Đặc san số 5 - Thanh tra đất Đồng Tâm

Nguyễn Đăng Quang

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Nguyễn Đăng Quang.jpg

Bài 1: CÓ AI TIN VÀO THANH TRA HÀ NỘI?

Đây gọi là sự lừa bịp “có quy trình” và đã tới mức thượng thừa. Từ sự cố “điểm chỉ lăn tay của Nguyễn Đức Chung 22/4/2017” đến sự cố “kết luận của Thanh tra Hà Nội 25/7/2017” là cả một chặng đường nung nấu trăm mưu ngàn kế hòng lật lại một keo thua trắng tay trước người dân Đồng Tâm vốn hoàn toàn nắm chắc chính nghĩa. Qua chuyện này, quan hệ giữa kẻ cầm quyền và người dân giờ đây phải định danh bằng gì nhỉ? Một cuộc kéo co giữa tên cướp với chủ nhà – chủ nhà đã nhìn thấy rõ món đồ trong tay tên cướp đúng là của gia bảo nhà mình, cố sức giằng ra, nhưng vẫn không muốn tin đó là cướp, bởi đinh ninh hắn là người đồng tông, có chung một ông tổ xa đời mà lại còn là hàng trên, thuộc ngành trưởng trong họ. Còn kẻ cướp thì vẫn cố đóng cái vai đường bệ huynh trưởng trước khi lộ mặt, trong khi đó, tay lại vẫn quyết lôi món đồ cướp được lên chiếc xe đậu sẵn vì biết nó quá béo bở. Đó phải chăng đúng là hiện tượng “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” trong giai đoạn “kinh tế thị trường định hướng XHCN”?

Bauxite Việt Nam

Biến cố Đồng Tâm đã để lại nhiều bài học đau xót. Một trong các bài học này chính là công tác thanh tra. Những bức xúc, bất bình và khiếu nại của người dân chất chứa trong nhiều năm về những sai phạm trong việc sử dụng, quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và sân bay Miếu Môn không hề được các cấp chính quyền Hà Nội xem xét, giải quyết! Ngày 20/4/2017, UBND Hà Nội thông báo mới quyết định lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện vấn đề đất đai ở Đồng Tâm và cam kết sẽ phán xử công minh! Nhưng rồi sau đó, kết luận phũ phàng của Thanh tra Hà Nội làm người dân Đồng Tâm từ chỗ chưa kịp lóe lên niềm HY VỌNG đã sớm tắt ngấm LÒNG TIN vào chính quyền! Đúng như KTS Trần Thanh Vân, trong “Thư gửi ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung”, đã thẳng thắn đánh giá bản kết luận của Thanh tra Hà Nội là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”! Còn nhà báo Nguyễn Đình Ấm viết trong “Thư ngỏ gửi Thanh tra và Công an Hà Nội về vụ Đồng Tâm”, đưa ra nhận định rất xác đáng: Các vị đã cố tình làm “rối trí người đọc” để “phức tạp hóa” tình hình một sự việc vốn rất đơn giản!

Như tất cả mọi người đều đã biết, ngày 22/4/2017, trong bản “Cam kết 3 điểm” với người dân Đồng Tâm, ngay tại điều cam kết đầu tiên, ông Chủ tịch Hà Nội đã viết rất rõ ràng : “Trực tiếp kiểm tra Đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, bằng giấy trắng, mực đen (cho dù không đóng dấu, nhưng đã có chữ ký và lăn tay điểm chỉ trước sự chứng kiến và chứng thực của nhiều người có trách nhiệm), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mặc nhiên ghi nhận là trên cánh Đồng Sênh của xã Đồng Tâm có 2 loại đất: loại đất thứ nhất là “đất nông nghiệp”, loại đất thứ hai là“đất quốc phòng”! Vấn đề chủ chốt, theo như lời cam kết, chỉ là việc Chủ tịch Thành phố giao nhiệm vụ và chỉ đạo Thanh tra Hà Nội xác định rõ ranh giới cho mọi bên – quân đội cũng như người dân – rạch ròi và rõ ràng đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng để các cấp chính quyền “không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”!

Người dân Đồng Tâm coi cánh Đồng Sênh và Cổng Đồn rộng 106ha là “mảnh đất bờ xôi ruộng mật” do cha ông để lại, và họ đã sử dụng liên tục và ổn định, không tranh chấp với ai trong ít nhất hơn nửa thế kỷ qua (kể từ sau ngày hòa bình lập lại năm 1954)! Năm 1980, Chính phủ có Quyết định 113/TTg thu hồi 208ha đất của huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức (trong đó có 47,36ha của xã Đồng Tâm) để giao Bộ Quốc phòng làm sân bay Miếu Môn. Chấp hành quyết định trên, người dân Đồng Tâm đã bàn giao 47,36ha trên cánh đồng Cổng Đồn cho quân đội, và người dân đã nhận 150.312 VNĐ (1980) tiền bồi thường hoa màu. Người dân Đồng Tâm không thắc mắc, đòi hỏi gì thêm, và luôn tôn trọng 47,36ha đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng! Đối với số diện tích 59ha còn lại trên cánh Đồng Sênh, người dân vẫn canh tác ổn định từ đó (1980) đến nay. Nhưng bỗng nhiên gần đây, Huyện ủy và UBND Mỹ Đức tuyên bố đây là đất quốc phòng, lệnh cho Đài truyền thanh huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm ngày đêm ra rả tuyên truyền là toàn bộ cánh Đồng Sênh là đất quốc phòng, đồng thời ép các đảng viên và cán bộ xã Đồng Tâm phải ký xác nhận đấy là đất quốc phòng! Rất nhiều người cực lực phản đối và kiên quyết không ký. Từ đó, việc tranh chấp mảnh đất này bắt đầu, và ngày càng gay gắt! Cụ Lê Đình Kình và rất nhiều đảng viên lão thành khác khẳng khái tuyên bố: “Cho dù có bị chặt đầu, họ vẫn khẳng định 59ha đất trên cánh Đồng Sênh là đất nông nghiệp!”

Việc thanh tra diện tích 59ha đất nông nghiệp tại cánh Đồng Sênh, nếu làm công tâm, đúng pháp luật (như cam kết của Chủ tịch UBND Thành phố hứa với người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017), tôi nghĩ sẽ chẳng có trở ngại hoặc khó khăn gì lớn, vì chỉ cần từ 2 đến 3 ngày làm việc, Thanh tra Hà Nội hoàn toàn có thể chỉ rõ ranh giới phần đất nào là đất nông nghiệp của dân, phần nào là đất quốc phòng của Viettel (nếu có)! Nhưng như một tiếng xét đánh và quá bất ngờ, sau 3 tháng thực thi công vụ, Thanh tra Hà Nội chính thức đưa ra kết luận 59ha đất nói trên là đất quốc phòng, phủ nhận hoàn toàn cánh Đồng Sênh có một phần rất lớn là đất nông nghiệp!? Quả đúng như KTS Trần Thanh Vân nói, bản kết luận của TTHN là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”!

Đọc bản Kết luận dài 20 trang của Thanh tra Hà Nội, ngay cả luật sư cũng bị rối trí, chứ đừng nói đến người dân bình thường! Đây hẳn là điều chủ ý của Thanh tra Hà Nội, họ cố tình làm rối trí người đọc, bố cục thì tù mù, nội dung thì khó hiểu, câu văn thì lủng củng, diễn giải thì vòng vo, thậm chí còn đưa ra những khái niệm lạ hoắc nhằm mục đích lẩn tránh sự thực khách quan và cốt lõi là Thành phố Hà Nội cũng như Bộ Quốc phòng không hề có quyết định thu hồi đất và quyết định được giao 59ha đất trên cánh Đồng Sênh nói trên! Thanh tra Hà Nội không thể chứng minh bằng văn bản pháp lý đất cánh Đồng Sênh là đất quốc phòng, vì nếu có, thì không những họ đã trưng văn bản đó ngay từ đầu mà họ còn có thể kiến nghị xử lý bằng pháp luật, thậm chí khởi tố hình sự cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm khác đã dám cản bước họ!

Ngay khi TTHN công bố văn bản Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP, người dân Đồng Tâm kịch liệt phản đối và đã gửi nhiều văn bản khiếu nại. Nhưng 4 tháng qua, người dân không nhận được một ý kiến phản hồi nào có thể gọi là thỏa đáng của TTHN! Do vậy, thay mặt những người khiếu nại, cụ Lê Đình Kình nói với người viết bài này là người dân Đồng Tâm có nguyện vọng được đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo Thành phố và Thanh tra Thành phố. Địa điểm tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm, thời gian do TTHN quyết định, song càng sớm càng tốt! Thành phần tham dự: Về phía Đồng Tâm: gồm có cụ Kình, các thành viên Tổ Đồng Thuận, 2 luật sư hỗ trợ pháp lý. Về phía TTHN gồm Chánh, 2 Phó và 6-8 chuyên viên cùng các Trưởng, Phó phòng của Thanh tra Thành phố, đồng thời mời đại diện Viettel là bên có quyền lợi và trách nhiệm liên quan. Hình thức: Đây là buổi đối thoại công khai, mời các cơ quan báo chí, đài VOV, đài VTV về đưa tin và truyền hình trực tiếp buổi đối thoại này. Chi phí sẽ chia đều cho các bên! Vì Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là người viết bản “Cam kết 3 điểm” với người dân trưa hôm 22/4/2017, nên người dân Đồng Tâm sẽ rất vui mừng nếu ông Chủ tịch Thành phố bố trí thời gian về tham dự buổi đối thoại này với bà con Đồng Tâm!

Viết đến đây, tôi vừa nhận được tin của cụ Lê Đình Kình thông báo cho biết: Tối hôm qua, cụ nhận được giấy của TTHN mời cụ 9 giờ sáng hôm nay (24/11/2017) có mặt tại trụ sở TTHN tại 62 phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để “Làm rõ nội dung công dân không đồng ý với Kết luận của Thanh tra Hà Nội”. Cụ ngao ngán nói: “Thật chẳng khác nào họ làm khó cho tôi! Ngay cả nếu có khỏe mạnh, tôi cũng khó có thể đi kịp! Chắc họ cũng thừa biết tôi không thể đi được, nên đã ghi chú thêm là: “Trong trường hợp ông Lê Đình Kình không đến làm việc được, đề nghị ông cử đại diện đến làm việc với Thanh tra Thành phố.”!

Qua bài viết này, tôi xin được chuyển đến độc giả gần xa những thông tin và diễn biến mới nhất xung quanh kết quả thanh tra và tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của TTHN liên quan đến những bất bình và kêu cứu của bà con nông dân ở một vùng ô, cách trung tâm Hà Nội 50km sau một sự kiện mang tên biến cố Đồng Tâm hôm 15/4/2017, với mục đích để mọi người biết rõ bản chất sự việc và cũng rộng đường cho dư luận nhận định, đánh giá, đồng thời để các bên thấy được thiện chí của mình cũng như của các bên liên quan./.

Hà Nội, ngày 24/11/2017

N.Đ.Q.

Tác giả gửi BVN

Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/51907

Bài 2: Đôi điều nhắn gửi ông Nguyễn Đức Chung

Đã “ăn không chừa thứ gì” rồi mà lại còn ăn theo lối “cướp ngày” chứ không thèm đeo mo nang mà cướp như một số nơi khác, thì còn điều gì để nhắn gửi chính quyền Nguyễn Đức Chung nữa ngoài hai điều ấy, thưa vị cựu Đại tá CA - nhưng mà trong sạch - Nguyễn Đăng Quang!

Bauxite Việt Nam

Thưa ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung,

1/ Ngày 22/4/2017, nhận lệnh của Bộ Chính trị và Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông về Đồng Tâm để đối thoại trực tiếp với người dân nhằm thực thi một nhiệm vụ hy hữu, vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra trong lịch sử chính thể Nhà nước ta! Thật may mắn, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, dù cho đến nay sự việc chưa được giải quyết tận gốc, còn tiềm ẩn không ít nguy cơ! Việc giải cứu 20 CSCĐ an toàn ra về trong tiếng hò reo của cả ngàn người dân địa phương cũng như của các quan chức trong đoàn, chứng tỏ đây là giải pháp “WIN-WIN” (Hai bên cùng thắng) đầu tiên cho đến nay! Sự việc tuy đã diễn ra cách đây 8 tháng, song dư âm vẫn còn nóng hổi như mới xảy ra ngày hôm qua vậy! Nhắc lại sự kiện này không thể không nói đến bản “Cam kết 3 điểm” mà ông đã ký trước người dân Đồng Tâm hôm đó. Điều đặc biệt là bản “Cam kết 3 điểm” này có đóng con dấu đỏ của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm xác nhận chữ ký và dấu tay của ông là chữ ký và dấu tay thực, và đương nhiên người ký và điểm chỉ đó là ông!

Nói về bản “Cam kết 3 điểm”, ngay tại điều cam kết đầu tiên, ông trịnh trọng hứa sẽ tiến hành thanh tra khách quan 59ha đất trên cánh đồng Sênh: Trực tiếp kiểm tra Đoàn Thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân theo quy định của pháp luật”. Đọc kỹ câu chữ trên, ai cũng hiểu là ông đã mặc nhiên ghi nhận ở cánh đồng Sênh là “có đất nông nghiệp”! Vấn đề chỉ là việc ông chỉ đạo sao để Đoàn Thanh tra xác định cụ thể ranh giới “đâu là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm” và “đâu là đất quốc phòng của Tập đoàn Viettel” (nếu họ có) mà thôi! Người dân Đồng Tâm coi 59ha đất cánh đồng Sênh và 47,36ha ở Cổng Đồn là đất “bờ xôi ruộng mật” đã bao đời nay nuôi sống họ! Song chấp hành nghiêm túc Quyết định 133/TTg ngày 14/4/1980 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), người dân Đồng Tâm đã vui vẻ bàn giao 47,36ha đất nông nghiệp ở Cổng Đồn cho Bộ Quốc phòng để làm sân bay Miếu Môn, chỉ nhận có 150.312 VNĐ (năm 1981) tiền bồi thường hoa mầu! Phải ghi nhận người dân Đồng Tâm đã vì lợi ích quốc gia mà hy sinh quyền lợi của mình! Riêng diện tích 59ha đất nông nghiệp thuộc cánh đồng Sênh liền kề, người dân vẫn tiếp tục canh tác bình thường từ đó cho đến nay!

2/ Nhưng thật trớ trêu, tại văn bản Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP ngày 19/7/2017, Thanh tra Hà Nội lại khẳng định toàn bộ đất cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng”, người dân Đồng Tâm không hề có đất nông nghiệp nào ở đây cả! Như vậy, “điều ghi nhận” của ông trong bản cam kết ngày 22/4/2017 là có đất nông nghiệp trên cánh đồng Sênh trở thành điều rỗng tuếch, và bị chính cấp dưới ông thẳng thừng bác bỏ! Tôi không rõ, đây là ý kiến chỉ đạo của ông hay Thanh tra Hà Nội tuân theo ý kiến “chỉ đạo sát sao”của nhóm lợi ích khác?

3/ Kết luận này sai cả về lý lẫn cả về tình, phủ nhận thực tế khách quan. Trong “Thư gửi ông…”(1) đề ngày 27/7/2017, KTS Trần Thanh Vân vạch rõ bản kết luận của Thanh tra Hà Nội là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”! Tiện đây, tôi xin nêu một giả dụ để minh họa thêm về bản Kết luận của Thanh tra Hà Nội: “Một nông dân đi trên một chiếc xe đạp chở theo một valy to. Bỗng nhiên, một thanh niên con nhà giàu, đang ngáo đá nhảy ra chặn đường, cướp đi xe đạp và chiếc valy, và tuyên bố đấy là tài sản của y! Vụ việc được đưa ra chính quyền. Ủy ban Hành chính xã yêu cầu thanh niên xuất trình bằng chứng. Thanh niên này ú ớ, không chứng minh được chiếc xe đạp là của y và cũng chẳng biết trong chiếc valy kia có những gì. Y chỉ lớn tiếng gào to chiếc xe đạp và valy không phải của người nông dân kia, mà là của y, do bởi chúng đẹp và tốt nên phải là của y, hơn nữa vợ con y đã viết giấy xác nhận đấy là tài sản của gia đình y, nên chúng phải là của y!” Trường hợp giả dụ trên, chẳng cần phải có bằng cấp cao về luật pháp, ai cũng có thể kết luận thanh niên ngáo đá kia là tên cướp và đã có hành vi trắng trợn vi phạm pháp luật, phải không, thưa ông Chủ tịch?

4/ Trở lại bản kết luận 2346/KL-TTTP, Thanh tra Hà Nội ra vẻ khách quan, nêu là: “Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đông Tâm, không có 59ha hay 49ha đất nông nghiệp ở xứ đồng Sênh như các công dân trình bày. Với chi tiết có vẻ khách quan này, người dân ngay lập tức đặt nghi vấn đối với Thanh tra Hà Nội: Thanh tra Hà Nội có trung thực? Liệu UBND xã Đồng Tâm có dám trái ý lãnh đạo Thành phố? Và ngay cả nếu UBND xã có trình ra hồ sơ quản lý đất đai khẳng định đất xứ đồng Sênh là đất nông nghiệp, liệu Thanh tra Thành phố có dám công khai điều này không? Cụ Lê Đình Kình nhờ tôi nhắn gửi ông rằng, Thanh tra Hà Nội có kết luận lươn lẹo như vậy, nhưng người dân Đồng Tâm có đầy đủ bằng chứng khách quan và giấy tờ hợp pháp chứng minh đất xứ đồng Sênh xưa nay là đất nông nghiệp, và SẼ trình ra khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Ông thấy sao, thưa ông Chủ tịch?

5/ Văn bản 2346/KL-TTTP ngày 19/7/2017, Thanh tra Hà Nội kết luận 59ha đất trên là đất quốc phòng nhưng không thể nêu ra được văn pháp lý nào của chính quyền về việc đã thu hồi diện tích đất này của dân để giao cho Bộ Quốc phòng. Còn Tập đoàn Viettel (BQP) cũng không trưng ra được văn bản, quyết định hợp pháp nào chứng minh 59ha đất nói trên là của họ! Như vậy kết luận của Thanh tra Hà Nội như nói ở trên có đúng với thực tế và có phù hợp với luật pháp không, thưa ông? Nếu thực sự “Dự án A1 là công trình quốc phòng” thì nó phải được giao cho Bộ Tư lệnh Thông tin-Liên lạc, chứ không thể giao cho Viettel, vì Viettel chỉ là doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần! Người dân Đồng Tâm nghi ngờ đây chỉ là thủ thuật, vì sau khi hợp pháp hóa, Viettel rất có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bán Dự án này cho một doanh nghiệp khác (mà trong thực tế Viettel đã làm nhiều rồi!). Mọi người rất lo và cho rằng rất nguy hiểm nếu bên mua lại là một doanh nghiệp trá hình của Trung Quốc!

6/ Được biết ngày 4/6/2016, ông thay mặt UBND TP Hà Nội ký Biên bản hợp tác với Tập đoàn Viettel, trong đó có điều khoản UBND Thành phố Hà Nội sẽ giao mặt bằng tại huyện Mỹ Đức cho Viettel để mở rộng đầu tư. Trị giá Dự án này là 1 tỷ USD. Nhiều người cố gắng truy cập vào Cổng Giao tiếp Điện tử của UBND Thành phố với mong muốn tìm nguyên văn bản Hợp đồng Kinh tế giữa UBND Thành phố với Viettel nhưng rất tiếc nó đã không còn!? Người dân Đồng Tâm nói Tập đoàn Viettel rất mê “mảnh đất” nông nghiệp ở cánh đồng Sênh mà họ đang canh tác (tức 59ha đất nông nghiệp liền giáp với 47,36ha đất của cánh đồng Cổng Đồn mà xã Đồng Tâm đã giao cho BQP năm 1981). Vùng đất này đã lọt vào mắt xanh của Viettel vì nó không chỉ có địa hình đẹp mà nó còn có phong thủy rất tốt, có 2 mặt tiếp giáp với tỉnh lộ 429 nối với đường HCM! Phải chăng vì thế nên 59ha đất nông nghiệp này bỗng dưng trở thành “đất quốc phòng” và được giao cho Viettel để làm cái gọi là “Dự án A1” mà họ nói là “Công trình quốc phòng”, và lấy lý do đây là “bí mật quân sự”, cấm ai được thắc mắc! Thưa ông, phải chăng đây là lý do chính của việc UBND huyện Mỹ Đức từ tháng 7/2016 ép buộc cán bộ và đảng viên xã Đồng Tâm phải ký xác nhận đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, nếu ai không ký sẽ bị cách chức và khai trừ như bà Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Lan vừa qua?

*****

Thưa ông Nguyễn Đức Chung,

Tôi viết những dòng này trong lúc các trạm BOT, đặc biệt là “BOT Cai Lậy” (Tiền Giang) đang gây nhiều bức xúc và phẫn nộ tột đỉnh cho người dân, nhất là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long! Tình hình rất dễ bùng nổ và lây lan thành hiệu ứng Domino trên toàn quốc, sẽ vô cùng nguy hiểm! Nhưng rất may, Chính phủ đã họp và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân “tháo ngòi nổ” bằng cách lệnh cho trạm BOT Cai Lậy ngừng thu phí 30-60 ngày! Đây chỉ là giải pháp tình thế để các bên có thời gian bàn bạc, nhân nhượng nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng! Nhưng tôi tin, Chính phủ không thể phủ nhận thực tế là nhiều trạm BOT, đặc biệt là BOT Cai Lậy đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì nó đặt sai vị trí để thu phí trái phép, chẳng khác nào công khai “trấn lột” người dân! Rồi đây, tôi tin Chính phũ sẽ có quyết định chính thức đóng cửa BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, buộc trạm này di rời vị trí về đường tránh, không cho phép nó nằm chềnh ềnh trên Quốc lộ 1 để móc túi, trấn lột dân lành như những năm vừa qua!

Tôi nghĩ hình như có cái gì đó giống nhau giữa “BOT Cai Lậy” của Công ty Bắc Ái với cái gọi là “Dự án A1” của Tập đoàn Viettel thì phải? Người ta lấy lý do “quốc phòng” để hòng nuốt gọn 59ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm cũng chẳng khác nào Trạm BOT Cai Lậy lợi dụng chiêu trò móc ngoặc để được đặc quyền “vận hành” BOT ngay trên Quốc lộ 1 là huyết mạch giao thông quốc gia để ngang nhiên móc túi, thu tiền bất chính dân lành, cho dù phương tiện giao thông của họ không sử dụng đoạn đường tránh 12km mà Công ty Bắc Ái (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) bỏ tiền ra để được ông Nguyễn Văn Thể (đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải hiện nay) và UBND tỉnh Tiền Giang gật đầu cho phép đầu tư!

Tôi hy vọng điều nghi ngờ trên của tôi là sai, và rất mong muốn ông Chủ tịch giúp giải tỏa mối nghi ngờ lớn của người dân Đồng Tâm cũng như của dư luận rộng rãi về “Dự án bí hiểm A1” mà cả Viettel và UBND TP Hà Nội đều nói là “công trình quốc phòng” để dễ được giao đất đầu tư! Mong ông thật sự cầu thị và lắng nghe. Xin gửi ông lời chào trân trọng ./.

Hà Nội, ngày 15/12/2017

N.Đ.Q.

Tác giả gửi BVN

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2017

Bài 3: TRÁI LUẬT và VƯỢT THẨM QUYỀN!

1/. Tâm phục, khẩu phục hay gian dối, lươn lẹo?

Ngày 17/01/2018 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung dự Hội nghị tổng kết năm 2017 của Thanh tra Hà Nội. Đề cập cuộc thanh tra tranh chấp đất tại cánh đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức) hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo “Kết luận thanh tra (đưa ra) phải được tâm phục, khẩu phục!” và khen Thanh tra HN “đã ban hành kết luận kịp thời”, và đánh giá “lập luận, căn cứ và kết luận thanh tra là xác đáng, đúng quy định”!? Song ông Chung cũng phải cay đắng thừa nhận:“Một bộ phận người dân chưa tâm phục, khẩu phục”! Vâng, thưa độc giả, khi các quan chức thừa nhận “một bộ phận người dân” thì ta phải hiểu đó là “tuyệt đại bộ phận người dân”. Ngày nay người dân đã rất quen, không xa lạ gì với ngôn từ của các quan chức. Không tin, mời ông Chung cứ về Đồng Tâm làm cuộc “thăm dò dân ý“ bằng cách lấy ý kiến 10.000 người dân ở đây xem sao!

Tôi không muốn nói ra đây những từ ngữ mà người dân Đồng Tâm đánh giá bản Kết luận của Thanh tra HN nói trên, mà chỉ xin nhắc lại ý kiến đánh giá của KTS Trần Thanh Vân (1)… trong thư gửi ông ngày…! Vậy bản Kết luận thanh tra được ông đánh giá là “Lập luận, căn cứ và kết luận thanh tra là xác đáng, đúng quy định” như vậy nhưng sao đến nay nó chưa được thực thi? Nếu không khả thi để thực hiện, nên chăng ta nên thu hồi kết luận đó, thưa ông?

Như công luận đã biết, tại Quyết định 113/TTg ngày 14/4/1980 của Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) thu hồi 208ha đất của tỉnh Hà Sơn Bình cũ (trong đó có 47,63 ha đất của xã Đồng Tâm) giao cho Bộ Quốc phòng để làm sân bay Miếu Môn. Diện tích 47,63ha đất này nằm trên cánh đồng Cổng Đồn, người dân đã nghiêm túc bàn giao đầy đủ cho Bộ Quốc phòng và đã nhận tiền hỗ trợ hoa màu. Riêng diện tích đất ở cánh đồng Sênh nằm kế bên (rộng 59 hay 49ha, cần đo lại để có con số chính xác), thì người dân Đồng Tâm vẫn tiếp tục canh tác ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp với bất cứ ai. Bỗng nhiên từ đầu năm 2016, Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức bắt tất cả cán bộ và đảng viên xã Đồng Tâm phải ký xác nhận 59ha đất cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng”. Vậy xin hỏi UBND Hà Nội và huyện Mỹ Đức tiến hành việc đó để làm gì? “Giấy xác nhận” đó có giá trị và thay thế cho Giấy chứng nhận QSDD (Sổ đỏ) được không? Sau biến cố Đồng Tâm ngày 15/4/2017, TP Hà Nội lập đoàn thanh tra và đưa ra kết luận đất cánh đồng Sênh không phải là đất nông nghiệp, toàn bộ diện tích ở đây là “đất quốc phòng”!? Nhưng điều ngược đời và trớ trêu là Thanh tra Hà Nội không chứng minh hoặc viện dẫn được văn bản thu hồi đất nào của Nhà nước (HĐBT hoặc tỉnh Hà Sơn Bình cũ hay Hà Nội ngày nay) đối với 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh, Bộ Quốc phòng cũng như Tập đoàn Viettel cũng không trưng ra được văn bản nào chứng minh 59ha đất này đã được Nhà nước giao cho họ để sử dụng vào mục đích quốc phòng!

2/. Sai luật và vượt quyền.

Trong việc thanh tra tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, cơ quan Thanh tra HN đã thực hiện sai luật, vi phạm 2 điều sau đây:

Thứ nhất là SAI LUẬT: Việc tranh chấp 59ha đất ở cánh đồng Sênh là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa người dân xã Đồng Tâm với Viettel là một doanh nghiệp kinh tế của Bộ Quốc phòng. Viettel không phải là đơn vị hành chính cấp dưới của Hà Nội, và không thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội. Luật Thanh tra 2010 tại Khoản 2 Điều 21 quy định NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA CẤP TỈNH như sau: “Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, UBND cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập”. Như vậy, rõ ràng điều quy định này không cho phép UBND Hà Nội thanh tra việc tranh chấp giữa các tổ chức trong đó 1 tổ chức không phải là đơn vị cấp dưới và không thuộc sự quản lý của mình! Do vậy, việc UBND TP HN lập đoàn thanh tra và phán xử 59ha đất ở cánh đồng Sênh là của Tập đoàn Viettel là sai trái và không thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP Hà Nội. Nói một cách khác việc thụ lý và đưa ra kết luận thanh tra như vậy là trái luật! Do đó, mọi kết luận và phán xử về 59ha đất này này của Thanh tra TP Hà Nội, dù nội dung kết luận ra sao, cũng đều là vô hiệu, sai luật và không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Thanh tra hiện hành!

Thứ hai là VƯỢT QUYỀN: Các cơ quan chức năng Hà Nội cho biết, diện tích 208ha đất nông nghiệp năm 1980 mà Nhà nước thu hồi của dân để giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay Miếu Môn, đã được UBND TP HN tại Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 hợp thức hóa bằng cách cấp “Sổ đỏ” cho Quân chủng PK-KQ theo diện tích thực tế là 236,70ha (thay cho 208ha). Đồng thời, ngày 23/10/2014, đại tá Trịnh Văn Chuyển, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 28 là đơn vị được Quân chủng PK-KQ giao quản lý Sân bay Miếu Môn, trong văn bản số 961A/TB-LĐ gửi cụ Lê Đình Kình đã khẳng định như sau: “Thực tế hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208ha và được thể hiện trên đường bao là 16 mốc giới”. Như vậy, diện tích 208ha (nay là 236,70ha) là đất có chủ, đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho BQP và Lữ đoàn 28 là đơn vị đang sử dụng. Theo Khoản 1 Điều 203 bộ Luật Đất đai năm 2003, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên có Giấy Chứng nhận QSDĐ phải thuộc quyền của Tòa án chứ không thuộc quyền giải quyết của UBND các cấp! Do đó, việc Hà Nội lập đoàn thanh tra và đưa ra kết luận phán xử 59ha đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng của Tập đoàn Viettel là vượt thẩm quyền và trái luật! Vả lại, đến cuối năm 2014, Quân chủng PK-KQ và UBND Hà Nội không ai nói cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, vậy xin hỏi cớ sao lại huy động đảng viên và cán bộ xã Đồng Tâm “ký xác nhận đất đồng Sênh là đất quốc phòng”?

Việc tranh chấp 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh xảy ra từ cuối 2016, nhưng tại sao Viettel và BQP không dám kiện ra Tòa án – theo Điều 203 Luật Đất đai – là nơi có thẩm quyền thụ lý và phán xử về mặt pháp lý, mà lại nhờ UBND TP Hà Nội đứng ra phán xử? Đây là một uẩn khúc mà chỉ có Viettel và UBND TP Hà Nội biết rõ mà thôi! Nhiều người cho rằng việc này liên quan đến chuyện Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức bắt cán bộ và đảng viên xã Đồng Tâm ký xác nhận “đất đồng Sênh là đất quốc phòng”, và liên hệ chặt chẽ đến Văn bản hợp tác đầu tư ký kết giữa Tập đoàn Viettel và UBND TP HN ngày 4/6/2016, theo đó UBND Hà Nội “có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất”! Phải chăng, chính uẩn khúc đó nằm ở đây? Nếu TP Hà Nội nhắm 59ha đất cánh đồng Sênh cho Viettel thì HN cứ ra quyết định thu hồi và đền bù thỏa đáng cho dân, tôi nghĩ, dù cho người dân không muốn song họ sẽ sẵn sàng chấp nhận một khi họ được đền bù trên cơ sở cùng nhau thỏa thuận!

Gần một năm qua, người dân Đồng Tâm sống trong bất an. Hơn ai hết, họ rất muốn được yên ổn làm ăn, yên tâm chăm lo cuộc sống và lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và con cháu họ. Họ không đi cướp đất của ai, nhưng họ cũng không để ai cướp đất của mình! Họ muốn tin tưởng vào đường lối chính sách của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật. Chính quyền có trách nhiệm tạo thuận lợi cho họ thực hiện các quyền mưu sinh tối thiểu đó! Nhưng nếu buộc họ phải đương đầu, tôi tin họ sẽ biết cách, vì họ không sợ bất cứ một thế lực nào, dù cho thế lực đó có kinh khủng đến đâu! Nhưng theo thiển ý của tôi, đừng để sự việc vượt qua tầm kiểm soát mà các bên không muốn, ngay kể cả việc nếu có lôi nhau ra Tòa, người thua chắc chắn sẽ không phải là người dân Đồng Tâm đâu, xin thưa với các cấp chính quyền như vậy! (Nhưng phải xin mở ngoặc nói rõ Tòa phải xử đúng luật, phải thượng tôn công lý, không được áp dụng các bản án “kangaroo”)

3/. Đề xuất và Kiến nghị:

Tôi không muốn nói hết ra đây những gì cần phải nói, nhưng với những gì đã trình bày ở trên, tôi trân trọng đề nghị ông Nguyễn Đức Chung, với trọng trách là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hãy sáng suốt ra quyết định thu hồi (hoặc hủy bỏ) bản Kết luận số 2346/KL-TTTP ngày 19/7/2017 của Thanh tra Hà Nội để mở đường cho việc tìm kiếm giải pháp cho biến cố Đồng Tâm trên mà các bên đều có thể chấp nhận được! Nếu thực hiện được điều này, tôi tin ông sẽ giữ được uy tín cá nhân cũng như uy tín của UBND TP Hà Nội, ngoài ra ông còn có công mang lại thể diện và uy tín cho Nhà nước Việt Nam nữa! Và thực ra, nếu không thu hồi Kết luận trên, liệu chính quyền Hà Nội sẽ áp dụng phương án nào để thực hiện những kết luận của Thanh tra TP đây, thưa ông Chủ tịch?

Tham khảo:

(1) https://baotiengdan.com/2017/07/27/thu-ngo-gui-ong-chu-tich-ubnd-ha-noi-nguyen-duc-chung/

Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội

(27/7/2017)

Trần Thanh Vân 

Thưa ông Nguyễn Đức Chung,

Tôi là Trần Thanh Vân, là Kiến Trúc sư Cảnh quan có trên 50 năm thâm niên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, làm việc tại Hà Nội và đã đóng góp không ít cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Hà Nội.

Hôm nay tôi viết thư này, không có mục đích gì khác ngoài việc khuyên ông nên suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ một lần nữa, việc xử lý sự vụ xảy ra ở Đồng Tâm, để trước hết là bảo vệ sự ổn định an ninh xã hội của chính quyền Hà Nôi, mà ông là người đứng đầu, thứ nữa là bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân ở thôn Hoành, Đồng Tâm, và cao hơn tất cả là bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý mà tất cả mọi người đều phải tuân theo, bởi vì đó là nguyên tắc mà ông Trời sẽ thưởng phạt khen chê phân minh.

Thưa ông,

Khi nghe tin xảy ra đụng độ ở Đồng Tâm cách đây 3 tháng, có thể dẫn đến hậu quả xấu, tôi hết sức lo lắng.

Mấy hôm sau, tôi lại nhận được tin ông Chủ tịch đã về tận Đồng Tâm, giải tỏa mối xung đột đó và ra lệnh sẽ cho thanh tra toàn diện trong thời gian hai tháng, làm tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng đến hôm nay,Thanh tra đã chính thức có kết luận và tôi thật sự thất vọng, nên không thể không có đôi điều lo ngại muốn nói với ông.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi biết nông dân vốn hiền lành chất phác, tuy ít học, nhưng không vì thế mà người khác được quyền coi thường họ, để lừa họ, nhất là ở những làng quê sát nách Trung tâm Ba Đình, Hà Nội, như thôn Hoành, lại có những đảng viên CS lão thành đáng kính như cụ Kình và trong thời buổi hiện nay, chưa nói đến trình độ thông tin đã phát triển khi ở làng quê thôn xóm nào cũng có khá nhiều điện thoại thông minh (smartphone) để người ta có thể định vị bất kỳ một địa điểm nào được nhắc đến.

Điểm mấu chốt của vấn đề tranh chấp mà bản kết luận thanh tra nhắc đến là sân bay Miếu Môn, một vùng đất hình chữ nhật chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam từ huyện Chương Mỹ xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… thì kết thúc.

Là một người rất có kinh nghiệm trong quy hoạch và đọc bản đồ, tôi nhận thấy bản kết luận thanh tra cố tình nói loanh quanh làm rối trí người đọc và cố “nhét” được cánh đồng Sênh vào diện tích sân bay một cách gượng ép và vô lối.

Xin hỏi ông, tại sao sân bay Miếu Môn được quy hoạch từ năm 1981 trên khu đất có diện tích hơn 236 ha là một hình chữ nhật chạy dài theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phần lớn nằm trên huyện Chương Mỹ, xuống đến xã Đồng Tâm thì kết thúc?

Nhìn trên bản đồ Google, chúng tôi thấy hình địa phận sân bay được thể hiện rất rõ, nhưng tại sao kết luận của Thanh tra lại nói bừa rằng đất cánh đồng Sênh là đất sân bay? Và nếu thế thì ranh giới sân bay tự nhiên nở to và quay ngang, trông giống như lưỡi rìu bổ củi?

Thưa ông Chủ tịch,

Nếu ông tin kết luận thanh tra là đúng thì xin ông đề nghị Thanh tra trình ra hình vẽ nào, văn bản nào và vì lý do nào sân bay lại có hình thể quái quỷ thế?

Bởi vậy, thưa ông Chủ tịch, một sự bất tín là vạn sự bất tin, xin ông hãy cho kiểm tra ngay lối làm việc tắc trách, coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá trong kết luận thanh tra vừa rồi của đoàn thanh tra dưới quyền ông. Hoặc bằng không, điều gì sẽ xảy ra tôi không dám nói trước.

Nói đến đây tôi không thể không nhắc đến một chuyện tệ hại khác đã từng xảy ra làm xấu mặt UBND TP Hà Nội.

Xin kể tóm tắt:

Tháng 6.2008, Thành phố Hà Nội cấp phép cho khách sạn 4 sao NOVOTEL ON THE PARK được khởi công xây dựng trên diện tích 1ha tại Công viên Thống Nhất, thì dư luận bắt đầu nổi lên phản đối.

Riêng tôi đã bỏ ra 6 tháng để tìm hiểu kỹ lưỡng và viết một bức thư cho chủ đầu tư, khuyên họ nên rút lui và trước khi gửi đi, tôi đã gửi đến UBND Hà Nội, cảnh báo ông Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo nghiên cứu xem xét…

Thế rồi ngày 9/2/2009 thì bức thư của tôi đã được đăng công khai trên Vietnamnet và bản tiếng Anh được một bạn Kiến trúc sư người Mỹ gửi tới chủ đầu tư là Tập đoàn Accor Châu Á – Thái Bình Dương và SIH Investment Ltd có trụ sở tại Singapore.

Ngay lập tức, ngày 13/2 Hà Nội tổ chức họp báo, tuyên bố hai điều hệ trọng:

1- Ông phó TGĐ công ty Du lịch Hà Nội công bố, đây là công trình đền ơn đáp nghĩa với nhân dân Thụy Điển, vì Thụy Điển là nước đi đầu đã giúp VN trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Công ty Du lịch Hà Nôi được dùng 1ha đất công viên để “góp vốn” trong dự án tình nghĩa này.

2- Ông Phó văn phòng UBND giải thích thêm: Về địa điểm đã được bàn thảo kỹ từ năm 1990, đến năm 1996 thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý, cho phép xây dựng trong công viên Thống nhất.

3- Cuối cùng đại diện UBND Hà Nội tuyên bố “Vẫn cho phép Dự án khách sạn được triển khai. Đề nghị các báo không được tiếp tục”.

Thế là các báo bị “bịt miệng”.

Nhưng làn sóng sôi nổi phản biện của giới trí thức vẫn tiếp tục.

Mấy ngày sau tại phòng tiếp khách của ông KTS Nguyễn Thế Thảo, GS KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị và Xây dựng VN đưa cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bản sao công văn của văn phòng TTg viết ngày 12/6/1996, truyền đạt lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng khách sạn phải chuyển đi nơi khác và mấy ngày sau nữa, ngài Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Berman gửi công văn đến UBND Hà Nội thông báo hãng Hàng không Bắc Âu – SAS mà Thụy Điển có góp vốn trước đây, không có một chút liên quan gì đến dự án xây khách sạn tại Hà Nôi.

Vậy ra công văn của Thủ tướng gửi cho Hà Nội thì không lưu trữ đước, mà nơi khác đã lưu hộ?

Hài hước hơn nữa, ông Phó TGĐ du lịch Hà Nội lâu nay cứ tưởng Công ty du lịch Hà Nội góp 1ha đất công viên để  liên doanh với Thụy Điển, hóa ra họ liên doanh với đối tác với khác?

Cuối cùng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn tai tiếng này phải dừng thi công, cho dù đã có lúc họ đòi Hà Nội đền bù cho họ họ 64 triệu USD vì cái gọi là “Chi phí cơ hội”.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi không rõ 8 năm trước đây thì ông đang làm gì? Ở đâu? Nhưng tôi thì biết chắc chắn rằng ông Luật sư Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch Mỹ Đức hiện nay, lúc đó đang là người cận kề với ông KTS Nguyễn Thế Thảo, là người biết rất rõ chuyện này?

Tôi thành thật khuyên ông nên bàn bạc với ông Hoạt cách xử lý việc Đồng Tâm cho tốt để khỏi hối tiếc.

Nếu 8 năm trước, lớp trí thức chúng tôi đã kiên nhẫn làm rõ sự thật rồi cho qua, mà không chấp nhặt những thói xấu của những kẻ ngoan cố, thì với nông dân hôm nay, họ không chịu đựng sự áp đảo vô lý và sẽ không lịch sự tha thứ đâu.

Kính ông.

T.T.V.

N.Đ.Q.

Tác giả gửi BVN

Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/53191

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn