BOT An Sương - An Lạc: Kỳ 2 - Nghi vấn về dấu hiệu nhóm lợi ích cần được làm rõ?

Trường Giang - Xuân Cường

(Đời sống) ---> (Tieudung.vn) - Những "lùm xùm" liên quan tới dự án BOT An Sương - An Lạc thời gian qua đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư IDICO - IDI nỗ lực làm rõ. Tuy vậy, với hàng loạt các sai phạm mà TTCP đã chỉ ra, với số tiền rất lớn, dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước và pháp luật hình sự, … nhưng công luận và người dân chưa thực sự tỏ tường.

IDICO - IDI là ai và tại sao yếu kém vẫn được vay vốn làm dự án?

Như Tieudung.vn đã thông tin, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A, đoạn An Sương - An Lạc được được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 992/CP-CN ngày 25/4/2000; chiều dài tuyến 13,68 km; tổng mức đầu tư 831.639.379.000 đồng.

Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 31/12/2004 và bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc (trạm chính) và 05 trạm phụ từ ngày 02/1/2005 (theo Quyết định số 3636/QĐ-BGTVT ngày 29/11/2004 của Bộ GTVT). Thời gian thu phí là 145 tháng, được điều chỉnh lại căn cứ giá trị quyết toán và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình,…

ô tả ảnh

Trụ sở IDICO-IDI trên QL1A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ảnh: IDICO-IDI.

Về nhà đầu tư, cũng năm 2000 - thời điểm dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Tổng Công ty IDICO được thành lập, xuất phát điểm là một doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. IDICO hiện có 22 công ty con, công ty liên kết trên toàn quốc.

Một trong những công ty con của IDICO chính là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (tên viết tắt IDICO - IDI), tiền thân là Công ty TNHH BOT An Sương - An Lạc, được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 05/GP-ĐTTN do Bộ KHĐT cấp ngày 08/9/2000, là nhà đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc.

IDICO - IDI đóng tại khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, được Sở KHĐT TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép ĐKKD và đăng ký lần đầu ngày 12/12/2007. Vốn điều lệ của IDICO-IDI là 249.492.000.000 đồng; vốn pháp định là 6.000.000.000 đồng.

Đáng chú ý, IDICO-IDI được sáng lập bởi 04 cổ đông: Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 6, Công ty CP đầu tư dầu khí IDICO, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO, Tổng Công ty IDICO.

Nhóm cổ đông trên là những cái tên "khét tiếng" trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và BOT giao thông. Thế nên, khi kết luận 1423/KL-TTCP ngày 6/6/2017 của TTCP chỉ ra rất nhiều sai phạm, yếu kém về tài chính của chủ đầu tư, đã gây ra không ít ngỡ ngàng!

ô tả ảnh

BOT An Sương - An Lạc liên tục bị tài xế phản đối từ đầu tháng 12/2018 - Ảnh: KT&ĐT

Cụ thể, TTCP kết luận: Vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước...

Như đã nói, sáng lập nên IDICO-IDI có những cái tên "khét tiếng" về đầu tư, trong đó có BOT giao thông. Với tiềm lực như vậy, tại sao chủ đầu tư lại không đáp ứng đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu trong dự án BOT An Sương - An Lạc để phải đi vay nhiều hơn? Cá nhân, tập thể nào đã vô tình hay hữu ý "quên" đi yếu tố "vốn chủ sở hữu" vốn thể hiện năng lực của chủ đầu tư để IDICO-IDI dù yếu kém về tài chính nhưng vẫn được vay tiền làm dự án và thu lợi?

Hàng loạt sai phạm về tài chính cần xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan

Sau khi "quên" vấn đề về vốn chủ sở hữu (khoảng gần 4,3% trong tổng mức đầu tư 831.639.379.000 đồng, lãi suất trong thời gian thu phí 12 năm sẽ lên tới trên dưới 40 tỷ đồng), Bộ GTVT và các bên liên quan tiếp tục mắc những vi phạm, sai sót nghiêm trọng.

Theo đó, TTCP qua quá trình thanh tra đã chỉ ra việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án khả thi của Bộ GTVT chưa đầy đủ, thiếu chính xác, trong đó phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng. Điều này là vi phạm quy định tại Thông tư số 09/2000/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí công trình.

ô tả ảnh

Các quan khách trong một lễ khánh thành công trình của IDICO-IDI - Ảnh: Baoxaydung

Ngày 27/11/2003, Bộ GTVT và nhà đầu tư ký hợp đồng BOT thay thế hợp đồng BOT năm 2000 với thời gian thu phí là 145 tháng (tăng 31 tháng so với dự kiến ban đầu). Qua thanh tra, TTCP cho rằng, theo quy định Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được nhà nước hoàn cho nhà đầu tư và thực tế nhà đầu tư trong năm 2005 đã được hoàn thuế VAT với số tiền gần 8,9 tỷ đồng và năm 2006 là hơn 10,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phụ lục của phương án tài chính trong hợp đồng BOT, hai bên thống nhất tính toán phương án hoàn vốn bao gồm cả thuế VAT hơn 19,5 tỷ đồng nói trên vào tổng vốn đầu tư dự án, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định.

Nghiêm trọng hơn, theo quy định của hợp đồng, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn được điều chỉnh khi giá trị quyết toán công trình thay đổi so với tổng mức đầu tư được duyệt thì hai bên phải tổ chức đàm phán xác định lại thời gian khai thác thu phí hoàn vốn.

ô tả ảnh

Ông Nguyễn Hữu Tín (bên phải, hiện đã bị bắt giam) khi còn là PCT UBND TP Hồ Chí Minh và ông Bùi Xuân Cường khi còn là Giám đốc Sở GTVT đã ký giấy chứng nhận đầu tư và "phụ lục hợp đồng" với IDICO - IDI - Ảnh: SGGP

Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 2/1/2005, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là hơn 755 tỷ đồng, giảm so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là hơn 831,6 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí hoạt động doanh thu, chi phí thuế VAT thay đổi nhưng UBND TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư không tổ chức đàm phán lại theo quy định tại Điều 8 của Hợp đồng BOT.

Việc IDICO-IDI yếu kém về tài chính ngay từ ban đầu (không đủ tỷ lệ 30% vốn chủ sở hữu phải đạt theo Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ) vẫn được vay tiền làm dự án; bỗng dưng được đưa hơn 19,5 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT vào tổng vốn đầu tư; chậm đàm phán lại  khi tổng mức đầu tư dự án "thụt" khoảng 76 tỷ đồng;... đã khiến dư luận đặt nghi vấn về dấu hiệu nhóm lợi ích liên quan tới dự án BOT An Sương - An Lạc này và rất mong mỏi sự vào cuộc điều tra làm rõ của các cơ quan hữu trách.

Thậm chí, những sai phạm về tài chính trong dự án này, dấu hiệu của các tội danh mang đặc trưng của tội cố ý làm trái không phải không có cơ sở để xem xét.

T.G. – X.C.

(Kỳ tiếp: Quá trình "xé lẻ" 4 cây cầu vượt và vốn tự có của IDICO-IDI).

Nguồn: http://tieudung.vn/doi-song/bot-an-suong---an-lac:-ky-2---nghi-van-ve-dau-hieu-nhom-loi-ich-can-duoc-lam-ro-31629.html?fbclid=IwAR29DYFQMfLYDK60d2gc90o5uUuLJscrB3LIbuVSJuklVPtzFJEx99KrFNw

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn