Biển Đông dẫu có thế nào thì “quân đội ta” vẫn….. vô đối!

Đồng Phụng Việt

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 11/8/2012: những ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi

Những ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi - Hình minh hoạ chụp hôm 11/8/2012, AFP.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố nguyên nhân khiến tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 của ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chìm vào sáng 6 tháng 3, tại vùng biển quanh đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo đó, con tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng, buộc tàu đánh cá QNg 90819 phải rời khỏi nơi đang thả neo. Trong quá trình di chuyển do bị xua đuổi, tàu QNg 90819 va phải đá ngầm và chìm. Năm ngư dân bám vào xác tàu của họ, trôi giạt trên biển trong ba giờ và thoát chết nhờ được một tàu đánh cá khác vớt.
Trong thông báo phát hành ngày 21 tháng 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã cử người trao công hàm cho đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Chẳng ai tin Trung Quốc sẽ xử lý nghiêm chỉ huy tàu hải cảnh 44101 và những cảnh sát biển đã gây ra tai nạn cho tàu đánh cá QNg 90819, cũng như bồi thường thoả đáng cho những ngư dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ tai nạn mới nhất. Trên thực tế, cho dù các tàu của lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động trên biển Đông liên tục gây ra đủ thứ tai họa cho ngư dân Việt Nam nhưng theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc chưa bao giờ bồi thường cho ngư dân Việt Nam mất mạng hay tán gia, bại sản.

Chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang neo đậu tại một cơ sở sữa chữa tàu ở Đà nẵng. Ảnh minh họa; chụp hôm 02/6/2014.

Chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang neo đậu tại một cơ sở sữa chữa tàu ở Đà nẵng. Ảnh minh họa chụp hôm 02/6/2014, AFP
Tuy Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng cả quần đảo này lẫn vùng biển quanh nó luôn được khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó cũng là lý do trước nay, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là dù thuộc chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có sự hiện diện của các tàu đánh cá Việt Nam. Hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam chưa bao giờ léo hánh tới chốn này.
Về nguyên tắc, hải quân là lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, cảnh sát biển (hải cảnh) là lực lượng thực thi luật pháp của cả quốc gia lẫn quốc tế trên biển, kiểm ngư là lực lượng giám sát - bảo vệ nguồn lợi hải sản của một quốc gia tại vùng biển mà quốc gia đó có chủ quyền, song trên thực tế, chỉ có hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư Trung Quốc tung hoành ngang dọc tại biển Đông. Thậm chí cứu nạn - vốn thuần túy nhân đạo - dẫu có lực lượng riêng nhưng Việt Nam cũng ủy quyền cho ngư dân giúp lẫn nhau!

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/6/2014: một bên tàu cá DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng

Một bên tàu cá DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng. Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/6/2014, AFP.

Con tàu mang số hiệu 44101 của hải cảnh Trung Quốc không chỉ gieo rắc kinh hoàng cho ngư dân Việt Nam tại biển Đông (cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa), sự hiện diện thường xuyên của con tàu này tại biển Đông đã được nhiều tài liệu nghiên cứu về nỗ lực độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ghi nhận. Ví dụ như Báo cáo số 2 của Ryan D. Martinson, làm việc tại Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ[1].
Trước giờ, hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam ở đâu để cuối cùng, trong mắt báo giới, các chuyên gia ngoại quốc, những con tàu như 44101 của hải cảnh Trung Quốc lại được ví von là “khách thường trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa” (Frequent Guest of the Paracels), bất kể cả quần đảo Hoàng Sa lẫn vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn được khẳng định như đinh đóng cột là thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của Việt Nam?
***
Cho dù có rất nhiều “khách thường trực” ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nói riêng, cũng như biển Đông nói chung và những “khách thường trực” này vẫn thường xuyên truy đuổi tàu đánh cá Việt Nam, đe dọa hủy diệt cả tính mạng lẫn tài sản của ngư dân Việt Nam nhưng hồi trung tuần tháng 1, tại Hội nghị Quân chính, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ dặn dò các viên chức quốc phòng hữu tráchđặc biệt lưu ý đến việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với đảng. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác. Không để suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ[2].

Hình minh hoạ. Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi máy bay trực thăng của Tuần duyên Nhật cất cánh từ  tàu của Tuần duyên Nhật trong một cuộc diễn tập chung ngoài khơi Đà Nẵng hôm 16/6/2017

Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi máy bay trực thăng của Tuần duyên Nhật cất cánh từ tàu của Tuần duyên Nhật trong một cuộc diễn tập chung ngoài khơi Đà Nẵng hôm 16/6/2017. Hình minh hoạ, AFP.

Cho dù tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90819 bị tàu mang số hiệu 44101 của cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi, bị chìm, vừa mới xảy ra tuần trước (ngày 6 tháng 3) song tuần sau (ngày 14 tháng 3), khi tham dự Hội nghị Tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam chỉ yêu cầu các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng: Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, toàn diện. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự. Rà soát và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng[3].
Với một Chủ tịch Nhà nước, một Thủ tướng như thế, rõ ràng “quân đội ta” vẫn tiếp tục là… “vô đối” với những đồng bào, đồng chí dao động về tư tưởng, thoái hóa, biến chất về chính trị. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc - vốn là nhiệm vụ chính yếu của quân đội bất kỳ quốc gia nào - vẫn không quan trọng bằng “phối hợp chặt chẽ với công an và các lực lượng khác đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện, tuyết đối của đảng”. Chẳng hề gì khi hai từ “vô đối” vốn vẫn được xem như không có đối thủ, như vô địch, như bất bại lại không thể dùng để ngăn chặn dã tâm của ngoại bang, kể cả khi “khách” vẫn tiếp tục “thường trực” tại biển Đông, vẫn ngang dọc ở Hoàng Sa, ở Trường Sa như chốn không người. Quân đội ta “vô đối” trong… nội trị thì vẫn là… “vô đối”! Ngoại giao có ngược lại, mềm mỏng, kiên nhẫn đối thoại, dứt khoát không đối đầu, phi lý cũng chẳng… sao!
Đ.P.V.
__________
Chú thích
[1] http://www.andrewerickson.com/wp-content/uploads/2018/04/Martinson_Ryan_The-Arming-of-China’s-Maritime-Frontier_China-Maritime-Report-2_Naval-War-College-CMSI-June-2017.pdf
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-khong-de-tieu-cuc-xam-nhap-vao-noi-bo-quan-doi-501874.html
[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-xu-ly-nghiem-sai-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-quoc-phong-513591.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/no-matter-what-happens-in-scs-our-military-still-champion-03232019134134.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn