Giá điện bán lẻ ở Việt Nam rẻ hơn nhiều quốc gia là nhờ vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (!?)

Thảo Vy

Mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam so với 8 nước Đông Nam Á bằng 66%, và bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào. Như vậy, giá điện ở Việt Nam mà dân chúng than vãn, thật ra là vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgBY7WAlGPa8ieFKgErgmRztLedWmeWGzAz1inEAvgtWPKUosTKkUbI2mPYBlpsBZqWw8ZiiyCyVk0rFgY42cezhZwl-I9zwQPkMErTJXT1ITOn1RIR2Kp0KL0tguDJ1iFHxXdHP0pACl4/s640/Va%25CC%25A3%25CC%2586t-lo%25CC%2582ng-ga%25CC%2580-vi%25CC%25A3t-ba%25CC%2586%25CC%2580ng-ma%25CC%2581y.png

Máy vặt lông gà vịt.

Chiều ngày 19-5-2019, nhiều tờ báo điện tử đã đưa tin rằng các số liệu ở trên là nằm trong nội dung của báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký, liên quan về việc điều chỉnh tăng giá điện cũng như quá trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.

Các quốc gia được ‘xướng tên’ là những ai?

Nếu như chấp nhận các con số so sánh đưa ra đó của Bộ Công Thương, thì một vấn đề lớn hơn được đặt ra: Vì sao giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam lại có giá chỉ bằng 66% so với 8 nước Đông Nam Á? [https://cpc.vn/vi-vn/Tin-tuc-su-kien/Tin-tuc-chi-tiet/articleId/24930]

Các con số trong báo cáo nói trên, gần như được lấy lại từ con số so sánh được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cho báo chí hồi tháng 3-2019 với nhận định rằng giá bán lẻ điện ở Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất thế giới (!?): “Một số nước/khu vực trong khu vực có giá điện cao hơn Việt Nam như: Singapore (0,16 USD/kWh), Japan (0,26 USD/kWh), Philippines (0,19 USD/kWh), Hong Kong (0,14 USD/kWh), Hàn Quốc (0,11 USD/kWh), Indonesia (0, 11 USD/kWh), Thái Lan (0,11 USD/kWh), Trung Quốc - Ấn Độ là 0,08 USD/kWh.

Ngay cả so với Lào, Campuchia, giá điện của Việt Nam cũng chỉ bằng 81,7% và 73,5%”. [https://evn.com.vn/d6/news/Gia-dien-cua-Viet-Nam-thuoc-Top-re-nhat-the-gioi-6-12-23285.aspx].

Nhìn từ Singapore

Việc đưa ra nhận định của EVN, khi nói rằng giá bán lẻ điện ở Singapore đắt hơn Việt Nam, dường như là so sánh mới dừng lại ở việc xét mẫu từ khung giá điện điều tiết mà chính phủ đảo quốc này đưa ra.

Một phân tích của ông Phan Minh Ngọc, Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore), cho biết như sau: “Trên OEM (Open Electricity Market - thị trường điện lực mở), tất cả người dùng điện ở Singapore có các lựa chọn mua điện từ các nhà cung cấp khác nhau, gồm: (i) nhà bán lẻ điện với biểu giá điện phù hợp nhất với nhu cầu của người dùng điện (tương tự như các hãng viễn thông cung cấp các gói thuê bao di động với giá cước khác nhau tùy vào lựa chọn của người sử dụng); (ii) SP Group (tương tự EVN) với giá bán buôn điện trên thị trường bán buôn, thay đổi mỗi nửa giờ một; và (iii) (mặc nhiên) SP Group với giá điện được Chính phủ điều tiết”.

Giá điện tại Singapore được kiểm soát bởi Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA). Ông Ngọc cho biết hiện có 13 nhà bán lẻ điện tham gia OEM ở Singapore, dẫn đến việc giá bán lẻ điện cực kỳ cạnh tranh, hơn kém nhau từng phần trăm của một xu (1 đô la Singapore, SGD, tương đương theo tỷ giá hiện tại là 17.056 VND) cho mỗi kWh.

Vẫn theo ông Ngọc, ở Singapore, tất cả các nhà bán lẻ đều chào gói bán lẻ điện thả nổi, với giá thấp hơn ít nhất là 22% so với giá điện mà Chính phủ điều tiết.

Giá điện điều tiết bình quân trong tháng 4/2019 là 23,16 xu/kWh (=3.950 đồng/kWh). Bình quân một gia đình Singapore tiêu thụ khoảng 350 kWh/tháng, tương đương với hóa đơn tiền điện là 81 SGD (1,381 triệu đồng) theo giá điện điều tiết này.

Với OEM, hộ gia đình Singapore có thể chọn mua điện từ một nhà bán lẻ nào đó, chẳng hạn là Keppel Electric với các lựa chọn về giá gồm: (i) cố định về tỷ lệ chiết khấu 22% của giá điện điều tiết; (ii) cố định về giá bán lẻ theo hợp đồng cố định 24 tháng và 36 tháng, với giá bán lẻ điện đã có thuế VAT lần lượt là 17,98 xu và 17,88 xu/kWh.

Như vậy, với gói cố định tỷ lệ chiết khấu 22% thì hộ gia đình này sẽ tiết kiệm được 22% tiền điện hàng tháng, chỉ phải chi 63,2 SGD/tháng (=350 kWh x 0.2316 SGD/kWh x (1-0.22), ít hơn trước 17,8 SGD/tháng tiền điện. Nếu chọn gói cố định 24 tháng thì tiền điện của hộ này sẽ là 62,9 SGD/tháng, tiết kiệm được 18,1 SGD/tháng (-22,3%).

“Đó là chưa kể hàng loạt ưu đãi khác của nhà bán lẻ điện để hấp dẫn người tiêu dùng chuyển sang dùng điện của họ. Cụ thể, Keppel Electric hoàn lại 50 SGD cho người ký hợp đồng theo các gói nêu trên, cộng thêm 15 SGD nếu người dùng chi trả tiền điện hàng tháng bằng thẻ tín dụng của một số ngân hàng nhất định”. Ông Ngọc nói thêm.

Tất cả các thông tin liên quan đến những phân tích của ông Ngọc, được thể hiện trên trang (tiếng Anh): https://compare.openelectricitymarket.sg/#/pricePlans/list.

Liệu giá điện ở Việt Nam có thể rẻ hơn nữa không?

Giả dụ đồng tình với báo cáo của Bộ Công Thương về chuyện giá điện bán lẻ ở Việt Nam đang có giá chỉ bằng 66% so với 8 nước Đông Nam Á, thì câu hỏi đặt ra là liệu có thể kéo dãn thêm khoản cách giá ấy nữa không?

Bởi trên thực tế thì thu nhập, đồng lương của người Việt thấp hơn so nhiều quốc gia trong danh sách 8 nước Đông Nam Á được Bộ Công Thương đồng ý chọn để so sánh. Giả sử lượng điện tiêu thụ bình quân một người/tháng là 100 kWh, so với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng, thì tiền điện ở Việt Nam chiếm 3,5% thu nhập; trong khi các nước khác con số này là dưới 1%.

Thứ hai, sở dĩ các quốc gia có giá điện được Bộ Công Thương cho rằng ‘còn mắc hơn Việt Nam’, cần thông cảm với họ khi tài nguyên thiên nhiên để giúp hình thành các nhà máy thủy điện, điện khí với những quốc gia này là nghèo nàn.

Trong khi đó, Việt Nam vừa có thế mạnh thủy điện, vừa có mỏ dầu khí cho phát triển nhiệt điện, lại có giờ nắng quanh năm giúp dễ dàng mở rộng hệ thống điện mặt trời. Chính hàng loạt điều ấy cho thấy giá điện bán lẻ ở Việt Nam vẫn có thể còn rẻ hơn nữa.

Mặt khác, giá điện ở Việt Nam là thuộc lãnh vực độc quyền Nhà nước. Đây cũng chính là lợi thế ít quốc gia nào sánh bằng, khi với sự ổn định ít nhất là về mặt hình thức của thể chế độc Đảng toàn trị; cùng với đặc tính ưu việt như các báo cáo của Bộ Chính trị đã nhiều lần nhấn mạnh, về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định rằng Việt Nam không chỉ đang có giá cả điện lực rẻ hơn so nhiều quốc gia, mà còn có thể tiếp tục rẻ nữa, khi luôn được sự soi sáng của Nghị quyết Đảng, đi cùng với những chính trị gia hết lòng vì nước, vì dân như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chính điều này còn cho thấy nếu như mai đây Đảng chọn ông Trần Tuấn Anh vào ghế Phó Thủ tướng thì sẽ đúng như lời nhận định “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”, của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu khi còn là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông Trần Tuấn Anh là con trai của nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chị của ông là bà Trần Thị Minh Anh, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Lưu ý, có một căn cứ để người viết tiên quyết những nhận định như trên, vì mặc dù các khoản nợ, lỗ do đầu tư ngoài ngành cùng các khoản chi sai mục đích được EVN tính vào giá điện, song khi bán lẻ điện ra thị trường thì giá chỉ bằng 66% so với 8 nước Đông Nam Á, và vẫn có lời. Đơn cử, hồi đầu năm nay, Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, năm 2018 sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 17,559,4 tỷ kWh đạt 102,81% kế hoạch EVN giao, tăng 9,12% so với thực hiện năm 2017. Toàn EVNCPC đã thực hiện cấp điện mới trung áp cho 1.186 công trình. Tỷ lệ thu tiền điện năm 2018 thực hiện 101,21%. EVNCPC lãi trên 628 tỉ đồng, đạt 108,1% so với kế hoạch EVN giao.

Trước đó vào tháng 11-2018, trong một họp báo của Bộ Công Thương, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết điện lực, cho biết giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,7 đồng/kWh. Tổng doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954 tỷ đồng. Tổng lãi các hoạt động kinh doanh điện là 2.792 tỷ đồng.

Điều này xem ra chỉ có thể giải thích, đây chính là tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà các nước Đông Nam Á cần phải học tập Việt Nam.

Thay lời kết

Các nhận định với những lập luận nói trên, rất tiếc lại không giải thích được một thực tế trớ trêu: Cách đây hơn 30 năm, khi Đảng cộng sản phát động ‘Đổi mới và Mở cửa’, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD, thì GDP đầu người của thế giới đã hơn 4.000 USD.

Đến nay, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 2.500 USD, thì GDP bình quân đầu người của thế giới đã vượt 10.000 USD.

Những số liệu GDP so sánh này cho thấy một thực tế, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một doãng ra với tốc độ rất nhanh so với GDP của Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP của thế giới hơn của Việt Nam 3.900 USD, nhưng nay đã vọt lên hơn 7.500 USD, gần gấp đôi.

Theo số liệu World Bank 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thua cả Lào, quốc gia đã đầu tư và tiếp nhận đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, theo WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) năm 2018, Việt Nam xếp hạng cạnh tranh quốc tế về 4.0 tăng 1 điểm, nhưng lại tụt 3 hạng, tức là trong cuộc đua này thì Việt Nam có tiến lên, nhưng các quốc gia khác tiến nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển con người HDI, chỉ tiêu kinh tế tri thức KEI vẫn đứng dưới 100, thậm chí nhiều chỉ tiêu khác thấp hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh nền kinh tế GCI cũng đứng thứ 90. Việt Nam đang đối diện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp khó thoát ra được. [Tham khảo: Tài liệu báo cáo “Các chỉ số Phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” do UNDP thực hiện và công bố ngày 17-10-2018].

Những con số sơ bộ ở trên chứng minh một nghịch lý rất lớn, Việt Nam đã tăng trưởng khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng có vấn đề, các cơ cấu của nền kinh tế vẫn còn rất lạc hậu và lệch lạc. Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng cộng sản đang theo đuổi, cho thấy đã lệ thuộc vào nhập nguyên liệu và tài nguyên bản địa, mô hình tăng trưởng “xuất khẩu thuê, gia công hộ”, với giá trị gia tăng thấp chỉ 10-20%.

T.V.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn