Thành viên Hội Anh em Dân chủ bị xử 12 năm tù

clip_image003[5]

Ông Nguyễn Trung Trực là một thành viên của Hội Anh em Dân chủ. Bản Ảnh: NGUYỄN VĂN MIẾNG/FACEBOOK

Tòa án Quảng Bình đã kết án ông Nguyễn Trung Trực 12 năm 5 năm quản chế vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" trong phiên tòa sơ thẩm sáng nay.

Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng trong số chín thành viên lãnh đạo của Hội Anh em Dân chủ bị đưa ra xét xử, theo luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông đã bị bắt giữ hồi tháng 7/2016.

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, thân chủ của ông vẫn khẳng định mình không có tội trước tòa.

"Ông Trực nói trước tòa rằng 'Tôi là công dân Việt Nam, Nguyễn Trung Trực, tôi khẳng định là không có lật đổ bất cứ ai'"

"Tôi ủng hộ và cổ súy cho dân chủ nhân quyền và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tôi khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng cho đến khi những việc này được thực thi ở Việt Nam."

Ông Trực cũng nói sẽ kháng cáo vì ông cho rằng bản án đó không đúng.

Thêm vào đó, tại phiên tòa hôm nay, có rất nhiều công an trong cũng như bên ngoài tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

'Không có dấu hiệu để chứng minh phạm tội'

Theo luật sư Miếng, nhiều bằng chứng kết tội ông Trực "không có dấu hiệu để chứng minh phạm tội."

"Tất cả những chứng cứ tôi yêu cầu được đưa ra xem xét thì tòa không đồng ý.

"Hầu hết những chứng cứ đó đều là những chứng cứ không có dấu hiệu để chứng minh tội phạm, chẳng hạn như mấy card visit của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, vài ba quyển sách, những cái lá đơn ông Trực viết cho những người để bồi thường Formosa".

  clip_image005[4]

Người thân và ủng hộ ông Trực ngồi gần cổng tòa án. Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết có rất nhiều công an trong và bên ngoài phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN THỊ HƯƠNG/FACEBOOK

"Nói chung là không có dấu hiệu gì để cho là lật đổ chính quyền nhân dân cả. Tôi không biết những trường hợp ấy phải xử theo cái hướng nào nhưng nếu xử là lật đổ chính quyền nhân dân thì coi như là o ép ông ấy."

Ông Miếng cho biết thân chủ của ông cho rằng bản kết luận điều tra và cáo trạng là suy diễn, và theo hướng tiêu cực để kết tội ông Trực.

Báo Công an hồi tháng 9/2017 đưa tin rằng Nguyễn Trung Trực từng "rất tích cực viết các tài liệu phản động có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về Việt Nam; trả lời phỏng vấn và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp tại Malaysia."

Trước đó, vào tháng Tư, bốn thành viên của Hội Anh em Dân Chủ (HAEDC) đã bị kết án với cùng tội danh với ông Trực.

- Luật sư Nguyễn Văn Đài bị 15 năm tù, 5 năm quản chế.

- Ông Trương Minh Đức nhận bản án 12 năm tù, 3 năm quản chế

- Ông Nguyễn Trung Tôn bị 12 năm tù, 3 năm quản chế

- Ông Nguyễn Bắc Truyển bị 11 năm tù, 3 năm quản chế

- Bà Lê Thu Hà bị 9 năm tù, 2 năm quản chế

- Và ông Phạm Văn Trội bị 7 năm tù, 1 năm quản chế.

Phiên tòa phúc thẩm hồi tháng Sáu cũng tuyên y án đối với bốn thành viên HAEDC. Sau đó ông Đài và cộng sư Lê Thu Hà đã được trả tự do và xuất cảnh sang Đức.

  clip_image007[4]

Bốn thành viên của Hội Anh em Dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên mức án tổng cộng là 66 năm tù giam trong một phiên tòa từ trước tại Việt Nam. Ảnh: AFP

Ông Trực là ai, đã làm gì?

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước đó đã kêu gọi nhà nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Trung Trực về các hoạt động nhân quyền ôn hòa và phóng thích ông ngay lập tức.

Theo HRW, ông Nguyễn Trung Trực, 44 tuổi, đã có quá trình tham gia các hoạt động ủng hộ dân chủ lâu dài. Ông từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hồng Kông hơn bảy năm vào thập niên 1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997.

Năm 2003, ông đi làm ở Malaysia, nơi ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt do các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động cho một nước Việt Nam có hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng.

Trước đó hôm 10/8, luật sư Nguyễn Văn Đài đã có một bài viết trước phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Trực.

Cáo buộc tuyên truyền chống cái gọi là "Nhà nước CHXHCN Việt Nam" ông Đài cho rằng là "hết sức phi lý và có tính chất quy chụp".

  clip_image009[4]

Ông Nguyễn Trung Trực (phải) trong một lần tiếp xúc với Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi. Ảnh: HỘI ANH EM DÂN CHỦ/FACEBOOK

"Lý do là bởi vì các thành viên của Hội Anh em Dân chủ chỉ sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ các quan điểm cá nhân về chính trị, kinh tế, xã hội đã và đang xảy ra ở Việt Nam."

"Họ có quyền lên án, phê phán các chính sách, việc làm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, khi gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích trực tiếp của chính họ. Đó là các quyền hợp hiến và hợp pháp của các thành viên Hội."

"Các việc làm này của họ, theo tôi, không bao giờ là nhằm tuyên truyền chống cái gọi là 'Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam' hay có thể nhằm lật đổ cái gọi là 'Chính quyền Nhân dân'".

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45492839

Xem thêm:

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Việt Nam

hãy hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động

nhân quyền Nguyễn Trung Trực

Quỳnh Dao thông tin

Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Trung Trực về các hoạt động nhân quyền ôn hòa và phóng thích ông ngay lập tức.

Nguyễn Trung Trực bị bắt từ tháng Tám năm 2017 vì tham gia nhóm nhân quyền có tên là Hội Anh em Dân chủ. Nhà cầm quyền Việt Nam cáo buộc ông “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999. Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình dự kiến sẽ xử vụ của ông vào ngày 12 tháng Chín năm 2018.

“Nguyễn Trung Trực lại là một nạn nhân nữa trong chiến dịch của chính quyền Việt Nam chống lại những người vận động cho nhân quyền và dân chủ,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đất nước Việt Nam giờ đây đang trở thành một nhà tù khổng lồ cho bất kỳ người nào lên tiếng phản đối chính quyền hay hoạt động nhằm thúc đẩy các quyền con người cơ bản.”

          clip_image011[4]

Nguyễn Trung Trực, 44 tuổi, đã có quá trình tham gia các hoạt động ủng hộ dân chủ lâu dài. Ông từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hồng Kông hơn bảy năm vào thập niên 1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997.

Năm 2003, ông đi làm ở Malaysia, nơi ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt do các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang ThuậnLê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động cho một nước Việt Nam có hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng. Theo Lê Thăng Long, mục tiêu của phong trào là thúc đẩy “hợp tác, cải tiến, bất bạo động, đối thoại, lắng nghe, vì quyền lợi chung lâu dài của dân tộc.”

Báo công an hồi tháng Chín năm 2017 đưa tin rằng Nguyễn Trung Trực từng “rất tích cực viết các tài liệu phản động có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về Việt Nam; trả lời phỏng vấn và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp tại Malaysia.” Chính quyền Malaysia trục xuất ông về Việt Nam hồi tháng Chín năm 2012.

Tháng Tám năm 2015, Nguyễn Trung Trực gia nhập Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ tháng Tư năm 2013. Với mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Nguyễn Trung Trực làm người đại diện của hội ở miền Trung Việt Nam. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa - một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường lan rộng dọc bờ biển miền Trung Việt Nam vào tháng Tư năm 2016.

Tháng Bảy năm 2016, Nguyễn Trung Trực cùng bảy người nữa tới Cửa Lò, tỉnh Nghệ An để dự đám cưới một người bạn hoạt động. Một nhóm vài chục người mặc thường phục đã tấn công và đánh đập họ dã man, tước đoạt điện thoại, ví và giấy tờ của họ. Những kẻ thủ ác đã bỏ họ ở một khu rừng vắng. Nguyễn Trung Trực cho biết ông bị thâm tím ở lưng, chảy máu ở miệng, mũi và tai, và sau đó phải đi khâu chỗ rách ở tai.

Nguyễn Trung Trực là thành viên thứ chín của Hội Anh em Dân chủ bị đưa ra xử, tính từ đầu năm 2018. Hồi tháng Tư, nhà cầm quyền đã kết tội và áp mức án từ bảy đến mười lăm năm tù đối với tám người – Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc và Trần Thị Xuân. Vào tháng Sáu, dưới sức ép quốc tế, chính quyền Việt Nam phóng thích Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà với điều kiện họ phải đi lưu vong ở Đức.

“Hội Anh em Dân chủ đang bị đàn áp liên tục, chính quyền Việt Nam tìm cách trừng phạt những người lãnh đạo Hội vì dám vận động cho các quyền tự do cơ bản để cất lên tiếng nói, tham gia một tổ chức và biểu tình ôn hòa,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần yêu cầu Hà Nội tôn trọng các quyền tự do cơ bản và chấm dứt việc biến những phê phán chính quyền thành tội hình sự”.

Muốn có thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:

https://www.hrw.org/vi/video-photos/interactive/2017/11/02/free-vietnams-political-prisoners

Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:

 https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam

 Q.D.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn