30 NĂM TRƯỚC, LAO ĐỘNG CHỦ NHẬT ĐÃ LÀM CUỘC “CÁCH MẠNG BÁO CHÍ CÁCH MẠNG”

Bài 2: 30 NĂM BÁO LAO ĐỘNG CHỦ NHẬT, VÀI KỶ NIỆM LÀM BÁO

Hoàng Hưng

Trong 30 năm làm báo “chính thống” (1973-2003), mấy năm làm báo Lao Động của TBT Tống Văn Công là những năm tôi thấy đắc ý nhất, vì được làm báo đúng nghĩa. Kinh nghiệm tích luỹ trong thời gian ấy cũng thật ích lợi cho tôi sau này khi tham gia sáng lập hoặc tham gia BBT các báo “Lề giữa” (Văn học & Dư luận, Người đô thị) và “Lề trái” (talawas.org, Bauxite Việt Nam, vanviet.info).

Đầu năm 1990, khi tôi đang phụ trách tờ tạp chí kinh tế Seaprodex của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Seaprodex (tại sao một thằng tù cải tạo mới về ít lâu lại làm Phó TBT thường trực, thực chất là xếp của một tờ báo “chính thống”, là câu chuyện cũng thú vị, sẽ có dịp kể sau) thì được nhà báo Hữu Tính (trưởng cơ quan đại diện báo Lao động ở phía Nam) gợi ý mời về biên tập văn hoá văn nghệ cho tờ Lao động Chủ nhật mới ra (bổ sung cho tuần báo Lao động chính thức, ra mỗi thứ Năm). Tờ mới này gây ấn tượng rất mạnh ở Sài Gòn: lần đầu tiên một tờ báo chính trị xã hội in màu đẹp, nội dung khá mạnh bạo, trong các cây bút chủ lực có những cái tên quen biết của làng báo Sài Gòn cũ: Chánh Trinh (Lý Quí Chung) giữ chức Thư ký toà soạn, Trần Trọng Thức phụ trách kinh tế, hoạ sĩ Choé giữ mục tranh biếm. Tôi đặc biệt quan tâm việc Choé cũng đi tù về như tôi, mà tù những 2 lần, 10 năm, được Lao động Chủ nhật tin dùng.

Làm báo kinh tế là việc trái nghề, chẳng qua phải làm vì không hề mơ có ngày một thằng “tà ru” về văn hoá tư tưởng lại được hành nghề liên quan đến lĩnh vực ấy. Nên khi Hữu Tính gợi ý, tôi lập tức… sướng chẳng cần suy nghĩ. Nhưng phải thỉnh “cồng bà” cái đã, vì chuyện đơn giản: đang làm “quan” ở một nơi giàu có vào loại nhất nước (Seaprodex lúc đó là công ty duy nhất đại lý xuất nhập khẩu cho tất cả các ngành nghề), ai cũng nằm mơ được vào, lương cứng 400 đồng, đi công tác có xe hơi, nay về chỗ mới lập nghiệp, mọi người ăn đều nhau mức lương 80 đồng, thì nồi cơm của vợ con sẽ ra sao? Hỏi để mà hỏi thôi, vì tôi biết chắc “Cồng bà” sẽ coong ngay: tính bà xưa nay vưỡn thế, coi nguyện ước của chồng cao hơn tất cả, coi các giá trị tinh thần là cao nhất, nghèo mấy cũng chấp!

Vậy là tôi gắn bó với Lao động (LĐ) suốt 13 năm cuối cuộc đời công chức, cho đến khi về hưu. Cũng không ngờ mình có duyên may tham gia một tờ báo đã làm nên cuộc “cách mạng báo chí Cách mạng” sau Đổi mới! Nhiều vui buồn trong 13 năm ấy, nay chỉ kể vài chuyện vui.

Trong những năm tôi phụ trách biên tập trang, rồi làm Trưởng ban, có lẽ mục Văn hoá văn nghệ của báo LĐ chiếm được lòng tin cao trong giới, giống như mục Kinh tế của anh Trần Trọng Thức. Vì trang báo luôn thể hiện rõ sự đứng đắn, có chuyên môn, cởi mở, vô tư, và báo có số bạn đọc lớn. (Lúc này, báo Văn nghệ sau thời TBT Nguyên Ngọc thì đã… thôi rồi!). Những tên tuổi lớn trong Văn học như Hoàng Cầm, Sơn Nam, Nguyễn Khải… và các giáo sư văn học gửi gắm bài vở vào tay tôi đều hầu như mặc định tin ở con dao biên tập của tôi (thậm chí cắt xén đến gần ½ bài cho… hợp khuôn khổ báo) mà không cần xem lại… Các chuyên gia về Mỹ thuật (Dương Tường) và Âm nhạc (Nguyễn Thuỵ Kha) mà tôi mời về làm cộng tác viên ruột (cùng với hoạ sĩ Trịnh Cung bạn của TKTS Lý Quí Chung) góp phần làm cho tiếng nói của báo có ảnh hưởng rất lớn về hai mảng nghệ thuật này.

Sau đây là vài việc tôi tâm đắc:     

  1. Khôi phục các tên tuổi “Nhân văn – Giai phẩm” và “Xét lại”

Những cái tên Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… lần lượt xuất hiện trong những chùm thơ mà tôi giới thiệu, hay những bài mà tác giả gửi đăng, đó hầu như là những dịp đầu tiên các tác giả ấy trở lại văn đàn. Đáng ghi nhớ là chùm thơ “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”… của Hoàng Cầm mà lời giới thiệu của tôi sau đó đã được chính tác giả trích vào một bài thơ của ông (tác giả và bản thân tôi đã từng đi tù vì những bài thơ ấy!). Nhạc sĩ Văn Cao lần đầu vào Sài Gòn đã đến thăm báo, tôi gợi ý báo tặng ông chiếc radio-casette xịn, hồi đó là quý! Ông Nguyễn Hữu Đang gửi hồi ký “Bộ vòng semaine”, an ninh biết, đòi đọc bản thảo trước, cân nhắc chán rồi mới cho đăng. Sau việc này, ông gửi cho tôi một lá thư cảm động, trong đó ông nói về bài thơ “Người về” của tôi, so nó với bức tranh “Người tù Xiberi trở về nhà” của Repin (Nga), và chép cho tôi một bài thơ tứ tuyệt đầy tâm trạng (sau khi về hưu, tôi gửi cho talawas.org, của nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức, đăng bức thư này khi tôi phụ trách mục “Văn nghệ trong nước” của nó). Có cả một bài “tự phỏng vấn” của Hữu Loan, tiếc là gay gắt quá, không được “duyệt”, sau tôi cũng cho talawas đăng.

Đối với nhóm “Xét lại”, nổi bật là vụ báo LĐ bênh tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh do NXB Đà Nẵng của Nguyễn Đức Hùng in dưới cái tên tác giả Đào Nguyễn. Sách ra, bị Tuyên huấn và An ninh tỉnh tấn công dữ dội, có sự vào cuộc của nhà văn nổi tiếng Phan Tứ. Báo LĐ bèn có một loạt bài bênh đến nơi, bản thân tôi cũng trực tiếp viết bài và xin bài của thầy dạy cũ là nhà lý luận Nguyễn Văn Hạnh nguyên Phó ban Tư tưởng ĐCS, gỡ cho NXB một cái “án văn tự” trông thấy. Sau này, tác phẩm được tái bản với tên gốc (“Hoang tưởng trắng”, tác giả NXK) và nằm trong bộ sách được Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội.  

Nhà báo Hữu Tính, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, HH tại báo Lao Động (Sài Gòn), 1990

  1. “Lăng xê” các tác giả trẻ và văn nghệ “tiên phong”,”nhạy cảm”

Có thể nói, báo LĐ luôn đi đầu trong việc phát hiện, “lăng xê” những tác phẩm, tác giả mới, những phong cách mới, trào lưu mới hoặc tác giả “nhạy cảm” mà báo chí “chính thống” còn chưa hiểu, hoặc e ngại. Trong văn chương, là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh… và các nhà thơ trẻ. Tôi đã viết bài “Thơ VN đang chờ phiên đổi gác” đề cao thơ trẻ, gây dư luận trái chiều om xòm một thời. Trong Mỹ thuật, như Gang of Five Hà Nội (Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Đào Chí Hiếu, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng) và các tác giả tranh trừu tượng, các tác giả Sài Gòn xưa (Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Phạm Văn Hạng…), các tác giả trẻ thuộc dòng “hậu hiện đại” (Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Đinh Ý Nhi, Phan Phương Đông,…). Về Âm nhạc, nổi bật là việc trân trọng nhạc sĩ Phạm Duy trở về, luôn nhạy bén với các giọng ca trẻ mới nổi Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Ánh Tuyết…

Cũng có thể nói thêm về việc LĐ hầu như là tờ báo duy nhất giới thiệu các cây bút Hải ngoại như nhà báo Bạch Thái Quốc (Pháp), nhà văn Đỗ Kh. (Mỹ), hoạ sĩ Nguyên Cầm (Pháp)… Chính tôi đã có bài phỏng vấn Bạch Thái Quốc về “Nhà Việt Nam” ở Paris. Sau, Bạch Thái Quốc làm trưởng ban RFI tiếng Việt, anh đã “bí mật” gặp tôi ở Sài Gòn để nghe và nghe theo lời góp ý của tôi cho Đài này; tôi đã trở thành bạn bè thân thiết lâu dài với anh và nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê.

Một điểm quan trọng tạo nên uy tín của mục VHVN báo LĐ thời đó là tuyệt đối không có chuyện “quảng cáo khéo” hay “nâng đỡ/đánh đấm” vì động cơ “không trong sáng” cho bất cứ ai, như thời nay báo chí hay bị phàn nàn. Bản thân tôi đã có lần thẳng thừng chối từ món tiền kha khá mà một nhạc sĩ đưa trước ngày đăng bài về một sự kiện của ông, đã bảo một nhà báo trẻ trả lại tiền của một nhóm đưa cho khi cho anh đi viết bài về họ.      

  1. Khôi phục Alexandre de Rhodes

Năm 1993, liên tục trên báo Lao Động đăng bài của một người gửi đến (có lẽ là một trí thức công giáo ẩn danh), tôi viết tiếp hai bài nữa đòi cải chính đoạn dịch mang tính quy chụp lời linh mục A. de Rhodes là dọn đường cho thực dân Pháp vào xâm lược nước ta (lời dịch của ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo được treo trong Bảo tàng lịch sử, từ đó dẫn đến việc bỏ tên đường Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn, bỏ tấm bia tưởng niệm Cụ ở Bờ Hồ Hà Nội). Tiếp đó, tôi viết thư riêng cho GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử - đề nghị ông viết bài về nhân vật này (không quên “mách” ông rằng trong sách Biên niên sử của Hội đã dịch sai tên Alexandre de Rhodes thành “Bá Đa Lộc”). Sau khi báo đăng bài của GS, tôi được yêu cầu thu thập toàn bộ hồ sơ về Linh mục để gửi cho Ban Bí thư ĐCS! Các đồng nghiệp ở báo Công giáo & Dân tộc sốt sắng giúp tôi ngay. Kết quả là sau đó (chắc do Ban BT chỉ đạo), Hội Lịch sử mở cuộc hội thảo ở Hà Nội về Alexandre de Rhodes và… tấm bia được dựng lại trong Thư viện Quốc gia, tên đường được trả lại ở Sài Gòn. Từ chuyện này mà tôi gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, một trí thức Công giáo nổi tiếng, ông quý tôi và chủ động giao kết.

                                             HH tại báo LĐ, SG những năm 1990

  1. Làm phụ trương Lao động cuối tuần

Sau khi từ nhiệm Trưởng ban VHVN, trước khi nghỉ hưu, tôi được điều ra Hà Nội giúp Trần Trung Chính (con rể học giả Nguyễn Kiến Giang, bạn vong niên thân thiết của tôi, cựu tù trong vụ án “Xét lại”) mà chính tôi đưa về báo LĐ, thiết kế phụ trương Lao động cuối tuần.

Tôi đã đặt ra nhiều mục thú vị (mà đến nay hình như nhiều nơi “xài” vô tư) như “Chuyện dọc đường”, “Xem nghe đọc gì?”, “Gặp gỡ cuối tuần”, cũng như tục lệ ghi dòng “ XYZ thực hiện” ở dưới bài “Gặp gỡ” hay Phỏng vấn (hồi đó, nhà giáo-nhà văn Phạm Toàn rất khoái cái anh “Thuận Thiên thực hiện” này… Thuận Thiên là bút danh của tôi xài cho mục “Gặp gỡ cuối tuần”). Có một mục độc đáo (hình như không báo nào có) mà tôi trực tiếp viết: “Mỗi tuần một tác phẩm mỹ thuật”, sau khi tôi nghỉ hưu thì không còn duy trì được.

Nhưng có lẽ thú vị nhất là vụ “Gặp gỡ” chị Phạm Bích Hợp, giám đốc “Trung tâm nghiên cứu Tâm lý dân tộc”, một tổ chức tư nhân (có lẽ là đầu tiên) về khoa học xã hội ở nước VN thời CS! Phỏng vấn về hai cuộc hội thảo do Trung tâm tổ chức, quy tụ nhiều tên tuổi trong giới khoa học xã hội. Có những ý kiến rất độc, như ý của học giả Nguyễn Kiến Giang về đội ngũ “trí thức phò chính thống” (năm 2000, sang Đức, tôi kể cho các nhà văn bạn bè về vụ này, và đó cũng là một gợi hứng cho Phạm Thị Hoài làm ra tờ báo talawas lừng lẫy!), ý của nhà khoa học Phan Đình Diệu “dối trá đã thành bản sắc dân tộc”, “kinh” nhất là ý của Linh mục X… “lâu nay mỗi trí thức như một ngọn đuốc nhỏ đơn độc, để người ta tuỳ ý đem đi sử dụng, nay đã đến lúc tất cả họp lại thành ngọn lửa lớn không ai sai khiến được” (đại ý).

Bài báo ra mấy ngày trước Tết. Sau Tết, có tin dữ: TBT Phạm Huy Hoàn bị gọi lên tận… Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm để bị xài xể te tua. Trung tâm nghiên cứu Tâm lý dân tộc bị đóng cửa. Tôi ra Hà Nội, TBT hầm hầm: “Ông phải gác cửa cho tôi chứ, ông hại tôi thế à?”. Tôi đáp: “Ô, tôi giờ chỉ còn là một phóng viên, tôi ghi trung thực cuộc phỏng vấn, còn cẩn thận cho xem lại và cảnh báo có thể rắc rối nhưng người ta vẫn chịu; rồi tôi gửi cho BBT, ai duyệt bài mới là người “gác cửa”, tôi ở xa mặt trời đâu biết lúc nào nó gắt, lúc nào nó mát?”. Quả đáng tội, người duyệt bài là Trưởng ban Cuối tuần nhà văn Trần Trung Chính, Phó TBT nhà thơ Bùi Việt Phong, đều là “lính cũ” của tôi trong ban VHVN, và là những người rất “cấp tiến”!  Hôm nay xin “bật mí” cho rõ thêm: thực ra chị Hợp cho tôi nghe toàn bộ băng ghi âm hội thảo, rồi bảo tôi tự viết cho chị bài PV (như đã nói ở trên, tôi rất được các vị khoa học gia tin tưởng, hihi). Viết xong, đem lại cho chị đọc, nói rõ sẽ có thể rắc rối chỗ nào. Chị rất thích, quyết giữ, cả 2 vị GS cố vấn của chị có mặt ở đó (tôi không nhớ tên) cũng rất thích!

Từ đó, BBT bắt đầu “cảnh giác”cao độ với tôi. Đến nỗi, khi tôi xin đi Tây Bắc viết bài, anh Chánh VP (bên an ninh chuyển qua) còn dặn: “Anh đã có chuyện phiền toái về đề tài ‘dân tộc’, lên đấy phải cẩn thận nhé!” (Anh này lẫn lộn hai khái niệm “dân tộc”, một đằng là “dân tộc VN” trong bài “tâm lý dân tộc”, một đằng là “dân tộc ít người” ở Tây Bắc!). Và cuối năm 2002, khi tôi viết đơn xin nghỉ hưu sớm (để chuẩn bị đi Mỹ lần đầu theo lời mời của mấy trường đại học Mỹ, vì tôi biết có quy định bất thành văn là: đang làm báo… sẽ không được đi Mỹ theo lời mời cá nhân), thì… BBT vội ký ngay lập tức!

NÓI THÊM  MỘT CHÚT

Ấy, xin nói ngay là BBT chỉ “cảnh giác” lỡ tôi gây sự cố gì hại cho họ thôi, chứ rất ưu ái tôi mọi bề. Thí dụ rõ nhất: BBT đã đấu tranh mạnh mẽ với Bộ Lao động Thương binh xã hội, đòi trả lương hưu đầy đủ cho tôi, không trừ mất 18 năm trước khi tôi bị bắt một cách cực vô lý như Luật Bảo hiểm xã hội lúc đó quy định. Tình cảm của tôi với tất cả anh chị em trong báo từ trước đến sau vẫn tròn như trăng mười sáu!

Với TBT Phạm Huy Hoàn, tôi có những kỷ niệm khó quên. Một là cái ngày tôi ra Hà nội họp để sắp xếp lại tổ chức chuẩn bị ra báo ngày, buổi trưa nằm ngủ trong phòng anh, khi đó anh là Trưởng ban Quốc tế. Anh thật tình khuyên tôi: “Tớ biết BBT muốn cậu làm Trưởng ban VHVN, mà cậu từ chối. Cậu nên nhận đi. Chúng ta đều xuất thân lớp trên giống nhau (gia đình anh Hoàn là tư sản lớn Hà Nội, nhiều nhà cho thuê, khách sạn…, còn bố tôi là Bác sĩ có bệnh viện tư), bây giờ nhờ chính sách cởi mở mới có cơ hội tiến thân, đừng bỏ lỡ!”. Đến khi Trời xui Đất khiến chức TBT rơi vào tay anh một cách bất ngờ sau vụ đấu tranh quyền lực khiến cả TBT Tống Văn Công lẫn Phó TBT Hồng Đăng đều ra đi, anh vẫn có biệt nhãn với tôi. Năm 1998, tôi được Đức mời sang tham gia Tháng Văn hoá Việt Nam, thơ tôi họ đã dịch và in ra, chương trình đọc thơ đã thông báo rộng rãi. Anh Hoàn đã ký quyết định cho tôi đi, nhưng sau đó, một hôm anh mời tôi vào phòng TBT. Rút trong túi quần ra quyển sổ ghi chép, anh nói: Tớ vừa lên làm việc với Trưởng ban Tư tưởng (ĐCS) Hữu Thọ, ông ấy hỏi: Ai bảo cậu ký quyết định cho thằng HH đi Đức? Tớ ghi rõ lời ông ấy đây: Sứ quán VN bên Đức thông báo, bọn nhà văn hải ngoại như Vũ Thư Hiên, Phạm Thị Hoài… đang đợi nó sang là tổ chức hội nghị lên án VN không có dân chủ, nhân quyền! Cậu có chịu trách nhiệm nổi không? Anh kết luận: Thôi cậu thông cảm, tớ không thể cho cậu đi được!

Ha ha, không ngờ “các đồng chí sứ quán bên Đức” hoặc “an ninh văn hoá trong nước” khéo tưởng tượng câu chuyện quái dị, chỉ vì lòng dạ họ nhỏ nhen, luôn đề phòng khả năng tôi ra nước ngoài sẽ trả thù việc bị tù oan 39 tháng trước đây!   

H.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn