'Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa'

Có ý kiến rằng vụ Thủ Thiêm đã trở nên phức tạp tới mức khó đạt được thỏa thuận nào giữa dân và chính quyền trong bối cảnh lãnh đạo TP lại gặp dân sáng 7/11.

Người dân Thủ Thiêm căng biểu ngữ đòi đất. Bản quyền hình ảnh FB NGUYEN THUY DUONG

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh để giải quyết khiếu nại đất đai liên quan đến vụ khu đô thị Thủ Thiêm.

Đây là buổi gặp thứ hai của Chủ tịch TP Hồ Chí Minh với người dân khu đô thị Thủ Thiêm kể từ khi có kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ.

Ở cuộc gặp lần 1 vào ngày 18/10, ông Phong đã gặp khoảng 30 hộ dân ở khu phố 1, phường Bình An, có đất ở khu 4,3 ha - được Thanh tra Chính phủ xác định trong kết luận 1483 là nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.

"Không dàn xếp được nữa"

Hàng trăm dân Thủ Thiêm không được vào buổi gặp lãnh đạo TP hôm 18/10

Ông Nguyễn Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm "may mắn" nằm trong khu 4,3 ha ngoài ranh nói với BBC rằng chính quyền đã gặp gỡ dân nhiều lần, cũng nhiều lần hứa hẹn và thỏa thuận, nhưng tình hình nay đã phức tạp tới mức "không dàn xếp được nữa".

"Tôi may mắn vì nằm trong khu 4,3 ha. Nhưng tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền hôm 18/10 họp với chúng tôi - những hộ không chịu di dời - lại mời thêm các hộ đã nhận tiền và di dời từ lâu - về lại để đền bù thêm".

"Có thể là vì họ [chính quyền] muốn tỏ ra nhân văn, và muốn đánh bóng sự nhân văn đó".

Có thể là vì họ [chính quyền] muốn tỏ ra nhân văn, và muốn đánh bóng sự nhân văn đó... Nhưng cũng chính vì việc này mà kéo theo 5.000 hộ dân Thủ Thiêm đã di dời trước đây kéo về, tiếp tục khiếu kiện, đòi đền bù thỏa đáng.

Ông Nguyễn Văn Lung

"Nhưng cũng chính vì việc này mà kéo theo 5.000 hộ dân Thủ Thiêm đã di dời trước đây kéo về, tiếp tục khiếu kiện, đòi đền bù thỏa đáng".

"Trước đây chúng tôi chỉ chia hai nhóm để đấu tranh, thì nay 5.000 hộ dân này phát sinh thêm rất nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có một yêu cầu riêng về đền bù, khiến tình hình trở nên rất phức tạp".

"Tôi cho rằng chính quyền không lường trước được điều này. Bây giờ thì không thể dàn xếp hay thỏa thuận gì giữa dân và chính quyền nữa. Rất khó. Chỉ có thể dẫn đến đưa vụ việc ra tòa, giải quyết bằng pháp lý".

"Như vậy, đây có thể trở thành một vụ đại án. Và như vậy lại mất thêm vài năm nữa để điều tra, lập hồ sơ, v.v.".

Cũng theo ông Lung, các hộ thuộc hai phường Bình An và Bình Khánh bị xác định nằm trong ranh quy hoạch, nhưng họ cũng khẳng định đất đai của mình nằm ngoài quy hoạch. Và kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ đã không xem xét đến phần đất của họ.

"Cần thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm"

Vấn đề Thủ Thiêm gần đây tạo tranh cãi rộng lớn trong dư luận. Bản quyền hình ảnh JUN TRẦN

Ông Lung nói với BBC rằng kết luận 1483 không phải là kết quả thanh tra của chính phủ đối với các khiếu kiện về đất đai ở Thủ Thiêm.

"Thủ tướng chính phủ chưa bao giờ có yêu cầu nào đối với Thanh tra chính phủ để thanh tra toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm".

"Kết luận 1483 chỉ là kết quả của một cuộc thanh tra định kỳ của họ. Trong đó họ thanh tra rất nhiều vấn đề như BOT, tài chánh, v.v. Ở mục môi trường có dính một phần nhỏ là Thủ Thiêm. Do đó họ bóc tách ra và làm thành báo cáo này".

"Thủ tướng chính phủ chưa bao giờ có yêu cầu nào đối với Thanh tra chính phủ để thanh tra toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết luận 1483 chỉ là kết quả của một cuộc thanh tra định kỳ. Trong đó họ thanh tra rất nhiều vấn đề như BOT, tài chánh, v.v... Ở mục môi trường có dính một phần nhỏ là Thủ Thiêm. Do đó họ bóc tách ra và làm thành báo cáo này".

Ông Nguyễn Văn Lung

"Trong kết luận 1483, họ nói đã thanh tra khu 4,3 ha theo đơn thư khiếu kiện. Nhưng thực tế chúng tôi chưa bao giờ khiếu nại về khu 4,3 ha này mà khiếu nại toàn bộ 60 ha đất nằm ngoài ranh đã bị thu hồi," ông Lung nói với BBC.

Trong buổi họp sáng 7/11, nhiều hộ dân tại hai phường Bình An và Bình Khánh cũng cho rằng kết luận 1483 "chỉ mang tính nội bộ", không phải là kết luận cuối cùng nên chưa có tính pháp lý, theo truyền thông Việt Nam.

Theo đó, kết luận 1483 mới kiểm định khu 4,3 ha, trong khi toàn bộ hồ sơ khiếu nại tố cáo của dân thuộc năm khu phố và ba khu dân cư cũng nằm ngoài quy hoạch thì lại không được kể đến.

Bà Nguyễn Thị Hà (phường Bình An) được dẫn lời trên Vietnamnet, cho rằng không thể dùng kết luận kiểm tra 1483 để giải quyết cho tất cả các trường hợp.

Người dân có mặt cũng nói khiếu kiện đã kéo dài 22 năm, rất mệt mỏi, đau khổ. Nếu chính quyền tiếp tục "ghi nhận ý kiến rồi trả lời sau" thì khiếu kiện sẽ còn kéo dài nữa.

Ông Nguyễn Văn Khương (phường Bình Trưng Đông) yêu cầu được cung cấp tất cả bản đồ quy hoạch để người dân được biết họ có thực sự nằm vùng phải di dời hay không. Ông cũng cho rằng nhà mình không nằm trong quy hoạch.

Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nói có tới hơn 10 tấm bản đồ quy hoạch, và "rất khó xác định" cái nào là ranh của Thủ Thiêm do các bản đồ này giống nhau, chỉ khác nhau ở ranh. Có bản đồ thể hiện khu 4,3 ha bằng nét chấm gạch, có bản đồ lại không có khu này.

Người dân có mặt trong buổi họp 7/11 yêu cầu phải thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Sẽ tiếp thu" và "làm rõ"

Bản chụp một tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996

Về tiến độ giải quyết các sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan trong cuộc họp hôm 7/11 nói đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ.

Đây là khu đất mà trước đó, kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ cho hay "không có trong quy hoạch".

Ông Hoan nói "sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý" các trường hợp này, theo Vietnamnet.

Cũng trong buổi gặp, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết có 10 nội dung mà thành phố muốn "xin ý kiến bà con", bao gồm thời điểm để tính bồi thường thiệt hại; mức bồi thường và tái định cư; hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm sông, kênh rạch từ 1993-1998, v.v.

Tuy nhiên người dân có mặt tại buổi họp nói 10 nội dung này không liên quan đến các vấn đề của họ.

Về việc xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân trong sai phạm dự án Thủ Thiêm, ông Hoan nói sẽ hoàn tất trong tháng 11.

"Tinh thần là rất lắng nghe ý kiến cô bác, còn quá trình làm việc như thế nào tôi sẽ báo cáo lại với cô bác sau", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên Vietnamnet.

Nguyễn Thùy Dương, người phụ nữ "ném giày"  trong buổi bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, thì cho rằng bà đã tiếp xúc với nhiều người dân sau các buổi họp với chính quyền, và họ đều không đồng ý với cách giải quyết.

"Vẫn như những buổi tiếp xúc trước, không hề đưa ra phương án giải quyết nào hết. Chỉ nói lắng nghe và sẽ đề xuất. Đã rất nhiều lần rồi", bà Dương nói trong livestream trên Facebook sau khi phiên họp sáng 7/11 kết thúc.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch đã gần 20 năm, kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, chi gần 30.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình.

Truyền thông Việt Nam cho hay đã có 15.000 hộ dân bị di dời khỏi bán đảo Thủ Thiêm, với chi phí 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Nhưng còn không ít hộ dân tiếp tục khiếu nại, cho rằng nhà họ không nằm trong quy hoạch, và bồi thường di dời không thỏa đáng.

Một buổi chính quyền TP HCM tiếp người dân Thủ Thiêm. Bản quyền hình ảnh JUN TRAN

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46120539

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn