Cá Voi Xanh: Vì sao ông Trọng cười như ‘địa chủ được mùa’?

Phạm Chí Dũng

Ông Trọng và ông Trump tại Hà Ná»™i ngày 27 tháng Hai, 2019. 

Ông Trọng và ông Trump tại Hà Nội ngày 27 tháng Hai, 2019.

Chẳng hề ngẫu nhiên bởi ngay sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vào cuối tháng 2 năm 2019, đặc biệt ngay sau khi kết thúc cuộc gặp Trump - Trọng mà chỉ được thông báo là chào hỏi xã giao, báo chí Việt Nam đã ồn ào đưa tin ‘khởi động dự án khí Cá Voi Xanh trong năm 2019’.

Đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng qua, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil - một đối tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, nằm ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối – quay trở lại Việt Nam sau một thời gian vắng bóng mà đã gây ra dư luận ồn ã, thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng trước một sức ép gia tăng đáng kể từ Bắc Kinh, ExxonMobil có thể ‘mất tích’ theo đúng cái cách mà Repsol – đối tác trong liên doanh với Việt Nam khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – đã từng mất tích thật sự kể từ tháng 7 năm 2017 đến gần đây.

Vì sao ExxonMobil quay lại?

Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 60 tỷ USD dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra bởi chính quyền Việt Nam, gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là 20 tỷ USD) – được xem là giá trị rất đáng để giới chóp bu Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “bạn vàng” Trung Quốc.

Lần đầu tiên ExxonMobil vào Việt Nam là tháng Giêng năm 2017. Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.

Vài tháng trước Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng 2017, ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể “sống lại” sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 – khi Repsol, công ty liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì “có tiền trong túi mà không lấy được”.

Nhưng một biến cố đã xảy ra vào ngày 7/11/2017 – trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị APEC Đà Nẵng. Khi đó, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam: Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng: “chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể” trước khi triển khai đầu tư chính thức.

Cũng khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ do Bắc Kinh chèn ép, giả thiết trên đã biến thành thực tế và được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.

Đến tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã phải lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới – một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.

Trước đó, tập đoàn Mỹ này từng khẳng định rằng dự án này “không nằm ở vùng có tranh chấp”, và rằng “chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định”.

Rất có thể, sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất từ sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc, và sau đó là sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2018.

“Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” - John Bolton, Cố vấn An ninh Mỹ, phát ra một thách thức trực tiếp với Bắc Kinh vào ngày 11/10/2018, cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Sau chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis, đã xuất hiện tin tức về ‘Mỹ cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông’ và cái tên Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ lại hiện ra một cách ấn tượng. Trong hoàn cảnh túng quẫn ngoại tệ, giới chóp bu Việt Nam rốt cuộc cũng đành đánh liều đặt cửa cho canh bạc ‘cùng khai thác dầu khí với Mỹ’.

Ngày 11/12/2018, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil đã quay lại làm việc với Lọc dầu Bình Sơn trước thềm triển khai hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh. Động thái này cho thấy khác với Repsol và Rosneft, ExxonMobil không mấy e ngại những đe dọa của Trung Quốc.

Còn Repsol?

Hơn một năm rưỡi sau vụ ‘bỏ của chạy lấy người’ của hãng dầu khí Repsol khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến tháng 2 năm 2019 bắt đầu xuất hiện tin tức không chính thức nhưng rất cụ thể trên mạng xã hội, chứ không phải từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay các cơ quan ‘có trách nhiệm’, về khả năng Repsol sẽ quay trở lại mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ:

“Sau nhiều vòng đàm phán, PVN và Repsol gần như đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, hai bên sẽ đồng ý chấm dứt hợp đồng phân chia sản phẩm PSC Lô 07/03 như phương án 3/ trước đây. Theo đó, thay vì trả khoản tiền mặt 400 triệu USD, PVN sẽ hoán đổi, cho Repsol tiếp quản Lô 01/02 mà PVEP đang vận hành. Ngoài ra, PVN sẽ chi trả các chi phí thực tế và tiếp quản Lô 07/03 nơi có mỏ Cá Rồng Đỏ”.

400 triệu USD là khoản tiền mà phía Việt Nam phải bồi thường cho chi phí ban đầu mà Repsol đã bỏ ra. Như vậy, con số này còn cao hơn con số ước đoán trước đây là khoảng 300 triệu USD.

Tin tức không chính thức về Repsol quay trở lại Việt Nam, đồng nghĩa với việc PVN và Repsol có thể sẽ ‘can đảm’ tái khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ xuất hiện trong bối cảnh một trong những lần hiếm hoi kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, một chiến dịch tố cáo ‘giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam’ đã được tổ chức ồn ào bất thường và được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên giáo trung ương, mà cơ quan này hẳn phải nhận được cái gật đầu mạnh mẽ bất thường không kém bởi Bộ Chính trị, đặc biệt là giới tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng và có thể cả ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức trên cũng xuất hiện ngay trước khi Trump đến Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 để đàm phán với Kim Jong Un, trong đó có một cuộc gặp với Nguyễn Phú Trọng.

Xem ra với chỗ dựa Washington, mỏ Cá Voi Xanh đang đầy hy vọng kiếm tiền, còn mỏ Cá Rồng Đỏ cũng không đến nỗi chết lâm sàng.

Khi Nguyễn Phú Trọng cười như ‘địa chủ được mùa’…

Từ giữa năm 2017 đến nay, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong thời gian qua đã diễn ra một số ‘giao lưu hải quân’ giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng đặc biệt hơn là việc Việt Nam ngày càng hàm ý về ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ và mới nhất là ‘tôn trọng quyền tự do hàng không ở Biển Đông’ - mà có thể hiểu ‘máy bay Mỹ bay vô hại ở Biển Đông’ khi đã và sẽ liên tục áp sát một số đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa – những nơi Trung Quốc đang tăng tốc quân sự hóa và thách thức quyền tự do hàng hải của tàu bè Mỹ lẫn nhiều nước khác.

Trong khi đó, có tin sắp tới Việt Nam sẽ đồng ý cho Mỹ xây dựng một căn cứ hậu cần ở cảng Đà Nẵng, tuy chưa phải là cảng Cam Ranh. Tiến trình này sẽ mở đường cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa hải quân Việt Nam với Hạm đội 7 của Mỹ đang chực chờ ở Thái Bình Dương.

Cơ chế khai thác dầu khí đang nhận được sự ‘bảo kê’ của quân đội Hoa Kỳ. Đó là nguồn cơn thực chất vì sao Việt Nam phải ‘can đảm bám Mỹ’ kể từ năm 2017 đến nay và còn có thể kéo dài trong nhiều năm sau này.

Những biểu hiện trên có lẽ phần nào lý giải điệu cười tươi rói như ‘địa chủ được mùa’ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, khi ông ta dùng cả hai tay nắm tay Donald Trump ở Hà Nội như thể bạn quý lâu ngày mới được trùng phùng.

P.C.D.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn