Hà Nội gián tiếp phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Trọng Thành

Ảnh minh họa: Một tàu tuần duyên của Trung Quốc phun nước vào một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực gần Hoàng Sa ngày 04/05/2014. Ảnh : Reuters

Hôm qua, 16/07/2019, sau nhiều ngày im lặng kể từ khi truyền thông quốc tế loan tin về các vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam gần quần đảo Trường Sa đầu tháng này, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng. Trả lời báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ trương «kiên quyết» và «kiên trì đấu tranh» với các hành vi xâm phạm chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc tế.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hẳng nhấn mạnh là «Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao còn khẳng định: "Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam".

Thông báo nói trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao tại một số khu vực phía nam Biển Đông, khi nhiều tàu tuần duyên và thăm dò Trung Quốc tiến sát các khu vực khai thác dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Hãng thông tấn Anh Reuters, dẫn nguồn tin từ hai trung tâm nghiên cứu Mỹ, Center for Strategic and International Studies (CSIS) và Center for Advanced Defense Studies (C4ADS), cho biết đối đầu đã xảy ra tại hai địa điểm.

Thứ nhất là một trong các lô dầu khí, thuộc khu Cá Rồng Đỏ, do tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Repsol đầu thầu, nhưng phải rời đi hồi 2017, do áp lực của Bắc Kinh. Một tàu thăm dò địa chất Trung Quốc (Haiyang Dizhi 8 / Hải Dương Địa Chất 8), được ba tàu tuần duyên hộ tống, đã bị chín tàu phía Việt Nam theo sát. Tàu địa chất Trung Quốc vừa kết thúc đợt hoạt động 12 ngày tại địa điểm này vào ngày 15/07.

Lô dầu khí 6.01, do tập đoàn Nhà nước Nga Rosneft khai thác, cách bờ biển đông nam Việt Nam khoảng 230 hải lý (370 km) là điểm đối đầu thứ hai. Một tàu tuần duyên Trung Quốc (Haijing 35111 / Hải Cảnh 35111) đã áp sát nhiều tàu Việt Nam đang làm việc tại một dàn khoan dầu của Nhật Bản liên doanh với tập đoàn Nga, với cự ly khoảng 100 mét, cách dàn khoan chưa đầy nửa hải lý, theo CSIS. Hôm nay, hiện không rõ, còn có tàu thuyền nào của Trung Quốc thách thức các hoạt động của Rosneft tại vùng biển này hay không.

Công luận đặc biệt chú ý đến việc các cuộc đối đầu giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc xảy ra gần như cùng lúc với chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Lê Thị Kim Ngân (từ ngày 08 đến 12/07).

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190717-ha-noi-gian-tiep-phan-doi-tau-trung-quoc-xam-pham-chu-quyen-viet-nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn