Tỏa vào lòng dân như thế nào?

Nguyễn Vũ Bình

Trên mạng xã hội Facebook ngày 14/9 vừa qua có đăng tải một bài viết của tác giả Vũ Thạch, với tiêu đề: “Đã đến lúc giới hoạt động tỏa vào lòng dân”(*). Bài viết hay, nêu ra một phương hướng chiến lược, kết nối cuộc đấu tranh vì dân sinh với phong trào dân chủ. Tuy nhiên, bài viết mới dừng lại ở mức gợi mở vấn đề, và đưa ra một số phương diện để phong trào dân chủ chủ động kết nối với phong trào đòi dân sinh. Trên thực tế, các cá nhân, các tổ chức của phong trào dân chủ đã và đang thực hiện điều này bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhưng trong môi trường cộng sản toàn trị ở Việt Nam hiện nay, hiệu quả của việc kết nối còn rất khiêm tốn. Chúng ta cần tìm hiểu những khó khăn của cuộc đấu tranh vì dân sinh, những khó khăn trong việc kết nối với phong trào dân chủ, những bài học từ những điểm nóng đã ít nhiều thành công… từ đó mới đưa ra được các gợi ý về giải pháp có thể thiết thực, hiệu quả.

1/ Những khó khăn trong đấu tranh đòi quyền dân sinh, những bài học kinh nghiệm

Đấu tranh đòi quyền dân sinh là việc người dân đứng lên đấu tranh bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình theo pháp luật hiện hành. Có rất nhiều ví dụ về phong trào đấu tranh cho dân sinh, như việc giữ đất của người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội); việc đấu tranh chống ô nhiễm môi trường ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi… hoặc đấu tranh di dời và xóa bỏ các trạm BOT đặt sai vị trí, vv… Đã có rất nhiều nơi, người dân bị xâm phạm lợi ích hợp pháp, phần lớn đều cam chịu. Nhưng một số địa phương người dân đã không chấp nhận và đứng lên đấu tranh. Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh của người dân là hoàn toàn không cân sức, vô cùng khó khăn, gian khổ mà phần lớn vẫn chịu cảnh thua thiệt. Tại sao người dân hợp lực đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nhưng phần lớn vẫn thất bại? Có những nguyên nhân sau đây lý giải việc này.

- Tuyệt đại đa số những tiêu cực, hành vi xâm phạm lợi ích của người dân đều được thực hiện bởi đa số quan chức trong hệ thống cầm quyền các cấp. Việc thu hồi, đền bù rẻ mạt, cướp đất, việc lập các trạm BOT hút máu dân, vv… đều được thực hiện bởi một hệ thống cầm quyền các cấp. Đó không phải là quyết định của một hoặc một vài cá nhân mà là cả hệ thống. Chính vì cả hệ thống tham gia nên khi có sự phản kháng, chống đối thì toàn bộ hệ thống được huy động để đàn áp và cưỡng chế người dân. Cả một hệ thống chính trị, với sự gắn kết lợi ích từ việc xâm phạm quyền lợi của người dân, với đầy đủ các ban bệ, gồm cả công an, tuyên huấn, thậm chí quân đội và với nguồn lực nhà nước thì những cá nhân, những nhóm người dân thường không bao giờ có thể kháng cự nổi (đó là nói về nguyên tắc).

- Người dân vì quyền lợi chính đáng của mình lên tiếng, đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn như: nhận thức về pháp luật, không có kinh nghiệm kết hợp, hợp tác và nỗi sợ hãi ăn sâu trong tâm khảm… Về lý thuyết, các cuộc đấu tranh của người dân muốn có kết quả tốt đẹp cần ba yếu tố: có tổ chức; được đào tạo, tập dượt và rèn luyện; quyết tâm và đoàn kết. Ở Việt Nam hiện nay, việc có được cả ba yếu tố này là điều cực kỳ khó khăn, nhất là đối với những người dân thường.

Trong bối cảnh đó, vẫn có những địa phương người dân đã ngăn chặn được những vi phạm, hành vi sai trái, trục lợi của nhà cầm quyền. Chúng ta có thể thấy, điển hình trong số các địa phương này là bà con xã (phường) Dương Nội, quận Hà Đông; bà con xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Đối với bà con phường Dương Nội, với 200 hộ dân từ chối nhận tiền đền bù thu hồi đất, nhà cầm quyền mà đại diện là phường Dương Nội và các doanh nghiệp đã sa lầy không triển khai tiếp dự án được. Bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức đã được chứng minh phần đất của bà con không thuộc đất quốc phòng bằng việc đơn vị quân đội đã làm hàng rào phân chia ranh giới, đồng thời chưa người dân nào trong danh sách khởi tố bị bắt. Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh của bà con hai địa phương trên tạm thời có thắng lợi trên góc độ ngăn chặn được bàn tay tội lỗi của nhà cầm quyền.

Tìm hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh của hai địa phương Dương Nội và Đồng Tâm, chúng ta có thể nhận ra những điều cốt lõi chung, giúp người dân hai địa phương trụ vững và giành kết quả bước đầu tốt đẹp.

+ Nội dung, chủ điểm đấu tranh của người dân hai địa phương là những vấn đề lợi ích thiết thực, sát sườn và sống còn. Đó là việc bảo vệ đất đai, tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân. Không có đất đai canh tác, không có thu nhập cơ bản để tồn tại, người dân sẽ rơi vào thảm cảnh sống nay biết mai, mất gốc. Yếu tố sống còn chính là động lực thúc đẩy người dân đứng lên, quyết tử giữ đất…

+ Người dân sẵn sàng trả giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đối với các cấp cầm quyền cộng sản Việt Nam, khi sự trục lợi bị phát hiện và phản kháng, họ sẽ dùng mọi biện pháp với tất cả quyền lực trong tay để đàn áp, hòng dập tắt cuộc đấu tranh của người dân. Tổng cộng đã có 7 người dân Dương Nội bị bắt tù đày 116 tháng vì phản kháng giữ đất, trong đó vợ chồng chị Cấn Thị Thêu bị 50 tháng tù giam. Những người dân Đồng Tâm, sau khi cụ Lê Đình Kình bị đánh gãy xương hông, và bị bắt đi cùng mấy người nữa, người dân đã bùng nổ và bắt giữ 38 người gồm cảnh sát cơ động, và cán bộ huyện… Họ đã chấp nhận cái giả phải trả cho cuộc chiến giữ đất của mình. Khi đã là vấn đề tranh chấp lợi ích, không chấp nhận trả giá thì rất khó để bảo vệ các quyền lợi, dù rất chính đáng của mình trong chế độ cộng sản.

+ Cả hai địa phương đều nêu cao và bảo đảm tốt yếu tố đoàn kết trong cuộc đấu tranh. Với mưu ma, chước quỷ của nhà cầm quyền khi đã có lợi ích thúc đẩy, thì việc gây ly gián, mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ người đấu tranh là việc làm đầu tiên, được chú trọng. Tuy nhiên người dân hai địa phương đều thấu hiểu nên đã đoàn kết được bền chặt, không mắc mưu gây chia rẽ của cộng sản. Một yếu tố quan trọng giúp cho người dân hai địa phương đoàn kết thành công là họ cùng là hàng xóm, thôn xã với nhau, hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh và cả tính nết của nhau, sống cùng địa bàn nên nhà cầm quyền không thể gây mâu thuẫn, chia rẽ nổi.

+ Nắm vững luật pháp hiện hành, nhất là các nội dung liên quan đến lĩnh vực người dân đấu tranh đòi quyền lợi, và lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Việc nắm vững luật pháp có hai lợi ích. Thứ nhất, tin tưởng việc làm, cuộc đấu tranh của mình là đúng đắn, chính nghĩa và sẽ càng tạo thêm quyết tâm cho người dân. Thứ hai, sử dụng để đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Cả hai địa phương Dương Nội và Đồng Tâm đều thực hiện tốt điều này.

+ Kết nối cuộc đấu tranh vì dân sinh của địa phương với cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc, vận dụng truyền thông nhân dân ủng hộ cuộc đấu tranh của địa phương mình. Đối với người dân Dương Nội, cuộc đấu tranh trải dài 10 năm. Khi đó, phong trào dân chủ còn rất non trẻ. Nhưng từ những năm 2010-2012, khi những cuộc xuống đường của người dân cả nước diễn ra thường xuyên, người dân Dương Nội đã kết nối được với phong trào dân chủ. Họ cũng xuống đường tham gia phản đối Trung Quốc o ép Việt Nam về biển đảo, phản đối chặt cây xanh, phản đối Formosa xả thải ra môi trường… Sự kết nối này đã dẫn tới những ảnh hưởng tốt đẹp, phong trào dân chủ đã kết nối với dân oan các nơi và dân oan Dương Nội. Như vậy, Dương Nội có sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ của phong trào dân chủ.

Đối với Đồng Tâm, cuộc đấu tranh của họ mới bùng phát gần hai năm nay. Mặc dù chưa có nhiều liên hệ với phong trào dân chủ, truyền thông nhân dân nhưng họ đã linh hoạt tận dụng được sức mạnh của phong trào dân chủ và sự quan tâm của truyền thông nhân dân trong những ngày cao điểm, nóng bỏng của cuộc đấu tranh. Gần đây, người dân Đồng Tâm và giới hoạt động đã có sự kết nối mật thiết hơn.

2/ Một số gợi ý để phong trào dân chủ tỏa vào lòng dân

Đứng trước những khó khăn của cuộc đấu tranh chung cũng như cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, các anh chị thuộc giới hoạt động cũng như bà con đấu tranh vì dân sinh cần làm gì để kết nối hai lĩnh vực đấu tranh nhằm đem lại hiệu quả.

a. Đối với giới hoạt động đấu tranh dân chủ

Chúng ta biết rằng, việc kết nối giữa người đấu tranh dân chủ với bà con đấu tranh đòi quyền dân sinh là điều tối kỵ với nhà cầm quyền cộng sản. Lý do là, khi có người thuộc giới hoạt động tham gia, bà con sẽ nắm vững, hiểu biết pháp luật hơn, tinh thần vững hơn, có sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực, vv… và việc đòi hỏi quyền lợi, phản kháng sẽ hiệu quả hơn. Mặt khác, nhà cầm quyền luôn lo sợ giới hoạt động sẽ động viên bà con đòi hỏi những quyền con người, quyền dân sự, chính trị ngoài những quyền dân sinh bà con đang đấu tranh để có được. Chính vì vậy, việc gợi ý cho hoạt động kết nối này cần tính tới thực tế quan trọng đó. Có thể có những gợi ý sau.

- Tiếp tục và tập trung quảng bá phương thức đấu tranh bất bạo động cho người dân. Việc hướng dẫn các nguyên tắc của bất tuân dân sự cần được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là hướng dẫn các kỹ năng hỗ trợ, như sử dụng điện thoại, sử dụng Internet, kỹ thuật truyền thông… để người dân tìm tòi, học hỏi và liên lạc.

- Khi xuất hiện các điểm nóng, cần tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích mọi khía cạnh, đồng thời đưa ra các hướng gợi ý xử lý để người dân tham khảo.

- Kết nối với người dân thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, qua Internet và mạng xã hội facebook. Trong điều kiện cho phép, có thể liên hệ trực tiếp. Từ sự kết nối này, có thể hỗ trợ, giúp đỡ người dân mọi mặt với tất cả các khả năng cho phép của cá nhân hoặc tổ chức.

- Liên tục cập nhật các thông tin, diễn biến của các cuộc đấu tranh đòi dân sinh của bà con. Sẵn sàng lên án và tố cáo những sai trái, vi phạm và sự đàn áp người dân của nhà cầm quyền trên hệ thống truyền thông nhân dân và với thế giới.

b. Đối với người dân đấu tranh vì dân sinh

Đối với người dân đấu tranh vì quyền dân sinh của mình, trong những hoàn cảnh rất khó khăn và khắc nghiệt, cần có ý thức rõ ràng về cuộc đấu tranh chống bất công, cường quyền vô cùng chênh lệch này. Xin được có những gợi ý sau:

- Tuyệt đối chủ động, tự tổ chức việc đấu tranh của mình. Bài học kinh nghiệm của người dân Dương Nội và Đồng Tâm chỉ rõ, chỉ có sự chủ động, tự tổ chức cuộc đấu tranh của mình, người dân mới ngăn chặn được bàn tay tội lỗi, trục lợi từ nhà cầm quyền.

- Tìm hiểu, nghiên cứu và nắm vững luật pháp hiện hành có liên quan trong cuộc đấu tranh. Trong đó bao hàm những luật pháp về khiếu nại, tố cáo cũng như quyền con người cơ bản. Đồng thời, chủ động tìm hiểu cách thức đấu tranh bất bạo động, bất tuân dân sự và học hỏi kinh nghiệm của những địa phương, những điểm nóng khác.

- Chủ động liên hệ, liên lạc với những cá nhân, tổ chức của phong trào dân chủ tìm kiếm sự hỗ trợ về thông tin, pháp lý, kỹ thuật và nguồn lực.

- Xây dựng quyết tâm và đoàn kết ở mức cao nhất có thể trong tập thể đấu tranh của mình./.

Nội, ngày 22/9/2018

N.V.B

__________

(*) Ban biên tập BVN liên kết tới link bài trên baotiengdan.com.

Nguồn:

Phần 1: http://www.rfavietnam.com/node/4701

Phần tiếp theo và hết: http://www.rfavietnam.com/node/4706

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn