Khi nào nhân quyền sẽ đến Việt Nam?

Phạm Phú Khải

Không người Việt Nam nào còn có thể mặn mà với Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc khi mà trong ngày kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền ra mắt, vào năm 2013, anh chị em XHDS ở Hà Nội chỉ kêu gọi nhau họp mặt ở một địa điểm nằm cuối khu Thanh Xuân, nhằm ôn lại bản Tuyên ngôn này để lấy làm tự hào rằng Nhà nước Việt Nam đã được bầu làm thành viên của cái Hội đồng Nhân quyền Quốc tế danh giá, nơi khai sinh ra bản tuyên ngôn lừng lẫy kia; vậy mà bộ máy công an quốc gia đã được người đứng đầu Nhà nước CSVN huy động rải ra khắp địa bàn Thủ đô để ngăn cản một cuộc họp hiền lành như vậy, thậm chí còn dồn đuổi anh chị em hết từ phố này sang phố nọ để hàng chục thành viên cuộc họp phải chạy marathon trên khắp các phố xá Hà Nội suốt một ngày trời ròng rã, không một hột cơm nào vào bụng cho đến gần đêm.

Tại sao có thể để một thành viên đáng coi là một trong những đại diện trơ trẽn bậc nhất, ở một đất nước mà cái thể chế chống/giết con người như Việt Nam là chuyện cơm bữa, ngồi vào đấy chiếm lù lù một ghế suốt một nhiệm kỳ, và đóng góp duy nhất của kẻ chiếm ghế đó chỉ là những câu bẻm mép nhưng tác dụng thực chất lại là phóng mùi xú uế ra khắp thế giới?

Có phải việc bầu bán kiểu này mà không sớm cải tiến – và chẳng khó gì mà không cải tiến được, chẳng hạn đặt thêm một thể lệ muốn được ứng cử vào danh sách Hội đồng này để đem ra bầu bán phải trải qua một cuộc điều tra độc lập của một đoàn điều tra bởi cơ quan chuyên môn của LHQ tha hồ đi điều tra độc lập khắp mọi địa phương trong nước ứng viên mà chính quyền sở tại không được phép ngăn cản – tất sẽ khiến cho cuối cùng thì Hội đồng tập trung lại toàn những mặt mũi giết người không ghê tay kiểu Lãnh sự quán Ả Rập ở Thổ Nhĩ kỳ vừa qua, đến nỗi có thể phải cùng nhau đổi tên Hội đồng Nhân quyền của LHQ thành Hội đồng Phản nhân quyền, thì mới đúng bản chất.

Trong tình hình hiện nay, những nước nào còn tư cách và sự liêm chính trong Hội đồng Nhân quyền mà không xin rút ra sớm đi mới là điều đáng lạ.

Bauxite Việt Nam

Bà Eleanor Roosevelt được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy ban Nhân Quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn vào năm 1946.

Bà Eleanor Roosevelt được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy ban Nhân Quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn vào năm 1946.

Năm 2018 đánh dấu nhiều biến cố lịch sử lớn. Đáng kể nhất là ngày 11 tháng 11, tưởng niệm 100 năm Thế Chiến I chấm dứt. Tháng 12, ngày 10 sắp tới, là kỷ niệm 70 năm sự ra đời của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ).

Bà Eleanor Roosevelt, vợ của cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy ban Nhân quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn này vào năm 1946. Mất hai năm để soạn thảo, và nhiều tháng thảo luận và tranh luận, cuối cùng bản tuyên ngôn đã được đa số thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Trong 70 năm qua, giá trị và tinh thần của bản TNQTNQ đã tác động lên hàng triệu, nếu không phải là hàng tỷ, người trên khắp thế giới, những con người khát khao được sống có nhân phẩm và tự do. Nó đã ảnh hưởng và thay đổi nền chính trị quốc gia và quốc tế một cách đáng kể. Nó là động cơ thúc đẩy bao nhiêu người mạnh dạn đứng lên giành lấy quyền làm người, quyền làm chủ cuộc sống của mình và làm chủ đất nước mình. Đối với họ, quyền con người là bình đẳng cho mọi người chứ không chỉ là ngoại lệ cho một thiểu số nào đó.

Từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 rằng mọi người được sinh ra bình đẳng, được ban cho các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đến TNQTNQ rằng mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền hạn; họ được ban cho lý lẽ và lương tâm và nên hành xử với nhau trong tình huynh đệ.

Về khía cạnh lịch sử thì đây là sản phẩm của Hoa Kỳ. Nhưng về tư tưởng thì không phải. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ, kể cả Thomas Jefferson, đã nghiên cứu và học hỏi từ nền chính trị tại Anh quốc và châu Âu, và vay mượn các ý tưởng và tư tưởng của các triết gia thời đại Khai sáng thế kỷ 17 và 18. Nhưng các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã dứt khoát về mặt tư tưởng, bỏ hẳn chế độ quân chủ, do đó hành động của họ mang tính cách mạng. Họ có công rất lớn trong việc tiên phong thử nghiệm thành công và đặt nền tảng đầu tiên để xây dựng một chế độ dân chủ vững mạnh, bảo đảm quyền lực được phân tán sâu rộng, và được cân bằng và kiểm soát, mà chủ yếu là làm sao quyền lực của mọi chính quyền từ đó về sau không tập trung quá mạnh để bị lạm quyền và hư hỏng. Như thế mới bảo đảm được các quyền và tự do của mọi công dân trong xã hội.

Sự thành công của Hoa Kỳ đã khuyến khích và động viên bao quốc gia khác trên toàn thế giới tìm hiểu các mô hình nhà nước thích hợp để xây dựng nền chính trị của quốc gia mình.

Ông Hồ Chí Minh cũng đã vay mượn tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ để đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, và còn khẳng định đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Nhưng sau khi lên cầm quyền ở miền Bắc, và rồi toàn nước sau 30 tháng 4 năm 1975, chính ông, những người thừa kế, và chế độ ông hình thành, đã một mực chối cãi và chối bỏ tất cả, để đến hơn 70 năm sau, tự do vẫn không hề hiện hữu. Tự do vẫn chỉ là trong cửa miệng của quan quyền, của cán bộ, của công an, thuộc chế độ này. Họ ngồi xổm lên Hiến pháp và pháp luật, đúng hay sai không dựa trên pháp luật gì cả mà là do cái lưỡi không xương của họ quyết định. Quyền sinh sát vẫn nằm trong tay một thiểu số đang cai trị đất nước tuyệt đối và toàn diện.

Trong khi đó, trên 70 năm qua, bao nhiêu quốc gia trước đây thuộc hạng lạc hậu, nghèo nàn, thì giờ đây đã trở thành những con rồng con hổ trong vùng và trên thế giới, và đã tiến bộ đáng kể về dân chủ và nhân quyền. Nên nhớ rằng vào năm 1941, giữa Thế chiến II, lúc đó chỉ còn lại 11 quốc gia có nền dân chủ. Điều này làm cho Tổng thống Roosevelt lúc đó quan ngại rằng có thể là điều bất khả để bảo vệ “ngọn lửa dân chủ vĩ đại từ bóng tối bao trùm bởi bạo tàn”. Nhưng thế cờ thay đổi sau khi Hoa Kỳ và đồng minh chiến thắng năm 1945. Đáng kể nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Đến năm 2000, tức trên năm thập niên sau TNQTNQ, tổ chức Freedom House nhận định có 120 quốc gia, tức khoảng 63 phần trăm dân số toàn cầu, là dân chủ. Khi mở ngoặc ở đây là trong 13 quốc gia mà Freedom House liệt kê thuộc dạng áp bức nhất trên thế giới lúc đó thì có ba nhà nước độc đảng là Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam, tám nước kia đều là nước mà người đạo Hồi chiếm đa số, và hai nước còn lại bị cai trị bởi độc tài quân phiệt.

Trong 12 năm qua, cũng theo tổ chức Freedom House, thì dân chủ đã bị khủng hoảng, trong đó quyền chính trị và tự do công dân đã xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua. Hoa Kỳ, nước tiên phong và thành trì về nhân quyền trong suốt bảy thập niên qua, tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (hậu thân của Ủy ban Nhân quyền LHQ hoạt động từ năm 1947 đến 2006) vào ngày 19 tháng Sáu năm nay. HĐNQ đã làm mất đi giá trị và lý tưởng của mục tiêu ban đầu bởi vì những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng lại được bầu vào đây và họ đồng lõa nhau để tránh sự giám sát. Trong HĐNQ gồm 47 thành viên thì năm 2018 có 21 quốc gia tự do, 12 quốc gia bán tự do, và 14 quốc gia không tự do. Một năm mà có nhiều quốc gia không tự do nhất làm thành viên từ trước đến nay. Nói cách khác, các chính thể độc tài ngày càng biết sử dụng trò chơi dân chủ để giết chết dân chủ.

Dù sao, so với bảy thập niên trước thì bước tiến dân chủ trên toàn cầu là rất đáng kể. Tính đến năm nay 2018, có 45 phần trăm quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 39 phần trăm dân số toàn cầu, là được sống trong tự do. 30 phần trăm quốc gia chỉ được tự do một phần nào đó chứ không phải toàn phần, chiếm 24 phần trăm dân số toàn cầu. Còn lại 25 phần trăm quốc gia không có tự do, chiếm 37 phần trăm dân số toàn cầu (chỉ mỗi Trung Quốc đã chiếm gần 19 phần trăm dân số toàn cầu).

Việt Nam thì vẫn không thay đổi bao nhiêu. Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là không tự do. Trong thang giá trị này, tự do tại Việt Nam được đánh giá là sáu trên bảy, quyền chính trị là bảy trên bảy, và tự do công dân là năm trên bảy (chú ý: số một là tự do nhất, và số bảy là ít tự do nhất). Tổng cộng thì Việt Nam có tỷ số 20 trên 100, mà số 0 là ít tự do nhất, và số 100 là tự do nhất. Nhưng tính ra thì Việt Nam vẫn đỡ tệ hơn Trung Quốc một chút: tỷ số 14 trên 100, mặc dầu GDP của Trung Quốc gần gấp bốn lần Việt Nam.

Đó là một điều đáng buồn và tủi nhục. Kinh tế thì có phát triển thật nhưng các nguyên tắc và giá trị về văn hóa, giáo dục, xã hội và đạo đức công dân thì bị khủng hoảng trầm trọng. Bạo lực xã hội gia tăng một cách đáng lo ngại.

Thứ tự do duy nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu có, là thứ tự do của kẻ cầm quyền tự tung tự tác. Hiến pháp và pháp luật hiện hữu hay được làm ra là để trói buộc và điều khiển người dân, từ luật Đặc Khu đến luật An Ninh Mạng v.v... Nó hiếm khi nào có mục tiêu phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước khi tình thế thay đổi, và nó hoàn toàn không phải để ràng buộc mọi công dân, trong đó có kẻ cầm quyền. Như có người đã từng ví, Việt Nam có một rừng luật nhưng chỉ dùng luật rừng.

Trong khi gần hàng trăm quốc gia khác đã đạt được các bước tiến bộ đáng kể trong 70 năm qua về dân chủ/nhân quyền, thì 25 phần trăm quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn bị liệt kê là hoàn toàn không tự do. Vậy khi nào mới đến phiên Việt Nam?

Chừng nào người Việt Nam hiểu thật rõ rằng muốn có tự do, tức nhân quyền (kể cả các quyền được làm và quyền được miễn), thì phải có dân chủ thật sự. Không có dân chủ thì không thể bảo đảm được quyền tự do cho mình và người khác.

Để làm được điều đó, chúng ta cần suy nghĩ và thảo luận rốt ráo về một số ý tưởng và triết lý nền tảng sau đây.

Trung tâm của học thuyết nhân quyền và nền dân chủ đại diện/cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân. Tinh thần của tuyên ngôn độc lập và tuyên ngôn nhân quyền đều dựa trên nền tảng cá nhân. Mọi người, bất kể thuộc chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay bất cứ ý kiến nào khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội nào, tài sản, tình trạng khai sinh hay bất cứ địa vị nào, đều không được phân biệt (điều 2).

Chủ nghĩa cá nhân đặt trên nền tảng rằng chúng ta (tất cả mọi người) là những công dân tự nhận thức (ý thức), tự tối đa hóa quyền lợi của mình (tính toán vì quyền lợi), và có tư duy độc lập với xã hội mà chúng ta lớn lên.

Vì quan niệm này, chủ nghĩa cá nhân có thể mâu thuẫn với nhà nước chủ quyền, đặc biệt nếu nhà nước chủ quyền đó đang cố gắng hạn chế các quyền công dân.

Nó có thể là mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Nó có thể mâu thuẫn với chủ nghĩa tập thể/cộng đồng, đặc biệt là loại không có chỗ đứng cho cá nhân, coi phục vụ tập thể/cộng đồng là trên hết.

Nó có thể là mâu thuẫn với các tổ chức khác, bao gồm cả tôn giáo và thậm chí cả nền luật pháp (mang tính phân biệt và loại trừ). Lý do là vì học thuyết nhân quyền đặt ý tưởng về một cá nhân độc lập với bất kỳ giới tính, chủng tộc, sắc tộc, bản sắc tình dục hay bất kỳ đức tin nào, thậm chí ý kiến chính trị có đi ngược lại ý kiến của đa số. Giới LGBTI là một ví dụ.

Còn về lòng yêu nước?

Theo ý kiến của tôi, nó không nhất thiết phải mâu thuẫn với lòng yêu nước thực sự. Cả hai đều có thể tương thích nếu một cá nhân có trái tim và tâm trí để yêu thương, yêu một quốc gia cũng như yêu nhân loại mà không phân biệt. Nhưng chúng sẽ không tương thích nếu lòng yêu nước là loại hẹp hoài, loại dân tộc chủ nghĩa thúc đẩy tình yêu cho đất nước của một người nhưng phân biệt chủng tộc, hoặc gieo thù hận, chối bỏ toàn bộ các chủng tộc khác, chẳng hạn.

Có phải đa số người Việt Nam ủng hộ nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam? Nếu thế thì liệu họ có sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, cái mà trước nay không nằm trong tư duy của họ? Hó có sẵn sàng coi trọng những cá nhân có tâm thức và trí tuệ mạnh mẽ để thúc đẩy nguyện vọng tự hiện thực hoài bão và tự tối đa hóa quyền lợi, tức những người có tham vọng lớn?

Trên hết, chủ nghĩa cá nhân có thể là mâu thuẫn với một số nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khổng giáo. Nền văn hóa Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo cho đến thời đại này. Không phải mọi triết lý Khổng giáo đều đi ngược lại các giá trị nhân quyền hay chủ nghĩa cá nhân, bởi vì Đài Loan, Đại Hàn và Nhật Bản là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo. Nhưng họ vẫn xây dựng được nền dân chủ ngày càng vững ổn và cấp tiến, và nhân quyền tại các quốc gia này ngày càng tiến bộ. Nhưng các giá trị và tư tưởng Khổng giáo khác vẫn tiếp tục chi phối giới cầm quyền và xã hội tại Trung Quốc và Việt Nam cho đến nay.

Nếu Việt Nam muốn có nhân quyền và dân chủ, điều quan trọng đầu tiên người Việt cần làm là phải suy nghĩ kỹ về các giá trị cần duy trì và những giá trị cần phải hủy bỏ.

Một xã hội mà nhân quyền được tôn trọng sẽ không có chuyện cha mẹ đánh đập con cái bị thương tích mà cơ quan công quyền lại làm ngơ. Sẽ không có chuyện chồng đánh vợ tàn nhẫn mà diễn đi diễn lại ngày này qua tháng nọ. Sẽ không có chuyện thầy cô cho học trò ăn tát, và còn cho các học sinh khác bè hội đồng, đến 231 cái, mà thầy cô đó không bị pháp luật trừng phạt. Sẽ không có chuyện công an bảo miệng tao là pháp luật, các quan chức càng cao càng đứng trên và ngoài pháp luật, và những người làm luật, diễn giải luật, và hành luật, đều là những kẻ vi phạm pháp luật trầm trọng nhất.

Nói chung cả xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành theo kiểu kẻ cai trị có quyền sinh sát người bị trị của các thế kỷ trước. Vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực để khủng bố tinh thần người dân thay vì thông tin, giáo dục và pháp quyền. Có người sẽ bảo rằng đó là do chế độ và chủ nghĩa cộng sản gây nên. Theo tôi thì trước khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam, văn hóa chính trị của chúng ta vẫn thế. Chế độ cộng sản có “công” làm cho nó trầm trọng hơn nhiều lần. Toàn diện và tuyệt đối. Họ đã đưa nó lên đỉnh cao nhờ “đỉnh cao trí tuệ” của họ. Nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ. Làm như thế chỉ tự dối mình, rồi không giải quyết được gì cả, như bao nhiêu vấn đề khác từng xảy ra bấy lâu nay.

Tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được nền dân chủ đích thực cho Việt Nam, trong đó thật sự tôn trọng nhân quyền, mà không suy nghĩ về những câu hỏi này và không cố gắng trả lời nó một cách đầy đủ và trung thực. Nhất là với chính mình trước.

(Úc Châu, 04/12/2018)

P.P.K.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-70-nam/4689380.html

Đọc thêm

Việt Nam đã ‘cống hiến’ gì cho Hội đồng Nhân quyền LHQ?

Thường Sơn

Cho đến nay, kết quả ‘cải thiện nhân quyền’ rõ rệt nhất và cũng bôi bác nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện là … quyền bình đẳng giới.

Đơn giản vì đây là một thứ quyền vô thưởng vô phạt và chẳng ảnh hưởng gì đến chính trị hay quyền lực thực tế của giới cai trị tại Việt Nam. Chính vì thế, ngày càng diễn ra hoang loạn nhiều cảnh giới đồng tính diễu hành như một cách biểu tình và cả quậy phá tưng bừng ở đất nước này nhưng chỉ bị giới cảnh sát… giương mắt nhìn.

Ngược lại, có quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.

Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.

clip_image002

Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắt máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền.

Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.

Vào tháng Mười hai năm 2018 khi chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…

Không bao lâu nữa, vào ngày 22/1/2019 chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc.

Như một não trạng và thói quen dối trá quá khó bỏ, báo đảng rút tít:  ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’.

Những tờ báo đảng, trong đó có cả ‘tân binh báo đảng’ là tờ Thanh niên, dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga - Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam “được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”… Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...

Nhưng đã có phản một phản ứng đích đáng từ châu Âu.

Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.

T.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn