Việt Nam: Xây chùa ‘hoành tráng’ là tốt hay xấu?

Ben Ngô / BBC Tiếng Việt

tam chúc

Ảnh: FB CHÙA TAM CHÚC - Báo Việt Nam cho hay chùa Tam Chúc ở Hà Nam đã mở cửa đón khách đến viếng trong dịp Tết Kỷ Hợi dù chùa này vẫn chưa khánh thành

Gần đây xuất hiện một số ý kiến ở Việt Nam cho rằng có hiện tượng xây quá nhiều chùa to, công trình tâm linh kết hợp du lịch.

Hiện tượng này nên được nhìn nhận ra sao?

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 18 nghìn ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất…

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với BBC từ Hà Nội: "Hôm Tết vừa rồi tôi có đi cùng đoàn của Trung tâm Minh Triết đến xã Lưu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên để thăm hai ngôi chùa cổ và nhỏ là chùa Văn và chùa Vũ".

"Khi đến viếng các chùa này, người ta vẫn có thể cảm nhận được không khí thanh tịnh của Phật giáo từ thế kỷ 18".

"Các vị tu hành ở đây dường như còn xa lạ với mùi tiền".

"Từ hai ngôi chùa ấy, tôi bỗng nghĩ về bàn tay của những nhóm lợi ích đổ tiền vào tạo nên những ngôi chùa hoành tráng nhưng vô hồn, văn hóa dân tộc không còn mà lại mang dáng dấp chùa Trung Quốc như chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc".

"Tôi đoán là có nhiều nguyên nhân cho việc xây chùa to".

tam chúc

Ảnh: FB CHÙA TAM CHÚC - Chùa Tam Chúc được các báo Việt Nam mô tả "là ngôi chùa lớn nhất thế giới"

"Hình như trong tính cách lâu đời của người Việt có tâm lý muốn cầu phúc lộc, muốn bỏ ra ít tiền ở cửa Phật thì thu được cái lợi ngay trước mắt".

"Cho nên có người dựa vào tâm lý ấy nên bỏ tiền xây chùa thật hoành tráng, rồi sau đó thu lại tiền cầu phúc của Phật tử".

"Tôi sợ rằng rồi đây cái sự tích lũy tư bản chủ nghĩa trong xã hội Việt Nam hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những ngôi chùa cổ ngày xưa".

"Ở rất nhiều nơi tại Việt Nam, tôi thấy có sự kinh doanh tâm linh, khiến tôi ghê sợ rằng tính trong sáng nguyên thủy của Phật giáo đang dần mất đi".

chùa

Ảnh: AFP/GETTY  - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis (giữa, hàng đầu) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink viếng chùa Trần Quốc ngày 25/1/2018

'Chùa thì to, nhưng đạo đức xã hội xuống cấp'

Hôm 25/2, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì tại chùa Liên Trì (đã bị cưỡng chế hồi 2016) nói với BBC: "Tôi thấy rằng tính chất Phật giáo và sự hành đạo cốt không phải ở những ngôi chùa hoành tráng".

"Nhất là khi ngày càng có thêm những ngôi chùa to lớn nhưng tương phản với thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp mà không được chấn chỉnh".

"Phải chăng họ xây những ngôi chùa ngày càng to lớn là để cho thế giới thấy Việt Nam có tự do tôn giáo và phủ nhận cáo buộc đàn áp tôn giáo?"

"Người ta sẽ nghĩ gì khi đọc tin về những ngôi chùa to trong lúc các cơ sở tôn giáo độc lập bị cưỡng chế như chùa An Cư ở Đà Nẵng, chùa Liên Trì ở Sài Gòn, chùa Sơn Linh ở Kon Tum..."

"Phải nói là những người tu hành chân chính rất đau khổ khi các cơ sở tôn giáo chính thống bị trấn áp trong lúc các ngôi chùa bề thế mọc lên như một hình thức kinh doanh tâm linh".

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/720x405/p06kf1xl.jpg

Sinh hoạt Phật Giáo của người Việt tại Anh có gì lạ?

Hôm 21/2, BBC đã liên hệ ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Ban Tôn giáo Chính phủ để hỏi nhận định của ông về việc có thêm nhiều ngôi chùa hoành tráng ở Việt Nam nhưng ông từ chối trả lời.

Giáo sư Trương Quốc Bình, cựu Cục phó Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch được báo Dân Việt dẫn lời: "Việc xây dựng các khu chùa đồ sộ là chưa từng có trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn, chúng ta không có các chùa với quy mô hàng hécta, kỷ lục nọ kia như thế. Các ngôi chùa của ta là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, là bao gồm sông, núi, đất đai và con người ở trong công trình đó, với cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải ở trước một thứ đồ sộ và cảm thấy mình thật nhỏ bé".

"Nguyên nhân của việc này là khủng hoảng niềm tin. Trong số những người đi thờ cúng, cổ vũ xây dựng những cơ sở tôn giáo, cấp đất cho chùa, duyệt dự án có cả các lãnh đạo. Tôi kiến nghị các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải xem lại việc cho phép và ủng hộ những dự án này".

Một bài báo hôm 24/2 trên trang baophapluat.vn hỏi Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu quan điểm: "Xây chùa to, hoành tráng rồi có đúng tinh thần Phật pháp không, có Phật ở đấy không, về bản chất, nó cũng như những nghi vấn kiểu như: Vì sao Việt Nam phải phấn đấu trở thành nước giàu, rồi giàu thì có đánh mất bản sắc hay không, còn trái tim nhân ái hay không?

"Theo tôi đó là những câu hỏi mang tính hoài nghi, không có lợi gì cho sự phát triển các phương diện từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Tất cả các quốc gia đang phấn đấu trở thành nước giàu. Việt Nam chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình 2600 USD cho đầu người mỗi năm, đó là một bước tiến lớn sau 4 thập kỉ vừa qua".

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói thêm: "Trong mấy ngày đầu năm 2019, báo chí Việt Nam phản ánh sự kiện khu vực Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có ngôi chùa 5.500m2 quang cảnh tổng thể. Ngôi chùa đó được xem là lớn nhất Đông nam Á".

"Tôi rất mong những người đặt câu hỏi như thế hãy nghĩ đến các công trình tôn giáo ở nhiều quốc gia khác để đặt câu hỏi rằng nếu như trước đây, những người xây dựng nên các kiến trúc tôn giáo ấy không có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm thì làm sao đất nước họ có những công trình văn hóa nổi tiếng thế giới như hiện nay?"

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47301899

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn