Về việc “nhứt thế hóa” hai chức danh “Tổng bí thư” và “Chủ tịch nước”

Trương Nhân Tuấn

Dư luận về việc hợp nhất hai chức danh đang rất sôi nổi. Có người ùng hộ, như tinh thần bài viết của Huy Đức mà BVN đã đăng hôm qua (xem ở đây, hoặc ở đây); có người phản đối, như trong bài của tác giả Trương Nhân Tuấn dưới đây. Chúng tôi có phần đồng tình với tác giả Trương Nhân Tuấn, nghĩ rằng: cái gọi là ‘tính chính danh’ thực ra, từ lâu, nó đã không quá quan trọng ở cái nước Việt nam này. Đã chẳng có hẳn điều 4 trong Hiến pháp cho phép Đảng ‘chính danh’ áp đặt lên dân tộc tất cả những gì Đảng muốn đấy thôi? Và bấy lâu nay cũng vì quán triệt thực hiện ‘chính danh’ ấy mà ngài Tổng bí thư đã chẳng thể hiện quyền nghiêng thiên hạ, đã làm nghiêng ngả con thuyền Việt Nam rồi đó. Nay, thêm chút ‘chính danh’ này nữa thì thành ra là ‘chính danh kép’? Với chính danh kép này, chắc hẳn ngài Tổng sẽ còn khiến con thuyền Việt Nam chòng chành nghiêng ngả ghê gớm hơn thế nữa, chòng chành đến mức ngả hẳn vào lòng láng giềng phương Bắc chăng?

Bauxite Việt Nam

Có người hỏi ý kiến của tôi về nhận định của ông Trương Huy San về việc “nhứt thế hóa” hai chức danh “tổng bí thư” và “chủ tịch nước”.

Ý kiến của tôi là dè dặt trên những nhận định của nhà báo Trương Huy San. Những nhận định của nhà báo này về tính “chính danh”, về nền “cộng hòa”, về chế độ “bán tổng thống”… là chưa tương ứng với những định nghĩa thông thường.

Trong các chế độ cộng hòa, quyền lực không có kế thừa và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tính chính danh của quyền lực được bảo đảm bằng sự chuẩn nhận của toàn dân, qua hình thức phổ thông đầu phiếu.

Trên quan điểm này thì ở Việt Nam, tất cả các quan chức nắm quyền lực trong nhà nước không ai có “chính danh”. Chủ tịch nước, Thủ tướng… được Quốc hội bầu lên nhưng tất cả các đại biểu Quốc hội đều là người của đảng hay do đảng đề cử. Đây là nguyên tắc “dân chủ tập trung” của mô hình nhà nước Sô Viết mà VN (và TQ) áp dụng từ nhiều thập niên qua. Mọi quyền lực nhà nước đều nằm trong tay đảng.

Nhưng nếu nhận định trên bản Hiến pháp của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, “đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Thì người đứng đầu đảng, tức vị Tổng bí thư, là người lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đây là tính “chính danh” của Tổng bí thư đảng, (theo mô hình tổ chức nhà nước Sô Viết).

Vì vậy nói rằng “Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam” của Trương Huy San là không đúng.

Ta có thí dụ là ông Nikita Khouchtchev ngày trước vốn là Tổng bí thư, chỉ nắm chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Thủ tướng, trên nguyên tắc đứng hàng thứ ba trong hệ thống quyền lực Sô viết. Thực tế thì ông này mới là người đại diện cho Liên Xô, về mọi mặt đối nội lẫn đối ngoại.

Ý kiến về “nền cộng hòa”, theo tôi, VN (và TQ) không phải là những nhà nước xây dựng trên nền tảng “cộng hòa” đúng thực chất.

Nền “cộng hòa” được xây dựng lên nhằm đối lập với các chế độ phong kiến đế quyền. Quyền lực trong chế độ cộng hòa không có kế thừa (như trong chế độ phong kiến đế quyền).

Quyền lực nhà nước ở các quốc gia như VN và TQ đều tập trung vào đảng. Đảng thể hiện như một “chân mạng thiên tử”, các đảng viên thế hệ này qua thế hệ khác cứ thay thế lẫn nhau tiếm quyền của nhân dân “thay trời hành đạo”. Tức là quyền lực nhà nước lại được “kế thừa” trong đảng, như dưới thời phong kiến đế quyền. Điều này trái ngược với khái niệm “cộng hòa”.

Về chế độ “bán tổng thống”, đều này cần được nhà báo Trương Huy San định nghĩa rõ rệt. Bởi vì, nếu chế độ “bán tổng thống” có nghĩa như là “semi présidentiel” của Pháp. Theo đó chế độ này là chế độ hỗn hợp giữa mô hình “tổng thống chế” và “đại nghị chế”. Tổng thống được bầu theo thể thức trực tiếp và phổ thông. Tổng thống có đặc quyền riêng biệt và một nội các (chính phủ) chịu trách nhiệm trước quốc hội.

Tức là việc “nhất thể hóa” hai chức danh “tổng bí thư” cà “chủ tịch nước” của VN (và TQ) không có chút quan hệ nào với chế độ “semi présidentiel” của Pháp hết cả.

Ý kiến của tôi, việc “nhất thể hóa” hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nếu xảy ra trong thời gian tới, là một quá trình “logic” từng bước rập khuôn theo mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc.

VN luôn là “một bản sao không hoàn chỉnh” của TQ từ thời lập quốc cho tới nay (ngoại lệ với VNCH 1954-1975). Từ khi có cuộc chiến biên giới 1979, tâm lý người dân VN có nhiều “nhạy cảm” đối với TQ, mặc dầu quan hệ ngoại giao hai bên thiết lập lại với những cam kết của lãnh đạo cấp cao “4 tốt và 16 chữ vàng”. Vì vậy lãnh đạo CSVN cố ý “làm khác” với TQ để nhân dân không dị nghị, như duy trì nguyên tắc “tứ trụ”, quyền lực phân bổ đồng đều giữa 3 chức danh với ba miền. Vị tổng bí thư đóng vai trò “nhiếp chánh” kiểm soát và cân bằng quyền lực.

Vì vậy tôi rất hoài nghi (sẽ trở thành hiện thực) các nhận định về khả năng “cải cách chế độ” của nhà báo Trương Huy San. Việc “nhất thể hóa” của TQ đến nay đã sinh ra một Tập Cận Bình, với quyền lực tập trung trong tay như một Mao Trạch Đông thứ hai. Quyền lực (và vị thế) của Tập Cận Bình đang bị thách thức.

Cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi đầu có nguyên nhân đến từ sự “ngạo mạn” về một “TQ vượt qua Mỹ” của họ Tập. VN đi theo con đường TQ là “cải cách” ngược, là trở về thời “chống Mỹ” của Lê Duẩn.

Cái cần thiết cho VN hiện nay (để cất cánh thành rồng) là “thoát Trung”, là dân chủ hóa chế độ, chớ không phải nhứt cử nhứt động đều rập khuôn theo TQ.

T.N.T.

Nguồn: FB Nhân Tuấn Trương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn