Về những vị đại biểu quyết… không biểu quyết

Nguyễn Hiền

“Không biểu quyết” mang tính chất biểu hiện không rõ ràng, nó không cho thấy vị đại biểu kia đang nghĩ gì hoặc thể hiện chính kiến như thế nào, nó chỉ cho thấy sự vô dụng và bất lực của những đại biểu – vốn được “Đảng cử” là chính, dân bầu là phụ. Nó thể hiện sự vô trách nhiệm trong vai trò và vị trí của một người đại diện cho cử tri.

Vừa qua, Quốc Hội Việt Nam thảo luận và thông qua hàng loạt luật quan trọng, chi phối các khía cạnh đời sống quốc gia.

Bỏ qua những màn tranh tụng, điều có thể thấy là hầu hết các lần biểu quyết thông qua sẽ có những đại biểu không biểu quyết.

Luật Quản lý thuế sửa đổi có 4 đại biểu không biểu quyết, Luật Phòng, chống tham nhũng có 17 đại biểu không biểu quyết; Luật quốc phòng có 1 đại biểu không biểu quyết, Luật an ninh mạng có 15 đại biểu không biểu quyết và mới nhất, vào sáng ngày 14.6 đã có 18 vị đại biểu không biểu quyết thông qua quy định “đã uống rượu, bia là không lái xe”.

Câu chuyện “không biểu quyết” tưởng chừng như thể hiện quyền tự do ý chí của đại biểu nhưng thực ra lại không hề đơn giản. Bởi khi một cá nhân mang chức danh Đại biểu quốc hội, ông (bà) ta phải đứng về phía tâm lý và nguyện vọng của cử tri. Hoặc ông (bà) ta đồng ý với điều đó, hoặc là không.

“Không biểu quyết” mang tính chất biểu hiện không rõ ràng, nó không cho thấy vị đại biểu kia đang nghĩ gì hoặc thể hiện chính kiến như thế nào, nó chỉ cho thấy sự vô dụng và bất lực của những đại biểu – vốn được “Đảng cử” là chính, dân bầu là phụ. Nó thể hiện sự vô trách nhiệm trong vai trò và vị trí của một người đại diện cho cử tri.

Vào tháng 6.2018, trước câu hỏi liên quan đến việc Quốc Hội có thể công bố danh tính của những đại biểu đồng ý, không đồng ý thông qua Luật an ninh mạng không, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong biểu quyết của Quốc hội Việt Nam hiện nay thực hiện theo hình thức công khai kết quả, nhưng không công khai danh tính trên bảng điện tử.

Nếu trên cơ sở của nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì quan điểm của ông Nguyễn Hạnh Phúc hoàn toàn sai. Vì thứ nhất, ĐBQH dù “Đảng cử”, nhưng người dân vẫn phải bầu, nó mang tính chất trao quyền lực nhà nước và sự kỳ vọng của người dân vào chính con người đại diện của mình. Bên cạnh đó, một ĐBQH phải thể hiện rõ ràng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, và cử tri cũng cần biết, nếu họ không thể đủ năng lực để tranh tụng công khai, thì họ làm gì ở hội trường Quốc Hội với lá phiếu quyền lực trong tay. Thế nhưng đòi hỏi đó đã bị chối từ, vì nhiều cách giải thích quan quyền khác nhau.

Quay trở lại vấn đề, vì biểu quyết mang tính chính kiến, nên một cử tri sẽ thấy trọng vọng với một đại biểu tán thành hoặc không tán thành, bởi ít nhất nó cho thấy cử tri đó cũng đã làm được cái thao tác thể hiện họ là ĐBQH chứ không phải thường dân. Còn “không biểu quyết” thì nghĩa là gì, tại sao không biểu quyết, vì lý do gì mà những đại biểu dám tước đi quyền lực Nhà nước mà người dân trao cho họ, và tại sao họ lại thoái thác trách nhiệm mà cử tri trao cho đó. Không chỉ là Luật về an ninh mạng, mà ngay cả những luật liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội như Luật Phòng chống tác hại rượu bia với quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”, được kỳ vọng như một biện pháp ngăn chặn những ma men lái xe, xóa sổ nhiều gia đình trong thời gian vừa qua lại xuất hiện những vị đại biểu… không biểu quyết.

Liệu đây có phải là truyền thống đùn đẩy, chối bỏ vai trò trách nhiệm đại biểu cử tri do nhân dân giao phó?.

Nếu Quốc Hội không công khai danh tính người tán thành hay phản đối, thì hãy công khai ngay lập tức danh tính những người không biểu quyết, để thông qua đó, người dân có thể tranh tụng hoặc chất vấn vị đại biểu đó về vai trò và trách nhiệm của họ trong thực hiện lá phiếu cử tri của mình. Trên hết, việc không biểu quyết cho thấy tư cách vô dụng của vị đại biểu đó, và yếu tố này là thứ mà cử tri không cần.

Khi Quốc Hội không chịu công khai danh tính những đại biểu bỏ phiếu, không bỏ phiếu thì Quốc Hội đã nợ người dân sự minh bạch. Khi ĐBQH không biểu quyết, thì ĐBQH đó đã nợ người dân một trách nhiệm. Cả hai biến hình thức công khai bỏ phiếu trở thành một thứ phế phẩm về bỏ phiếu, bằng cách kín hóa tính danh đại biểu, trong khi các chỉ số lần lượt hiển thị trên màn hình. Nó tạo ra sự nghi ngờ, liệu con số khi thông qua ngân sách hay các văn bản luật, có hợp lệ hay không?.

Tại Mỹ, đất nước mà nền dân chủ vẫn chưa phải là hình mẫu cho mọi quốc gia, thì tính dân trị của nước này thể hiện rõ ràng ngay trong cách thức thể hiện và giám sát cách thức thể hiện quyền lực của những đại diện cử tri, với công nghệ đếm tay nhằm đảm bảo sự minh bạch, dân chủ. Trong khi đó, với nút bấm hàng tỷ bạc, những vị đại biểu ở Việt Nam tha hồ bấm theo sở thích, thói quen, dẫn đến lười suy nghĩ, thậm chí có thể dẫn đến sự vận động hành lang của các doanh nghiệp mà không ít người đặt ra.

Để Quốc Hội trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do Nhân dân bầu ra, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân,… thì trước hết phải xóa sổ những ĐBQH không biểu quyết. Bởi người dân không thể tốn chi phí để những vị đại biểu đó ngồi đó, và không làm gì cả. Để từ đó, đi dần đến xóa sổ hình thức biểu quyết bằng nút bấm, quay trở lại hình thức đếm tay như một cách thể hiện trách nhiệm, minh bạch, chính kiến và sự dân chủ.

N.H.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn