Lộng giả thành chân

Trịnh Khả Nguyên

Xã hội bây giờ thật giả lẫn lộn, hàng giả tráo là hàng thật, việc giả dối diễn y thật, lời dối trá, lươn lẹo cố nói như thật. Có người cho rằng các hiện tượng kia là lộng giả thành chân, người khác lại bảo lộng dả thành chân. Ở đây chủ yếu không bàn chữ nghĩa, vì chữ bây giờ cũng “loạn” nghĩa, thoát ly, bất chấp cái nghĩa qui ước của nó. Chữ, lời nói, được dùng rất “hoàn cảnh”,giải thích rất lạ lùng, tùy tiện (thiên lôi). Tuy thế, có hai cách nói vừa kể nên cũng xem “sách vở” giải thích thế nào.

Trước hết, lộng giả thành chân, theo “Báo Mới, Văn nghệ C. A, Non Sông Việt Nam” bốn chữ trên được giải nghĩa bỡn quá hóa thật (theo Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2000) hay Những cái giả để lâu không được cải chính, sẽ khiến người ta tin là thật.

Nhận thấy các báo đều giải thích giống nhau, do lấy từ một nguồn (Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam). Nhưng có điều lộng giả thành chân không phải là thành ngữ, tục ngữ Việt Nam mà là một câu chữ Tàu vì lộng (弄), giả (假) , thành (成), chân( 眞) là chữ Hán,các tự điển Hán-Việt đều có ghi và giải nghĩa.

Tự điển Hán-Việt của Nguyễn Văn Khôn viết lộng giả thành chân (có kèm chữ Hán như trên), giải nghĩa làm cho cái hư thành cái thật (trang 555).

Tự điển Hán - Việt của Đào Duy Anh viết lộng dả thành chân (cũng kèm các chữ Hán vừa nêu), và giải nghĩa làm cho cái hư thành ra cái thực (trang 518). Sách nầy viết dả, chứ không phải giả. Không hiểu sao vị nầy dùng chữ “giả”, vị kia dùng chữ “dả”.

Câu lộng giả (dả) thành chân đã được Việt hóa dùng khá phổ biến có thể hiểu là biến việc giả dối thành như thực. Điều đáng để ý là gặp một việc, như mua một món hàng, nghe ai đó nói một lời, thấy một việc diển ra thì cần biết các thứ đó là giả hay thật để khỏi nhầm, khoan tin vào lời họ nói (láo).

Từ đây trở xuống, bài nầy chỉ dùng chữ “giả” với nghĩa giả dối.

Hiện nay từ việc nhỏ tới việc lớn, hiện tượng giả/ thật tràn lan và tệ hại là cái giả, việc giả đang thịnh hành lấn lướt cái thật, cái đúng.

Trong một số trường hợp lộng giả thành chân không chỉ là một trò “bởn”, đùa dai cho vui mà còn là một cách ứng phó. Tôi /chúng tôi xin thành thật cám ơn/tri ân sự quan tâm/chiếu cố của “Ngài”, một câu đã thành công thức trong các đơn từ. Chưa chắc người viết đã “thành thật tri ân”, nhưng phải nói láo như thật. Thiếu câu ấy thì sao? Là không phải “đơn xin”, là thất lễ. Nhiều ông “phó” đang nóng lòng chờ ông “chánh” về hưu/đi đong để tiếp thu chiếc ghế một cách nhẹ nhàng, chính danh. Thế mà, trong buổi (liên hoan) đưa tiễn cũng vô cùng xúc động nhắc hai câu đưa người ta không đưa qua sông/ sao có tiếng sóng ở trong lòng? (Thơ Thâm Tâm). Không thiếu những người đồng tịch đồng sàng, sống đấu đá nhau, nhưng nếu ông nào chết trước, ông còn lại tỏ ra vô cùng thương tiếc. Có người khi sống đã chẳng làm gì có lợi cho ai, còn là một kẻ nguy hiểm, khi chết vẫn được ca ngợi là một tổn thất lớn, để lại tiếc thương trong lòng mọi người. Toàn là “xạo”, đạo đức giả.

Chuyện “Ở chợ có cọp”, vô lý, nhưng nhiều người nói thành có kẻ tin.

Và theo trên những cái giả để lâu, không cải chính sẽ khiến người ta tin là thật. Thực tế, rất nhiều trường hợp người ta không những không cải chính mà cố ý tuyên truyền làm rùm beng một sự kiện nào đó. Từ lâu, người ta đã nghiên cứu kỹ và áp dụng cách nói nhiều, nói mãi cũng có kết quả. Trước đây, mấy anh “Sơn Đông mãi võ” bán đủ thứ thuốc, nghe anh ta nói có pho, có có kẻ cũng tin mua dùng.

Một số nước, chế độ xem tuyên truyền là một mặt trận Thời phong kiến để duy trì độc tôn, độc quyền cai trị người ta “dạy” rằng vua là con trời, thế thiên hành đạo, dân phải trung quân (trước), ái quốc (sau). Tội phản nghịch triều đình (phản quốc), tội khi quân bị xử chết. Tội phản quốc bị xử chết thì đúng, nhưng tội khi quân thì có thể không, bởi nhiều ông vua là hôn quân bạo chúa, kể cả bán nước cầu vinh, thì rất đáng xử tội trước khi xử kẻ khác. Nhưng luật thời đó qui định thế, mọi người phải nghe thế. Nhiều ông quan khi bị xử chết vẫn hô hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế để tỏ lòng trung thành với chế độ mình đã phục vụ. Dù biết rằng không ai, “nhà” nào sống muôn năm nhưng người ta vẫn cứ thích những điều (vô lý) ấy. Vua thích trị vì muôn năm là điều dễ hiểu nhưng dân (mắc mớ chi) cũng thích muôn năm. À thì ra, do cái “hệ” nó rèn thế, và đã “cài” những từ nầy trong não người ta, đụng đến là tuôn ra như máy. Mấy ông tham nhũng, mấy tướng tổ chức cá độ nghìn tỷ khi tại chức thì oai phong lẫm liệt, hét ra lửa, ưa “lên lớp” thiên hạ phải nghiêm chỉnh chấp hành, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, nhưng khi ra tòa lại khóc than (với đảng) để tỏ chút trung thành (cũng với đảng). Nhiều ông còn muốn được lập công chuộc tội.

Bộ máy tuyên truyền của các chế độ độc tài như Đức quốc Xã hay Bắc Triều Tiên một mặt, tô vẽ cho hình của lãnh tụ, của chế độ, một mặt làm cho dân chúng vừa tuân phục vừa sợ. Các chế độ nầy dạy nhân dân mở miệng ra đều nhân danh lãnh tụ, chế độ. Họ đều biết đó là giả dối, nhưng mặc kệ, cứ nói mãi sẽ thành thật, như tín đồ niệm danh hiệu giáo chủ. Gặp may thì bảo do “niệm”, do có lòng tin, gặp không may thì bảo niệm chưa đủ, hay “trên” muốn thử lòng tin. Dù sao, “trên”cũng muốn tín hữu niệm nhập tâm, niệm càng nhiều càng tốt.

Lộng giả thành chân cũng làm cho cái không chính danh thành chính danh. Hàng giả, hàng nhái hay dùng nhãn mác của hàng chính phẩm lại được quảng bá rầm rộ trình bày bắt mắt, người mua cứ tưởng là hàng chính phẩm. Việc nầy không phải nhỏ, nó có chiến thuật qui mô.

Một số người cùng theo một học thuyết nào đó, nhưng về sau họ chia thành nhiều môn phái. Phái nào cũng tự cho là chính danh, là đệ tử trung thành của Tổ. Kẻ thêm cái đuôi thế nầy, người thêm cái đuôi thế kia, rồi giải thích, rồi lý luận. Ngày xưa, khi vua chết, thông thường thái tử sẽ lên ngôi. Nhưng thỉnh thoảng có trường hợp hoàng thượng băng hà, ma chay chưa lo, các hoàng tử lo nhắm chiếc ngai vàng nên có nạn trộm, cạo sửa di chúc. Triều đình thì chia bè, chia nhóm, nhóm thờ ông “hoàng” nầy, bè suy tôn ông “hoàng” kia dẩn đến xâu xé, triệt hạ nhau. Ông nào cũng tự cho là là chính danh, chỉ đất nước là nạn nhân của sự tranh bá đồ vương.

Bây giờ, việc chọn người thường thông qua ứng cử và bầu cử. Trên lý thuyết, việc bầu cử, ứng cử là cách thức tốt nhất, thể hiện tính dân chủ cao nhất, nước nào cũng áp dụng, nhưng áp dụng khác nhau, nghĩa là hình thức như nhau, cách làm(thật/giả) khác nhau. Có nước, có nơi tổ chức bầu cử “thật”, có nơi tổ chức rình rang như ngày hội, đánh trống, phất cờ, dĩ nhiên là tốn kém ngân sách nhưng chỉ là lộng giả thành chân. Điều mâu thuẩn là ở một số nước tự do dân chủ (thật) thì dân chúng đôi khi thờ ơ với việc bầu bán, chính quyền không can thiệp. Nước Anh với việc trưng cầu ý dân về Brexit là ví dụ. Còn ở một số nước tổ chức bầu cử chỉ là đuổi gà qua đám giổ nhưng dân chúng buộc phải tham gia đồng diễn.

Tại miền Nam trước 75 cũng có nhiều cuộc ứng cử, bầu cử.

Về bầu cử quốc hội, việc chính quyền ngầm vận động cho “gà nhà” là chắc chắn có, không trật đường nào. Dù thế, cử tri vẫn có quyền chọn lựa, nên dân biểu bấy giờ cũng không đến nỗi toàn nghị gật, quốc hội có đủ khuynh hướng, thậm chí có dân biểu xem chính quyền là thù địch, tay sai của ngoại bang. Điều nầy, một số vị dân biểu khi ấy, gần đây, viết hồi ký kể rõ. Và dù theo hay chống chính quyền, một số dân biểu có kiến thức chuyên ngành, hiểu biết luật nên nói năng, tranh cãi nghe có lý. Riêng cuộc bầu cử tổng thống năm 1972 bị lên án là “độc diễn”. Đúng, chỉ có một ứng cử viên, chính xác là một liên danh, là độc diễn. Độc diễn lại cứ diễn như đang tranh thật cũng trúng cử, cũng đăng quang, tuyên thệ, …đủ trò.

Thời đó các cuộc bầu cử, ứng cử có báo chí, dư luận điểm mặt chỉ tên các bê bối nên chính quyền khó lộng hành, dù rất muốn. Còn “bên kia” gọi là trò hề bầu cử.

Ờ, thì thời nào, trò hềlộng giả thành chân.

T.K.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn