Đã đến lúc phải đưa ra những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn

Nguyễn Kiều Dung

Hôm nay tôi nghe thấy trên Tivi, Nguyễn Phú Trọng nhắc đến Đổi mới Chính trị. Mặc dù không rõ ông ta định ám chỉ điều gì. Đổi mới Chính trị, giống như Đổi mới Kinh tế, là một khái niệm rất rộng, có thể là cả một quá trình kéo dài nhiều năm. Tôi và có lẽ tất cả mọi người đều không tin ông Trọng nói đến Đổi mới Chính trị hàm nghĩa đa nguyên đa đảng triệt để như phương Tây. Tuy nhiên, bây giờ là lúc TW đang nghe ngóng tình hình, thăm dò ý kiến của công dân.

Bao nhiêu năm nay, đã có rất nhiều các hội nhóm, cá nhân đề ra các yêu sách rất to tát (ví dụ đa nguyên đa đảng, luật biểu tình, báo chí tư nhân, trung lập quân đội....). Nếu tôi là lãnh đạo Đảng, tôi cũng sẽ rất băn khoăn với những yêu sách đó, bởi vì 2 lý do: (i) Lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản đã sai từ đầu, dẫn đến nhiều tội lỗi đối với dân tộc. Thực hiện những yêu sách đó ngay có thể sẽ gây ra hỗn loạn, dễ mất chính quyền, dễ dẫn đến trả thù; Đấy là điều rất khác đổi giữa chế độ ngày nay với các thể chế trong quá khứ chẳng hạn như Việt nam Cộng hòa (ii) Đảng cộng sản vẫn đang có vị thế mạnh, không dễ gì để họ tự dưng nhả quyền lực ra như vậy.

Đấy là chưa kể những yêu sách đó cũng không được lòng đa số công dân Việt nam ở thời điểm này, bởi người dân cũng rất lo sợ bất ổn. (Theo kết quả điều tra của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, có đến 90% sinh viên và giảng viên trẻ ủng hộ chế độ độc đảng hiện nay). Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng những người yêu nước cần hình dung Đổi mới Chính trị ở Việt nam là một quá trình có thể kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều bước, chứ không phải chỉ là một vài hành động diễn ra trong 1, 2 năm.

Bây giờ là lúc những người yêu nước cần đưa ra những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn. Họ cần phải tự đề ra yêu sách, bởi giống như Dự thảo Luật Công đoàn Độc lập, nếu để cho Đảng tự xây dựng thì kết quả không ra gì như đã thấy. Hơn nữa, cho dù không được Đảng chấp thuận thì cũng là một lần thu hút sự quan tâm của người dân, thuyết phục công chúng rằng họ là những người rất có trách nhiệm với quốc gia. Những yêu sách đó hoàn toàn hợp lý, không có gì đáng sợ.

Một số ví dụ thử nghiệm là như sau:

1. BIỂU TÌNH: Chính phủ phải cho phép dân tổ chức biểu tình ở những khu vực có tường bao, hàng rào (v.d. sân vận động, trường học), hoặc những khu vực có công an chăng dây bao quanh. Tuy nhiên, sẽ cần kiểm soát số lượng người tham gia. Ví dụ tổ chức ở sân vận động, không quá 1000 người tham gia. Các nơi khác có thể không quá 200 người. Kiểm soát có thể bằng 2 cách: (i) 30 phút trước khi biểu tình diễn ra, ban tổ chức nộp danh sách những người tham gia cho công an thực địa. Người tham gia muốn vào phải mang thẻ định danh hoặc phải có sự bảo lãnh của ban tổ chức. (ii) Ban tổ chức phát hành 200 phiếu tham dự và tự phân phối (giống như đi xem hòa nhạc miễn phí cũng phải có vé mời).

2. QUỐC HỘI: Yêu cầu 30%-50% số ghế là do dân bầu cử trực tiếp (không thông qua hiệp thương).

3. BÁO CHÍ TƯ NHÂN: Thử nghiệm cho phép 2-3 tờ báo tư nhân. Mỗi tờ báo được thời hạn 5 năm. Các hội viên của hội nhà báo Việt nam sẽ tổ chức bình chọn các hồ sơ đăng ký theo đợt để chọn ra 1, 2 hồ sơ tốt nhất để cấp phép. Vi dụ 2019 là đợt đầu tiên. Sauk hi kết thúc 5 năm sẽ bình chọn lại.

4. ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ: Cho phép thành lập 1, 2 đảng đối lập, tuy nhiên sẽ khống chế số lượng mỗi đảng không quá 500 đảng viên. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, và mỗi đảng không quá 2 nhiệm kỳ. Việc bình chọn cho phép các đảng này hoạt động sẽ được thực hiện trùng với bầu cử Hội đồng Nhân dân hoặc bầu cử Quốc hội. Các thành viên của Hội luật gia Việt Nam sẽ đứng ra nhận đơn đăng ký thành lập/hoạt động của các đảng, và bình chọn 10-20 hồ sơ. Sau đó dân sẽ trực tiếp bình chọn 1, 2 đảng đó cùng đợt bầu cử Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân. Nếu đợt bầu chọn đó không quyết định được đảng chiến thắng thì Hội luật gia sẽ bình chọn. Các đảng này sẽ có một số quyền chẳng hạn như tự do hội họp, có tờ báo riêng.v.v…

Hi vọng những người khác sẽ đưa ra thêm những yêu sách khác.

Các bạn nghĩ thế nào?

Những đề nghị này của tôi dựa trên kinh nghiệm là hiện giờ bầu cử vào các thành viên của Hội đồng Quỹ Khoa học Quốc gia Nafosted của mỗi chuyên ngành đã theo nguyên tắc dân chủ, nghĩa là do cộng đồng các nhà nghiên cứu của ngành đó bình chọn. Và bắt đầu từ năm nay, bình chọn vào Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cũng sẽ theo nguyên tắc dân chủ đấy.

Dĩ nhiên, đấy là những thứ không dính đến chính trị và có thể chính quyền muốn xoa dịu bức xúc của giới khoa học nên họ cho phép làm như vậy.

N.K.D.

Nguồn: FB Nguyễn Kiều Dung

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn