặc khu cho phép đồng CNY được lưu hành tại các địa phương hưởng quy chế đặc khu.

Trong khi đó thì không có điều khoản cụ thể nào chế tài việc sử dụng đồng CNY ngoài 7 tỉnh biên giới, cũng như các địa phương sẽ là đặc khu (dự luật này được hoãn). Như vậy ở Việt Nam sẽ song hành sử dụng đồng Việt Nam và CNY.

Biên giới thương mại của Trung Quốc đang được kéo dài đến tận Cà Mau?

Xét về mặt quy phạm pháp luật, thì Thông tư số 19/2018/TT-NHNN là văn bản có nội dung mâu thuẫn với các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành.

“Thực hiện Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12 tháng 9 năm 2016 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hiệp định thanh toán và hợp tác ký ngày 26 tháng 5 năm 1993, sửa đổi ngày 16 tháng 10 năm 2003 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc” là viện dẫn của việc ký ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Thử tìm hiểu xem trong hai văn bản pháp lý mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã viện dẫn cho ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN, có điều khoản nào như giải thích, hay đây chỉ là viện dẫn mập mờ, tạo ngộ nhận là việc ban hành đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Lưu ý, Thông tư 32/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang có hiệu lực, quy định “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. (Điều 3)

Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung có gì?

Đây là Hiệp định được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - ông Trần Tuấn Anh, với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Hoa - ông Cao Hổ Thành, ký tại Bắc Kinh, ngày 12 tháng 9 năm 2016. Hiệp định có hiệu lực tức thì ngay sau khi hai bộ trưởng đặt bút ký.

Về thanh toán thương mại trong các giao dịch mua bán, Điều 8 của Hiệp định ghi: “Thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật mỗi nước, bao gồm: 1. Thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

2. Căn cứ theo quy định của pháp luật mỗi nước, thương mại biên giới có thể tiến hành các hình thức thanh toán thông qua ngân hàng hoặc bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng. Khuyến khích thanh toán thông qua ngân hàng thương mại hai bên”.

Như vậy, Hiệp định cho phép việc các bên mua bán được thanh toán trên cơ sở tự thỏa thuận. Việc thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào kỹ năng đàm phán, và các thương nhân Việt Nam luôn mong muốn ngoại tệ tự do chuyển đổi là đồng Mỹ kim, chứ không phải CNY. Nay với quy định cụ thể bằng một văn bản pháp lý, phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong đàm phán lựa chọn đồng tiền thanh toán.

Hiệp định thanh toán và hợp tác năm 1993: bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi

Hiệp định này được ký nhân danh Nhà nước, khác với Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung được ký nhân danh Chính phủ[***]

Hiệp định thanh toán và hợp tác ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 5 năm 1993. Tại Điều 2 ghi: “Mọi thanh toán hàng hóa và dịch vụ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại của hai nước theo thông lệ quốc tế, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi”. Điều 3 ghi: “Việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ giữa các tổ chức ngoại thương và các thực thể kinh tế khác thuộc vùng biên giới của hai nước được thực hiện qua các Ngân hàng thương mại với các phương thức sau: 1. Thanh toán trả bằng ngoại tệ chuyển đổi hoặc bằng đồng tiền khác do hai bên bàn bạc chấp thuận.

2. Thanh toán trả bằng hàng. Trường hợp có chênh lệch giữa xuất và nhập thì việc thanh toán do các doanh nghiệp hai nước thỏa thuận”.

Trong Hiệp định này có một điều khoản dành riêng cho cư dân biên giới (không phải thương nhân), là: “Để phục vụ cho dân cư vùng biên giới đi lại, trao đổi, mua bán, hệ thống ngân hàng thương mại của hai bên tùy theo điều kiện của từng nước sẽ quyết định thành lập quầy đổi tiền. Căn cứ tình hình cụ thể, hai bên cho phép sử dụng đồng tiền được hai bên bàn bạc chấp thuận”. (Điều 4)

Như vậy, Hiệp định nói trên cũng trao quyền tự do thỏa thuận giữa đôi bên mua bán trong lựa chọn đồng tiền thanh toán.

Theo yêu cầu của Trung Quốc?

Tuy nhiên dường như mọi chuyện thay đổi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ở chuyến thăm này, có đoạn viết: “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.

Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á”.

Có lẽ chính nội dung “Về hợp tác tiền tệ” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký kết hôm 15-10-2013 với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Hà Nội trong Tuyên bố chung, là nguyên cớ đưa đến Thông tư số 19/2018/TT-NHNN.

Lưu ý, việc thực thi như nội dung của Tuyên bố chung nói trên cần bổ sung thêm một văn kiện pháp lý đang thiếu, đó là một ký kết về điều ước quốc tế song phương của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với phía Nhà nước Trung Hoa liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia, được quy định tại Điều 3.3, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xem ra đúng như lời nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng trong một bài viết trên VOA: “Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc’ chính là một thất bại lớn và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô - được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 - đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn ‘sáp nhập tiền tệ’ trước khi tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’” [http://bit.ly/2Nt5CEE].

T.V.
___

Chú thích:

[*] Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

[**] Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội

[***] 1. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây: a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; b) Điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; c) Điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ; d) Điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội; đ) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

2. Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây: a) Điều ước quốc tế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; b) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. (Điều 4, Luật Điều ước quốc tế).

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn