Khi thủ tướng đi làm nghề quảng cáo

Minh Châu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hết lời ngợi ca khi tới dự lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Cát Hải (Hải Phòng) của doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Trước đó, thủ tướng cũng tham dự một sự kiện cộng đồng của Tập đoàn điện tử Asanzo.

Hôm 21-6, báo Tuổi Trẻ bắt đầu loạt bài viết và phóng sự truyền hình về chuyện nhiều sản phẩm của Asanzo thật ra đều là hàng của Trung Quốc.
Chiều 23-6, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo, đã có buổi gặp gỡ trao đổi với một số báo chí ngay tại nhà máy của doanh nghiệp đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) về vấn đề này.
Ông Tam giải thích có 3 bộ phận quan trọng trong chiếc ti vi là màn hình tấm panel LCD, màn hình LCD và bo mạch đều được Asanzo mua từ Trung Quốc, nhưng ông Tam vẫn khẳng định chiếc ti vi Asanzo là thương hiệu Việt và trực tiếp thực hiện các công đoạn lắp ráp ti vi ngay tại chuyền 1 nhà xưởng trong vòng 15 phút trước sự chứng kiến của báo chí.
Ngoài linh kiện nhập khẩu đến 70 - 80%, chúng tôi phải sử dụng một số linh kiện được cung cấp tại Việt Nam. Đặc biệt, giá trị cốt lõi của chiếc ti vi là hệ điều hành, phần mềm của ti vi và thiết kế mẫu mã phải được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của công ty. Ti vi Asanzo chạy hệ điều hành Android mà Trung Quốc không sử dụng hệ điều hành này. Với những điều đó, chúng tôi tự tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật là có căn cứ, phù hợp thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam”, ông Tam nói.
Một lập luận tương tự ông chủ của Asanzo cũng được ông trùm của Vingroup đưa ra với sự tán thưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 14-6: “VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ…. Với năng lực tự dập các tấm lớn (hơn 20 tấm cơ bản cho mỗi xe); và khả năng gia công, sản xuất động cơ tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của châu Âu - VinFast đã khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập”. (Trích Thông cáo báo chí).
Trong Luật Quảng cáo có điều 8 nêu về những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, theo đó ở khoản 9 ghi: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Như vậy, trường hợp của Asanzo là dù sản phẩm của họ tương tự sản phẩm điện tử gia dụng của Kangaroo, Sunhouse… nhưng các sản phẩm này đều ghi xuất xứ Trung Quốc, còn Asanzo thì nói rằng mình là hàng Việt.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng khôn ngoan hơn khi sử dụng tên gọi “dự án sản xuất ô tô xe máy mang thương hiệu Việt - VinFast”, qua đó được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất trong lãnh vực phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Các bất động sản liên quan dành cho chuyện này như nhà xưởng, trạm bảo hành… của Vingroup cũng được hưởng những ưu đãi liên quan về thuế, tiền sử dụng đất.
Trong khi đó thì mặc dù ông chủ của Công ty Trường Hải đầu tư hẳn khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai với 32 công ty, đơn vị trực thuộc, bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí thì vẫn được xem là ‘gia công - lắp ráp’.
Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia về thương hiệu, trường hợp những sản phẩm mà linh kiện chủ yếu nhập khẩu thì chưa thể gọi là sản xuất tại Việt Nam, mà mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp. Thế nhưng muốn minh bạch rõ ràng, nhất thiết phải có bộ tiêu chí định nghĩa thế nào gọi là hàng Việt phù hợp với các điều ước về sở hữu trí tuệ. Điều này đến nay vẫn chưa có.
Thông thường, người ta hiểu nôm na gọi là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đó phải được dựng lên từ quốc gia đó. Kiểu như sinh ra đứa con phải có hình hài, tâm hồn, tính cách. Còn lại sữa để nuôi con, áo quần cho con mặc… có thể sử dụng mua từ quốc gia khác. Thế nên định nghĩa là hàng gì phải bắt đầu từ 3 yếu tố nói trên”, giảng viên môn ‘Makerting’ của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - ông Vũ Quốc Chinh diễn giải và cho rằng thương hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện hàng gắn mác xuất xứ quốc gia đó.
Trước mắt, có lẽ để sòng phẳng trong chuyện ‘makerting’/ tiếp thị, quảng bá thương hiệu, sản phẩm…, những chính khách ‘chóp bu’ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng nên biết từ chối những lời mời mọc ‘cắt băng khai trương, khánh thành’ của doanh nghiệp.

D:\Downloads\BVN\26-6\Thủ tướng trải nghiệm ô tô VinFast do Chủ tịch Vượng cầm lái.jpg

Thủ tướng trải nghiệm ô tô VinFast do Chủ tịch Vượng cầm lái

Tấm hình kèm chú thích “Thủ tướng trải nghiệm ô tô VinFast do Chủ tịch Vượng cầm lái” rõ ràng là một ‘lobby’ lộ liễu không chỉ chuyện xe hơi, mà còn ẩn nhiều điều khác nữa, kể cả hơi hướm chính trị, khi em ruột của ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú Phạm Nhật Vũ đang vòng lao lý.
M.C.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn