Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Thiện Nhân đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Nguyên Bình

Thưa ông,

Cực chẳng đã mới phải gửi tới ông theo cách này. Bởi vì những người dân như tôi bây giờ không còn cách nào khác để thưa bất cứ chuyện gì với các ông bà lãnh đạo nữa rồi. Gửi đường bưu điện có ghi địa chỉ nhà riêng hẳn hoi, chắc chắn thư cũng chẳng đến tận tay được vì lý do “bảo đảm an ninh” mà. Tôi nói điều này là có căn cứ.

Một là, ông P, đảng viên, lại là cháu ruột một ông nguyên Ủy viên BCT của Đảng CSVN, ông ấy đã gửi nhiều thư đến các vị lãnh đạo thật cao mà thư đều mất hút, chẳng ai trả lời là đã nhận được hay chưa. Sợ thư thất lạc, ông ấy đã đem thư đến tận cổng nhà ông Tổng Bí thư để nhờ người đưa tận tay những ý kiến đóng góp chân thành, xây dựng. Nhờ người bảo vệ chuyển thư, họ không chịu nhận; ông ấy thấy có cái hòm thư ở cổng, định tới bỏ vào, thì người gác cổng liền nhào tới, đưa lưng chắn kín hòm thư, không cho bỏ…

Việc thứ hai, đó là vào tháng 9 năm 2011, có 14 nhà khoa học đã và đang làm nghiên cứu, giảng dạy ở các trường, viện tiếng tăm ở các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Bỉ, Singapore… và ở cơ quan Liên Hợp Quốc cũng đã cùng nhau thảo ra và gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng một Bản Ý kiến đưới đầu đề “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước”. Nhưng Bản Ý kiến công phu đó cũng chẳng hề nhận được một chút hồi âm nào. (Nói thêm: việc không thèm hồi âm và xem xét đến Bản Ý kiến đó thật là thái độ mất lịch sự ghê gớm và cũng là sự lãng phí chất xám ghê gớm. Các tác giả đều là những người rất nghèo về thời gian vì thời gian của họ thường được tính tiền cho từng giờ làm việc, vậy mà đã bỏ ra hàng trăm giờ làm việc, gọi điện thoại từ nước này sang nước khác, thảo luận, nhiều lần bổ sung chỉnh sửa để đi đến đồng thuận và dung hòa những khác biệt về quan điểm và cách nhìn). Tôi biết về việc Bản Ý kiến đó bị vứt xó là do một lần được gặp ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, tôi hỏi ông đã biết đến Bản Ý kiến đó chưa? Ông nói chưa hề. Vậy đó!

Trong Bản Ý kiến, ở phần đầu, các tác giả đã viết: “Theo chúng tôi, phải có một cuộc cải cách mang tính Cách mạng về thể chế mới giải quyết được hai vấn đề này (thể chế thiếu dân chủ và thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính). Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về Đảng cầm quyền, và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này”.

Thưa ông, tôi kể lể dài dòng như vậy để nói rõ lý do tại sao tôi phải gửi thư lên mạng và hi vọng may mắn ông đọc được. Đồng thời nhân đây, tôi cũng giới thiệu với ông văn bản quý nói trên.

Chắc bởi lý do quá lâu không nhận được hồi âm (kể cả những lời phê phán chỉ trích, đấu tranh với những thứ “sai trái, lệch lạc” nếu có của Bản Ý kiến, cũng không hề có), nên các tác giả của nó đã tung lên mạng, vì vậy tôi mới được biết đến. Và chính ông Vũ Ngọc Hoàng mãi mấy năm sau cũng mới biết đến để đọc nó.

Thiết nghĩ, việc đọc hiểu một văn bản dài chừng chục trang giấy thì không có gì khó đối với người chữ nghĩa bình thường, lại càng dễ dàng đối với ông. Chẳng lẽ ông lại cũng thờ ơ, không thèm vào đọc xem hay dở thế nào? Tìm văn bản nay rất dễ, chỉ cần gõ “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” là tìm thấy ngay. Chắc rằng ông chẳng phải ngại ngùng gì, vì văn bản chưa bị liệt vào những tài liệu phản động xấu độc bị cấm. Tin rằng cũng là người từng du học nước ngoài, ông chẳng xa lạ với tên tuổi các tác giả của Bản Ý Kiến đó, như Nhà nghiên cứu Vật lý Giáp Văn Dương của Đại học Quốc gia Singapore, GS. Phạm Xuân Yêm Giám đốc nghiên cứu Vật lý Đại học Paris VI, GS. Trần Văn Thọ của Đại học Waseda Nhật Bản, TS. Vũ Quang Việt chuyên gia tư vấn Kinh tế Liên Hợp Quốc v.v.

Gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta tỏ ra quan tâm nhiều đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rất bạo: “Chúng tôi muốn làm bạn của những người giỏi nhất trong kinh tế toàn cầu”. Mình chưa có vị thế gì lắm về kinh tế, có phải tự nhiên làm bạn với người nổi tiếng được đâu! Tiếc rằng, giá 6, 7 năm qua chịu khó quan tâm lắng nghe hoặc chịu gặp gỡ, tôn trọng các tác giả nói trên, thì dù họ chưa hẳn là “những người giỏi nhất” như ông Phúc mong gặp, thì họ cũng có thể kết nối để ông Thủ tướng làm quen với những người giỏi nhất! Và cái “công nghệ 4.0” mong mỏi kia, chắc chắn họ cũng có thể giúp được nhiều lắm.

Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu thêm để ông tìm đọc, ngoài Bản Ý kiến nói trên, nhiều năm gần đây, còn có hàng chục Kiến nghị của những người có học hành có kiến thức, có ý thức xây dựng. Họ cũng đã nung nấu, suy ngẫm cẩn thận về vận nước, đã gắng tìm ra những giải pháp cho sự phát triển lành mạnh, phù hợp xu thế thời đại. Những ý kiến đó đã được gửi qua đường bưu điện theo đúng địa chỉ, nhưng chẳng bao giờ có chút hồi âm nên cùng kì lý, họ phải đưa lên mạng xã hội. Chẳng may, tất cả lại đã bị ông Tổng Bí thư và một số người phụ họa cho vào một rọ với những “thông tin xấu, độc hại”, gọi những người chân thành lo toan cho vận nước là “diễn biến xấu, suy thoái”, là “thành phần bất hảo” v.v. Tôi ngờ rằng, những người nói như vậy chắc không chịu tự mình vào mạng đọc các văn bản đó, mà chỉ thông qua lăng kính của những người thư kí, mà có khi chính thư kí lại nương theo ý thủ trưởng của mình rồi tô vôi bôi phẩm sao cho lọt tai thủ trưởng, thành ra thông tin chẳng bao giờ đến tai các ông trên theo đúng bản chất, nội dung mà văn bản kiến nghị nêu ra.

Là nhà khoa học, chắc chắn ông thừa hiểu, muốn nhận thức một vấn đề gì, đều phải thông qua nghiên cứu nhiều chiều thì mới đạt đến bản chất sự việc, mới là khách quan, khoa học? Chẳng thế mà, trước nay, Thông Tấn Xã VN vẫn thường xuyên cung cấp Tài liệu tham khảo đặc biệt cho các vị Ủy viên Trung ương để các vị tham khảo thêm các thông tin trái chiều, cũng là vì lý do nói trên. (Nhưng có lẽ chẳng mấy vị chịu giành thời gian đọc). Không chỉ riêng tôi, mà dư luận cũng đã từng tin rằng ông có thể khác những người kia. Ngay cả cái đài VOA (của cựu thù) cũng từng nhận xét: “Vào năm 2006, khi được đưa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Trung ương làm Bộ trưởng Giáo dục, Nguyễn Thiện Nhân đã được khá nhiều người dân kì vọng về triển vọng “đưa trí tuệ vào Bộ Chính trị”. Nguyễn Thiện Nhân lại thuộc về số ít, có thể là rất ít trong giới quan chức cao cấp được dư luận nhìn nhận là “sạch”… Ông Nhân chưa hề bị điều tiếng về tham ô hay nhà cửa”… (VOA 10 -5 - 2017) Như vậy ông có điều kiện hơn hẳn nhiều người khác khi phát biểu chính kiến của mình trong các hội nghị quan trọng nhất, hội nghị quyết định nhiều việc thậm chí là động chạm đến vận mệnh của đất nước.

Có một điều khiến nhiều người Việt Nam ta từ lâu đã lo lắng, và gần đây càng lo lắng thêm: trong khi nhiều nước trên thế giới (từ Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Philippines, Campuchia… và nhiều nước châu Phi) đang sập bẫy nợ Trung Quốc; và giữa lúc “Khắp thế giới cấm cửa đầu tư Trung Quốc” (bài trên báo Người Lao Động - báo chính thống) thì Việt Nam đã làm gì? Mong ông hãy nói lên ý kiến của riêng mình khi đã tham khảo nhiều thông tin cần thiết. Bên trong ý kiến đã công khai phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung vừa qua, liệu có còn điều gì ở đâu đó cho nhân dân hi vọng?

Thưa ông, dẫu chẳng muốn nói điều gì làm phật lòng ông, nhưng cũng khó để không trích dẫn ý kiến của một tác giả đăng trên Việt Nam Thời báo mấy ngày trước đây: “Một người lãnh đạo, nhất là tại Trung tâm thương mại phía Nam, có thể thiếu nụ cười thân thiện, có thể thiếu trình độ tiếng Anh, có thể thiếu cả học hàm học vị cao: nhưng nhất thiết không được thiếu sự quan tâm đến vấn đề quốc kế (tôi thêm từ này) dân sinh, không được thiếu sự mạnh mẽ trong giữ lời nói và thực hiện nó. Nếu không thì anh cũng chỉ là con rối không hơn không kém”./.

N.N.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn