Tiếng nói của Tuổi trẻ: Tôi muốn giúp đất nước thì tôi nên bắt đầu từ đâu? (II)

Lương thị Huyền

Nói chuyện ở “trển” thì sao người ta nghe?

Bước tiếp theo, tôi khẳng định là không ai có khả năng để khai trí cho người khác trong tất cả mọi lĩnh vực. Người luật sư thì chưa chắc đã hiểu về kinh tế, người bác sỹ mà đi khai trí cho người nông dân thì chắc gì đã đủ kiến thức, hiểu người ta muốn gì để mà khuyên?                

Dân trí chỉ được mở mang khi người ta cảm thấy có nhu cầu, nghĩa là mình nói đúng vấn đề mà họ quan tâm thì họ mới lắng nghe. Chứ gặp ai cũng một bài: “Thể chế độc tài này cần phải bị lật đổ để thay thế bằng một nhà nước dân chủ, đa nguyên, tiến bộ...”, kiến thức uyên bác đến mấy mà nói chuyện ở trển thì sao người ta nghe?

Chúng ta đang làm cách đó hàng ngày, nghĩa là cái gì ta cũng nói, lĩnh vực nào ta cũng lên tiếng phê phán, nhưng mà thực sự chẳng đủ chiều sâu để đem lại hiệu quả gì thiết thực cả.

Hãy tập trung giải quyết vấn đề thay vì nói lý thuyết.

- Nếu ta yêu quý trẻ em, ta có thể lập nhóm cùng người khác chuyên trách các chiến dịch về chống lại ấu dâm, dạy trẻ em các kiến thức về tự vệ (cái này ít phụ huynh và nhà trường nào dạy).

- Ta có thể thu thập những hồ sơ chồng chất về dân oan, để giúp thật nhiều người hiểu được bản chất của nhà nước độc tài này là một đảng phái ăn cướp.

- Chúng ta nhìn đâu đâu cũng thấy những nhà máy, khu công nghiệp xả chất thải độc hại ra môi trường. Người dân đa số chỉ chịu đựng chứ không biết kêu ai. Nhưng cho dù hôm nay có người lên án thì ngày mai, ngày mốt nó vẫn còn chình ình ở đó. Còn nếu ta tìm hiểu kỹ, thu thập chứng cớ và tài liệu về những vi phạm, kết hợp với những người khác để lập một hồ sơ báo cáo sai phạm, kêu gọi cộng đồng chung tay lên tiếng yêu cầu nhà nước kiểm tra xử lý, thì hỏi là việc khai dân trí có còn ở tầm mức hời hợt nữa không?

- Dự luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Cộng sản Việt Nam thảo luận để thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong khoảng thời gian từ 20/05 đến 14/06/2019, cho phép công nhân thành lập tổ chức đại diện người lao động độc lập với Công đoàn của nhà nước. Nghiệp đoàn độc lập là cơ quan biểu trưng cho quyền của người lao động, nhưng ai sẽ là người hướng dẫn cho những người công nhân sử dụng quyền này của mình? Khai dùng nó ra sao, nếu nó bị nhà nước gây khó dễ thì dùng những ràng buộc nào trong các hiệp ước kinh tế và thương mại mà Việt Nam đã ký để gây sức ép trở lại, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích thiết thân của mình?

- Hầu hết chúng ta đều nhìn thấy sự suy đồi trầm trọng của nền giáo dục, nhưng ngoài việc réo tên anh Nhạ để chửi, ngoài việc phẫn nộ hết vụ này đến vụ khác, đã có nhóm trí thức nào tìm hiểu nguồn cơn sâu xa để phát hiện ra vấn đề nằm ở đâu? Người vận hành bộ máy sai hay do triết lý giáo dục sai lầm, phản tiến bộ, hay cả hai? Và đề xuất nào khả thi thay thế được để khắc phục?

Ta nắm tri thức và lý lẽ trong tay rồi mới nghĩ tới chuyện vận động phụ huynh lên tiếng đòi cải cách nền giáo dục được chứ? Ta cứ bảo họ tẩy chay mặt hàng A mà lại không hề đưa ra phương án B nào để thay thế thì bằng đánh đố họ à?

Gắn với quyền và lợi ích thiết thân của người dân

Tôi chỉ đưa vài ví dụ minh hoạ, còn tất cả các ngành, lĩnh vực khác đều như thế. Cho nên ta mới cần xã hội dân sự phát triển, gắn với quyền và lợi ích thiết thân của người dân, hơn là một tổ chức chính trị hay 1000 cá nhân cấp tiến toàn nói chuyện trên mây, xa rời thực tiễn, chẳng hề chạm tới nhân dân.

Khi chúng ta tranh đấu cho nhân quyền, cho chính nghĩa, cho những giá trị phổ quát của nhân loại, thì quốc tế sẽ luôn ủng hộ chúng ta. Sẽ đến lúc tổ chức/hội nhóm, phong trào của ta có được sự đồng hành quan trọng này.

Cả việc xây dựng tổ chức chính trị cũng như thế, cứ một hai vận động quần chúng hãy xuống đường biểu tình, bất tuân dân sự, mà sau đó thì sao, nhóm/tổ chức chính trị nào đã có năng lực để viện dẫn tư tưởng về dân chủ, để giành được tín nhiệm và đủ khả năng điều hành đất nước hay chưa?

Kể ra mới thấy, trừ một số ít đang âm thầm hành động, còn lực lượng của chúng ta mỏng lắm, yếu ớt lắm. Trong khi việc thay đổi đất nước này, cần sự chung sức của toàn dân, của mọi tầng lớp.

Ai sẽ là người bắt đầu?

Tôi nghĩ rằng, cứ khởi đi từ một vài nhóm, rồi cả xã hội dần dần sẽ tiến bước theo. Tôi tưởng tượng bây giờ chúng ta nhìn thấy người khác đang hành động, cảm nhận được ở Việt Nam một bầu không khí thiết tha với sự thay đổi, có đường hướng rõ ràng hơn về sự đổi thay chắc chắn sẽ xảy ra, thì chẳng có lẽ nào mà tầng lớp trí thức họ vẫn chịu ngồi yên như bây giờ. Đơn giản bởi vì họ nhận ra xu thế đảo chiều là tất yếu, và họ không muốn đứng bên ngoài lề, chậm bước hơn người khác trong vòng quay lịch sử.

Vậy chúng ta làm gì để có được bầu không khí ấy?

Hãy nắm tay nhau, hãy làm gì đó. Hãy tìm đến nhau trong hội này nhóm khác, chọn cho mình một mục tiêu, một đối tượng phục vụ - bởi như tôi nói ở trên, một mình ta hay một hội nhóm của ta không đủ sức để làm mọi việc, cho nên hãy tập trung, hãy lượng sức mình, đặt những mục tiêu trong tầm với.

Nếu ta đơn độc nhưng có lòng thì ta có thể làm thiện nguyện cho tổ chức khác để vừa học hỏi vừa đóng góp. Tôi biết có những tổ chức không làm được hết các dự án tuyệt vời của họ, chỉ bởi họ thiếu người.

Tưởng tượng ta chọn bảo vệ quyền cho người lao động thì ta phải tìm hiểu luật lao động, quyền của người lao động, tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của họ, rồi cách tiếp cận và truyền tải thông tin để họ nhận ra quyền lợi của mình, biết gắn kết lại với nhau...

Ta còn phải học cách tổ chức, cách phân công công việc, cách hoạt động tối ưu hiệu quả...

Bao nhiêu việc khó như vậy, có ai dạy, có ai hướng dẫn không?

Có. Có những tổ chức dạn dày kinh nghiệm ở trong nước và quốc tế đang hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả, họ có thể hỗ trợ và hướng dẫn rất nhiều.

“Cứ đi rồi sẽ đến. Cứ gõ cửa, cửa sẽ mở ”

Khi ta làm gì đó cho đất nước này, ta không bao giờ thua, không bao giờ thất bại, chỉ là đóng góp ít nhiều tuỳ khả năng mà thôi. Xin hãy mạnh dạn xắn tay hành động.

Một lần nữa, xin đừng hỏi chủ thớt đã làm gì chưa hay lại giỏi nói lý thuyết.

Các bạn cứ thử làm gì đó đi, rồi sẽ thấy những người có tư duy hành động khác đang nhịp bước đồng hành. Còn nếu cứ ngồi một chỗ để hoài nghi và ngờ vực thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ bạn và tôi chung đường để tôi trả lời cho câu hỏi mà bạn hồ nghi.

Nhân tiện cho tôi nhắc lại, hãy nhớ quy tắc an toàn, bạn không cần phải la lớn cho cả thế giới biết là bạn đang làm gì.

Trong tương lai, tôi hy vọng chúng ta gặp nhau trên cùng một con đường, hướng tới một đất nước Việt Nam tươi sáng hơn. (Tôi vẫn sẽ luôn ở đây, tôi ở bên tất cả những người chung tấm lòng vì quê hương, dân tộc).

L.T.H.

Nguồn: FB Lương Thị Huyền

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn