Nhân quyền Việt Nam nóng và nóng

1. Còn chần chờ gì nữa thưa các ngài?

Lưu Trọng Văn

Mà gã cứ nghĩ đi nghĩ lại, nhân quyền có gì ghê gớm đâu nhể mà các ngài cứ coi như con hủi ấy. Nào, quyền được biểu đạt chính kiến của mình. Nào, quyền được lập hội. Nào, quyền được tự do dân chủ bỏ phiếu. Nào, quyền được biểu tình ủng hộ cái tốt đẹp, chống lại cái xấu xa. Nào, quyền không bị bất cứ ai áp bức, coi thường, đối xử bất công… L.T.V.

Khốn nỗi, nếu cho người dân hưởng những cái quyền rất rất khiêm tốn kể trên thì tất yếu một cái quyền của đám cầm quyền sẽ bị xóa bỏ, chỉ độc một cái thôi mà họ đã không sao chịu nổi: quyền được vơ vét cướp bóc và bắt, giết khi dân chống lại mình. Bạn chẳng đọc bài thơ Cướp của Nguyễn Duy đang nóng hổi trên mạng đó sao: cướp xưa là cướp đêm còn giờ đây “Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày

Cướp xưa băng nhóm làng nhàng

Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi

Có con dấu đóng đỏ tươi

Có còng có súng dùi cui nhà tù

Cướp xưa lén lút tù mù

Cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa

Con trời bay lả bay la

Cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

Dân oan tuôn lệ ròng ròng

Mất nhà mất đất nát lòng miền quê…

Không, chẳng phải chuyện nhân quyền, cũng chẳng phải chuyện lực lượng thù địch gì đâu, chỉ vì hiện tại chính quyền đã trở thành cướp thì một khi không được ăn cướp nữa… đến loại quan chức tép riu như Nguyễn Thị Quyết Tâm còn kêu oai oái huống gì loại bự hơn đang ngồi chễm chệ trên các thứ ngai vàng.

Vì thế, chúng tôi nghĩ, câu kết giả định của bạn e là đúng, và đúng là lòng dân tan nát mà ra thế đấy, chẳng phải người ta thích “ném đá” đâu bạn ạ.

Bauxite Việt Nam

  

Tại cuộc điều trần Hiệp định thương mại VN và EU, ngài Thứ trưởng bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã cười rất chân tình và pha chút ngượng ngùng khi phải thừa nhận vấn đề "nhân quyền” vượt quá tầm của mình - một Trưởng đoàn đàm phán thương mại.

Thể tất cho ngài Thứ trưởng nhưng gã cảm thấy xấu hổ khi một đại diện nước gã phải thú nhận sự thật về nhân quyền vượt quá tầm của mình - cái mà một đứa trẻ ở châu Âu đã được giảng dạy và thuộc lòng vì đó là bài học vỡ lòng của chúng.

Không có bất cứ lý do gì có thể thanh minh cho một thể chế coi "nhân quyền" là một từ "nhạy cảm" nếu thể chế đó rao giảng vì... dân.

Thưa các ngài, các ngài không thể né tránh được hai chữ "nhân quyền" ở bất cứ đâu trong xã hội văn minh thì cách tốt nhất là đối diện nó.

Gã và dân gã sẽ chia sẻ được hoàn cảnh một nước còn quá nhiều rủi ro bất ổn để chưa đòi hỏi và quyết liệt đấu tranh đòi hỏi những quyền cơ bản của mình nếu các ngài minh bạch quan điểm của các ngài về các quyền ấy cùng lộ trình từng bước cam kết thực hiện các quyền ấy.

Xấu hổ, ê chề, nhục nhã lắm các ngài ơi khi đi đâu người nước ngoài cũng nhòm mình như bọn âm mưu trốn ở lại nước người ta.

Vì sao có quá nhiều người Việt muốn chạy trốn khỏi nước mình?

Tị nạn nhân quyền cho mình và cho con cháu mình.

Mà gã cứ nghĩ đi nghĩ lại, nhân quyền có gì ghê gớm đâu nhể mà các ngài cứ coi như con hủi ấy. Nào, quyền được biểu đạt chính kiến của mình. Nào, quyền được lập hội. Nào, quyền được tự do dân chủ bỏ phiếu. Nào, quyền được biểu tình ủng hộ cái tốt đẹp, chống lại cái xấu xa. Nào, quyền không bị bất cứ ai áp bức, coi thường, đối xử bất công...

Gã vừa qua hầu hết các nước từng là XHCN ở Đông Âu và cả Nga nữa, các quyền ấy đã trở thành đời sống của họ mà nước họ có sụp đổ đâu, ngược lại, càng ngày càng phát triển.

Vậy thì thực chất vấn đề "nhân quyền" là nhạy cảm với vận đảng đang cầm quyền hay nhạy cảm với vận Nước, vận Dân?

Gã rất hào hứng khi Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi các ngài đã minh bạch tuyên bố: lãnh đạo phải coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng.

He he, gã biết “đá” thiên hạ chuẩn bị ném vào gã đây nếu gã kết ở bài này bởi hai chữ: Hy vọng.

FB Lưu Trọng Văn

2. Nhân quyền Việt Nam lại được đề cập tại Nghị viện Châu Âu

Tường An 2018-10-12

Việt Nam tái gia nhập Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) năm 1993, tuy nhiên, cho tới hôm nay, Việt Nam chỉ mới phê chuẩn 21/187 công ước của ILO, trong đó chỉ có 5/8 công ước cơ bản. Còn 3 công ước như công ước số 87 về quyền Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tự do thi hành quyền tổ chức, nói cách khác là quyền tự do thành lập nghiệp đoàn, điều 98 về thương lượng tập thể và điều 105 về cưỡng bức lao động vẫn chưa ký.

Việt Nam và các quốc gia thành viên của Liên Âu đều là thành viên của ILO, vì vậy EVFTA trao quyền phán quyết việc tuân thủ các tiêu chí đã phê chuẩn cho các cơ quan giám sát của ILO. Để thông qua cửa ngõ vào EVFTA, Việt nam sẽ phải phê chuẩn điều khoản 87, 98 và 105. Trong đó, điều 87 về việc thành lập các Nghiệp đoàn độc lập là quan trọng nhất.

clip_image002

Điều trần tại Nghị viện Châu Âu về EVFTA giữa EU và Việt Nam ở Brussels, Bỉ hôm 10/10/2018. RFA

Ngày 10/10 vừa qua, tại số 100 place Luxembourg, Bruxelles, Nghị Viện Âu Châu đã tổ chức cuộc điều trần về đề tài Những Lợi Ích và Giá Trị của Hiệp Định Thương Mại Tư Do giữa Việt Nam và Liên Âu (gọi tắt là EVFTA). Nội dung buổi điều trần được nhắm đến 3 vần đề chính: Lao động, Nhân quyền và Môi trường.

Buổi điều trần có sự tham gia của đại diện Ủy ban Thương Mại Âu Châu là bà Helena Konig và ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Các chuyện gia được mời gồm có ông Nicolas Audier, đại diện Phòng Thương Mại Âu châu tại Việt Nam, bà Karen Curtis, đại diện cho Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO), đại diện Liên Hiệp quốc về môi trường, bà Anja von Moltke, cố vấn kinh doanh của Âu châu, bà Eleonora Catella và đặc biệt, từ Việt Nam có ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động Nhân quyền.

Được mời với tư cách một nhà chuyên môn trong lãnh vực Nhân quyền, dù gặp nhiều trở ngại về mặt hành chánh trước khi rời khỏi Việt Nam. Cuối cùng, ông Nguyễn Quang A cũng đã có mặt tại buổi điều trần để nêu lên 3 điểm, 2 dữ kiện, 5 nhận xét và 3 khuyến nghị.

Hai dữ kiện mà ông Nguyễn Quang A đưa ra là:

-       Văn bản EVFTA: đã được bàn thảo trong nhiều năm qua

-       Tình hình Nhân quyền Việt Nam là xấu và ngày càng xấu đi

clip_image004

Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Nghị viện Châu Âu hôm 10/10/2018 Photo: RFA

Sau đó là 5 nhận xét của ông về khoa học, chính trị, các nghiên cứu về xã hội, các hoạt động của phong trào xã hội dân sự và vấn đề dân chủ hóa Việt nam.

Theo ông, Việt nam sẽ thoát được ảnh hưởng của Trung cộng nếu có Hiệp định Thương mại với EU. Từ đó, ông đưa ra 3 khuyến nghị để giám sát việc thực hiện các điều khoản trong EVFTA, ông cho biết:

«Khuyến nghị thứ nhất là EU phải cố thúc VN phê chuẩn ba hiệp ước của ILO, đó là điều mà tôi thấy hết sức quan trọng. Điều thứ hai: trong cơ chế kiểm tra của EU thì phải mở ra cơ chế để kéo các tổ chức xã hội dân sự, kể cả các xã hội dân sự độc lập, không có đăng ký để tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do này. Và điểm kiến nghị cuối là EU phải dẫn chiếu đến điều khoản hợp tác BCA ký giữa EU và Việt Nam năm 2012, trong đó có những điều khoản nếu Việt Nam vi phạm thì EU có thể chế tài, chúng tôi kiến nghị rằng các ông phải dùng những công cụ như thế để ép Việt Nam thực hiện tốt Hiệp định Thương mại giữ EU và Việt Nam này».

EVFTA khi có hiệu lực sẽ giúp loại bỏ 99% dòng thuế xuất khẩu giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu và ngược lại. Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, có Hiệp định Thương mại tự do với EU.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo đánh giá, sau khi ký kết FTA, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động.

Sau 6 năm khởi động đàm phán, Bà Maria Arena thuộc đảng Xã hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu cho biết không thấy nhiều tiến triển về phía Việt nam, bà nói:

«Năm nay là năm 2018, từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nổ lực của họ».

Việc phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy cho những điều kiện cấu trức xã hội, và những điều kiện ấy tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện Nhân quyền và Dân chủ hóa.

TS. Nguyễn Quang A

Theo góc nhìn của một người hoạt động Nhân quyền, ông Nguyễn Quang A cho rằng hiệp định EVFTA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho việc cải thiện nhân quyền và phát triển của phong trào xã hội dân sự hiện đang bị đàn áp mạnh tại Việt nam.

«Việc phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy cho những điều kiện cấu trúc xã hội, và những điều kiện ấy tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện Nhân quyền và Dân chủ hóa. Những kinh nghiệm lịch sử của thế giới cho thấy rằng một đất nước hội nhập càng sâu vào với thế giới thì áp lực của quốc tế càng có hiệu quả».

Trong khi đó, luật sư Nguyễn văn Đài cho rằng Việt Nam phải cải thiện Nhân quyền trước khi được phê chuẩn hiệp định thương mại này:

«Về bối cảnh Nhân quyền thì cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền trước khi Quốc hội EU thông qua Hiệp định Thương mại giữa hai nước, còn sau khi Việt Nam đã gia nhập vào, hiệp định đó đã được ký kết thì rất là khó khăn để ép buộc nhà nước Việt Nam phải cải thiện Nhân quyền».

Ông Nguyễn Quang A cho biết có nhiều ý kiến trái chiều trong phong trào xã hội dân sự trong nước về việc Việt Nam  vào FTA, một số ý kiến ủng hộ cũng như nhiều ý kiến phản đối, theo ông Nguyễn Quang A, cần có một sự thảo luận đúng đắn để nêu lên những cái lợi và hại của vấn đề này, ông nói:

«Cần có một sự thảo luận rất là đường hoàng giữa tất cả những tổ chức xã hội dân sự để chúng ta hiểu kỹ hơn về hiệp định này như thế nào? Nó tác động ra sao về dài hạn, trung hạn và kể cả ngắn hạn, và nếu chúng ta hiểu kỹ thì tôi nghĩ rằng số người ủng hộ sẽ nhiều hơn».

Việt Nam tái gia nhập Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) năm 1993, tuy nhiên, cho tới hôm nay, Việt Nam chỉ mới phê chuẩn 21/187 công ước của ILO, trong đó chỉ có 5/8 công ước cơ bản. Còn 3 công ước như công ước số 87 về quyền Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tự do thi hành quyền tổ chức, nói cách khác là quyền tự do thành lập nghiệp đoàn, điều 98 về thương lượng tập thể và điều 105 về cưỡng bức lao động vẫn chưa ký.

Việt Nam và các quốc gia thành viên của Liên Âu đều là thành viên của ILO, vì vậy EVFTA trao quyền phán quyết việc tuân thủ các tiêu chí đã phê chuẩn cho các cơ quan giám sát của ILO. Để thông qua cửa ngõ vào EVFTA, Việt nam sẽ phải phê chuẩn điều khoản 87, 98 và 105. Trong đó, điều 87 về việc thành lập các Nghiệp đoàn độc lập là quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại là Việt Nam sẽ thành lập những nghiệp đoàn độc lập trá hình, về việc này, ông Nguyễn Quang A cho ý kiến:

«Cái đó rất có thể, về việc này, nếu chúng ta biết trước thì chúng ta phải có cách để đối phó bằng cách vạch mặt đây không phải là tổ chức nghiệp đoàn thật mà đây là tổ chức nghiệp đoàn trá hình. Nhưng cái quan trọng là nếu người ta phê chuẩn công ước ILO thì có nghĩa là công nhân Việt Nam nghiễm nhiên là có quyền đó và tôi phải nói thực thực sự ngay bây gờ công nhân Việt nam cũng có cái quyền đó, chỉ có cái là nó chưa được luật hóa một cách chi tiết ra và lúc bấy giờ là hoàn toàn phụ thuộc vào chính người Việt Nam chúng ta có thực thi cái quyền đó của mình hay không?».

clip_image006

Thứ trưởng Thương mại Trần Quốc Khánh tại Nghị viện Châu Âu hôm 10/10/2018. RFA

Mặc dù người bảo vệ của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Thứ trưởng không trả lời phỏng vấn, nhưng sau buổi điều trần, chúng tôi cũng đặt được vài câu hỏi chớp nhoáng với người đại diện cho Việt Nam trong buổi điều trần.

Ông Khánh đánh giá buổi điều trần diễn ra tốt đẹp. Khi được hỏi về vấn đề nhân quyền như một trong các điều kiện để đạt được EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói:

«Việt Nam và EU đã có một lịch sử đối thoại rất là dài với nhau về Nhân quyền, tôi tin rằng hai bên sẽ càng ngày càng hiểu nhau hơn và nếu có vấn đề gì thì sẽ cùng giải quyết».

Trong khi đó thứ trưởng Công an, Thượng Tướng Lê Quý Vượng đã có lần cho rằng EU không hiểu rõ cơ chế Việt Nam khi gắn chặt các đòi hỏi về nhân quyền với Hiệp Định Thương Mại Tự do.

Buổi điều trần có rất đông đại diện các dân biểu, nghị sĩ cũng như những tổ chức NGO chứng tỏ sự quan tâm của họ về Hiệp định này, về phía Việt nam cũng có một phái đoàn hơn 10 người tham dự. Nhận xét về buổi điều trần vừa qua, ông Nguyễn Quang A chia sẻ:

«Tôi tham dự lần đầu tiên nhưng tôi thấy rất là hay, người ta xới lên rất là nhiều vấn đề và những ý kiến về vấn đề Nhân quyền, về vấn đề môi trường, về vấn đề Pháp trị của VN là những vấn đề mà được giới Âu châu nêu lên. Nếu những người trong phái đoàn chính phủ VN tham dự cuộc điều trần này truyền đạt lại một cách trung thành cho những người có trách nhiệm tại VN thì tôi nghĩ những người có trách nhiệm tại VN họ cũng phải để ý đến những ý kiến của Châu Âu này và lúc đó họ phải ứng xử một cách phù hợp».

EVFTA được khởi động đàm phán từ tháng 6-2012. Cho đến nay, hai bên đã có 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều vòng đàm phán giữa kỳ. EVFTA chính thức kết thúc đàm phán tháng 12 năm 2015 và dự định ký kết trong tháng 12/2017, sau đó được hoãn lại tới đến giữa năm 2018, nhưng sau đó lại được hoãn lại đến tháng 3 năm 2019.

Cuộc điều trần ngày 10/10 vừa qua rất có thể sẽ là yếu tố quyết định con thuyền EVFTA sẽ ghé bến vào tháng 3 năm tới hay lại phải tiếp tục cuộc hành trình đầy chông gai của nó.

T.A.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/public-hearing-evfta-in-european-parliament-10122018121459.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn