Hợp tác với Mỹ

Vũ Quang Việt

(1 tháng 6 năm 2015)

Vài lời nói thêm

(11/13/2018)

Bài này viết từ năm 2015 nhưng chỉ được trao đổi trong nhóm nhỏ những người quan tâm. Có lẽ công bố bây giờ cũng không muộn.

Tập Cập Bình tháng 10 mới đây bỏ 4 ngày thăm căn cứ quân sự miền Nam TQ, lên tiếng cho rằng TQ sẽ không từ bỏ một tấc đất thuộc chủ quyền của họ và lệnh cho lực lượng quân sự TQ ở thế sẵn sàng chiến đấu. Cuộc họp mới đây giữa Mỹ và TQ (9/11/2018) cũng thất bại vì Mỹ đòi hỏi TQ thi hành cam kết không quân sự hoá Biển Đông và tôn trọng quyền tự do hàng hải và không lưu ở đó mà TQ đang vi phạm. Còn TQ đòi hỏi Mỹ chấm dứt thực hiện quyền đi lại của chiến hạm Mỹ, và trả lời lấp liếm cho rằng TQ bồi đắp và xây dựng là ở vùng lưỡi b (gần 80% Biển Đông Nam Á) thuộc chủ quyền của họ, không phải với mục đích quân sự mà là “xây dựng những cơ sở an ninh nhất định đáp lại các mối đe dọa tiềm năng từ bên ngoài”, và “không có chuyện tự do hàng hải và đường bay trên không bị cản trở”. Tất nhiên hiện nay TQ chưa đủ lực để cản trở nhưng trong tương lai khi điều kiện chín muồi, họ sẽ đòi hỏi các nước khác xin phép và cho tầu chiến ra bảo vệ hoạt động khai thác của họ ở Vùng lưỡi bò (tức là Biển Đông Nam Á) như đánh cá, khai thác dầu khí và khoáng sản và xua đuổi các nước khác “xâm phạm lãnh thổ họ”.

Tình hình ở Biển Đông Nam Á căng thẳng hơn trước, không chỉ vì Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Thực tế là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã thấy rõ ý đồ muốn kiểm soát Biển Đông Nam Á của TQ và đều muốn có những hành động không chấp nhận những bãi cát mà TQ đã xây lên từ khu vực thuộc hải phận quốc tế và muốn ngăn chặn TQ biến chúng thành căn cứ quân sự. Mỹ đã cho tầu chiến đi vào trong vùng 12 dặm quanh các vùng TQ bồi lên ở vùng biển quốc tế mà theo Luật Biển LHQ không thể thuộc chủ quyền của riêng ai.

Tuy thế trong hiện tại và tương lai, không có nghĩa là Mỹ muốn và có khả năng quân sự và chính trị để cô lập TQ như đã làm với Liên Xô trước đây. Ngay cả các nước khu vực cũng không muốn thế, vì nó ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế đang có với TQ của mọi nước. Tuy vậy, các nước có quyền lợi ở Biển Đông Nam Á đều có thể hợp tác nhằm tự vệ và bảo vệ quyền lợi chung như quyền đi lại và quyền tham dự khai thác khu vực quốc tế ở Biển Đông, theo đúng như Luật Biển LHQ. Qua tuyên bố của Phó Tổng thống Pence (4/10/2018), Mỹ cũng “muốn có một quan hệ mang tính xây dựng đối với Bắc Kinh mà sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta cùng nhau thay vì rẽ lối lớn mạnh” và “quả quyết rằng chúng tôi sẽ không lùi bước chừng nào quan hệ với TQ chưa đặt trên nền tảng công bình, có qua có lại, và tôn trọng chủ quyền của chúng tôi”.

Như thế, nhu cầu hiển nhiên là việc thiết lập một cơ chế mới gồm các nước tham gia hợp tác chiến lược bảo vệ hòa bình và công lý, kể cả việc hợp tác khai thác tài nguyên ở vùng biển quốc tế (the Area) trong Biển Đông Nam Á, mà tài nguyên ở đó theo đúng Luật Biển LHQ là tài nguyên chung của nhân loại (Điều 136, Luật Biển) đặt dưới sự quản lý khai thác của Cơ quan Công quyền Đáy Đại dương Quốc tế (International Seabed Authority). Có thể gọi đó là Ủy ban liên quốc gia thực hiện Luật Biển LHQ nhằm bảo vệ hoà bình và khai thác chung ở vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông Nam Á. Tất nhiên các thành viên sẽ chào đón Trung Quốc tham gia nếu họ đồng ý với những điểm cơ bản của Ủy ban, đó là Luật Biển LHQ, bời vì TQ cũng có quyền lợi ở đó.

1. Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc kinh tế, với dự trữ ngoại tệ lên tới 3800 tỷ USD vào cuối năm 2013, có GDP năm 2013 tính bằng USD là 9.2 ngàn tỷ, bằng 55% GDP của Mỹ (16.8 ngàn tỷ) và gần gấp đôi Nhật (4.8 ngàn tỷ) mà vào năm 1970, chỉ bằng 14% Nhật và 4% Mỹ. Nếu TQ tăng với tốc độ trung bình năm là 5% và Mỹ là 3% thì TQ sẽ bằng Mỹ vào năm 2045, sau 32 năm. Dù dân chúng sẽ vẫn có mức thu nhập thua xa Mỹ và nhiều nước khác, TQ vì có có nền kinh tế lớn, và lại là một nước độc tài, có thể dễ dàng đẩy cao thêm tỷ lệ GDP chi cho quân sự. Và TQ hiện nay đã thực sự làm thế, tăng chi cho quân sự từ 1.7% GDP những năm 1990 lên 2.1% những năm gần đây, nhưng dù thế, khó có thể so với Mỹ có lúc lên đến gần 6% GDP và hiện nay là 3.8%; đó là chưa kể tới chi tiêu của các nước đồng minh của Mỹ. Với mục tiêu phục hồi giấc mộng bá vương ít nhất là ở châu Á, TQ đã và đang xây dựng lực lượng hải quân, tuyên bố và có hành động kiểm soát Biển Đông Nam Á, lợi dụng lúc Mỹ đang phải chi phí lớn cho các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. TQ đang trở thành mối đe dọa cho rất nhiều nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhưng trơ trọi một mình. Vì thế, cuộc phiêu lưu quân sự nhằm đòi hỏi quyền lợi này chỉ thành công nếu các nước trong khu vực, Mỹ và đồng minh của Mỹ bấm bụng chịu nhường để tránh chiến tranh hoặc rã đám vì lợi ích riêng. TQ chỉ chờ có thế.

2. Chính sách bành trướng và yêu sách đòi chủ quyền trên vùng biển quốc tế, và tranh chấp chủ quyền với nước khác là lý do mà một số nước khu vực nghĩ đến chiến lược liên minh với Mỹ nhằm tự bảo vệ mình. Nhưng cũng chính vì vậy, chữ đồng minh (alliance) hay liên minh đã được dư luận ở Việt Nam dùng rất tùy tiện hoặc hiểu một cách tùy tiện. Vậy đồng minh là gì? Nội dung của đồng minh nếu có với Mỹ là gì? Trên cơ sở mục tiêu nào cho phép đánh giá vào thời điểm hiện nay và trong tương lai gần, có thể có tình thế nghiêm trọng đến mức mà người Mỹ cần liên minh với VN để sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, coi như nhiệm vụ bảo vệ VN cũng là nhiệm vụ bảo vệ chính mình không? Nếu tình thế chưa đến mức nghiêm trọng thì cấu trúc hợp tác với Mỹ và các nước nên mang hình thức gì nhằm bảo vệ hòa bình ở khu vực Biển Đông Nam Á Nam Á? Câu hỏi sau là vấn đề bài viết lý giải.

Đồng minh NATO

3. Đồng minh hiểu theo nội dung chứa đựng trong khối Nato hay Warsaw Pact phải là sự ăn thề bảo vệ lẫn nhau, coi như nếu một nước bị tấn công thì cũng như chính mình bị tấn công, nhằm một mục đích rõ ràng và duy nhất là chống lại sự bành trướng của Liên Xô. Loại đồng minh này được gọi là đồng minh NATO. Hiệp ước NATO (North Atlantic Treaty) có một số đặc điểm. Nó được quốc hội các nước thông qua. Điều 5 của Hiệp ước NATO quy định rằng khi một nước thành viên bị tấn công thì tất cả các nước thành viên khác đều phải coi là mình bị tấn công và phải phản ứng đánh trả, tự động và ngay lập tức (forthwith). Hiệp ước NATO còn có trung tâm điều hành và quân đội thường trực và căn cứ quân sự đóng ở nhiều nước thuộc NATO nhằm phản ứng kịp thời và tức khắc khi bị tấn công.

Đồng minh phi-NATO

4. Có một loại đồng minh với Mỹ nữa, được gọi là đồng minh phi-NATO. Một số nước được Quốc hội Mỹ thông qua chấp nhận tư cách đồng minh phi-NATO (nonNATO ally), trong đó có Phi, Thailand, Nhật, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan nhưng đây không phải là cam kết bảo vệ lẫn nhau, cho nên chữ đồng minh ở đây có nghĩa khác với đồng minh NATO (NATO ally). Cam kết của đồng minh phi-NATO không có sức nặng bằng cam kết mà Điều 5 của NATO đề ra. Với đồng minh phi-NATO, Mỹ chủ yếu cam kết bảo vệ nước được ký kết, nhưng cam kết này không có tính tự động, và cao thấp về mức độ cam kết còn tùy theo hiệp ước với từng nước. 5. Thái Lan được coi là đồng minh phi-NATO của Mỹ nhưng cam kết chỉ dựa vào Hiệp ước Manila 1954 và Thỏa thuận Thanat-Khoman 1962 (còn gọi là Rusk-Thanat) cho phép Mỹ giúp Thái khi Thái bị tấn công và dùng căn cứ U-Tapao nếu cần. Thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực nhưng yếu ớt sau khi SEATO giải tán vào năm 1977. 6. Cam kết đồng minh phi-NATO giữa Mỹ là Phi, coi bất cứ cuộc tấn công quân sự nào vào lãnh thổ Thái Bình Dương hay lãnh thổ của hai nước thì hai nước phải hợp tác đối đầu lại và tham khảo nhau khi bị đe dọa. Hiệp ước này ở mức cao hơn so với ký kết với Thái nhưng thấp hơn nhiều so với NATO. Phi ký Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với Mỹ từ 1951, gần đây được bổ túc bằng Hiệp định Tăng cường Hợp tác Phòng thủ năm 2013 (Enhanced Defense Cooperation Agreement 2013). Hiệp định này cho Mỹ được phép sử dụng 8 căn cứ ở Phi. 7. Cao nhất trong đồng minh phi-NATO là Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Mỹ và Nhật. Nhật và Mỹ vừa ký kết Hướng dẫn (Guidelines) mới vào tháng 4 năm 2015 nhằm tăng cường Hiệp ước cam kết giữa Bộ Quốc phòng hai nước, cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự khi cần. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhật trong Hướng dẫn mới đã xác định lại là Mỹ “cam kết vững vàng như sắt đá bảo vệ an ninh của Nhật bằng mọi khả năng quân sự, kể cả hạt nhân và thông thường” và “tái xác định nhóm đảo Senkaku là lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật và vì thế nằm trong cam kết của Điều 5 trong Hiệp ước Hỗ tương Hợp tác và An ninh [giữa Mỹ và Nhật]”. Quan trọng thứ hai là vai trò của Úc - New Zealand với Hiệp ước An ninh và sau đó là Nam Hàn với Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương. Hợp tác chiến lược

8. Cụm từ hợp tác chiến lược (strategic cooperation) nghe rất kêu nhưng thực chất là hợp tác ở mức thấp hơn nhiều so với đồng minh phi-NATO. Hiện nay, Việt Nam có ký kết hợp tác chiến lược với 17 nước trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, và cả Tây Ban Nha và Ý. Mỹ và Úc chỉ muốn dùng chữ đối tác toàn diện (comprehensive partnership) vì muốn nhấn mạnh đến các hợp tác khác hơn là quốc phòng như kinh tế, y tế, giáo dục, v.v. Đối tác chiến lược thường phải mang tính lâu dài, với mục đích rất rõ ràng là minh bạch chính sách, thông tin nhằm hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm có thể gây ra xung đột, do đó có các chương trình trao đổi gặp gỡ nhau thường xuyên ở mức hàng năm, kể cả tập trận chung, và cũng có thể có đường dây nóng, ở cấp thấp hay cấp bộ trưởng để tránh xung đột vì hiểu nhầm.

Chính sách ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam

9. Chính sách quốc phòng của Việt Nam theo Sách Trắng Quốc phòng 2009 “mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình” và thể hiện thêm qua, nói một cách tóm lược, chính sách ba “không” và một “có”, mặc dù giới phân tích chỉ nhấn mạnh đến “3 không”:

1. “Không tham gia các tổ chức liên minh quân sự để chống lại nước khác”,

2. “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại nước khác, hoặc”

3. “Không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.

1. “Đồng thời, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi”.

10. Chính sách trong Sách Trắng khi áp dụng với Trung Quốc có thể thể hiện như là Việt Nam cam kết không để bị sử dụng bởi bất cứ nước nào chống và biến thành mối đe dọa cho an ninh cho Trung Quốc, nhưng Việt Nam sẽ hợp tác với bất cứ ai nhằm bảo vệ độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, trong đó có quyền tự do đi lại trong và trên Biển Đông Nam Á theo đúng luật Biển Liên Hiệp Quốc và quyền đối với các đảo thuộc chủ quyền của mình. Đây là chính sách VN cần làm rõ, minh bạch với mọi nước kể cả TQ để không có thể hiểu lầm. Mọi khác biệt liên quan đến tranh chấp chủ quyền được giải quyết bằng thương thảo và các biện pháp hòa bình.

Về hợp tác với Mỹ đối với vấn đề Biển Đông Nam Á

11. Hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam rõ ràng là có giới hạn, giới hạn này là mọi hành động của Mỹ hay VN không thể và không nên nhằm vào mục đích khiêu khích đe dọa an ninh của TQ nhưng sẵn sàng tự vệ và bảo vệ quyền lợi chung dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển LHQ. Mục tiêu hiện nay và dài lâu của Mỹ có thể chỉ nhằm nâng cao khả năng quân sự của Việt Nam và một số nước khác ở ASEAN để tự đối phó với TQ. Với những giới hạn trên, những tuyên bố hay hành động trong hợp tác chiến lược là những biện pháp vừa có tính chất cảnh báo, vừa có thể đưa tới các hành động chung phản ứng lại các hành động thiếu thiện chí của TQ trong một khung chuẩn về hành động mà mọi nước đồng thuận khi tham gia là dựa trên biện pháp hòa bình. Hướng hành động chung ấy là gì, và hành động chung loại nào nằm trong hợp tác chiến lược?

12. Hiện nay chính sách của Mỹ chỉ rõ ràng ở 3 điểm và mới khởi động thêm điểm 4, đó là:

  1. Tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông Nam Á;

  2. Không đứng vào bên nào trong tranh chấp chủ quyền;

  3. Khuyến khích các nước giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình thông qua luật quốc tế, trong đó có luật biển;

  4. Mới đây nhất (21 tháng 5, 2015), xác định quan điểm theo như điều 121(1) của Luật Biển là không chấp nhận việc xây đảo nhân tạo, nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế, biến khu đá ngầm thành đảo để yêu sách chủ quyền, và tỏ thái độ này bằng hành động cụ thể là cho máy bay bay qua vùng đảo nhân tạo TQ xây lên ở Mischief. Hai bên sau đó dịu giọng ở Hội nghị Shangri-La ở Singapore, điều đó không có nghĩa là Mỹ chấp nhận TQ, mà như Mỹ phát biểu là họ “sẽ bay qua, đi qua, hành động ở bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép” và “sẽ không có thể ngăn cản Mỹ cũng như các nước đồng minh và đối tác nằm trong cơ chế khu vực thực hiện quyền này, quyền của tất cả các nước,” kết án TQ “đi quá xa và quá nhanh so với bất cứ nước nào” trong yêu sách chủ quyền, “vượt qua các qui định quốc tế” và Mỹ muốn “khu vực hiểu rằng Mỹ cam kết lâu dài... và sẽ giúp bảo đảm an ninh và ổn định của khu vực châu Á Thái Bình Dương hàng thập kỷ sắp tới”. Tất nhiên, lời nói là cần thiết nhưng dư luận vẫn chờ đợi những hành động kịp thời và khôn ngoan.

13. Về hành động cụ thể, Mỹ sẽ điều 60% lực lượng hải quân về châu Á, dù với mục tiêu không được xác định rõ ràng và cụ thể, nhưng dù sao cũng mang tính chất cảnh báo TQ. Rõ ràng đây là hành động đơn phương của Mỹ (dù được nhiều nước khu vực ủng hộ), không cần phải có hợp tác chiến lược. Hiện nay, Mỹ chỉ là đồng minh ở cấp bậc hạng hai dạng phiNATO với hai nước ASEAN là Thái Lan và Phi, chưa phải là đồng minh theo cấp bậc NATO với bất cứ nước nào ở khu vực ASEAN theo nghĩa cam kết bảo vệ lẫn nhau và phải có hành động tức khắc khi một đồng minh bị tấn công, theo như Điều 5 của Hiệp ước NATO.

14. Liệu Mỹ có muốn tạo ra một Hiệp ước đồng minh phi-NATO với ASEAN hoặc với các nước khác ở Đông Nam Á không? Điều này có lẽ là không, và dù có đi nữa thì tính chất của nó cũng thuộc hạng thấp hơn so với tính chất đồng minh phi-NATO giữa Mỹ và Thái. Lý do là trong tình hình hiện nay, người Mỹ khó l ng chấp nhận hy sinh để bảo vệ Việt Nam chẳng hạn, và chưa đến lúc cần phải bao vây Trung Quốc. Nhu cầu chính hiện nay là phản ứng bác bỏ một cách minh bạch ý đồ kiểm soát và độc chiếm Biển Đông Nam Á của Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục cộng tác về mọi lãnh vực với TQ một cường quốc đáng kể, với hy vọng TQ chấp nhận sống chung hòa bình với mọi người. Nhu cầu này đòi hỏi việc xác định rõ ràng mục tiêu và và xây dựng một cấu trúc hợp tác toàn diện để chống lại ý đồ trên bằng các phương tiện hòa bình. Nhưng cũng cần nhận định là một cường quốc đại diện cho tư tưởng tiến bộ về dân chủ và tự do như Mỹ không thể bỏ rơi một số đồng minh ở châu Á, bỏ của chạy lấy người, nhượng địa cho một quốc gia độc tài, Hán tộc chủ nghĩa và bành trướng như TQ.

Cấu trúc hợp tác mới với Mỹ

15. Cần thiết lập một cơ chế mới gồm các nước tham gia hợp tác chiến lược bảo vệ hòa bình và công lý ở Biển Đông Nam Á, và có thể coi đây là thứ “đồng minh vụ việc cụ thể”. Bởi vì có một số nước trong ASEAN không quan tâm đến Biển Đông Nam Á và có thể còn sẵn sàng chờ thời, không cùng tiếng nói với các nước có lợi ích ở Biển Đông Nam Á, nhằm đạt được lợi ích cao nhất về kinh tế với Trung Quốc, cấu trúc hợp tác liên quan tới Biển Đông Nam Á trên không cần sự tham gia của toàn bộ các nước ASEAN, nhưng có tính mở với thành viên sẵn l ng (coalition of the willing), mở rộng đối với các nước có lợi ích gắn chặt với Biển Đông Nam Á. Để bảo đảm có sự thống nhất của hợp tác, ngoài chủ trương của Mỹ hiện nay đã bàn ở đoạn 12, có thể cần thêm các thỏa thuận dưới đây nhằm giảm thiểu tranh chấp trong nhóm nước hợp tác. Những thỏa thuận này, nếu Việt Nam là nước đề nghị, sẽ đặt Việt Nam ở một tầm cao vì hòa bình và hợp tác khu vực, cao hơn là “lợi ích quốc gia” biểu hiện trong khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,” nhất là vế sau của khẩu hiệu. Sau đây là những thỏa thuận cần thiết cho hợp tác:

  1. Mọi nước không chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trong và trên vùng lưỡi b, tức là không chấp nhận yêu sách chủ quyền biển không dựa vào chủ quyền cấu trúc đất đá tự nhiên nổi trên mặt nước vào bất cứ lúc nào.

  2. Mọi nước đồng thuận là các đảo nhỏ ở Biển Đông Nam Á không có EEZ và nếu là đá thì chỉ có 12 dặm lãnh hải.

  3. Mọi nước từ bỏ việc đòi chủ quyền ở những đảo/đá ngầm nằm trong EEZ của nước khác trừ trường hợp có tính nguyên tắc là chủ quyền này đã được các nước trên thế giới công nhận và các nước có liên quan công nhận (điều ngoại lệ này không hiện diện ở Biển Đông Nam Á). Đồng thuận này sẽ ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của VN ở những đảo nằm trong EEZ của Phi, Brunei và Mã hiện nay. Nó cũng ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam trong khu vực EEZ của Phi. iv. Mọi nước chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật biển và luật quốc tế, cũng như các tiền lệ về giải quyết chủ quyền của t a án quốc tế.

  4. Mọi nước chấp nhận thương thảo để đưa đến đồng thuận chia sẻ tài nguyên ở vùng nước và dưới đáy biển ở vùng nằm ngoài EEZ hiện nay của các nước và nằm ngoài 12 dặm các đảo/đá đang tranh chấp hiện nay. Vùng EEZ phải dựa trên đường cơ sở (baseline của quốc gia có biển) chứ không phải dựa vào yêu sách của các nước và phải được thẩm định của Ủy ban chuyên môn của Liên Hợp Quốc mà Luật biển đã qui định và có hướng dẫn thực hiện. Chiều dài của đường cơ sở bao quanh Biển Đông có thể là cơ sở để phân chia tài nguyên.

16. Từ các thỏa thuận nêu ra ở đoạn 12 và 15, các nước tham gia hợp tác chiến lược bảo vệ hòa bình và công lý ở Biển Đông Nam Á sẽ thiết lập một Ủy ban liên quốc gia thực hiện Luật Biển LHQ nhằm bảo vệ hòa bình ở Biển Đông Nam Á với nhiệm vụ đưa ra các hành động pháp lý, dựa trên luật quốc tế, nhằm đối phó với các hành động phi pháp của bất cứ nước nào, hoặc cảnh cáo nước vi phạm, hoặc đưa hành động của nước vi phạm ra t a án quốc tế. Ủy ban này nhằm vào hai mục tiêu:

  1. Bảo vệ tự do giao thông của máy bay và tầu bè trên biển theo đúng luật quốc tế,

  2. Bác bỏ yêu sách chủ quyền không dựa vào chủ quyền cấu trúc đất đai tự nhiên.

  3. Sức mạnh của ủy ban này không chỉ là khả năng tập hợp các hiểu biết và kinh nghiệm sâu nhất có thể về luật pháp quốc tế, khả năng nắm được tình hình phát triển về quân sự, khả năng lên tiếng cảnh báo chung về nguy cơ, mà còn là khả năng thực hiện các hành động chung cụ thể. Ủy ban không chỉ là diễn đàn phát biểu ý kiến mà là ủy ban hành động. Hành động của Ủy ban luôn luôn phải là hành động của các nước tham gia hợp tác chiến lược này. Thành viên của ủy ban này là các nước bị ảnh hưởng lớn khi Biển Đông bị độc chiếm và có thể là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Brunei, Phi, Mã Lai, Indonesia, Singapore và Vietnam, và những nước chấp nhận hai mục tiêu Ủy ban đề ra. Để có thực chất, Ủy ban cần có trụ sở thường trực nhằm điều hành, theo dõi, phân tích vấn đề và phối hợp chính phủ các nước thành viên hành động. Phải nói thêm là việc Quốc hội Mỹ chưa thông qua Công ước Luật Biển là chỗ yếu của Mỹ, nhưng điều này không thể làm suy yếu vai trò của Mỹ trong việc ủng hộ tôn trọng Luật Biển vì nhiều đời Tổng thống Mỹ đã cam kết tôn trọng nó.

17. Việt Nam tiếp tục hợp tác chiến lược riêng với TQ trên cùng mục tiêu đặt ra ở đoạn 12 và 15 nếu như TQ đồng ý, bởi vì Việt Nam sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai để bảo vệ hòa bình và công lý ở Biển Đông Nam Á. Không những thế Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, kể cả chia sẻ tài nguyên biển trong và dưới đáy đại dương trên cơ sở chủ quyền phải dựa trên chủ quyền cấu trúc đất đai tự nhiên.

18. Việt Nam nên cho phép tầu quân sự của Mỹ, Nga, hay TQ hay nước khác viếng thường xuyên hải cảng Việt Nam tùy theo yêu cầu và sự cần thiết hợp tác của Việt Nam nhằm vào chính sách một “có”, xác định quyền đi lại trên vùng nước quốc tế ở Biển Đông Nam Á, quyền ra vào Việt Nam qua vùng lưỡi b mà Trung Quốc đòi chủ quyền, nhưng các cuộc viếng thăm này không được nhằm mục đích vi phạm và xâm nhập vào lãnh thổ, làm tổn hại đến lợi ích của VN trên biển, cũng như của nước thứ ba. Bất cứ tầu nước nào vào cảng Việt Nam cũng phải xin phép và đưa lý do, mà lý do tiếp tế, tiếp vận, thăm viếng các vùng có tranh chấp với VN là không chấp nhận được. Như thế là phù hợp với chính sách bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam được đề ra trong Sách Trắng Quốc phòng 2009 nói đến ở đoạn 2 ở trên.

19. Hợp tác qua một Ủy ban liên quốc gia thực hiện Luật Biển LHQ dựa trên cơ sở pháp lý là bước thử đầu tiên về sự vững mạnh của sự cam kết. Tất nhiên, rất có thể hợp tác chiến lược này sẽ bước xa hơn dự kiến ban đầu. Tuy nhiên bước tới đâu là điều chưa cần phải bàn vào lúc này. Nó sẽ tùy thuộc rất nhiều vào hành động của TQ mà vào lúc này rất khó đoán, và cũng không nên đoán về một tình thế xấu nhất và dựa vào đó mà hành động vì như thế có thể ảnh hưởng không tốt đến những bước hiện nay có thể dẫn đến hợp tác tốt đẹp hơn trong tương lai.

Phụ lục: Chính sách ba không của VN trong Sách trắng Quốc phòng 2009

Trước tiên phải biết rõ chủ trương 3 không của VN là gì? Thật ra khi chỉ nhắm vào 3 không và coi đó là chính sách là hoàn toàn sai và không thể đứng vững được. Đọc sách trắng ta thấy có 3 không và 1 có, chứ không chỉ 3 không.

Sách trắng Quốc phòng 2009 chủ trương như sau: “không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”. (trang 21).

Như vậy 3 không phải hiểu trong toàn cảnh:

  1. không tham gia các tổ chức liên minh quân sự để chống lại nước khác,

  2. không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại nước khác, hoặc

  3. (không cho nước ngoài) sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Và 1 có, ngay sau câu trên:

  4. “Đồng thời, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi. Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống đồng thời phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Và có thể hiểu hay diễn giải là: VN không phải nhằm vào 3 không để chống nước khác, nhưng sẽ hành động (hợp tác, đồng minh) để bảo vệ chủ quyền của mình.

VN hiện nay cho máy bay quân sự Nga vào Cam Ranh tiếp xăng, và bị Mỹ phản đối thì VN có mấy cách phản ứng sau:

1. Thực hiện chính sách trung lập, tức là 3 không triệt để: VN chấm dứt không cho phép máy bay quân sự hay tầu quân sự của bất cứ nước nào vào lãnh thổ VN để tiếp xăng hoặc sửa chữa. Đây thật sự là biểu hiện của chính sách trung lập và vì hòa bình nhưng cũng tự dương bẫy chính mình là không cho phép chính mình thực hiện chủ trương (4) là phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Chủ trương này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của VN khi phải hợp tác quân sự để đối đầu với TQ.

2. VN tiếp tục cho tầu và máy bay quân sự Nga và Mỹ vào và để phù hợp với chủ trương (3) và nói rằng không thể biết được mục tiêu họ sẽ làm gì nên không thể lấy lý do mục tiêu để cấm. Với lý luận này VN cũng sẽ rơi vào bẫy của chính mình khi TQ cũng dựa vào chủ trương (3) để đòi hỏi được đối xử như Nga và Mỹ. Mà có thể là máy bay hay tầu đưa vào sửa chữa hay tiếp xăng sẽ được dùng để tuần tiễu HS và TS.

3. Đồng ý với Mỹ và yêu cầu Nga không được bay máy bay quân sự đã được tiếp nhận xăng hay sửa chữa bay tới các vùng thám thính vùng của Mỹ. Cách này cũng rất bất ổn: Cấm Nga vào lúc này có thể là gây bất hòa, ảnh hưởng đến việc mua vũ khí của Nga, giá rất rẻ so với mua võ khí của Mỹ hay của các nước tây phương, và làm thế sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo vệ lãnh thổ chống lại TQ trong tương lai. Với những gì ta có thể thấy, chưa thể chỉ dựa vào Mỹ để đối đầu với TQ bởi ngay công luận ở Mỹ cũng không có dấu hiệu ủng hộ việc Mỹ nhận làm chỗ dựa.

4. VN báo cho Mỹ và Nga rằng: VN sẽ đối xử với máy bay Mỹ và Nga giống nhau chừng nào mà máy bay và tầu của hai nước được tiếp xăng hay sửa chữa chỉ bay hay đi lại trên hải phận quốc tế và không xâm phạm lãnh thổ của nước thứ ba và không có hành động đe dọa nước khác. VN tiếp tục hoan nghênh và cộng tác quân sự với các nước nhằm phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hoà bình, độc lập và phát triển (chủ trương (4)). Với chủ trương (4), VN hoàn toàn có thể phân biệt đối xử về quân sự với TQ nếu như hành động của TQ vi phạm và xâm nhập vào lãnh thổ, và làm tổn hại đến lợi ích của VN trên biển, cũng như của nước thứ ba. Trên cơ sở chính sách 1 có và 3 không này, VN hợp tác với Mỹ và Nga hay các nước nhưng chỉ nhằm mục đích bảo vệ hòa bình và chủ quyền nhưng vẫn tiếp tục không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và để nước ngoài sử dụng lãnh thổ để chống nước khác. Trên cơ sở điểm 4, VN cần mở rộng tiếp đón các chuyến sửa sửa máy bay tầu thủy của Mỹ như đã mở ra với Nga. Sự có mặt liên tục và đều đặn của Mỹ và Nga sẽ đóng góp vào việc xác định quyền đi lại của các nước trên hải phận quốc tế ở Biển Đông Nam Á bằng cách hành động cụ thể, thách thức một cách hòa bình ý đồ độc chiếm Biển Đông Nam Á của Trung Quốc.

Có thể là VN đặt nặng chính sách 3 không thật, nhưng như thế là làm hại chính sách 1 có. Một chính sách ngoại giao hay quân sự phải dựa trên mệnh đề tích cực, chứ không thể dựa trên mệnh đề tiêu cực.

Nhưng dù sao, VN hoàn toàn có thể diễn dịch sách trắng 2009 một cách hợp lý. Và cuối cùng, một đất nước độc lập có thể cần viết một cuốn sách trắng khác khi tình thế đòi hỏi.

V.Q.V.

________

Tham khảo:

http://www.indopacificreview.com/strategic-adaptation-new-u-s-strategy-south-china-sea-disputes-needed/#sthash.fNmBGrgo.1JWnKdKe.dpbs

Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/VuQuangViet_HopTacVoiMy.pdf

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn